Trí thức Chăm không nên tàn phá thêm di sản văn hóa Champa Print
Written by Musa Porome   
Thursday, 26 January 2012 11:22
musa-10
Musa Porome

Trong một quốc gia có chủ quyền độc lập, vấn đề bảo tồn phong tục tập quán và văn hóa lịch sử của dân tộc thông thường là trách nhiệm của chính quyền. Thế nhưng, dân tộc Champa là một tộc người vong quốc không quê hương và không lãnh thổ, thế thì ai là ngươi có trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa và lịch sử này? Ðây là đề tài mà giới trí thức Chăm nhứt là thế hệ trẻ hôm nay cần đưa ra bàn luận để định hướng lại một cách rõ ràng thế nào là vai trò của mình trong cuộc vận động đấu tranh để bảo tồn văn hóa Champa hôm nay.

Gần mấy chục năm qua, tất cả tổ chức cộng đồng của dân tộc Chăm trong và ngoài nước đều hô hào cho mục tiêu bảo tồn văn hóa qua các hội đoàn mang khẩu hiệu nào là Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa, Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa, Hội Văn Hóa và Nghệ Thuật Champa, v.v. chưa nói đến các tác phẩm văn chương hay bài khảo luận không ngừng lên tiếng bảo vệ di sản văn hóa Champa, v.v. Vấn đề bảo tồn văn hóa không phải là công tác hình thành các phong trào mang danh xưng văn hóa mà là đưa ra quan điểm rõ ràng để định nghĩa trước tiên văn hóa Champa là gì và thế nào là phương pháp cụ thể nhằm bảo tồn di sản tinh thần của dân tộc này một cách hữu hiệu.

Nói đến công tác bảo tồn văn hóa Champa thì người ta phải nghĩ đến trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn với bất cứ giá nào về những bản sắc văn hóa mà bậc tiền nhân Champa đã truyền lại chứ không phải là công tác cải biến và chế tạo di sản văn hóa của dân tộc theo quan điểm riêng tư của từng cá nhân và hội đoàn. Văn hóa Champa là một chủ đề rộng lớn bao gồm những yếu tố lịch sử, nền văn minh, phong tục tập quán, tín ngưỡng, cho đến văn chương, ngôn ngữ chữ viết, v.v., và văn hóa Champa là di sản tinh thần thiêng liêng của một dân tộc. Vì thế, không ai có quyền chỉnh lý hay sửa đổi kho tàng này một cách tùy tiện hay lợi dụng danh xưng văn hóa Champa để làm kịch bản nhằm mua vui cho quần chúng đại trà qua các màn tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, phúng điếu vái lạy những người quá cố trên sân khấu kịch trường nhân dịp lễ hội Champa mà nội dung và ý nghĩa không liên hệ gì đến bản sắc văn hóa chính thống của dân tộc.

Phát xuất từ định nghĩa sai lầm này, một số tổ chức cộng đồng của dân tộc Chăm đã biến văn hóa Champa thành bãi sân chơi cho các cuộc tranh luận vô bổ đã gây bao biến cố phiền hà trong xã hội Chăm hôm nay. Vài chủ đề nổi cộm về giá trị văn văn hóa đã xảy ra trên bàn cờ xã hội người Chăm hôm nay mà tôi cần phải đưa ra lần nữa, đó là:

 

1). Vấn đề ngôn ngữ chữ viết

Ai cũng biết, Akhar Thrah là hệ thống chữ viết Chăm phổ thông đã lưu truyền từ thời Po Romé và ngày nay các bậc tu sĩ, bô lão và giới trí thức Chăm vẫn còn sử dụng. Thay vì bảo vệ di sản Akhar Thrah này với bất cứ giá nào, thì ngược lại một số trí thức Chăm xuất thân từ Ban Biên Soạn Tiếng Chăm đứng ra chỉnh lý Akhar Thrah thành một loại chữ Chăm lai căng không liên hệ gì với chữ Chăm truyền thống để rồi hôm nay dân tộc Chăm chỉ có một tiếng nói nhưng có hai thể loại chữ viết khác nhau mà các giới nghiên cứu Chăm và tổ chức Champaka đã từng lên tiếng từ mấy năm qua.

