Độc giả trong nước nhìn về “Lịch sử 33 năm cuối của Champa” Print
Written by Ja Karo, độc giả trong nước   
Thursday, 22 August 2013 08:22
10
Pgs. Ts. Po Dharma

Ja Karo là độc giả trong nước đã từng viết nhiều bài quan điểm và nhận định về xã hội Chăm được đăng tải trên Web Champaka.info. Ja Karo cũng là người đã giúp đọc bản thảo của tác phẩm “Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa” do Ts. Po Dharma thực hiện. Theo Ja Karo, đây là trang sử bi thương của thần dân Champa dưới lưỡi gươm truy sát đến tận cùng của chính sách Minh Mệnh. Đối với người Chăm, sự kiện này không phải là mới mẽ vì họ đã từng nghe qua

 lời kể của ông, bà và được truyền nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác ở trong các làng Chăm. Nhưng đây là tác phẩm chính danh đầu tiên mô tả lại những bi thảm của người Chăm cũng như những thần dân Champa và điều này gây nên nỗi xót xa lẫn thương cảm ngậm ngùi cho số phận hẩm hiu của dân tộc bị mất nước. Đó là những lời nhận xét về tác phẩm của Ts. Po Dharma mà Ja Karo đã phân tích trong bài viết sau đây:

 

MỘT VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC TÁC PHẨM

“LỊCH SỬ 33 NĂM CUỐI CÙNG CỦA VƯƠNG QUỐC CHAMPA”

Ja Karo

(độc giả trong nước)

 

Tôi rất làm vinh dự là một trong những người được đọc và góp ý bản thảo tác phẩm “Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa” của tác giả PGS.TS. Po Dharma.

 

Bản thảo có 272 trang, gồm 6 chương, lời mở đầu, nguồn tư liệu, chú thích, kết luận và phụ lục. Tôi rất ấn tượng về nguồn tư liệu mà tác giả đã sử dụng trong quá trình tra cứu, trích dẫn làm minh chứng thuyết phục và đáng tin cậy cho những sự kiện và nội dung được trình bày trong tác phẩm. Đó là hàng trăm tài liệu từ các nguồn biên niên sử Chăm, ký sự Chăm, biên niên sử Việt Nam, tài liệu Hoàng gia Champa,…Điều này thể hiện sự làm việc nghiêm túc, khoa học và bền bỉ của tác giả.

 

Về tổng thể tác phẩm, với giá trị về lịch sử và văn hóa qua việc mô tả và làm sáng tỏ thêm những biến cố chính trị trong 33 năm cuối cùng của Panduranga-Champa, cụ thể như:

 

Champa dưới triều đại Po Saong Nyung Ceng (1779-1822)

Champa dưới triều đại Po Klan Thu (1822-1828)

Champa dưới triều đại Po Phauk The (1828-1832)

Minh Mệnh trừng phạt dân tộc Champa (1832-1833)

Phong trào Hồi Giáo của Katip Sumat (1833-1834)

Cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa (1834-1835)

 

Với kết cấu và bố cục các sự kiện lịch sử theo thời gian, người đọc dễ dàng theo dõi những biến cố chính trị và lịch sử diễn ra từ năm 1802 đến 1835 của Panduranga-Champa một cách trình tự và lôgic. Mốc lịch sử được tác giả lựa chọn gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng, đó là năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và cho tái lập lại cơ chế độc lập của Panduranga-Champa mà đã bị xóa tên trong thời gian giao tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh trước đó. Điều này đã cho thấy, dù Champa đã trải qua gần 10 thế kỷ chiến tranh tương tàn và dù bị Việt Nam lấn chiếm trước đó, nhưng quy chế độc lập dành cho Champa luôn được thiết lập và tái lập trong cơ chế quản trị hành chính quốc gia của Việt Nam.

 

Một điểm khác cũng đáng lưu ý trong tác phẩm này là tác giả đã nghiên cứu và mô tả lại lịch sử Panduranga-Champa trong 10 năm từ 1822-1832 với những bi kịch của xã hội dằng co khốc liệt thời đó khi các vị Vua Champa bị khống chế quyền lực bởi nhà Nguyễn và những cuộc khởi nghĩa oai hùng của các thần dân Champa như phong trào Hồi Giáo của Katip Sumat (1833-1834) và cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa (1834-1835). Trong khi đó các biên niên sử trước đây thường kết thúc lịch sử Champa vào năm 1822 với đời vua cuối cùng là Po Saong Nhung Ceng. Qua đó đã cho thấy chính sách quyết tâm đồng hóa của nhà Nguyễn với Panduranga-Champa và sự cố gắng bền bỉ để bảo vệ vương quốc Champa như một quốc gia có chủ quyền trong điều kiện vô cùng khó khăn.

 

Tác phẩm cũng đã để lại dấu ấn sâu sắc khi mô tả lại những trang sử bi thương của thần dân Champa dưới lưỡi gươm truy sát đến tận cùng của Chính sách Minh Mệnh. Đối với người Chăm sự kiện này không phải là mới mẽ vì họ đã từng nghe qua lời kể của ông, bà và được truyền nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác hay được đọc trong “sakkarai dak rai patao” ở trong các làng Chăm. Nhưng đây là tác phẩm chính danh đầu tiên mô tả lại những bi thảm của người Chăm cũng như những thần dân Champa và điều này gây nên nỗi xót xa lẫn thương cảm ngậm ngùi cho số phận hẩm hiu của dân tộc bị mất nước.

