Trả lời cho Đ. V. Kiết: Katê phát xuất từ thời Sa Huỳnh hay Po Rome? Print
Written by BBT Champaka.info   
Saturday, 07 April 2012 08:40
dac van kiet
Trung úy Đắc Văn Kiết

Trong bài viết đăng trên http://www.ilimochampa.org mang tựa đề “Katê là Tín Ngưỡng Bản Địa Mang Bản Sắc của Dân Tộc Champa”, Đắc Văn Kiết khẳng định rằng : “Katê không phải là Tín Ngưỡng Tôn Giáo Ngoại Nhập Bàlamôn; (…) phát xuất từ thời Sa Huỳnh (…) tiếp nối nhau qua nhiều thế hệ (...) với sự phát triển xã hội cùng khắp quốc gia Lâm Ấp, biến thành Lễ Hội Dân Gian tức Lễ hội Katê”.

 

Đây là bài viết dành cho quần chúng đại trà dựa vào phong cách cấu trúc nghĩ sao viết vậy, đúng hay sai không cần biết, chứ không phải một bài khảo luận biểu tượng cho công trình nghiên cứu nghiêm túc về lễ tục này. Kể từ đó, nội dung bài viết của Đắt Văn Kiết không còn nằm trong khuôn khổ bảo tồn văn hóa Champa nữa, mà là chỉnh lý giá trị di sản văn hóa của dân tộc này theo lăng kính của ông nhằm bào chữa cho ý nghĩa sai lầm về lễ tục Kate mà Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa đã chủ trương từ mấy năm qua tại hải ngoại. Chính vì đó mà tổ chức Champaka phải trả lời cho Đắc Văn Kiết hầu chỉnh đốn lại những sai lầm trong bài viết này để bảo tồn giá trị di sản văn hóa Champa hôm nay. Và bài này cũng nhằm điều chỉnh lý lại những quan điểm lệch lạc của Pts. Quảng Đại Cẩn trong bài viết mang tựa đề: “Kate lễ hội bản địa truyền thống Champa: Sự tiếp nối của văn minh Sa Huỳnh” cũng đăng trong http://www.ilimochampa.org, tức là mạng web của Hội Bảo Tồn Văn Hóa mà Đắc Văn Kiết là sáng lập viên.

 

Kate ra đời từ thời Sa Huỳnh hay dưới thời Po Rome?

 

Katé là lễ tục của người Chăm Bà La Môn hầu xin đấng thần linh Champa (chứ không phải anh hùng liệt sĩ Champa) đem lại sự an bình và thịnh vượng cho cộng đồng này. Trước tiên, Kate diễn ra trên đền tháp đặt dưới sự chủ trì của chức sắc Chăm Bà La Môn. Tiếp theo là Kate trong thôn làng và gia đình bà con Chăm Bà La Môn. Trong dịp lễ tục này, người Chăm Bani hay Islam không làm lễ Kate trong thôn làng và gia đình của họ.

 

Kate diễn ra hàng năm trên ba đền tháp, đó là đền Po Klaong Garai (xây dựng vào thế kỷ XIV), đền Po Ina Nagar (trước kia là đền ở Nha Trang, thế kỷ thứ VIII) và đền Po Rome (thế kỷ thứ XVII). Đây là buổi lễ dành cho 3 vị thần chính yếu qua lễ rước y trang, tấm rửa thần linh, lễ mặc y trang và dâng hương hoa cúng bái, đó là Po Klaong Garai (vua truyền thuyết), Po Ina Nagar (phu nhân của Shiva) và Po Rome (vua Champa hóa thành vị thần sau ngày từ trần). Còn những vị thần linh khác xuất phát từ nhân vật mang tính cách lịch sử hay không lịch sử nằm trong danh sách của Kate như Po Binthuer, Po Kathit…Yang Brait, Yang Bri, v.v chỉ là nhân vật phụ thuộc của buổi lễ này mà thôi. Nếu bà con Chăm nào có lòng với Ngài thì họ đứng ra xin Ong Kadhar hát bài chúc tụng về ngài trong ngày Kate, nếu không thì các Ngài chỉ đóng vai trò thần linh chứng kiến mà thôi.

 

Ai cũng biết, Kate thường diễn ra trên đền Po Rome, nhưng đền này chỉ xây dựng vào thế kỷ thứ XVII. Kate cũng là lễ tục nhằm tôn vinh Po Rome, vị vua Champa hóa thành thần linh sau ngày từ trần vào năm 1651. Trong danh sách thần linh của Kate, Ông Kadhar thường nhắc đến các vị thần linh Awal (tức là phía Hồi Giáo), như Po Ali, Phuatimah (phu nhân của Ali), Po Haniim Pan, Patao Yang-in, Po Tang, Po Gihlau, Po Biruw, Po Riyak, Nai Mâh Ghang Tang Nagar, v.v. Đây là những nhân vật có nguồn gốc Mã Lai du nhập vào Champa cũng vào thế kỷ thứ XVII.

