18-12-2016: Buổi họp mặt Chăm hải ngoại sau 2 thập niên xa cách Print
Written by BBT Champaka.info   
Monday, 05 December 2016 03:19
luu quang sang 10
Lưu Quang Sang

Năm 2016 đánh dấu cho một số biến chuyển quan trọng trong xã hội Chăm tại hải ngoại. Ngày 4-9-2016, Hội Đồng Phát Triển Champa tổ chức buổi cơm dành cho chương trình bản địa tại San Jose (Hoa Kỳ), tập trung hầu hết các nhân sĩ, trí thức và thanh niên Chăm, đã đưa bà con Chăm vào làng sóng cao độ hướng về cuộc vận động đấu tranh đòi quyền của dân tộc Chăm bản địa phù hợp với tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc ban hành vào năm 2007. Ngày 30-11-2016, cựu dân biểu Lưu Quang Sang, thay mặt cho 18 nhân sĩ Chăm, đưa ra đề xuất để tổ chức buổi họp mặt giữa người Chăm đồng hương tại San Jose (Hoa Kỳ) vào ngày 18-12-2016 hầu hàn gắn lại vết thương của cộng đồng Chăm sau 2 thập niên chia cách, nhất là đi tìm những giải pháp làm thế nào để dân tộc Chăm hải ngoại hôm nay chấp nhận:

 

• Cùng nhau sinh hoạt trong mái nhà Champa chung, không phân biệt tôn giáo và địa phương, dựa trên tinh thần tương than và tương trợ lẫn nhau, hầu làm một chút gì cho quê hương và dân tộc trong những thập niên sắp tới.

 

• Cùng nhau góp phần vào cuộc vận động đấu tranh để bảo vệ di sản văn hóa và quyền lợi chung của dân tộc Champa.

 

Bấm vào đây để xem: Thư mời ngày họp mặt 18-12-2016

 

Đọc qua nội dung của thư mời, chúng tôi cho rằng buổi họp mặt ngày 18-12-2016 sẽ là cơ hội vàng ngọc để người Chăm ngồi lại gần nhau, dù người đề xuất của chương trình này là cựu dân biểu Lưu Quang Sang hay bất cứ ai đi nữa. Đây là lúc mà dân tộc Chăm cần tha thứ cho nhau và quên đi những biến cố buồn phiền đã đưa đẫy cộng đồng Chăm vào con đường chia cách, hiểu lầm, nghi kỵ và chống đối lẫn nhau kéo dài trong suốt 2 thập niên qua (1996-2016).

 

luu quang sang 20a

 

Những gì đã xãy ra trước ngày 30-11-2016

 

Trước năm 1996, cộng đồng Chăm lưu vong ở hải ngoại chỉ có một tổ chức duy nhất mang tên là IOC-Champa (International Office of Champa - Văn Phòng Liên Lạc Champa). Sau 8 năm hoạt động của IOC, vì món ăn trên bàn tiệc vào năm 1996 không phù hợp với giáo lý Islam, đã đưa đẩy xã hội Chăm vào con đường khủng hoảng, gây ra sự chia cách giữa Chăm Balamon và Chăm Islam, kéo theo sự ra đời của của nhiều hội đoàn khác nhau. Kể từ đó, cộng đồng Chăm tại hải ngoại chưa đầy 200 gia đình bị phân chia thành 4 tổ chức riêng, có mục tiêu riêng và đường lối sinh hoạt riêng. Sự ra đời của nhiều hội đoàn sau 1996 đã đưa xã hội Chăm vào không gian chia rẽ, nghị kỵ và chống đối lẫn nhau, làm tê liệt hoàn toàn những cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi chung của dân tộc và tàn phá hoàn toàn ý thức hệ đoàn kết của một tập thể tộc người Chăm mất nước, kéo theo một hệ luy tang thương nhất, đó là xã hội Chăm tại hại ngoại trở thành một tập thể không có tổ chức chung, không nhà lãnh đạo tinh thần và cũng không có một dự án tương lai.

 

Những khúc mắc có thể xảy ra trong ngày 18-12-2016

 

Sau 20 năm chia cách (1996-2016), đa số các nhân sĩ Chăm chấp nhận trở lại ngồi chung một bàn trong buổi họp mặt ngày 18-12-2016 tại San Jose do cựu dân biểu Lưu Quang Sang đề xuất. Đây là cơ hội vàng ngọc để dân tộc Chăm và các hội đoàn Chăm hàn gắn lại vết thương trong quá khứ. Nhưng cơ hội vàng ngọc này vẫn còn mang một tia sáng mong manh đang bay lượng trên vòm trời của ngày hội ngộ 18-12-2016, vì có nhiều hội đoàn không đồng tình cho lắm về phong cách cư xử của cựu dân biểu Lưu Quang Sang đối với tổ chức người Chăm tại hải ngoại. Họ nhận định rằng Lưu Quang Sang không muốn đoàn kết với người Chăm mà chỉ muốn đứng ra chỉ đạo cho người Chăm đoàn kết theo phong cách dưới thời phong kiến. Họ đưa ra một thí dụ điển hình: Lưu Quang Sang từ chối tham dự buổi cơm bản địa ngày 4-9-2016 do Hội Đồng Phát Triển Champa tổ chức, nhưng hôm nay Lưu Quang Sang lại muốn Hội Đồng Phát Triển Champa đến tham gia buổi họp mặt ngày 18-9-2016 do ông đề xuất. Chính đó là những mâu thuẩn trong cách cư xử của Lưu Quang Sang có thể làm giảm đi làng sóng ủng hộ của người Chăm cho ngày hội ngộ 18-12-2016. Hy vọng rằng, cựu dân biểu Lưu Quang Sang sẽ xem sét lại vần đề này hầu nối kết lại tình hữu nghị với Hội Đồng Phát Triển Champa trong tương lai.

