Phái đoàn Champa tham gia Forum của Liên Hiệp Quốc 2010 Print
Written by Từ Công Nhường   
Sunday, 05 February 2012 01:06
un 2010-1
Phái đoàn IOC-Champa

"Dân Tộc Thiểu Số Và Sự Tham Gia Tích Cực Vào Ðời Sống Kinh Tế" tổ chức bởi Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 14, 15 tháng 12 năm 2010 tại Geneva , Thụy Sĩ


Bản tường trình

 Hội nghị lần thứ 3 về vấn đề dân tộc thiểu số do Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 12 năm 2010 tại Geneva là diễn đàn quốc tế nhằm đi tìm những phương hướng thiết thực để giải quyết vấn đề kinh tế của dân tộc thiểu số trên thế giới.

Ðứng trước tình trạng nghèo khó của dân tộc Chăm hôm nay, tổ chức IOC-Champa dựa vào quyền mà Liên Hiệp Quốc cho phép trong Hội Nghị, đã đưa vấn đề kinh tế của dân tộc Chăm ra trình bày trước diễn đàn quốc tế, có sự hiện diện của phái đoàn đại diện cho chính quyền Việt Nam.

Phái đoàn IOC-Champa tham gia Hội Nghị gồm có 5 thành viên: Musa Porome, Hassan Poklaun, Po Dharma, Tài Ðại An và Từ công Nhường, đặt dưới quyền hướng dẫn của Musa Po Rome, chủ tịch của tổ chức này.


1). Hội Luận Khoáng Ðại

Theo chương trình đã đề ra, Hội Nghị lần thứ 3 về vấn đề dân tộc thiểu số sẽ khai mạc vào ngày 14-12-2010. Chính vì thế, các đại biểu IOC chuẩn bị đến Paris vào ngày 12-12-2010 sau đó sang Gevena bằng xe lửa tốc hành.

Vào ngày 9-12-2010, tức là hai ngày trước khi máy bay cất cánh từ Los Angels (Hoa Kỳ) sang Âu Châu, IOC-Champa nhận được email khẩn cấp của LHQ từ Geneva đề nghị rằng phái đoàn IOC-Champa nên có mặt trong buổi Hội Luận Khoáng Ðại vào ngày 13 tháng 12 để chuẩn bị cho ngày khai mạc chính thức của Hội Nghị vào ngày 14-12-2010. Thế là phái đoàn IOC phải tìm mọi cách để sang Geveva cho bằng được hầu tham gia phiên Hội Luận Khoáng Ðại vào ngày 13-12-2010.

Cuộc Hội Luận Khoáng Ðại này chỉ tập trung vào khoảng 50 hội đoàn, trong đó có IOC-Champa đã diễn ra tại phòng XXV, trang bị những máy móc tối tân để nghe phiên dịch trực tiếp bốn thứ tiếng thông dụng trên thế giới : Anh, Pháp, Trung Hoa và Tây Ban Nha.

Mở màn cho phiên hội luận, ông Karim Ghezraoui, Ðặc Phái của Cao Ủy LHQ giới thiệu vị chủ tọa của Hội Nghị lần thứ 3 về vấn đề dân tộc thiểu số tại Geneva là Bà Gs. Ts. Gita Sen, một nhân vật đã từng nỗ lực mang tiếng nói của các dân tộc thiểu số trên thế giới lên diễn đàn của LHQ. Sau cùng, ông Karim Ghezraoui, giới thiệu bà Gay McGougall sẽ là người điều hành chương trình Hội Nghị này. Bà Gay McGougall là một luật sư đã từng bảo vệ tiếng nói của các dân tộc thiểu số trên thế giới đã hơn 35 năm qua.

Cuộc Hội Luận Khoáng Ðại ngày 13-12-2010 có mục tiêu nhằm đưa ra một số yếu tố liên quan đến thực trạng kinh tế của các dân tộc thiểu số trong đó sự giàu nghèo quá chênh lệch giữa dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, đã trở thành một vấn đề nổi cộm trên thế giới hôm nay.