Tưởng rằng Ban Biên Soạn Tiếng Chăm đã bị xóa tên, thế nhưng nhóm đàn em vô trách nhiệm lại thỉnh thoảng tiếp tục hoan hô cho sự cải biến này như trường hợp của ông Thạch Ngọc Xuân lên tiếng ca ngợi Quảng Ðại Cẩn trong việc phổ biến ngôn ngữ chữ viết Chăm lai căng. Ðây là hành động tàn phá di sản ngôn ngữ mà bậc tiền nhân Champa đã để lại và cũng là dấu hiệu cho thấy di sản văn hóa Champa của chúng ta đang đi vào hố thẳm của thời đại.

 

2). Vấn đề lễ tục Kate

Katé là lễ tục do bà con Chăm Bà La Môn tổ chức hàng năm tại quê nhà. Hay nói một cách rõ ràng hơn, Kate là một nghi lễ của Chăm Bà La Môn thường diễn ra vào tháng 7 của lịch Chăm. Ngay những đứa trẻ học sinh Chăm cũng dư biết Kate là gì.

kate
Đài chiến sĩ Champa trong hội trường văn nghệ

 

Mặc dù Kate là lễ tục của Chăm Bà La Môn cũng như Ramawan là lễ tục của Chăm Hồi Giáo, nhưng Kate và Ramauwan đã trở thành di sản văn hóa Champa, thành ra dân tộc Champa không phân biệt tôn giáo và địa phương phải có nghĩa vụ phát huy và bảo tồn di sản văn hóa này. Thay vì dấn thân vào cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ bản sắc lễ hội Kate như ở quê nhà, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa có trụ sở tại San Jose lại bóp méo ý nghĩa Kate thành ngày quốc lễ nhằm tạ ơn những anh hùng liệt sĩ Champa để rồi kết tội những ai không tham gia Kate là người Chăm vong ơn bạc nghĩa đối với tổ quốc. Ông Lưu Quang Sang thì lên diễn đàn sân khấu giải thích Katê có ý nghĩa như ngày tết của cộng đồng người Kinh. Bà Phú Thị Mận thì cho rằng Katê là lễ tục của mọi người, trong đó có người Chăm Bà La Môn, Chăm Bani, Chăm Islam và ngày nay có thêm Chăm Tin Lành nữa. Ðây là nguyên nhân đã gây ra bao xáo trộn trong cộng đồng Chăm tại hải ngoại và đưa đẩy bà con Chăm đặt lại bao câu nghi vấn tại sao hội đoàn mang danh xưng văn hóa Champa và trí thức Chăm không bảo tồn bản sắc văn hóa Kate mà lại chỉnh lý ý nghĩa của lễ tục này theo quan điểm riêng tư của mình?

 

3) Vấn đề ý thức hệ đối với lịch sử

Lịch sử Champa là di sản tinh thần nên là yếu tố thiêng liêng không thể tách rời ra khỏi đời sống của dân tộc Chăm hôm nay. Cũng vì ý thức đến sự tồn vong của lịch sử mà hàng ngàn chiến sĩ Champa đã hy sinh trên bãi chiến trường. Và cũng vì nghĩa vụ đối với những bậc tiền nhân Champa đã có công với tổ quốc mà cộng đồng Chăm tại hải ngoại đã cố gắng đứng ra tổ chức Ðại Hội Champa 2007 nhằm kỷ niêm 175 vương quốc Champa bị xóa bỏ trên bản đồ, và thực hiện lễ ra mắt sách Lịch Sử Vương Quốc Champa vào tháng 9 năm 201. Ðó là hai nghi lễ nhằm tuyên dương Lịch Sử Vương Quốc Champa. Thế nhưng một số trí thức Chăm như cựu dân biểu Lưu Quang Sang, ca sĩ Chế Linh và tổ chức hội đoàn mang danh xưng Champa như Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa (San Jose, Hoa Kỳ), Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa (Sacramento, Hoa Kỳ), Hội Văn Hóa và Nghệ Thuật Champa (Gia Nã Ðại) lại quay lưng với Ðại Hội Champa 2007 và phủ nhận ngày lễ ra mắt sách Lịch Sử Vương Quốc Champa vào tháng 9 năm 201. Kể từ đó dân tộc Chăm đã nêu ra bao câu nghi vấn có chăng những trí thức Chăm và một số tổ chức hội đoàn mang danh xưng văn hóa Champa tại hải ngoại này đang làm nghề diễn tuồng văn hóa hơn là dấn thân vào cuộc đấu tranh để bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc một cách nghiêm túc?

