Nghiên cứu Champa trên bàn thảo luận tại Thái Lan Print
Written by BBT Champaka   
Friday, 27 January 2012 04:25
vien-truong 10
Lãnh đạo Viện Viễn Đông Pháp

Vào ngày 17-18 tháng 11 năm 2011, Viện Viễn Ðông Pháp tổ chức phiên họp tam niên tại tỉnh Chiang Mai (Thái Lan) đặt dưới quyền chủ tọa của Gs. F. Verellen, Giám Đốc của Viện, để bàn về ngân sách trước bối cảnh khó khăn kinh tế của Cộng Ðồng Âu Châu và định hướng lại chính sách khoa học của viện này trong những năm sắp đến. Ông Po Dharma là Pgs. gốc người Chăm có mặt trong phiên họp đặc biệt này để đưa ra quan điểm nhằm bảo vệ cho những dự án nghiên cứu về lãnh vực Champa tại Cộng Hòa Pháp.

Viện Viễn Ðông Pháp là cơ quan thuộc Bộ Nghiên Cứu và Ðại Học, ra đời vào năm 1900, có vai trò nghiên cứu về nền văn minh Châu Á bao gồm nhiều lãnh vực từ yếu tố lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết cho đến tổ chức tôn giáo và tín ngưỡng của các quốc gia Ðông Phương, trong đó có vương quốc Champa. Cơ quan khoa học này tập trung 12 ghế giáo sư và 26 ghế phó giáo sư, chưa nói đến giảng viên và chuyên viên nghiên cứu.

Ts. Po Dharma là người Ðông Dương duy nhất chuyên về về Champa học nằm trong danh sách 26 vị phó giáo sư của viện này. Sự vắng mặt của chuyên gia gốc dân tộc Việt, Campuchia và Lào trong Viện Viễn Ðông không phát xuất từ chính sách kỳ thị của người Pháp đối với người Ðông Dương mà từ qui chế tuyển chọn quá gắt gao những ứng cử viên vào cơ quan khoa học này. Ghế Gs. và Pgs. của Viện Viễn Ðông có số lượng nhất định, chỉ dành cho những người nào, không nhất thiết phải là công dân Pháp, có trình độ hiểu biết sâu rộng về lịch sử và văn minh Ðông Phương. Người nước ngoài được tuyển chọn vào Viện Viễn Ðông có quyền sử dụng hộ chiếu của Công Hòa Pháp để thi hành nghĩa vụ của mình.

Từ ngày ra đời vào năm 1900, Viện Viễn Ðông Pháp không ngừng quan tâm đến lịch sử và nền văn minh Champa. Cũng nhờ công trình nghiên cứu của viện này mà vương quốc Champa không bị bỏ quên bền lề trang sử của thế giới. Mỹ Sơn là thánh địa do Viện Viễn Ðông phát hiện và trùng tu từ thời Pháp thuộc. Hôm nay thánh địa này được cơ quan quốc tế UNESCO công nhận như di sản văn hóa của nhân loại đã chứng minh thế nào là vai trò của Viện Viễn Ðông đối với chương trình bảo vệ di sản Champa kể từ đầu thế kỷ thứ 20.

Viễn Viễn Ðông Pháp có trụ sở tại Paris, nắm vai trò điều hành 17 trung tâm nghiên cứu nằm trong khu vực Châu Á, như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Dương, Việt Nam, Campuchia, v.v. Riêng về chương trình nghiên cứu Champa, Viện này có văn phòng thường trực tại Kuala Lumpur đặt dưới quyền điều hành của Pgs. Ts. Po Dharma, một nhà nghiên cứu đã xuất bản 18 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp (tổng cộng hơn 2000 trang) liên quan đến lịch sử và văn học Champa. Ông cũng ấn hành hơn 50 bài khảo luận chuyên đề về Champa đăng trên các tạp chí khoa học thế giới, tổ chức hơn 15 hội thảo quốc tế về vương quốc Champa, trong đó có Hội Thảo Ngôn Ngữ và Chữ Viết Chăm tại Kuala Lumpur vào năm 2006, chưa nói đến chương trình dành cho giới nghiên cứu và trí thức Chăm sang Mã Lai tham gia hội thảo hay phiên họp bất thường, trong đó có Ts. Thành Phần, Ts. Phú Văn Hẳn, Ts. Bá Trung Phụ, Nguyễn Văn Tỷ, Lộ Minh Trại, Thành Phú Bá, Ðàng Năng Quạ, Thành Ngọc Trào, Lưu Quang Sang, Từ Công Thu, Từ Công Ánh, Bá Trung Xin, Dominique Nguyên, Dương Tấn Thi, Thiếu Tá Dương Tấn Sở, Thiếu Tá Ðặng Chánh Anh, ca sĩ Chế Linh, Từ Công Phụng, v.v.