2). Chương trình Hội Nghị

Hội Nghị lần thứ 3 về vấn đề dân tộc thiểu số khởi đầu vào ngày 14-12-2010 vào lúc 10 giờ sáng, tại hội trường lớn nhất của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, với phong cách trang trí rất là hiện đại nhưng rất trang nghiêm và đặt dưới quyền khai mạc của Ngài Sihasak Phuangketkeow, Ðại Sứ Thái Lan, Chủ Tịch Cao Ủy Nhân Quyền của LHQ.

Trong bài diễn văn, Ngài Sihasak Phuangketkeow nêu ra lý do của hội nghị về các dân tộc thiểu số trên thế giới, khuyến khích nên đặt vấn đề đời sống kinh tế của dân tộc ít người lên hàng đầu nhằm đưa dân tộc này cùng thăng tiến trong mọi lãnh vực và yêu cầu các quốc gia có trách nhiệm nên có những chương trình thiết thực hơn để giải quyết những vấn đề chênh lệch về mức sống quá rõ ràng giữa dân tộc thiểu số và dân tộc đa số trong các quốc gia thành viên của LHQ.

un 2010-2
Po Dharma, Tài Đại An, Hassan Poklaun, Musa Porone

Hội Nghị chính thức này kéo dài trong 2 ngày (14 và 15 tháng 12 năm 2010) tập trung 33 bài phát biểu của các vị Ðại Biểu đại diên cho quốc gia thành viên của LHQ, đại diện cho cơ quan dân sự của LHQ, đại diện cho trung tâm và viện nghiên cứu trên thế giới (gọi là chuyên gia độc lập) và đại diện cho một vài tổ chức phi chính phủ đã từng hoạt động bảo vệ cho quyền lợi của dân tộc thiểu số. Trong số 33 vị đại biểu này, có ông Ts. T. Bé, Phó Chủ Tịch của Hội Ðồng Ðặc Trách về Dân Tộc Thiểu Số, đại diện cho nhà nước Việt Nam.

Hội Nghị về dân tộc thiểu số tập trung 6 chủ đề quan trọng, đó là:

a). Quyền của dân tộc thiểu số trong chính sách phát triển kinh tế trong một quốc gia.

b). Vấn đề đất đai và quyền sở hữu của dân tộc thiểu số.

c). Công ăn việc làm và an ninh xã hội của dân tộc thiểu số.

d). Chính sách ưu đãi đặc biệt (affirmative action policy) đối với dân tộc thiểu số.

e). Sự tham gia tích cực của dân tộc thiểu số vào cuộc sống kinh tế.

f). Giải pháp cụ thể để giúp dân tộc thiểu số cùng thăng tiến.

Mỗi chủ đề thường tập trung 5 hay 6 bài phát biểu. Mỗi Ðại Biểu, dù là Ðại Sứ thường trực tại LHQ đi nữa, chỉ có 10 phút trên diễn đàn để trình bày quan điểm của họ. Tiếc rằng buổi chiều ngày 15-12-2010 chỉ còn 5 phút (vì thời gian không đủ), thành ra một số Ðại Biểu Châu Phi đứng ra phản đối.

Sau mỗi chủ đề của chương trình nghị sự là phần phát biểu 3 phút dành cho các Ðại Biểu đại diện cho tổ chức phi chính phủ, nhằm đưa ra quan điểm của mình.


