Quan điểm của H. Champaka về Chân Dung Cát của Inrasara Print
Written by BBT Harak Champaka   
Sunday, 18 March 2012 04:15
chan dung
Chân dung cát

Inrasara tên thật là Phú Trạm, người Chăm làng Caklaing (Mỹ Nghiệp), Ninh Thuận, tác giả của nhiều tập thơ và xuất bản nhiều tác phẩm về văn hóa Chăm. Ðặc biệt, trong năm 2006, ông ta cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Chân Dung Cát.

 

Nhìn qua danh mục những tác phẩm đã xuất bản, mọi người đều cho rằng Inrasara đã đóng góp rất nhiều trong công trình phổ biến di sản văn hóa Chăm, đem đến cho độc giả nhiều bài viết liên quan đến xã hội Chăm. Tiếc rằng, nội dung bài viết trong các tác phẩm Inrasara thường dựa vào quan điểm riêng tư để phân tích một cách sơ sài về di sản văn học Chăm, phê bình một cách nông cạn và đôi lúc vô trách nhiệm về bản chất của dân tộc Chăm, chê bai một cách vô tội vạ những bạn bè thân cận và những nhà nghiên cứu Chăm không cùng trường phái của mình, nhằm để tôn vinh bản thân một cách quá đáng mà Harak Champaka của chúng tôi đã từng đề cập đến.

Inrasara cũng là người đoạt được nhiều giải thưởng về thơ qua các bài tiêu biểu như : Tháp Nắng, Sinh Nhật Cây Xương Rồng, Lễ Tẩy Trần Tháng Tư. Tiếc rằng, giải thưởng thơ văn trong một quốc gia độc đảng, độc quyền thường không dựa vào giá trị nội dung của tác phẩm mà chỉ nhìn vào vị trí và quan điểm của tác giả, nhất là tác giả gốc người sắc tộc, đối với Ðảng và Nhà Nước Việt Nam. Qua bài bình về thơ văn của Inrasara, Mang Viên Long và Ký Còm là hai nhà văn Việt Nam có quan điểm hoàn toàn trái ngược về giá trị giải thưởng mà Hội nhà văn Việt Nam dành cho Inrasara. Một số trí thức Chăm có trình độ về văn học cũng đưa ra cùng nhận định với Mang Viên Long và Ký Còm. Ðối với họ, những bài thơ của Inrasara chỉ là một loại thơ “ghép từ” hay “khoe ngữ”, thiếu chất sống, thiếu cảm xúc và mang tính huênh hoang, còn nội dung thì trống rỗng, xa vời và mơ hồ, để rồi không ai còn biết Inrasara viết thơ để làm gì, sáng tác thơ có mục tiêu gì, đấu tranh cho ai và bảo vệ cho lý tưởng của dân tộc nào

Khi nói đến nhà văn hay nhà thơ chân chính, người ta thường nghĩ ngay đến những nhân vật có nhân cách và lập trường vững chắc, mà những bài viết của họ thường xây dựng trên nền tảng “nhân văn và nhân phẩm”. Inrasara đã không biết đến giá trị “nhân văn và nhân phẩm” này mà chỉ biết dùng ngòi bút của mình để viết tối đa, sáng tác tối đa, chê bai tối đa bạn bè và người thân cận để quảng cáo tối đa về cá nhân mình.

Ðiều điên rồ nhất của Inrasara đó là sự huênh hoang và dám dùng ngòi bút của mình để vu khống và mạ lỵ cả một tập thể dân tộc Chăm, cho rằng dân tộc này có 10 khuyết tật thô thiển : “cục bộ, tính khí tiêu cực, thiếu khoa học, lánh đời và trốn xã hội, sĩ hão, không biết giúp nhau, nhát gan, không trung dung, tính đổ thừa, không bền chí” (Văn Hóa Xã Hội Chăm, 1999, tr. 111-116). Ðây là một sự phát ngôn bừa bãi. Vì nếu cho rằng dân tộc Chăm nhát gan như Inrasara (Phú Trạm) vừa nêu ra, thì họ đã không có một chiều dài lịch sử như mọi người đã biết, không bao giờ có cuộc kháng chiến của Ja Thak Wa chống cuộc xâm lăng của Việt Nam vào năm 1834-1835, không bao giờ có cuộc vùng dậy của phong trào Fulro (1964-1975) và cũng không bao giờ có cuộc xuống đường của đàn bà và phụ nữ Chăm thôn Văn Lâm vào ngày 23-7-2008 để đòi quyền sở hữu đất đai của họ.

Dùng ngòi bút để bôi nhọ cả một tập thể tộc người là thái độ vô trách nhiệm mà dân tộc Chăm không thể chấp nhận được và cũng là hành động phạm pháp trong các nước tự do dân chủ vì tội phỉ báng dân tộc.