Trong phiên họp tại Thái Lan vào ngày 17-18 tháng 11 năm 2011, vấn đề vương quốc Champa cũng là chủ đề đã được đưa ra thảo luận. Theo Ts. Po Dharma, chương trình nghiên cứu Champa của Viện Viễn Ðông Pháp trong những năm sắp tới tập trung vào 3 chủ đề:

1). Tái bản tư liệu hoàng gia Champa viết bằng chữ Chăm và Hán từ năm 1702 đến năm 1810. Ðây là văn bản chính thức của vương quốc Champa có chữ ký và ấn triện của vua chúa bao gồm các công văn hành chánh, thuế má, hồ sơ kiện tụng, v.v., tập trung hơn 4700 trang do hàng ngàn người biên soạn kéo dài gần 2 thế kỷ. Tài liệu này cấu thành yếu tố vô giá để xây dựng lại lịch sử chính trị và xã hội Champa vào thế kỷ thứ 18 và 19 và nhất là giúp dân tộc Chăm có cơ sở vững chắc để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của Akhar Thrah Chăm, cách cấu trúc và qui luật chính tả của ngôn ngữ này hầu đưa vào trường lớp giảng dạy cho con em, chứ không phải Akhar Thrah Chăm cải biến của Ban Biên Soạn.

2). Tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành sử thi mang tựa đề Akayat Dalima Taksiak, một tác phẩm văn học Chăm có chung nguồn gốc với sử thi Mã Lai mang tựa đề Hikayat Dharma Taksiak.

3). Phát triển chương trình nghiên cứu Champa tại Trung Quốc, nhất là tại đại học Bắc Kinh, Quảng Châu và Quảng Tây.

 

hinh chiang mai
Phiên họp của Viện Viễn Ðông tại Thái Lan. Pgs. Ts. Po Dharma, người thứ 2 bên phải

 

Kể từ năm 2009, vấn đề nghiên cứu về Champa đã trở thành chương trình hợp tác quốc tế giữa Viện Viễn Ðông Pháp, Ðại Học Mã Lai và Ðại Học Trung Quốc, với sự hỗ trợ kinh phí của Sứ Quán Pháp nằm tại hai quốc gia này.

Theo Ts. Po Dharma, chương trình nghiên cứu Champa nói riêng và nghiên cứu về Châu Á nói chung sẽ gặp một số vấn đề khó khăn trước sự khủng hoảng kinh tế trong khu vực Âu Châu hôm nay. Nhằm giải quyết vấn đề nợ nần của nhà nước, chính phủ Pháp đưa ra quyết định giảm bớt kinh phí nghiên cứu khoa học tại quốc gia này. Kể từ đó, chương trình nghiên cứu Champa không tránh khỏi nạn thiếu hụt ngân sách trong những năm tới.

Sau cuộc đấu tranh của Ts. Po Dharma trong hai ngày hội luận, Viễn Viễn Ðông Pháp chấp nhận duy trì chương trình nghiên cứu về vương quốc Champa, nhưng chỉ tài trợ cho những dự án Champa nằm trong tinh thần hợp tác quốc tế, như dự án công du của Ts. Po Dharma tại Trung Quốc để thuyết trình về lịch sử Champa tại đại học Quảng Châu, Hải Nam và Quảng Tây từ ngày 11 đến ngày 21 tháng 12 năm 2011.