3). Nội dung của Hội Nghị

Nội dung của Hội Nghị thường biểu tượng qua 3 quan điểm, đôi lúc đối chọi nhau.

a). Quan điểm của các Ðại Biểu đại diên cho nhà nước cầm quyền thường dựa vào những thành quả đã thực hiện nhằm biện minh cho chính sách khả thi của mình đối với dân tộc thiểu số.

b). Quan điểm của các Ðại Biểu đại diện cho cơ quan dân sự của LHQ và các chuyên gia độc và các tổ chức phi chính phủ có tiếng tăm, thường đi sâu vào vấn đề của dân tộc thiểu số hơn, mang tính cách tổng thể và khách quan hơn, nhưng phong cách lý luận và trình bày vẫn bị gò bó vào văn chương ngoại giao để né tránh những đụng độ trực tiếp với phái đoàn của các quốc gia thành viên có mặt trong hội trường.

c). Quan điểm của các tổ chức phi chính phủ, như IOC-Champa, là tiếng nói mang tính cách thời sự có liên hệ trực tiếp với cuộc sống khó khăn và thảm trạng xã hội mà dân tộc thiểu số đang gánh chịu hôm nay. Ðây là tiếng nói trung thực về những sự kiện đã xảy ra trong cuộc sống tại địa phương, nhìn qua lăng kính của người địa phương, thường mang nội dung trái ngược với quan điểm của các nhà cầm quyền.

Hầu hết những hội đoàn phi chính phủ trong Hội Nghị là những tổ chức của các dân tộc bản địa. IOC-Champa là một thí dụ điển hình. Một số đại biểu của tổ chức này là người nông dân thiểu số chất phát, sinh trưởng sống trong vùng xa vùng sâu, mặc cả đồng phục truyền thống và dùng cả tiếng mẹ đẻ của họ để trình bày những thực trạng của dân tộc mình. Có những lúc vì bị ấm ức quá độ, một số đại biểu này không ngần ngại gào thét lớn tiếng trong hội trường, nói liên tục không cần nghĩ đến 3 phút mà Hội Nghị dành cho họ đã chấm dứt, để rồi Bà Chủ Tọa phải lên tiếng yêu cầu họ dừng lại. Một số đại biểu khác bày tỏ những nỗi đau thương của họ qua bao lời nói ngâm ngùi, rơi nước mắt để van xin LHQ giúp đỡ họ ra khỏi cảnh khốn đốn trong cuộc sống hôm nay.

Tóm lại, Hội Nghị về dân tộc thiểu số là một diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa nhà cầm quyền và các hội đoàn phi chính phủ đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho dân tộc bản địa thì đúng hơn. Ðây cũng là dịp để dân tộc bản địa trình bày thực trạng xã hội của họ một cách trung thực mà không sợ chính quyền hăm dọa hay đàn áp họ.

Nội dung bài phát biểu của các hội đoàn phi chính phủ thường nêu ra một yếu tố chung đó là vấn đề bóc lột kinh tế đối với dân tộc thiểu số hiện đang diễn ra trên thế giới. Nhưng bài phát biểu đáng chú ý trên diễn dàn của Hội Nghị là vấn đề của dân tộc thiểu số sau đây:

 

- Dân tộc thiểu số ở nước Uganda , Châu Phi.

- Dân tộc thiểu số tại Lebanon.

- Dân tộc thiểu số Chăm tại Việt Nam qua tiếng nói của IOC-Champa.

- Sự áp bức của đàn bà tại Pakistan.

- Dân bản địa Balochistan tại Pakistan và Iran.

- Dân du mục tại Palestine dưới chính quyền quân phiệt của Israel.

- Dân Uyghur tại miền Tân Cương của Trung Quốc.

- Dân Kurd tại Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.