 

Dựa vào 3 yếu tố lịch sử vừa nêu ra, các nhà khoa học đưa ra kết luận rằng Kate chỉ ra đời dưới triều đại của vua Po Rome hoặc là sau ngày từ trần của vị vua này chứ không thể xảy ra từ thời Sa Huỳnh như Đắc Văn Kiết và Quảng Đại Cẩn tự suy đoán để mua vui cho độc giả. Nếu Kate ra đời từ thời Sa Huỳnh (1000 năm trước Công Nguyên), thì Kate phải diễn ra tại làng Sa Huỳnh ở miền trung Việt Nam hôm này và tôn vinh những vị thần linh của thời Sa Huỳnh chứ không thể diễn ra tại đền Po Rome và tôn vinh Po Rome chỉ ra đời vào thế kỷ thứ XVII.

 

Thêm vào đó, bia ký Champa viết trước thế kỷ thứ XV thường ghi lại những lễ tục đã diễn ra tại vương quốc Champa nhưng không bao giờ nhắc đến Kate. Điều này đã chứng minh rằng Kate không phải là lễ xuất hiện dưới thời liên bang Champa mà là lễ tục chỉ hình thành trong khu vực Panduranga sau thế kỷ thứ XV mà thôi.

 

Vài lời về tác giả

 

Ai cũng biết Đắc Văn Kiết là vị sĩ quan cấp bực trung úy dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông là trí thức Chăm rất đam mê lịch sử và văn hóa Chăm nhưng ông không phải là chuyên gia về bộ môn này. Ông cũng rất yêu chuộng phong tục tập quán Chăm nhưng không biết đọc tiếng Chăm và cũng không chung sống trong không gian của phong tục này. Ông rất yêu thích phong trào đấu tranh để xây dựng ngày quốc lễ, quốc ca, anh hùng liệt sĩ Champa nhưng ông quên rằng đây là mô hình mang tính cách hiện đại, không liên hệ gì đến truyền thống văn hóa của dân tộc Chăm. Và ông cũng là sáng lập viên Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa nhưng ông cũng không định nghĩa rõ ràng thế nào là mục tiêu của tổ chức bảo tồn văn hóa?

 

Không phải là chuyên gia về lịch sử và nền văn minh Champa và không biết đọc tiếng Chăm để tiếp thu kho tàng văn hóa Chăm, nhưng Đắc Văn Kiết không ngần ngại dùng ngòi bút để viết về phong tục tập quán Chăm. Chính đó là nguyên nhân đã đem lại bao sai lầm trong bài viết của ông về lễ tục Kate của người Chăm hôm nay.

 

Nhận định sai lầm về Kate hay văn chương suy đoán về lễ tục Kate?

 

1). Ngay trên chủ đề của bài viết, Đắc Văn Kiết khẳng định rằng:

 Katê là tín ngưỡng bản địa mang bản sắc của dân tộc Champa (Katê không phải là tín ngưỡng tôn giáo ngoại nhập Bàlamôn).

 

Đọc qua đoạn này, chúng tôi đánh giá ngay Đắc Văn Kiết đang sử dụng văn chương suy đoán để định nghĩa Kate của bà con Chăm Bà La Môn hôm nay. Có chăng ông Đắc Văn Kiết không nắm vững lịch sử và nền văn minh Champa, thành ra ông không thể phân biệt được thế nào tín ngưỡng Champa bản địa và đâu là biên giới của tôn giáo ngoại nhập Bà La Môn nằm trong hệ thống Kate của người Chăm hôm nay?

 

Nếu chúng tôi không lầm, Đắc Văn Kiết và Quảng Đại Cẩn là hai người duy nhất trên thế giới này có quan điểm khác biệt về nền văn minh Champa. Vì rằng tất cả các nhà khoa học đều công nhận từ lúc hình thành quốc gia Champa cho đến thế kỷ thứ XV, vương quốc Champa không ngừng vây mượn những yếu tố tín ngưỡng của Ấn Giáo để xây dựng cho mình hệ thống tôn giáo. Sau thế kỷ thứ XV, Champa bắt đầu xa lánh nền tảng Ấn Giáo hầu xây dựng cho mình một hệ thống tín ngưỡng mang tính cách hỗn hợp giữa yếu tố Champa bản địa và yếu tố Ấn Giáo cộng thêm văn hóa Hồi Giáo kể từ thế kỷ thứ XVI. Kate là một thí dụ điển hình, vì lễ tục này chỉ là kết quả của sự hòa hợp giữa yếu tố Champa bản địa và Bà La Môn Giáo, chứ không phải là lễ tục hoàn toàn mang màu sắc Champa bản địa như Đắc Văn Kiết và Quảng Đại Cẩn tự suy đoán theo quan điểm cá nhân của ông.

