Trả lời email của Chế Mỹ Lan về lễ Kate Print
Written by Andy Kieu   
Tuesday, 20 March 2012 07:35
andy 1 copy
Andy Kieu

Vài lời của tác giả: Bài viết này chỉ là bài viết mà tôi đã gởi cho bà con Chăm ngày 5-4-2010 và ngày 7-4-2010, có phần sửa chữa để đăng trong Harak Champaka.

 

 Chế Mỹ Lan,

Tôi cũng giống như bạn, cùng là độc giả của những bài viết gởi theo thông tin điện tử email hay trang web, nên chúng ta ai nấy đều có quyền đưa ra quan điểm khách quan của mình về những bài viết gởi cho chúng ta.

Ðọc bài viết của bạn, điều cảm kích đầu tiên của tôi là kính phục bạn, vì rằng bấy lâu nay tôi thường hâm mộ bạn là một cô gái Chăm rất linh hoạt trong những lĩnh vực ca hát, thơ văn, v.v., bây giờ thì thêm công trình tranh đấu cho sự đúng sai của lịch sử dân tộc. Ðó là việc làm mà nhiều người không làm được. Khi đọc bài viết của bạn, tôi càng có cảm hứng để tìm hiểu ngày lễ “Kate“ hơn.

Phải nói rằng, Kate là chủ đề nằm ngoài sự hiểu biết của tôi. Nếu bạn cho tôi không biết gì về lịch sử dân tộc thì tôi đành chấp nhận. Vì rằng, gần 30 năm sống tại làng Chăm, tôi từng nhìn thấy (chưa chắc là hiểu), người Chăm chúng ta thường tổ chức hàng năm 2 ngày lễ hội lớn, đó là Kate và Ramawan, nhưng không ai đưa ra quan điểm khác biệt về ý nghĩa của hai lễ hội này. Sau một thời gian ngắn sống tại Mỹ, tôi lại chứng kiến lễ Kate trở thành một sự tranh cãi không lối thoát trong cộng đồng người Chăm chúng ta.

Trong bài phản hồi viết ngày 3-4-2010, bạn lên án Harak Champaka và những ai không tham gia Kate của bạn tổ chức là người “chối bỏ công lao” bậc tiền nhân Champa. Nếu tôi không lầm, bạn có tuyên bố rằng: “Cũng giống như Yuon lúc trước theo Khổng giáo, Phật giáo và Ðạo giáo trong quá trình hình thành đất nước. Lễ lớn của toàn dân tộc Việt Nam đặt nền móng trên sinh hoạt tam giáo (Khổng, Phật và Lão) đồng quy. Ðạo Tin Lành hay Công giáo mới truyền sang sau đó, thế nhưng khi họ làm lễ lớn như Giỗ tổ Hùng Vương thì toàn con dân Việt đều tham dự.” Như vậy theo bạn, Kate cũng giống như ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương phải không, có nghĩa là người Chăm Ahier, Chăm Bani phải có nghĩa vụ làm Kate, vì đây là quốc lễ?

Nếu như vậy tôi muốn hỏi bạn rằng, theo truyền thống đã truyền lại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, người Chăm Bani không làm lễ Kate trong thôn xóm và gia đình của họ, có nghĩa là họ đã phủ nhận công lao tổ tiên ông bà Champa chúng ta đã có công dựng nước Palei Chăm cho đến hôm nay phải không? Theo nhận xét của tôi, nếu nhiều người Chăm Ahier và Bani tại hải ngoại hôm nay không đến tham gia Kate của bạn, không phải là họ phản đối nguồn gốc lịch sử Kate, quên đi công lao của bậc tiền nhân Champa như bạn hiểu lầm mà là phản đối ý nghĩa sai lầm về Kate của bạn thì đúng hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu bạn tổ chức lễ hội Kate theo truyền thống của người Chăm ở quê nhà, thì sẽ có nhiều người đến tham dự. Ðó là trọng tâm vấn đề mà bạn nên đưa ra cứu xét lại.

Tôi cũng đã đọc qua Harak Champaka 40. Tác giả của bài viết chỉ tường thuật một dữ kiện có thật là hiện nay người Chăm ở hải ngoại  chỉ với một lễ hội Kate truyền thống của mình lại được thực hiện với hai nghi thức khác nhau. Khi đọc đoạn này tôi tự hỏi với chính tôi: lẽ nào dân tộc Việt cũng tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương hàng trăm nghi thức khác nhau như người Chăm Hoa Kỳ tổ chức Kate hay sao?