Mang danh nghĩa là tổ chức Văn Hóa và tự xưng là cựu dân biểu, cũng như ca sĩ nổi danh lúc nào cũng hô hào bà con Chăm phải yêu thương quê hương Champa đổ nát, nhưng lại từ chối đến tham dự buổi lễ kỷ niệm 175 năm Champa bị xóa bỏ trên bản đồ và quay lưng với buổi lễ ra mắt tác phẩm Lịch Sử Champa, đủ minh chứng để nói lên thế nào là ý thức hệ mang tích cách văn nghệ của một số trí thức Chăm đối với di sản lịch sử của dân tộc này.

 

4). Vấn đề danh dự dân tộc

Dân tộc Chăm là tập thể vong quốc, nhưng không phải vì thế mà một số trí thức Chăm đứng ra giới thiệu sách của Hồ Trung Tú mang tên “Có 500 năm như thế” để rồi phủ nhận chủ nhân của Mỹ Sơn bằng cách cho rằng thánh địa này là di sản của dân tộc Việt. Một số trí thức này cũng không ngần ngại dùng ngòi bút để kết tội dân tộc Chăm là những kẻ có bao khuyết tật, lên án phụ nữ Chăm là những người đàn bà dâm dục, chê bai vua chúa Champa là những kẻ chơi gái để bán đứng đất nước và quê hương. Ðây là hành động đã làm tổn thương đến danh dự chung của một tập thể dân tộc.

           

5). Chủ nghĩa gia đình và phe nhóm

Gần mấy chục năm qua, xã hội Chăm đang lâm vào trình trạng thoái hóa, không có tổ chức chung, không nhà lãnh đạo tinh thần và cũng không có dự án tương lai. Thực trạng chia rẽ này không phát xuất từ bản chất của dân tộc Chăm mà là từ bản chất của hai ba nhân vật thuộc bậc đàn anh lãnh đạo già nua mà dân tộc đã biết họ là ai, chủ trương đấu tranh vì lợi ích cho cá nhân nên lúc nào cũng tìm cách chống phá cá nhân hay cộng đồng nào không đồng quan điểm với mình, để rồi lôi kéo cả một thế hệ người Chăm đi vào cuộc chiến, đưa xã hội Chăm vào không gian mục nát.

Tôi còn nhớ Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa đã hô hào nhau đi tham gia lễ ra mắt sách mang tính cách nhật ký của ông Dorohiem và Dohamide. Việc làm này rất được khích lệ. Thế nhưng, với buổi lễ ra mắt sách Lịch Sử Vương Quốc Champa thì Hội này lại tỏ thái độ rất tiêu cực. Ông Lưu Quang Sang không đến tham gia buổi lễ ra mắt tác phẩm Lịch Sử Champa nhưng còn kéo theo toàn bộ gia đình và những thành viên trong Hội của mình lánh xa ngày ra mắt sách. Ông Thạch Ngọc Xuân là thanh niên rất hăng say và đất lực trong mọi sinh hoạt cộng đồng Chăm, dù không chuyên về chữ Chăm, nhưng không ngần ngại đứng ra phổ biến bài viết lai căng về Akhar Thrah của Quảng Ðại Cẩn.

Những thí dụ mà chúng tôi vừa nêu ra đã nói lên thế nào tư tưởng đấu tranh vì phe nhóm và bạn bè đang xảy ra trong xã hội Chăm hôm nay. Một số mạng web người Chăm không ngần ngại đăng tải những bài phỉ báng và mạ nhục tổ chức Champaka cũng là hành động nằm trong tổ chức đấu tranh vì bạn bè và phe nhóm.

 

6). Mục tiêu chuyển tải di sản văn hóa

Dân tộc Chăm rất hoan hô công tác chuyển tải di sản văn hóa Champa qua hệ thống ấn loát dù trên mặt giấy hay mạng web, với điều kiện là cơ quan báo chí và tập san chuyên ngành này phải đăng tải những bài viết có giá trị về văn hóa Champa chứ không phải đăng tải những bài tạp nham, viết theo ngẫu hứng và dựa vào quan điểm riêng tư của mình để mua vui cho độc giả mà nội dung của nó có thể tàn phá đi di sản văn hóa của dân tộc này. Tập San Vijaya của Hội Bảo Tàng Văn Hóa Champa là một thí dụ điển hình. Ða số những bài viết đăng trong tập san này đều do những cây bút không chuyên ngành, viết theo quan điểm riêng tư của mình, phóng đại vấn đề lịch sử và văn hóa Champa theo ngẫu hứng, viết hết đoạn lịch sử thì phải có câu thơ kèm theo như nội dung của báo Văn Nghệ Tiền Phong, để rồi độc giả không biết họ đang đọc lịch sử Champa hay đọc tiểu thuyết viết về lịch sử của vương quốc này. Ðó là những lý do đã giúp độc giả đưa ra kết luận rằng Tập San này không đóng vai trò chuyển tải di sản văn hóa Champa đến độc giả Chăm mà là diễn đàn dành cho một số thành viên viết lách, đúng hay sai không cần biết, miễn là có bài để đăng là được rồi.