 

tuong po klong

Đây là tượng Po Klaong Garai dưới hình thể Mukha Linga (thần Shiava) cùa

Ấn Giáo chứ không phải  vua Chăm bản địa

 

Ai cũng biết dân tộc Ấn Độ không biết Kate là gì. Nhưng không phải vì thế mà Đắc Văn Kiết đưa ra kết luận rằng Kate không có liên hệ gì với Ấn Giáo.

 

Tượng Po Klaong Garai, Po Rome và nữ thần Po Ina Nagar mà người Chăm đang tôn thờ trong ngày Kate không phải là tượng thần của người Chăm bản địa chế biến mà là hình tượng của Ấn Giáo. Có chăng Đắc Văn Kiết chưa thấy hình tượng của 3 vị thần này, thành ra ông không biết Kate có chứa đựng một ảnh hưởng đậm nét của Ấn Giáo.

 

Các bài phúng điếu mà Po Adhia đọc trong ngày lễ Kate là văn bản Phạn ngữ chứ không phải là Chăm ngữ, thường lập đi lập lại Om nama sibayong (Om, nhân danh đấng Shiva). Sibayong là thần Shiva phát xuất từ Ấn Giáo chứ không phải thần linh của người Chăm bản địa. Có chăng Đắc Văn Kiết không biết tiếng Phạn thành ra không hiểu Po Adhia nói gì? Đắc Văn Kiết nên đi tìm những văn bản này để tra cứu lại, trước khi đưa ra kết luận Kate không liên hệ gì với Ấn Giáo.

 

agal bac

Sách viết trên lá buông (agal bac) đọc trong ngày Kate là Phạn ngữ chứ

không phải Chăm ngữ bản địa

 

Kate là lễ tục diễn ra hàng năm trên đền tháp Champa. Tất cả đền tháp này đều mang phong cách kiến trúc của Ấn Giáo để thờ thần linh Ấn Giáo, chứ không phải đền đài có phong cách của người Chăm bản địa tạo ra. Đắc Văn Kiết là nhà bảo tồn văn hóa, tại sao ông không biết vấn đề này? Có chăng Đắc Văn Kiết chưa bao giờ lên đền tháp Champa trong dịp lễ Kate, thành ra không biết thế nào là yếu tố Ấn Giáo nằm trong tín ngưỡng Kate của người Chăm Bà La Môn hôm nay?

 

Các vị tu sĩ như Po Adhia, Po Bac, Basaih, Camnei, Kadhar điều hành buổi lễ Kate là những chức sắc mang ảnh hưởng Ấn Giáo vô cùng đậm nét chứ không phải các vị tu sĩ của người Chăm bản địa. Họ kiêng cử thịt bò và chủ trì những lễ tục hoàn toàn dựa vào phong cách tín ngưỡng của Ấn Giáo. Ngay tên gọi của họ cũng phát xuất từ tên gọi của Ấn Giáo, không liên hệ gì với tên gọi của dân tộc Chăm bản địa như Đắc Văn Kiết và Quảng Đại Cẩn nêu ra:

 

Po Adhia là tên gọi phát xuất từ Ấn Giáo = Adya

Po Bac = Baca

Basaih = Vasa

Camnei = Cramana

Kadhar = Gandarva

tu si
Những vị tu sĩ này đều mang tên Ân Giáo chứ không phải là tên Chăm bàn địa

 

Dựa vào những hình ảnh Ấn Giáo nằm ngay trong lễ tục Kate mà chúng tôi vừa nêu ra, độc giả có quyền đưa ra kết luận rằng quan điểm của Đắc Văn Kiết về “Katê không phải là tín ngưỡng tôn giáo ngoại nhập Bàlamôn” là hoàn toàn sai lầm, phi khoa học và phi văn hóa.

 

2). Trong bài viết, Đắc Văn Kiết cho rằng:

Pô Inư Nagar là Thần mẹ của xứ sở đã khai sáng giang sơn gấm vóc. Do đó, vào thế kỷ IX, vua Champa Harivarman I đã xây dựng một quần thể đền Tháp Pô Inư Nưgar tại Nha Trang ngày nay để thờ phượng.

 

Đây chỉ là lối suy diễn cá nhân của Đắc Văn Kiết không liên hệ gì với nguồn gốc lịch sử của Po Ina Nagar.

 

Đắc Văn Kiết đừng quên rằng, quần thể tại Nha Trang không phải đền tháp dành riêng cho Po Ina Nagar (Thánh Mẫu Vương Quốc) và nó không ra đời vào thế kỷ thứ IX như Đắc Văn Kiết nêu ra.