 

Buổi họp mặt không thể biến thành buổi tiếp xúc với cử tri

 

Theo nhận định của chúng tôi ngày 18-12-2016 phải là cơ hội quí báu có thể mang lại cho dân tộc Chăm một niềm tin mới để cùng nhau chấp nhận chung sống trong mái nhà Champa chung bằng cách bảo trợ và hổ trợ cho nhau trong mọi sinh hoạt của cộng đồng, dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và không chen lấn vào nội bộ của người khác. Nhưng liệu rằng cựu dân biểu Lưu Quang Sang có thể thực hiện được cơ hội vàng ngọc này, vì ngày 18-12-2016 tập trung rất nhiều nhân vật xuất thân từ nhiều hội đoàn khác nhau, có quan điểm khác nhau về ý thức hệ dân tộc và đóng vai trò khác nhau trên sân khấu kịch trường của xã hội Chăm gần 2 thập niên qua. Chính vì nguyên nhân đó, tập trung các đối tượng người Chăm trong buổi họp mặt ngày 18-12-2016 là vấn đề vô cùng phức tạp, đòi hỏi nhiều sự đắn đo và tế nhị, cần phải có một ban tổ chức rỏ ràng, nhất là phương pháp chọn lựa các vị chủ tịch đoàn, các thư ký và MC, v.v. làm thế nào để né tránh sự nghi kỵ và hiểu lầm cho rằng đây chỉ là buổi tiếp xúc với cử tri mà Lưu Quang Sang là người đóng vai dân biểu hay ngày 18-12-2016 chỉ là buổi họp mặt mang tính cá nhân giữa Lưu Quang Sang và người Chăm đồng hương, do bàn tay của Lưu Quang Sang bày vẽ và chỉ đạo theo sự suy tính của mình.

 

Và buổi họp mặt này cũng cần có một chủ tịch đoàn có đầy kinh nghiệm để điều hợp chương trình, tức là người nắm vững vai trò và quyền hạn của mình trong buổi họp mặt. Kể từ đó, chủ tịch đoàn không còn là người mời lên sân khấu để làm bình phong cho phe nhóm nữa, mà là nhân vật có đủ tư cách để điều hành phiên hợp hầu ngân chận mọi quan điểm mang tính đã phá hay những ý kiến không liên hệ đến nội dung của ngày họp mặt. Và người điều hợp chương trình phải có đủ tác phong để lèo lái các thành viên phải tôn trọng thời gian phát biểu.

 

Kết luận

 

Mặc dù không biết số lượng người Chăm tham gia ngày 18-12-2016 là bao nhiêu, nhưng sự hiện diện của 18 nhân sĩ Chăm có tên trên giấy mời, đã chứng minh rằng dân tộc Chăm hôm nay chấp nhận quên đi những buồn phiền trong quá khứ để ngồi lại gần nhau hầu xây dựng lại một tương lai mới. Đây cũng là bước đầu thành công của ngày họp mặt do cựu dân biểu Lưu Quang Sang đề xuất. Và sự thành công này cũng phát xuất từ ý chí đoàn kết của 18 vị nhân sĩ Chăm có tên trên giấy mời.

 

Dân tộc Chăm rất hoan hô ngày họp mặt giữa người Chăm đồng hương vào ngày 18-12-2016. Nhưng sự ước mong chính đáng của dân tộc Chăm hôm là làm thế nào để có một ngày họp mặt trong tương lai dành cho các hội đoàn Chăm và thanh niên Chăm tại hải ngoại. Chính hội đoàn và thanh niên Chăm mới là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chung của dân tộc, chứ không phải thành phần nhân sĩ Chăm có mặt trong ngày 18-12-2016. Nhưng nếu giới nhân sĩ Chăm đã ý thức đến ý nghĩa của đoàn kết, thì công tác đưa các hội đoàn và tổ chức thanh niên Chăm trở về chung sống dưới mái nhà Champa trong tương lai, không còn gặp nhiều khó khăn nữa.

 

Hy vọng rằng buổi họp mặt ngày 18-12-2016 sẽ có nghị trình bàn đến vai trò đoàn kết giữa hội đoàn Chăm và các tổ chức thanh niên Chăm tại hải ngoại. Nếu không, chương trình ngày 18-12-2016 chỉ là ngày hội ngộ để cùng nhau tâm sự rồi phần ai nấy về.