Ðọc bài phản hồi của bạn cho Harak Champaka 40, tôi không biết bạn vô tình hay cố ý đã tốn hơn 13 trang giấy để quảng cáo hàng loạt cho công lao hội của bạn không liên quan gì đến câu hỏi của Harak Champaka đưa ra: Tại sao Kate là một lễ tục nay trở thành hai lễ hội tại Hoa Kỳ. Trả lời trực tiếp cho câu hỏi này mới là trọng tâm bài viết của bạn. Nếu lần sau, bạn muốn viết một bài về ý nghĩa của Kate như vậy, thì bạn tự viết và tự trình bày không có ai đứng đàng sau để lèo lái thì sẽ hay và đúng sự thật hơn. Ngược lại công trình tự kể công lao của mình thì để cho lịch sử Chăm ghi nhận thì hay hơn.

Ðó là quan điểm của tôi đối với bài viết của bạn. Tôi rất mong bạn nên viết một câu để trả lời nghiêm túc cho bà con Chăm Bani biết: Theo truyền thống tín ngưỡng Champa đã để lại từ bấy lâu nay, người Chăm Bani không làm lễ hội Kate, có chăng họ là những người đã phủ nhận công lao tổ tiên Champa đã có công xây đựng quê hương người Chăm như bạn đã đưa ra?

 

Chào thân ái,

Ngày 5-4-2010

Andy Kieu

 

Ngày 5-4-2010, Chế Mỹ Lan có hồi âm cho tôi rất ngắn gọn, nhưng tôi cũng không biết cô ta muốn nói gì:

Mon, Apr 5, 2010 6:19 pm

 

Salam Ban

Cũng như bạn đã thú nhận rằng, “Kate nằm ngoài sự hiểu biết của tôi”. Rất vui khi nghe bạn nói rằng bạn có cảm hứng đi tìm hiểu ngày Katê. Vậy bạn hãy bắt đầu một cuộc hành trình đi tìm hiểu nhé. Chúc bạn có một cuộc hành trình thú vị. Sau đó tôi sẽ trao đổi với bạn. Tôi muốn bạn tự mình nhọc công tìm hiểu mới có ý nghĩa. Cảm ơn bạn.

 

Chế Mỹ lan

Thân mến

 

Vì không trả lời chính xác cho câu hỏi đã đưa ra, tôi phải viết thêm bài trao đổi với Chế Mỹ Lan vào ngày Ngày 7-4-2010.

 

Chế Mỹ Lan,

Tôi muốn trở lại bài phản hồi của bạn để phản đối Harak Champaka 40 viết ngày 3-4-2010.

Bài viết của bạn gồm 13 trang giấy đã nói lên một quá trình nghiên cứu khổ nhọc và được chuyển tải lên thư tín điện tử toàn cầu là một chứng minh cho thấy rằng bạn đã tốn nhiều công để viết bài và kết luận của bạn đã nói lên quá trình nghiên cứu của mình. Phải nói rằng đây là một việc làm rất đáng khuyến khích. Còn bài viết với nội dung như thế nào còn tùy thuộc vào sự hiểu biết và nhận xét của từng đọc giả.

Kate là ngày lễ truyền thống của dân tộc Chăm, nên độc giả rất mong chúng ta trao đổi với nhau một cách nghiêm túc và phải có trách nhiệm với bài viết của mình. Một bài trao đổi mang tính chất nghiên cứu, có thể làm thay đổi cả một di sản truyền thống của một dân tộc mà người xưa đã bảo tồn bấy lâu nay và ngược lại cũng có thể làm tổn thương đến danh dự cả một dân tộc. Theo tôi, bài viết của bạn không còn mang tính cách cá nhân, mà gần như là đại diện của một tổ chức hội đoàn nào đó, nên nội dung của nó có thể ảnh hưởng vào quần chúng càng sâu rộng hơn nữa.

Trở lại email mà bạn trả lời cho tôi. Tôi không biết nghĩ thế nào về bạn và nội dung bài viết mang tính chất nghiên cứu của bạn. Bạn không cảm thấy là bạn không có trách nhiệm gì về bài viết của bạn hay sao, thành ra bạn không trả lời bài trao đổi của tôi. Tôi cũng muốn cho bạn hiểu rằng, rất nhiều người muốn biết quan điểm của bạn về ngày truyền thống Kate có phải là lễ tục của Chăm Ahier hay là lễ chung của Champa mà Chăm Bani cũng phải làm giống như ý nghĩa của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ai cũng biết, người Việt khắp nơi lúc nào cũng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nhằm tưởng nhớ đến quốc tổ và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước Việt Nam. Nếu Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày quốc lễ Việt Nam hôm nay, vì lễ này đã thông qua quyền biểu quyết của quốc hội. Dân tộc Chăm không còn quê hương đất nước, có chăng họ phải chấp nhận mô hình tổ chức Kate và định nghĩa Kate do một nhóm người Chăm tại Mỹ quyết định?. Trên danh nghĩa gì, một nhóm người Chăm tại Hoa Kỳ này tự gán cho Kate là quốc lễ Champa hay ngày kỷ niệm anh hùng liệt sĩ và bậc tiền nhân Champa? Nếu ai không đến tham dự thì bị khép vào tội “chối bỏ công lao” bậc tiền nhân Champa. Ðó mới là trọng tâm vấn đề đối thoại với nhau.