Vấn đề chênh lệch giàu nghèo và sự bóc lột kinh tế đối với dân tộc thiểu số là đề tài thường lập đi lập lại trên diễn đàn. Tuy nhiên vấn đề nổi cộm nhất là sự áp bức giữa con người với nhau, giữa dân tộc thiểu số và dân tộc đa số. Sự khủng hoảng này không nhất thiết phát xuất từ sự khác biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Vì rằng, thế giới hôm nay đang chứng kiến bao sự áp bức giữa những người cùng chung một màu gia và chủng tộc. Ðiển hình nhất là dân tộc Nigeria (Châu Phi), mặc dù cùng chung một chủng tộc, nhưng chia thành hai phe chống phá lẫn nhau. Người Nigeria theo Thiên Chúa Giáo vì số lượng quá ít, bị người dân Nigeria theo Hồi Giáo đa số đàn áp họ. Nhóm thiểu số người Ấn Ðộ theo Hồi Giáo cũng bị đàn áp bởi người Ấn Ðộ theo Bà La Môn Giáo là đa số. Thêm vào đó, sự áp bức giữa dân tộc đa số đối với dân tộc thiểu số mặc dù họ có chung một tôn giáo cũng thường xảy ra trên thế giới. Dân tộc Kurd là một tập thể thiểu có nguồn gốc lịch sử riêng bị dân Ả Rập đàn áp trong nước Iraq mặc dù họ là những người Hồi Giáo như nhau. Ngoài ra, thế giới còn chứng kiến thêm bao sự áp bức giữa phái nam đối với phái nữ nhất là đàn bà tại các nước Hồi Giáo.

Qua cuộc Hội Nghị này, người ta nhận thấy rằng vấn đề dân tộc thiểu số trên thế giới hôm nay không phải là sự chênh lệch về số lượng của một tập thể mà là sự chênh lệch về quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế giữa các nhóm người trong một xã hội. Nam Phi vốn là quốc gia mà 95% dân số là dân da đen, nhưng quyền lực chính trị vẫn nằm trong tay của nhóm người dân da trắng thiểu số trước thập niên 90.

Nói chung, sự nghèo đói của dân tộc thiểu số hôm nay có nguyên nhân phát xuất từ sự đàn áp, chia rẽ, bóc lột và phong cách thiếu nhạy cảm của giới cầm quyền đối với dân tộc thiểu số. Thêm vào đó, sự quan tâm của các nhà cầm quyền đối với dân tộc thiểu số thường mang tính cách nhất thời, thông qua vài dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho có hình thức, chứ không phải là chính sách ưu tiên hàng đầu dành cho dân tộc thiểu số, kèm theo một có ngân sách quốc gia rõ ràng, áp dụng chính sách này có hệ thống và kéo dài trong không gian và thời gian.

Chính sách giúp đỡ ưu tiên (affirmative action hay positive discrimination) cũng là một đề tài đáng chú ý trong Hội Nghị. Ðây là chính sách ưu đãi đặc biệt dành riêng cho dân tộc thiểu số hay một tập thể đang sống trong môi trường xã hội khó khăn. Chính sách này ra đời vào những năm 1969-1970 tại Hoa Kỳ, sau đó lan tràn sang Âu Châu và Á Châu nhằm giúp đỡ dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia vào mọi cơ cấu tổ chức của nhà nước từ trung ương đến địa phương; ưu đãi vào các khóa đào tạo chuyên ngành; ưu đãi vào các các trường đại học; ưu đãi về vấn đề kinh tế và công ăn việc làm, v.v. Tất cả những ưu đãi này chỉ nhằm giúp dân tộc thiểu số cùng thăng tiến để theo kịp đà phát triển với dân tộc đa số. Cụ thể là Mã Lai là một quốc gia điển hình đã áp dụng chính sách cho các dân tộc thiểu số của họ và dân tộc Chăm cũng đã hưởng chính sách này dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.


4). Khuyến cáo của IOC-Champa

Vào khoảng 4 giờ chiều ngày 15-12-2010, Musa Porome, trưởng phái đoàn IOC-Champa được mời lên diễn đàn để trình bay quan điểm của tổ chức IOC-Champa về thực trạng kinh tế dân tộc Chăm.

