Quan điểm của Vinh Thanh về lễ Kate truyền thống Print
Written by Vinh Thanh   
Tuesday, 20 March 2012 07:52
vinh thanh 3 copy
Vinh Thanh

Người Chăm từ bao đời nay có hai lễ tục truyền thống, đó là Kate của người Chăm Ahier (tạm gọi là Bà La Môn) và Ramawan của người Chăm Awal bao gồm Chăm Bani và Chăm Islam.

Lễ tục tín ngưỡng của mỗi giáo phái đều có nghi lễ khác nhau. Nếu người Chăm Ahier tổ chức Kate hàng năm tại đền tháp rất trang nghiêm theo ngày giờ nhất định, thì người Chăm Bani và Islam cũng tổ chức lễ Ramawan rất nghiêm túc trong thánh đường (Thang Magik) và xem Ramawan là tháng linh thiêng nhất trong lịch Hồi Giáo. Vì thế, người Chăm Bani và Islam , đến mùa Ramawan, họ thường tổ chức một ngày lễ hội (văn nghệ, thể thao. v.v.) để đón mừng lễ tục Ramawan này, chứ không phải họ tổ chức lễ tục Ramawan trên sân khấu văn nghệ như một số người đang hiểu lầm.

Mặc dù kate là lễ tục của người Chăm Ahier, nhưng Kate đã trở thành di sản văn hóa Champa mà mỗi người Chăm, dù là Chăm Ahier, Chăm Bani hay Cham Islam có nghĩa vụ phải bảo tồn. Chính vì vậy, sau ngày Kate, một số hội đoàn thiện nguyện người Chăm cả chính quyền Việtnam thường tổ chức lễ hội, tức là ngày hội mang tính cách quần chúng, rất linh đình để đón mừng ngày lễ Kate này. Tại Sài Gòn, hội sinh viên người Chăm cũng thường tổ chức chung hàng năm buổi văn nghệ trên sân khấu, không có nghi thức tín ngưỡng, để đón mừng ngày Kate. Cuộc sinh hoạt cộng đồng này có mục đích nhằm bảo tồn di sản tín ngưỡng truyền thống Champa và thể hiện tình đoàn kết gắn bó với nhau. Ðây là một nghĩa cử rất đáng trân trọng.

Trong ngày lễ hội Kate tại Việt Nam hôm nay, ai cũng có quyền tham gia và đến chúc mừng nhau như ngày Tết Nguyên Ðán của người Việt. Nhân dịp này, người Chăm Bani và Islam cũng không vắng mặt trong lễ hội Kate nhưng họ không nằm trong ban tổ chức để thực thi những nghi thức tín ngưỡng của lễ Kate vì giáo điều Hồi Giáo không cho phép, cũng giống như người Chăm Ahier cũng không nằm trong ban tổ chức của các lễ tục của người Chăm Awal.

Tại hải ngoại hôm nay, vấn đề Kate đã trở thành một chủ đề tranh cãi không lối thoát trong giới trí thức và thanh niên Chăm. Một số hội đoàn và cá nhân người Chăm cho rằng Kate không còn là lễ của người Chăm Ahier nữa, mà là ngày quốc lễ của dân tộc Champa, lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và bậc tiền nhân Champa đã hy sinh cho đất nước. Chính vì thế họ cho rằng người Chăm Bani bấy lâu nay không làm lễ Kate, không tham gia tổ chức Kate, có nghĩa là họ đã phủ nhận công lao tổ tiên bậc tiền nhân Champa đã có công dựng nước và xây dựng đất nước. Chính đó là trọng tâm vấn đề mà tôi muốn đưa ra một vài nhận xét khách quan sau đây.

1- Nếu Kate được định nghĩa lại như một lễ tục không thuộc về cộng đồng của Chăm Ahier nữa mà là lễ chung của dân tộc Champa, có nghĩa là tất cả Chăm Ahier và Awal phải có nghĩa vụ tổ chức, thì định nghĩa này hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống tín ngưỡng của Kate hôm nay và mang nội dung nhằm quy tội cho người Chăm Bani và Islam bấy lâu nay không tham gia lễ Kate là phủ nhận công lao tiền nhân Champa đã có công dựng nước. Theo quan điểm của tôi, hành động biến lễ tục Kate của người Chăm Ahier thành “quốc giáo Champa” là chính sách thống trị tôn giáo và xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng của người khác nhằm buộc người Chăm Bani và Islam phải thực thi những lễ nghi Kate mà luật Hồi Giáo không cho phép. Ðây là quan niệm sai lầm, không thể chấp nhận được.