 

Lúc ban đầu, quần thể Nha Trang chỉ có một cái đền nhỏ nhoi làm bằng gỗ để thờ thần Shiva mang tên là Sri Sambhu. Đền này bị quân Mã Lai Đa Đảo tàn phá vào năm 774. Sau cuộc tấn công này, vua Satyavarman Isvaraloka quyết định vào năm 784 biến Nha Trang thành trung tâm tín ngưỡng Ấn Giáo có đền đài hùng tráng hơn để thờ thần Shiva và phu nhân là Bhagavati được tôn chức vào năm 784 là Yang Pu Kauthara, tức là Thánh Mẫu của tiểu vương quốc Kauthara (Nha Trang).

 

Năm 813 và 817, vua Harivarman xây thêm 3 tháp nữa trong quần thể Nha Trang để thờ ba vị nam thần: Shandhaka, Gansha Sri Vinayaka và Sri Malada-Kuthara. Phải chờ cho đến năm 918, vua Indravarman III quyết định tạc hình tượng bằng vàng của nữ thần Bhagavati (phu nhân của Shiva) để thờ phượng trong quần thể tại Nha Trang và tôn vinh nữ thần Bhagavati từ chức phong Yang Pu Kauthara (Thánh Mẫu Nha Trang) trở thành Yang Pu Nagara (Thánh Mẫu Vương Quốc) mà người Chăm hôm nay gọi là Po Ina Nagar.

 

Năm 945, tượng bằng vàng của nữ thần Yang Pu Nagara bị quân Campuchia đánh cấp. Chính vì thế vua Jaya Indravarman I phải tạc tượng của nữ thần này bằng đá vào năm 965 để thay thế tượng bằng kim vàng. Và tượng này còn lưu lại cho đến hôm nay tại quần thể Nha Trang.

 

Trước kia, người Chăm chỉ làm lễ Kate tại đền Po Ina Nagar ở Nha Trang. Vì chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh không cho phép Kate diễn ra tại Nha Trang, do vậy người Chăm phải xây một đền mới tại Phan Rang để thờ vị nữ thần này.

 

Đây là những dữ kiện lịch sử mà Đắc Văn Kiết phải nắm vững trước khi viết bài về Kate. Po Ina Nagar là nữ thần Champa chỉ ra đời vào năm 918 chứ không phải là “thần mẹ của xứ sở đã khai sáng giang sơn gấm vóc” như Đắc Văn Kiết nêu ra. Là một nhà bảo tồn văn hóa, Đắc Văn Kiết phải biết thế nào là truyền thuyết của Po Ina Nagar mà người Chăm kể lại và đâu là yếu tố lịch sử của bà Thánh Mẫu này.

 

Tóm lại, Po Ina Nagar không phải là tên gọi của nữ thần mà là chức phong của nữ thần này. Tên thật của Po Ina Nagar là Bhagavati, tức là phu nhân của Đấng Shiva, vị nam thần được tôn thờ nhất tại vương quốc Champa. Po Ina Nagar là nữ thần nằm trong hệ thống Ấn Giáo chứ không phải nữ thần của người Chăm bản địa như Đắc Văn Kiết tự suy đoán.

 

3). Trong bài viết, Đắc Văn Kiết cho rằng:

Người dân Champa thường cúng tế các Thần sông, thần núi, lễ cúng cầu mưa (Plao Pasăk).

 

Trong văn chương Chăm không bao giờ có cụm từ Plao Pasăk như Đắc Văn Kiết nêu ra. Có chăng ông muốn nói lễ Palao Sah (lễ cầu mưa) của người Chăm thường tổ chức vào chu kỳ 7 năm một lần. Tại sao một nhà bảo tồn văn hóa Champa lại viết tiếng Chăm sai chính tả?

 

4). Trong bài viết, Đắc Văn Kiết cho rằng:

Khi biển động, nổi cơn dông thì người Chăm cúng Thần biển (Pô Riyak).

 

Đây chỉ là câu chuyện do Đắt Hữu Kiết tự suy đoán mà thôi. Po Riyak không phải là Thần Biển mà là nhân vật Champa Awal sang Mã Lai du học. Khi nghe tin vương quốc Champa bị biến loạn, Ngài xin sư phụ trở về quê hương cứu nước, nhưng bị từ chối. Chính vì thế Ngài tìm cách trốn về Champa. Trên đường về, sư phụ dùng bùa phép gây bảo tố để đánh chìm tàu của Ngài ở ngoài khơi. Chính cá voi là con vật đưa Ngài đến tận bờ bể Sơn Hải (Phan Rang) nơi mà ngư dân người Việt lập nên đền miếu để thờ cá voi này chứ không phải thờ thần biển.

 

Người Chăm cũng có đền thờ Po Riyak tại thôn Mỹ Nghiệp và Phước Đồng (Phan Rang). Mỗi đầu năm, bà con Chăm thường làm lễ cho Po Riyak để tượng niệm thần Awal cởi con cá voi về Champa hầu xin thần linh này phù hộ cho họ mà thôi, chứ không phải vì biển động hay cơn dông mà người Chăm làm lễ thờ cúng Po Riyak như Đắc Văn Kiết nêu ra. Đắc Văn Kiết đừng quên rằng dân tộc Chăm hôm này không còn ai sống về nghề biển.