Dân tộc Chăm hôm nay rất cần biết đến di sản văn hóa của họ, nhưng di sản này phải có nội dung nghiêm túc, chính xác chứ không phải là những bài viết lách, viết theo ngẫu hứng, không mang lợi ích gì cho văn hóa và lịch sử của dân tộc. Chỉ cần đọc bài viết của Yassin Pandurang (Bá Trung Xin) về “tiểu sử Po Romé” (Vijaya số 4), của ông Simhavarman XXI (tại sao không giám lấy tên thật của tác giả?) về “Hoàng Hậu Paramecvari của Champa” (Vijaya số 4), của Ja Intan (Lâm Gia Tân) về “Chế Bồng Nga và Họ Chế ở Việt Nam” thì độc giả đánh giá ngay Tập San Vijaya đang chuyển tải đến bà con Chăm những bài viết mang tính cách tiểu thuyết về vua Po Romé, Chế Mân và Chế Bồng Nga chứ không phải lịch sử của ba vị vua này trong nghĩa rộng của nó. Vì những gì mà ba tác giả này nêu ra trong bài viết của mình hoàn toàn đi ngược lại với tiểu sử của Po Romé, Chế Mân và Chế Bồng Nga đã trình bày trong Tập San Champaka hay trong báo chí khoa học, tại sao?

Những vấn đề mà chúng tôi vừa trình bày là nguyên nhân đã gây nên sự khủng hoảng và rạn nứt trong cộng đồng Chăm tại hải ngoại hôm nay. Nhân danh là đứa con Champa, nhất là giới trẻ thiết tha với dân tộc, chúng ta cần phải đi tìm giải pháp để giải quyết những ung nhọt đó. Thành ngữ có câu: “có vấn đề là phải có giải pháp”. Muốn có giải pháp thì chúng ta phải ý thức rõ đâu là nguồn gốc phát sinh những ung nhọt này. Muốn có thái bình trong một xã hội, thì việc làm tiên quyết phải giám đứng ra vạch trần những ai không chấp nhận qui luật “danh dự, quyền lợi và di sản Champa là trên hết”. Và muốn đoàn kết ấm no hạnh phúc, thì mỗi người Chăm phải chấp nhận sống chung với nhau, không phân biệt tôn giáo và địa phương, để cùng nhau chung sức xây dựng và phát triển xã hội.

Chúng ta phải thừa nhận rằng xã hội Chăm xưa kia không có sự phân hóa chia rẽ vì vấn đề tôn giáo và cũng không có ai giám đứng ra cải biến ngôn ngữ chữ viết Chăm, chế biến Kate thành lể tục ngoại lai. Vì đây hành động tàn phá di sản lịch sử Champa. Thế nhưng, xã hội Chăm hôm nay trở thành một tập thể tộc người tàn phế, không có nền tảng tổ chức chung, không nhà lãnh đạo tinh thần, đã làm sụp đổ đi những giá trị của bản sắc dân tộc để rồi mỗi cá nhân có quyền lập phe nhóm, lập hội đoàn, hầu chống phá lẫn nhau hơn là yểm trợ cho nhau một khi danh dự, quyền lợi và di sản văn hóa dân tộc Champa bị đe dọa.

Sự thoái hóa của xã hội Chăm hôm nay bắt nguồn từ một số trí thức Chăm đã dấn thân vào cuộc đấu tranh không phải vì dân tộc Chăm mà là vì danh vọng cá nhân và gia đình đã từng diễn ra dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Họ không ngần ngài làm nghề ném đá dấu tay, cấy tạo ra những bè phái, lôi kéo cả bà con thân tộc và bạn bè của mình vào làn sóng chống phá những ai không theo phe phái của mình. Và bối cảnh cảnh này vẫn còn tiếp diễn trong xã hội Chăm từ khi có mặt của họ tại hải ngoại hôm nay.