Trong bài phát biểu này, tổ chức IOC-Champa nhấn mạnh rằng, Việt Nam được xem như là một quốc gia đứng hàng đầu trên thế giới về chương trình xóa đói giảm nghèo. Mặc dù những thành tựu đáng kể đó, dân tộc Chăm hôm nay vẫn là một nhóm người thiểu số có cuộc sống rất cơ cực nằm dưới mức nghèo khổ. Trước những thực trạng kinh tế khó khăn này, IOC-Champa dựa vào quyền đại biểu của mình tại diễn đàn quốc tế mà Liên Hiệp Quốc đã cho phép, xin đã mạn phép đưa ra 5 khuyến cáo như sau:

1). Yêu cầu nhà nước Việt Nam tái thiết lại qui chế đặc biệt liên quan đến lãnh thổ dành riêng cho sự phát triển kinh tế của dân tộc Chăm (trước kia gọi là lãnh thổ của quận An Phước và Phan Rí Chàm), phù hợp với tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền Dân Tộc Bản Ðịa đã biểu quyết vào năm 2006.

2). Yêu cầu nhà nước Việt Nam thiết lập lại qui chế ưu đãi đặc biệt (affirmative action) nhằm giúp đỡ dân tộc Chăm có điều kiện tham gia vào mọi cơ cấu tổ chức của nhà nước từ trung ương đến hạ tầng cơ sở và nhất là được tuyển chọn ưu tiên vào các trường lớp chuyên ngành và các trường đại học tại Việt Nam hôm nay.

3). Yêu cầu nhà nước Việt Nam phải bồi thường một cách xứng đáng và công bằng những đất đai của dân tộc Chăm bị trưng dụng sau năm 1975.

4). Sự nghèo đói của dân tộc Chăm phát xuất từ 5 yếu tố sau đây: công ăn việc làm không ổn định, thiếu quyền bình đẳng, gặp phải bao sự khốn đốn, đối phó liên miên với nợ nần và nạn dịch chuyển dân số tại thôn quê. Chính vì thế, IOC-Champa đề nghị với nhà nước Việt Nam phải nên đưa vấn đề kinh tế của dân tộc Chăm nói riêng và dân tộc thiểu số nói chung thành một chính sách ưu tiên của quốc gia.

5). Ðề nghị với nhà nước Việt Nam nên đề ra những kế hoạch thực tiễn và cấp bách nhằm chống lại nạn cướp bóc tại nông thôn hầu giúp người Chăm có điều kiện để phát triển cuộc sống kinh tế của họ một cách dễ dàng hơn.


5). Kết luận của Hội Nghị

Với tư cách là chủ tọa của Hội Nghị lần thứ 3 về dân tộc thiểu số, Bà Gs. Ts. Gita Sen tuyên bố nói rằng sở dĩ có sự hiện diện của dân tộc thiểu số trong hội trường quốc tế hôm nay để trình bày một cách trung thực hoàn cảnh khốn đốn của họ với bao lời vừa thiết tha, ngậm ngùi và vừa phẫn nộ là vì các nhà cầm quyền của một số quốc gia không quan tâm đến yêu sách của họ, lúc nào cũng làm ngơ trước thái độ áp bức của dân đa số đối với dân tộc thiểu số. Bà ta còn nhấn mạnh rằng tự do ngôn luận là quyền thiêng liêng của con người. Hội trường LHQ tại Geneva là nơi mà dân tộc thiểu số có quyền trình bày tiếng nói của mình mà không bị đe dọa bởi bất cứ chính quyền nào. Ðây cũng là cơ hội nhằm giúp một số quốc gia ghi nhận thế nào là thực trạng bi đát của dân tộc thiểu số trên thế giới hôm nay.

un 2010-3
Phái đoàn IOC-Champa và bà luật sư Gay McGougall, người điều hành chương trình Forum

Bà Gs. Ts. Gita Sen còn nhấn mạnh rằng những bài phát biểu trong Hội Nghị sẽ được phân tích lại để đúc kết thành một bản thông cáo chung gọi là Khuyến Cáo của Hội Nghị về dân tộc thiểu số. Và Khuyến Cáo này sẽ được đưa ra biểu quyết trong Hội Nghị Thường Niên của Liên Hiệp Quốc tại New York.