 

5). Đắc Văn Kiết ghi rằng:

Tất cả những việc cúng tế nêu trên là do “tín ngưỡng dân gian” bản địa trong đời sống hằng ngày, lâu dần trở thành tập quán dân tộc; tập quán đó là “Mbăng Katê” vào tháng bảy Chăm lịch theo thời vụ.

 

Đây cũng là lối suy diễn cá nhân của Đắc Văn Kiết, không liên hệ gì đến nguồn gốc của Kate, vì lễ tục này chỉ ra đời vào triều đại Po Rome thế kỷ thứ XVII mà thôi.

 

6). Đắc Văn Kiết ghi rằng:

Tục lệ Mbăng Katê” này được dân tộc Champa (...) tiếp nối nhau qua nhiều thế hệ (...) với sự phát triển xã hội cùng khắp quốc gia Lâm Ấp, biến thành “Lễ Hội Dân Gian” tức “Lễ hội Katê” (...) khi chưa có bóng dáng ngoại nhập của Tôn giáo Bà La Môn và Văn hóa Ấn Độ.

 

Đọc qua đoạn này, chúng tôi có cảm tưởng rằng Đắc Văn Kiết đang viết tiểu thuyết lịch sử chứ không phải bài khảo luận về lễ tục Kate nữa.

 

Đắc Văn Kiết không biết Kate ra đời từ lúc nào và cũng không nắm vững yếu tố lịch sử Champa dưới thời Lâm Ấp, thế thì tại sao Đắc Văn Kiết lại dùng ngòi bút của mình để đưa ra quan điểm cho rằng Kate đã xuất hiện từ thời Lâm Ấp (thế kỷ thứ II). Một khi cho rằng Kate ra đời từ thời Lâm Ấp, thì tác giả nên cho biết tư liệu này nằm ở đâu, trang nào, xuất bản năm nào?

 

Một nhà bảo tồn văn hóa chân chính không nên chế biến những dữ kiện không thực để gán vào lịch sử tín ngưỡng của dân tộc Chăm.

 

7). Đắc Văn Kiết viết rằng:

Lễ hội Katê (...) đã ăn sâu vào tâm khảm của dân tộc Champa từ trước đó, trong đời sống văn hóa Sa Huỳnh và sau khi lập Quốc vào thế kỷ thứ II sau công nguyên cho đến ngày nay.

 

Đây cũng là thể loại văn chương suy đoán mà thôi. Tại sao dám nói Kate đã xuất hiện từ thời Sa Huỳnh (1000 năm trước Tây Lịch) nhưng Đắc Văn Kiết không nêu ra một chứng cớ nào để chứng minh cho lời nói của mình? Có chăng đây chỉ là thể loại văn chương của báo Văn Nghệ Tuần Phong dưới thời Việt Nam Cộng Hòa?

 

Đắc Văn Kiết là nhà bảo tồn văn hóa chứ không phải nhân vật chỉnh lý văn hóa. Chính vì thế ông nên có thái độ nghiêm túc hơn khi đưa ra một quan điểm gì liên quan đến di sản văn hóa của dân tộc Champa.

 

8). Đắc Văn Kiết viết rằng:

Lễ hội Katê được tổ chức vào tháng 07 Chăm lịch theo thời vụ, mục đích tưởng niệm và nhớ ơn Thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar.

 

Đọc qua đoạn này, chúng tôi nghi rằng Đắc Văn Kiết là dân tộc Chăm biết nói tiếng Chăm nhưng không biết đọc chữ Chăm và không nắm vững phong tục tập quán của người Chăm.

 

Theo phong tục Chăm, Kate không phải là lễ tục có mục đích tưởng niệm thần mẹ xứ sở Po Ina Nagar như Đắc Văn Kiết nêu ra, mà lễ tục dành cho Yang Ama (thần cha), tức là Nam Thần, ám chỉ cho đấng Shiva. Cha-mbur vào tháng 9 Chăm lịch mới là lễ tục dành cho Yang Ina, tức là Po Ina Nagar, Nữ thần Xứ Sở, ám chỉ cho phu nhân của Shiva.

 

Một nhà bảo tồn văn hóa nhưng không biết mục tiêu Kate để thờ thần linh nào, thế thì tại sao Đắc Văn Kiết lại đứng ra viết bài về nguồn gốc Kate?

 

9). Đắc Văn Kiết viết rằng:

Lễ hội Katê nhằm (...) tưởng niệm và nhớ ơn tiền nhân có công khai quốc Chăm như các anh hùng dân tộc và các Vua chúa Champa.

 

Đây cũng là thể loại văn chương bịa đặt của Đắt Văn Kiết thì đúng hơn.