 

a1 bia dau
Bìa của tác phẩm

 

Đoạn viết mô tả về cuộc trừng phạt người Chăm của Vua Minh Mệnh do tội theo Lê Văn Duyệt: “(…) Khởi đầu cho cuộc trừng phạt, Minh Mệnh ra lệnh cách chức và bắt giam tất cả quan lại Champa ; tịch thu tất cả tài sản của họ và sau đó đưa vào gông cùm để tra tấn; buộc người Chăm phải khai báo những gì liên quan đến phong tục tập quán của vương quốc này ; ra lệnh trừng phạt chức sắc Chăm bằng cách bắt buộc các vị tu sĩ Chăm Bani (Hồi Giáo) phải ăn thịt heo, thịt dông và tu sĩ Chăm Bà La Môn phải ăn thịt bò” đã cho thấy sự xúc phạm đến tín ngưỡng và tôn giáo người Chăm một cách thái quá và độc ác của Nhà Nguyễn khi đối xử với người Chăm ngay tại quê hương của họ nơi mà vương quốc Champa đã từng khai hoang lập địa và đã có một thời vàng son trước đó.

 

Tác phẩm còn là cơ sở để đánh giá lại và đưa ra những phán xét về những đóng góp hay sai lầm của các vị Vua của tiểu ban Panduranga-Champa. Ngoài ra đây cũng là tài liệu quý để góp phần khẳng định về quyền bản địa dành cho dân tộc Chăm cũng như các sắc dân Champa. Chính sách bản địa dành cho dân tộc Chăm và Tây Nguyên không phải là mới mà đã có từ các triều đại phong kiến Việt Nam áp dụng và kéo dài cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa.

 

Lịch sử 33 năm bi thương cuối cùng của Champa đã lùi sâu vào quá khứ, nay được tái hiện trong tác phẩm này không phải để khêu gợi nỗi đau mất nước của dân tộc Chăm, hay mối hận thù giữa hai dân tộc Chăm-Kinh mà để nhắc nhở mọi người dù Kinh hay Chăm phải tôn trọng sự thật và không được quên lịch sử và cội nguồn.

 

Các biến cố chính trị về chính sách đồng hóa người Chăm của các triều Nguyễn và đặc biệt là sự trừng phạt, giết hại người Chăm trong triều vua Minh Mạng là sự thật. Do “bên thắng cuộc” không muốn thông tin biến cố lịch sử này rộng rãi do nhiều lý do về chính trị nên tác phẩm này thật sự hữu ích cho những ai trong và ngoài nước muốn tìm hiểu, nghiên cứu sự thật lịch sử vì tất cả các sự kiện đều có cung cấp nguồn tư liệu gốc rõ ràng. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ Chăm ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Mã Lai,…thường được nghe kể lại về những biến cố lịch sử này từ ông bà, cha mẹ, nay sẽ được đọc và tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử trong một tác phẩm sách được công bố công khai.

 

vua-minhmang tranhtl
Minh Mệnh, vị vua độc ác nhất đối với dân tộc Chăm

 

Với người Chăm, mong rằng thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nhận tác phẩm trên để hiểu biết lịch sử về dân tộc mình, ra sức học tập và rèn luyện để có đủ khả năng nhận thức và đánh giá đúng những sự kiện trong xã hội Chăm ở quá khứ, hiện tại và những dự đoán trong tương lai. Từ đó, đoàn kết nhau, cố gắng gìn giữ những nét đẹp truyền thống và giá trị văn hóa của cha ông để lại để phát triển cộng đồng. Với người Kinh, mong rằng thế hệ hôm nay có cách nhìn trung thực hơn về lịch sử, phán xét đúng hơn về những gì mà cha ông họ đã từng làm để hủy diệt một vương quốc láng giềng vì phong trào “Nam tiến” để từ đó có trách nhiệm và công bằng hơn trong công tác hòa giải dân tộc và cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển.

 

Những bài viết của Ja Karo:

 

Sự khác biệt giữa đền Po Sah Anaih và đền Po Sah Ina 

Hồi chuông báo động về hiện trạng tháp Nhạn ở Phú Yên 

Vấn đề chiếm đất người Chăm : Miếu Trường Thạnh, Bình Thuận

Vấn đề chiếm đất người Chăm: IV. Đàn Tiên Nông, quyết định QĐ-UBND bất chấp dư luận 

Vấn đề chiếm đất người Chăm: III. Xây dựng Đàn Tiên Nông ở Bắc Bình

Trao đổi với tác giả Inrasara về bức thư Thành Đài

Vấn đề chiếm đất người Chăm: II. Miếu Tiên Nông, huyện Bắc Bình

Hội luận Champa II: Cảm tưởng thư từ quê nhà

Trả lời thư: “Vài lời góp ý với Po Dharma trước ngày hội luận” 

Hội luận Champa II: Xây dựng ý thức đoàn kết trong cộng đồng Chăm 

Hội luận Champa II: Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Champa 

Thư độc giả: Vấn đề chế tạo từ vựng mới trong tiếng Chăm