Trước khi chấm dứt Hội Nghị, Bà Gs. Ts. Gita Sen kết luận rằng Khuyến Cáo của Hội Nghị về dân tộc thiểu số tại Geneva là một tư liệu quí giá mà các dân tộc thiểu số cần phải biết rõ nội dung của nó và nên dựa vào đó để đấu tranh yêu cầu các nhà cầm quyền phải tìm cách giải quyết vấn đề dân tộc thiểu số phù hợp với bản khuyến cáo này. Liên Hiệp Quốc là cơ quan đại diên diện cho các quốc gia thành viên không thể đem lại sư an vui cho dân tộc thiểu số nếu chính quyền của quốc gia đó không tôn trọng bản Khuyến Cáo này. Và Liên Hiệp Quốc cũng không thể nào giúp dân tộc thiểu số nếu họ không tiếp tay đấu tranh yêu cầu nhà nước của họ phải thực thi những chính sách phù hợp với bản Khuyến Cáo này.

Ðể giải quyết cho sự khó khăn đang diễn ra trước mắt, Bà Gs. Ts. Gita Sen kêu gọi các phái đoàn tham gia trong Hội Nghị nên phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp của dân tộc thiểu số nội dung Khuyến Cáo của Hội Nghị và yêu cầu các nhà cầm quyền của quốc gia thành viên của LHQ không nên dùng bạo lực để đàn áp dân tộc thiểu số có trong tay bản Tuyên Cáo của Hội Nghị này.
 

* *

 Hội Nghị về dân tộc thiểu số tại Geneva là diễn đàn quốc tế mà IOC-Champa dựa vào đó để trình bày trước Liên Hiệp Quốc biết rõ thế nào là thực trạng kinh tế của dân tộc Chăm và đưa ra 5 khuyến cáo yêu cầu nhà nước Việt Nam tìm ra những phương án thiết thực để giải quyết vấn đề của dân tộc Chăm, một tập thể thiểu số có cuộc sống dưới mức nghèo khổ trên thế giới hôm nay.

Ngoài mục tiêu nhằm yểm trợ và khuyến khích các chương trình nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa Champa, IOC bắt đầu bước sang một giai đoạn mới đó là tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế để bảo vệ quyền lợi của dân tộc Chăm. Ðây là một thành tựu đáng kể sau 20 năm vận động đấu tranh để bảo vệ sự sống còn của dân tộc Chăm trong thế kỷ thứ 21 này. Sự thành công này không phải là thành công của chỉ dành riêng cho Ban Chấp Hành IOC mà là công trình của tất cả các thành viên trong tổ chức đã từng hy sinh quá lớn lao từ tinh thần lẫn vật chất trong suốt 20 năm qua. Chính đó là sức mạnh của IOC mà lịch sử cận đại của Champa không thể bỏ quên được.

Ðối với IOC-Champa, đây là niềm tự hào và cũng là một chặng đường đấu tranh mới từ 20 năm qua. Tự hào là vì dân tộc Chăm quá nhỏ bé, tưởng đâu đã bị chôn vùi theo thời gian, nhưng lại có dịp mang tiếng nói của mình trước diễn đàn quốc tế để trình bày những thực trạng kinh tế khốn cùng mà họ đã gánh chịu gần một nữa thế kỷ qua. Thật khó diễn tả hết cảm giác trong không gian trang nghiêm và đầy ý nghĩa của một Hội Nghị thế giới này.

 

Từ Công Nhường

Thay mặt cho phái đoàn IOC-Champa

tại Hội Nghi Geneva

 

 

Bài liên quan :

IOC-Champa trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc 2011
Phỏng Vấn T. C. Nhường về IOC-Champa tại Liên Hiệp Quốc
Mục tiêu và qui chế của hội đoàn tham dự Forum của Liên Hiệp Quốc