 

Liên quan đến khái niệm “nhớ ơn tiền nhân có công khai quốc”, Đắc Văn Kiết đừng quên rằng các dân tộc trên thế giới xưa kia, dù họ là dân tộc Âu Châu hay Á Châu, trong đó có dân tộc Chăm không bao giờ nghĩ đến các nghi thức “tôn vinh bậc tiền nhân có công cho đất nước” trong ngày lễ của họ. Nghi thức “nhớ ơn tiền nhân có công khai quốc” mà Hội Bảo Tồn áp dụng vào lễ Kate hôm nay chỉ là khái niệm hoàn toàn mới mẻ, ra đời dưới thời Napoleon (Pháp) vào thế kỷ thứ XIX. Vì rằng Kate truyền thống của Chăm Bà La Môn tại quê nhà hôm nay, không có ai hát bài quốc ca, làm nghi lễ một phút mặc niệm, dâng vòng hoa chiến thắng trước đài kỷ niệm như Hội Bảo Tồn Văn Hóa đã từng thực hiện taị hải ngoại hôm nay.  

 

Trong ngày Kate của người Chăm hôm nay, không ai nói đến anh hùng liệt sĩ Champa như Đắc Văn Kiết bịa ra. Ong Kadhar chỉ hát những bài nhằm tôn vinh các vị thần linh Champa trong đó có cả thần linh Hồi Giáo như Ali, Fatimah hay thần linh mà người ta cũng không biết nguồn gốc từ đâu như Dam Tiap Pabuei, Dam Tiap Pabaiy.

 

Trong bài hát này có nhắc đến Po Rome nhưng người ta chỉ tôn thờ Po Rome với tư cách là vị thần Po Rome có 8 cánh tay ngồi gần con bò Nandin biểu tượng cho đấng Shiva, chứ không phải thờ vua Po Rome trong nghĩa hiện đại của nó. Po Rome là nhân vật lịch sử, chỉ có 2 cánh tay như Đắc Văn Kiết và không bao giờ ngồi gần con bò hay con trâu gì đó.

 

porome

Đây là thần Po Rome có 8 cánh tay

chứ không phải vua Po Rome

 

Đây là danh sách nhân vật được tôn vinh trong ngày Kate. Đắc Văn Kiết nên đọc kỹ lại và cho biết ai là vị anh hung liệt sĩ Champa trong danh sách này?

 

Danh sách thần linh được ca tụng trong Katê

(Nguồn tư liệu: CAM 148 của Viện Viễn Ðông Pháp)

1). Po Thun Girai Thun Cek – 2. Po Girai Bhaok – 3. Po Bia Binân – 4. Po Rome – 5. Po Sah – 6. Po Inâ Nagar – 7. Po Pan – 8. Po Klaong Kasat – 9. Cei Tathun – 10. Po Praok Thuer – 11. Praok Dhar – 12. Po Ginuer Matri – 13. Po Bia Nai Kuer – 14. Po Bia Patao Yang-in – 15. Po Tang – 16. Po Gihlau – 17. Po Biruw – 18. Po Riyak – 19. Po Li – 20. Po Phuatimâh – 21. Po Than – 22. Po Thai – 23. Po Tang Haok – 24. Ong War Palei – 25. Cei Sit – 26. Cei Praong – 27. Cei Dalim – 28. Cei Sak Bingu, 29. Po Haniim Pan – 30. Nai Mâh Ghang Tang Nagar – 31. Po Patao Binthuer – 32. Dam Mbaok – 33. Dam Mbung – 34. Dam Tiap Pabuei – 35. Dam Tiap Pabaiy – 36. Yang Brait Yang Bri – 37. Po Mangi – 38. Po Manguw – 39. Nai Carao Craoh Bhaok – 40. Kadit Tanaow – 41. Kadit Binai – 42. Bia Soy – 43. Bia Binân – 44. Bia Juk – 45. Nai Lileng Tabeng Mâh – 46. Nai Lileng Bingu Tapah – 47. Po Kathit – 48. Po Kabrah – 49. Po Klaong Halau – 50. Po Klaong Can – 51. Patao Tabai – 52. Bia Mahik – 53. Ong Pasa Muk Cakléng.

 

10). Đắc Văn Kiết viết rằng:

Katê không có tưởng niệm Brahma, Vishnu, Shiva các vị Thần của Ấn giáo.

 

Đây cũng là lối suy diễn hoàn toàn phi khoa học và phi văn hóa.

 

Ai cũng biết Kate không có mối liên hệ gì đến thần Brahma và Visnu, hai vị thần Ấn Giáo không được quan tâm cho lắm tại vương quốc Champa. Ngược lại, Kate là lễ tục có mối liên hệ trực tiếp với thần Shiva của Ấn Giáo. Hình tượng Po Rome và Po Klaong Garai được tôn thờ trong đền tháp là hình tượng của đấng Shiva. Hình tượng của Po Ina Nagar là hình tượng của nữ thần Bhagavati, tức là phu nhân của Shiva. Thế thì tại sao Đắc Văn Kiết dám khẳng định rằng Kate không tưởng niệm các vị thần của Ấn Giáo?