Ngày nay, người Chăm đã mất quê hương nhưng chưa mất gốc. Hàng năm người Chăm vẫn còn tổ chức Kate theo truyền thống Champa của họ từ mấy thế kỷ qua. Vậy thì, bạn có đủ điều kiện chinh phục dân tộc Chăm bỏ đi cách tổ chức và ý nghĩa Kate truyền thống tại quê nhà để theo nghi thức làm lễ Kate của bạn được không? Chẳng lẽ bao đời nay, ông bà tổ tiên chúng ta đã làm sai nghi thức lễ Kate và nghĩ sai của mình để rồi hôm nay bạn phải sửa lại.

Nhân đây, với sự hiểu biết của tôi, tôi muốn giải thích cho bạn hiểu rằng: bảo tồn là gì? Theo tôi, chúng ta mặc dù đi đến chân trời goùc biển nào, hay đến một quốc gia tân tiến nào, chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo tồn và giữ gìn lại những di sản gì mà tổ tiên chúng ta để lại từ bao lâu nay. Song song với công việc đó, chúng ta phải có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ mai sau một cách chính xác, không thêm không bớt những di sản Champa của chúng ta. Bảo tồn không phải là hệ thống điện toán, muốn upgrade hay update lúc nào làm thì làm. Và tôi cũng muốn nhắc nhở cho bạn hiểu thêm rằng, tôi chưa từng thấy trên đời này ngày lễ truyền thống của dân tộc nào mà có 2 nghi thức và 2 ý nghĩa khác nhau, như lễ Kate của chúng ta hôm nay.

Phải nói rằng, tôi rất quan tâm muốn biết Kate có phải là quốc lễ Champa hay lễ kỷ niệm anh hùng liệt sĩ và bậc tiền Champa như lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của người Việt mà bạn đã đưa ra hay không? Nếu đúng như vậy, thì người Chăm Bani, theo truyền thống, không làm lễ Kate hàng năm trong thôn xóm và gia đình của họ sẽ trở thành một tập thể có tội phạm vì đã phủ nhận công lao tổ tiên Champa đã dựng nước và giữ nước hay sao? Tôi rất mong lời giải thích nhiệt tình, chính xác của bạn cho câu hỏi mà tôi muốn tóm tắt lại:

1). Tại sao bạn muốn biến Kate, một lễ tục của dân tộc Chăm Ahier, thành ngày quốc lễ Champa hay ngày kỷ niệm anh hùng liệt sĩ Champa? Liệu dân tộc Chăm hôm nay có chấp nhận quan điểm của bạn cũng như choái bỏ lễ Kate truyền thống của họ để làm theo nghi thức Kate của bạn đưa ra hay không?

2). Theo truyền thống, người Chăm Bani không làm lễ Kate. Tại sao họ lại trở thành tội phạm về tội “chối bỏ công lao” bậc tiền nhân Champa như bạn đã đưa ra?

Cuối cùng, tôi luôn đón nhận tất cả quan điểm của các bạn độc giả để làm sáng tỏ lại vấn đề Kate hôm nay.

Chào thân ái,

 

Andy Kiều

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 41, ngày 16-4-2010)

 

 

Bài mới :

Trả lời cho Đắc Văn Kiết: Katê phát xuất từ thời Sa Huỳnh hay Po Rome?

 

Bài liên quan :

Kate: Lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay
Góp phần tìm hiểu về lễ hội Katê
Vấn đề Kate trở lại trên bàn cờ của xã hội Chăm
Quan điểm của Vinh Thanh về lễ Kate truyền thống
Chung quanh vấn đề lễ hội Kate của người Chăm hôm nay
Trả lời cho bài viết của Quảng Đại Cẩn về Kate
Chung quanh vấn đề ngày quốc lễ Champa
Andy Kieu phản đối quan điểm Kate của Chế Mỹ Lan
Regina trả lời cho Chế Mỹ Lan về Kate
Vài lời góp ý với Chế Mỹ Lan về lễ tục Kate
Chế Mỹ Lan chế biến ý nghĩa mới cho lễ tục Kate
Trao đổi với Ja Intan về Kate