2- Theo truyền thống, Kate là lễ tục của Chăm Ahier, nhưng là di sản văn hóa Champa mà cộng đồng người Chăm Bani và Islam lúc nào cũng tôn trọng và bảo tồn. Chính vì thế, bất cứ ai, dù là hội đoàn hay cá nhân đi nữa, không có quyền buộc cộng đồng người Chăm Bani và Islam phải tổ chức Kate trong gia đình và thôn xóm của họ hay buộc họ phải tham gia ngày lễ hội Kate do hội đoàn này đề ra mà ý nghĩa của lễ hội này hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống Kate tại quê nhà.

3- Tại hải ngoại hôm nay, nếu người Chăm Bani và Islam không đến tham dự lễ Kate do một số hội đoàn tỗ chức là vì họ không chấp nhận tham gia lễ hội Kate mà ý nghĩa của nó hoàn toàn sai lệch với ý nghĩa Kate truyền thống tại quê nhà, chứ không phải họ chống lễ Kate như một số hội đoàn đang hiểu lầm. Phản đối định nghĩa sai lầm về ý nghĩa Kate và phản đối lễ Kate là hai vấn đề khác nhau mà các hội đoàn này phải tự minh định lại. Có chăng, một số hội đoàn hay cá nhân này không xem Kate như một lễ tục thiêng liêng của dân tộc, nên họ tự tiện định nghĩa Kate như thế nào cũng được mà không ai có quyền lên tiếng để chấn chỉnh và bảo vệ giá trị di sản văn hóa quí giá này.

4- Người Chăm Awal đã từng góp phần trong suốt chiều dài của lịch sử vào các cuộc đấu tranh dựng nước và bảo vệ đất nước Champa. Lịch sử chống quân xâm lăng nhà Nguyễn của các vị anh hùng người Chăm Awal như Tuen Phaow, Katip Sumat, Katip Ja Thak Wa mà Ts. Po Dharma và Nicols Weber đã nêu ra là một ví dụ điển hình. Hôm nay, tại sao lại có một số người tuyên bố rằng là người Chăm Awal là tập thể “chối bỏ công lao người đi trước”, tức là quên ơn bội nghĩa bậc tiền nhân Champa ta đã có công dựng nước. Ðây là một tư tưởng ngụy tạo và cực đoan có thể đưa xã hội Chăm vào con đường khủng hoảng mà không ai có thể đo lường hậu quả của nó.

5- Ngày nay, đất nước Champa đã mất, các nhà lãnh đạo quốc gia cũng không còn và dân tộc Champa không biết đâu là ngày kỷ niệm anh hùng liệt sĩ. Thế nhưng, hội đoàn Chăm tại hải ngoại hôm nay lại biến ngày lễ tục Kate thành một nghi thức dâng vòng hoa tưởng niệm những bậc tiền nhân Champa đã hy sinh vì tổ quốc, nhưng không dựa vào một dữ kiện lịch sử nào thuyết phục và cũng không thông qua ý kiến của toàn thể dân tộc Chăm. Chính đó cũng là lý do đã đưa ngày Kate thành một chủ đề pháp lý chính trị gây ra bao cuộc tranh cãi trong giới trí thức và thanh niên Chăm làm cho xã hội Champa mất đoàn kết và ổn định.

Ðây chỉ là quan điểm cá nhân của tôi nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng Chăm có một cách nhìn nghiêm túc và đúng đắn hơn về giá trị tín ngưỡng thiêng liêng của hai ngày lễ hội truyền thống của người Chăm, đó là Kate và Ramawan, được xem như là di sản văn hóa Champa rất là quý giá mà mỗi người Chăm chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển đúng theo truyền thống mà bậc tiền nhân Champa đã lưu truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 41, ngày 16-4-2010)

 

 

Bài mới :

Trả lời cho Đắc Văn Kiết: Katê phát xuất từ thời Sa Huỳnh hay Po Rome?

 

Bài liên quan :

Kate: Lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay
Góp phần tìm hiểu về lễ hội Katê
Vấn đề Kate trở lại trên bàn cờ của xã hội Chăm
Chung quanh vấn đề lễ hội Kate của người Chăm hôm nay
Trả lời cho bài viết của Quảng Đại Cẩn về Kate
Chung quanh vấn đề ngày quốc lễ Champa
Trả lời email của Chế Mỹ Lan về lễ Kate
Andy Kieu phản đối quan điểm Kate của Chế Mỹ Lan
Regina trả lời cho Chế Mỹ Lan về Kate
Vài lời góp ý với Chế Mỹ Lan về lễ tục Kate
Chế Mỹ Lan chế biến ý nghĩa mới cho lễ tục Kate
Trao đổi với Ja Intan về Kate