 

Đắc Văn Kiết không nên học nghề lý giải theo phong cách của Quảng Đại Cẩn cho rằng người Chăm chỉ biết Po Klaong Garai, Po Rome, Po Ina Nagar mà thôi chứ họ không biết thần Ấn Giáo là gì? Đây là phong cách lý luận phi khoa học. Nhân danh nhà bảo tồn văn hóa, Đắc Văn Kiết và Quảng Đại Cẩn phải có nghĩa vụ cho dân tộc biết nguồn gốc văn hóa của dân tộc Chăm, dù nguồn gốc này phát xuất từ Ấn Giáo, Hồi Giáo, v.v.

 

tuong po ina nagar

Po Ina Nagar (Bhagavati, phu nhân của

thần Shiva) chứ không phải nữ thần Chăm bản địa 

 

11). Đắc Văn Kiết viết rằng:

Katê là miền tâm thức cội nguồn (...) dệt thành “Bản Sắc”, dân tộc CHĂM.

 

Đây là lời tuyên bố hoàn toàn mâu thuẫn. Nếu cho rằng Kate là bản sắc của dân tộc Chăm, thế thì tại sao Đắc Văn Kiết không bảo tồn di sản Kate này như bà con Chăm đang tổ chức hàng năm tại quê nhà mà lại chế biến một thể loại Kate mang phong cách ngoại lai, có một phút mặc niệm, hát bài quốc ca, vòng hoa chiến thắng trước đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, v,v. không liên hệ gì với bản sắc dân tộc Chăm hôm nay!

 

12). Đắc Văn Kiết viết rằng:

Katê không phải của Ahier mà là của cả dân tộc Chăm. Ahier mới có từ thế kỷ XVII đổ lại.

 

Đây chỉ là một thể loại văn chương chính trị thì đúng hơn.

 

Cũng vì bám vào lý thuyết cho rằng Kate là quốc lễ Champa nhằm tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Champa cho nên Đắc Văn Kiết mới chế biến ra một lý thuyết mới cho rằng Kate không phải là tín ngưỡng của Chăm Ahier mà là của toàn dân tộc Chăm. Đắc Văn Kiết có thấy bà con Chăm Bani và Islam làm lễ Kate trong thôn làng và gia đình của họ như bà con Chăm Bà La Môn hay không?

 

Theo quan điểm của chúng tôi, chủ trương của Đắc Văn Kiết cho rằng: “Katê không phải của Ahier mà là của cả dân tộc Chăm” chỉ nhằm làm vừa lòng cho một số gia đình người Chăm Hồi Giáo trung thành với Đắc Văn Kiết, nhưng chính những người Chăm Hồi Giáo này cũng không bao giờ thực hiện lễ tục Kate trong gia đình của họ. Đây chỉ là chủ thuyết quốc gia cực đoan nhằm thống trị dân tộc Chăm, bó buộc Chăm Ahier, Chăm Bani và Chăm Islam phải làm lễ Kate theo mô hình của Hội Bảo Tồn.

 

Tín ngưỡng là quyền thiêng liêng của một dân tộc. Không ai có quyền bó buộc dân tộc Chăm xóa bỏ lòng tin của mình để làm theo chủ trương của Hội Bảo Tồn của Đắc Văn Kiết.

 

13). Đắt Văn Kiết viết rằng:

[vua chúa Champa] là hậu duệ Champa phải tế tự hằng năm để nhớ công đức các Ngài. Cái Ngài có theo tôn giáo nào không quan trọng; quan trọng các Ngài là dân tộc Chămpa là đủ rồi.

 

Đắc Văn Kiết đừng quên rằng tất cả dân tộc Chăm hôm nay dù họ là Chăm Ahier, Chăm Awal, Chăm Islam, Chăm Thiên Chúa, Chăm Tin Lành, v.v. không ai dám quên công lao của các bậc tiền nhân có công xây dựng đất nước Champa. Hàng năm họ thường lên đền tháp để đón mừng ngày Kate truyền thống tại quê nhà, nhưng họ không bao giờ chấp nhận đến tham gia lễ hội Kate do Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa tổ chức. Vì rằng mục tiêu và ý nghĩa của Kate mà Hội Bảo Tồn đưa ra không phù hợp với Kate truyền thống của dân tộc Chăm hôm nay, chỉ có thế thôi.

 

Ngay cả bà con Chăm Bà La Môn của Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa do cựu dân biểu Lưu Quang Sang sáng lập có trụ sở ở Sacramento (Hoa Kỳ) cũng tổ chức Kate riêng biệt theo truyền thống như ở quê nhà và họ cũng không tham gia Kate do Hội Bảo Tồn tổ chức, tại sao?