Hầu hết trí thức Chăm hôm nay đều biết đâu là nguồn gốc và nguyên nhân của những biến cố đã làm đảo lộn cả một hệ thống tổ chức của xã hội Chăm. Nhưng vì bản chất tiêu cực không muốn làm phiền hà người khác nên những trí thức này không muốn lên tiếng để bảo vệ cho sự sống còn của dân tộc. Phong cách tiêu cực này vô tình đã tạo thêm cơ hội tốt cho một số bậc đàn anh vô trách nhiệm lợi dụng thời cuộc để phát triển thêm làn sóng chia rẽ dân tộc Chăm để rồi vết thương của xã hội Chăm vẫn còn lở lói.

Ðấu tranh cho dân tộc lắm lúc cũng vấp phải những sai lầm. Nhưng các nhà đấu tranh chân chính lúc nào cũng chấp nhận sửa đổi những sai lầm đó. Ðây là qui luật chung của xã hội. Thế thì tại sao một số trí thức Chăm hay một số hội đoàn Chăm không muốn chấp nhận sữa đổi những sai lầm của mình, mặc dù dân tộc Chăm đã từng nêu ra vấn đề qua tiếng nói của Champaka.

Người Chăm rất giầu tình cảm và dễ thông cảm cho nhau. Thế thì tại sao một số trí thức Chăm và tổ chức hội đoàn Chăm không cảm nhận vấn đề để trả lời cho nguyện vọng của bà con Chăm?

Là thế hệ trẻ có văn hóa độc lập với bè phái và gia đình, là tập thể đấu tranh vì dân tộc, chúng ta hãy cùng nhau lãnh nhận trách nhiệm để bảo tồn di sản văn hóa Champa theo đúng thuyền thống mà cha ông chúng ta đã để lại với bất cứ giá nào. Chúng ta phải khẩn định rằng mọi quan điểm tiêu cực và thờ ơ trước biến cố đã xảy ra trong xã hội hôm nay là đồng nghĩa với chủ thuyết quay lưng với quê hương Champa đổ nát và chà đạp lên danh dự của dân tộc Chăm mất nước; là đồng tâm với nhóm trí thức Chăm phản văn hóa tìm cách buộc dân tộc Chăm phải qui phục theo chủ trương và quan điểm riêng tư của họ.

Là thế hệ trẻ định cư tại các quốc gia tự do, chúng ta phải có một tư tưởng trông thoáng lành mạnh để quyết tâm tuyên bố rằng chúng ta chỉ đấu tranh để bảo vệ cho danh dự, quyền lợi và di sản văn hóa của dân tộc Champa chứ không phải làm nghề nịnh bợ cho bất cứ cá nhân nào dù họ là cựu dân biểu, ca sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, thiếu úy, hay đại úy đi nửa.

Thay lời kết, xin trích một đoạn nhỏ từ bài “Xin hãy chắm dứt!” của tác giả Jata Aneh, tức là biệt danh của cựu dân biểu Lưu Quang Sang, đăng trong tập san Ước Vọng số 1 phát hành năm 1968:

“Có lẻ độc giả phân vân hỏi rằng vì sao chúng tôi khơi lại chuyện đã qua rồi. Thưa quí vị, lí do rất đơn giản. Cuộc bầu cử đã qua gây cho đồng bào Chàm một cái ung nhọt nhức nhói, ung nhọt mà chúng tôi hy vọng đồng bào Chăm, bạn cũng như Ðịch, cùng chung sức mổ xẻ ra để chữa cho lành. Có như vậy mới hy vọng hàn gắn một phần nào những vết thương lở lói trong lòng mọi người, có như vậy mới tạo lại được hòa khí cổ truyền đã có từ ngàn xưa và có như vậy mới vãn hồi lại được sự đoàn kết Huynh đệ rồi từ đó chúng ta cùng nhau xây dựng lại một xã hội người Chàm lành mạnh và tiến bộ hơn.”

Hãy đọc lại lý thuyết của ông Lưu Quang Sang trong lúc ông ta còn là một người thanh niên cường tráng của dân tộc Chăm khi chưa ra tranh cử dân biểu để so sánh lại với tác phong đấu tranh của ông đối với dân tộc Chăm một khi ông ta trở thành dân biểu để cùng nhau đi đến kết luận rằng dân tộc Chăm không nên rơi vào vòng ngu xuẩn để một số trí thức người Chăm lường gạt chúng ta nữa.