Mặc dù Harak Champaka đã phản đối thái độ không lương thiện này, nhưng Inrasara vẫn tiếp tục cao ngạo chưa chịu “xin lỗi” một câu nào để phục hồi danh dự cho dân tộc Chăm mà còn tiếp tục vu khống và bôi nhọ họ trong cuốn tiểu thuyết Chân Dung Cát xuất bản vào năm 2006 của tác giả.

Ðể trả lời cho tính cách cao ngạo này và cũng như để tìm lại sự thật đúng sai mà tác giả đã cáo buộc và phỉ báng vô căn cứ xã hội Chăm, Abdul Karim đứng ra phê bình nội dung cuốn tiểu thuyết Chân Dung Cát của Inrasara. Bằng những tư liệu khoa học, những dẫn chứng rõ ràng và chắc chắn, Abdul Karim đã phân tích cho độc giả thấy rõ cuốn thiểu thuyết Chân Dung Cát của Inrasra chỉ là một tác phẩm khiêu dâm và phỉ báng dân tộc Chăm. Bên cạnh đó, Abdul Karim còn đưa ra các bài phê bình của Mang Viên Long và Ký Còm, hai nhà văn gốc Việt phê bình tác phẩm và nhân sinh quan của Inrasara để độc giả hiểu thêm về bản chất thực (dâm hay tà) của Inrasara trên diễn đàn văn chương cũng như trong cộng đồng dân tộc Chăm ở Việt Nam.

Lịch sử Champa là tổng thể của những biến cố đã xảy ra mà dân tộc này xem đó như là một tờ di chúc thiêng liêng, bất di bất dịch, không ai có quyền sửa đổi hay méo mó sự thật mà không đưa ra đưa ra dữ kiện thuyết phục. Xã hội Champa là không gian liên đới của mọi thành viên cùng chung một nguồn gốc văn hóa và nằm trong không gian của một lịch sử, chấp nhận những yếu tố văn hóa và lịch sử này là di sản thiêng liêng chung của một dân tộc mà không ai có quyền đưa ra làm chủ đề mua vui trong cuộc sống. Nhân danh một trí thức người Chăm, Inrasara phải biết trước tiên thế nào là yếu tố lịch sử của vương quốc Champa trước khi dùng ngòi bút để chà đạp lên di sản thiêng liêng của dân tộc này với niềm hy vọng là Ðảng và Nhà Nước Việt Nam sẽ ưu tiên chiếu cố đến mình, cho thêm nhiều giải thưởng, vì Inrasara có công đứng về phía Ðảng và Nhà Nước để chôn vùi đi những di sản quá khứ và hiện tại của dân tộc Champa, một tập thể lúc nào cũng bị xếp vào thành phần dân bản địa phản động trong suốt chiều dài lịch sử Nam Tiến của dân tộc Việt.

Ai cũng biết, sau 8 thế kỷ chiến đấu chống chính sách Nam Tiến, dân tộc Chăm chỉ còn sống sót chưa đầy 100.000 người, đang mưu sinh co cụm trên mảnh đất khô cần sỏi đá và lâm vào cảnh nghèo đói bần cùng, chờ ngày bị đồng hóa thành một tập thể lai căng, mất gốc. Trước thực trạng bi đát này, Inrasara nên tập trung mọi tư tưởng để viết về “Chân Dung Thật” của người Chăm, một dân tộc không còn quê hương và tổ quốc, không còn vua chúa, không còn đất đai và ruộng rảy, không còn làm chủ trên định mệnh của mình hơn là sáng tác “Chân Dung Cát” với mục tiêu duy nhất là bịa đặt ra bao cốt truyện để chê bai và phỉ báng dân tộc Chăm mà Inrasara là một thành viên chính thức.

Cũng vì những nguyên nhân vừa nêu ra, Harak Champaka dành số đặc biệt về bài phê bình của Abdul Karim liên quan đến nội dung Chân Dung Cát của Inrasara (Phú Trạm). Ðây là tiếng chuông báo hiệu, cảnh tỉnh dân tộc Chăm phải có ý thức bảo vệ di sản văn hóa dân tộc trước những ngòi bút viết lách tai hại của một số nhà thơ, nhà văn tại Việt Nam hôm nay, đồng thời cũng yêu cầu Inrasara phải chấm dứt ngay mọi thái độ chà đạp, không lương thiện đối với dân tộc Chăm nói riêng và lịch sử Champa nói chung.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka 30, ngày 15-8-2008)

 

Bài liên quan :

° Chân Dung Cát: Tác phẩm khiêu dâm và phỉ báng dân tộc Chăm

° Ðôi lời cảnh tỉnh tác giả của Chân Dung Cát

° Chân Dung Cát, Bài đọc thêm