 

Ông Lưu Quang Sang (Phan Rang) và Đắc Văn Kiết (Phan Rí) là hai nguời Chăm Bà La Môn sinh sống tại Hoa Kỳ, nhưng có hai quan điểm khác nhau về lễ tục Kate hôm nay. Có chăng Lưu Quang Sang là dân biểu và Đắc Văn Kiết là sĩ quan trung úy, không chấp nhận xây dựng chung một tổ chức, thành ra phải hình thành hai hội đoàn khác nhau nhằm tách rời lễ tục Kate của bà con Chăm Bà La Môn thành hai ý nghĩa riêng biệt?

 

Đối với tổ chức Champaka, Kate của bà con Chăm Bà La Môn nằm trong Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa có trụ sở tại Sacramento mới là Kate truyền thống, mang bản sắc văn hóa Champa thật sự. Đến ngày Kate, bà con Chăm Bà La Môn ở Sacramento đứng ta tổ chức lễ tục như ở quê nhà. Bà con Chăm Bani hay Islam đến tham gia thì hoan hô, nếu không tham gia thì cũng không có vấn đề gì. Vì đây là lễ tục của bà con Chăm Bà La Môn chứ không phải là ngày quốc lễ Champa.

 

14). Đắc Văn Kiết viết rằng:

Nếu nền văn hóa cổ của chúng ta mất đi (&) thì đó là ngày dân tộc Chăm bị cáo chung trên hành tinh này bởi sự ngu muội của chính chúng ta.

 

Đọc đến đây, chúng tôi không hiểu Đắc Văn Kiết muốn gì. Kate là lễ tục văn hóa cổ có từ lâu đời và đang diễn ra hàng năm tại quê nhà. Tại sao Đắc Văn Kiết không tìm cách bảo tồn Kate cổ như người Chăm đang thực hiện tại quê nhà mà lại chỉnh lý lễ tục Kate cổ này thành một lễ tục Kate ngoại lai, không liên hệ gì đến phong tục tập quán truyền thống của người Chăm? Thế thì ai là thành phần ngu muội trong phong trào đấu tranh bảo tồn văn hóa hôm nay!

 

Kết luận

 

Theo chúng tôi, bài viết của Đắc Văn Kiết chỉ có mục đích bào chữa cho chủ trương sai lầm của Hội Bảo Tồn Văn Hóa nhằm biến Kate của Chăm Bà La Môn thành ngày quốc lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Champa, hầu làm vừa lòng cho vài gia đình Chăm Hồi Giáo muốn làm thành viên của tổ chức này. Chính đó là nguyên nhân chính yếu gây ra sự khủng hoảng về lễ tục Kate của Chăm Bà La Môn hôm nay.

 

Đứng trên phương diện pháp lý, Hội Bảo Tồn Văn Hoá Champa có quyền tổ chức hay hình thành ngày lễ kỷ niệm anh hùng liệt sĩ Champa tại hải ngoại theo ý muốn của mình, có quyền làm một phút mặc niệm, có quyền dâng vòng hoa chiến thắng truy niệm trước đài tưởng niệm Champa đặt trong hội trường văn nghệ, có hàng chữ Bangsa Hadar Phuel (có thể dịch từ tiếng Việt là tổ quốc ghi ơn) mặc dù người Chăm không hiểu ý nghĩa của nó là gì? Nhưng Hội Bảo Tồn không nên thực thi những nghi lễ này vào dịp Kate của người Chăm Bà La Môn và biến lễ tục này thành ngày Quốc Lễ Champa hay tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Champa để rồi từ đó tổ chức này cho rằng những người Chăm nào không đến tham gia Kate là người vong ơn bạc nghĩa đối với bậc tiền nhân Champa.

 

Đắc Văn Kiết là nhà bảo tồn văn hóa Champa chứ không phải nhà chỉnh lý văn hóa Champa. Nếu làm nghĩa vụ bảo tồn thì Đắc Văn Kiết nên giữ lại di sản truyền thống Kate mà các bậc tu sĩ, bô lão và trí thức Chăm đang thực hiện tại quê nhà hôm nay.

 

 

Bài liên quan :

Kate: Lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay
Góp phần tìm hiểu về lễ hội Katê
Vấn đề Kate trở lại trên bàn cờ của xã hội Chăm
Quan điểm của Vinh Thanh về lễ Kate truyền thống
Chung quanh vấn đề lễ hội Kate của người Chăm hôm nay
Trả lời cho bài viết của Quảng Đại Cẩn về Kate
Chung quanh vấn đề ngày quốc lễ Champa
Trả lời email của Chế Mỹ Lan về lễ Kate
Regina trả lời cho Chế Mỹ Lan về Kate
Vài lời góp ý với Chế Mỹ Lan về lễ tục Kate
Chế Mỹ Lan chế biến ý nghĩa mới cho lễ tục Kate
Trao đổi với Ja Intan về Kate