Phê bính tác phẩm Hàng Mã Kí Ức của Inrasara Print
Written by Sakaya Văn Món   
Thursday, 26 January 2012 07:22
van-mon 10
Sakaya

Hàng mã kí ức (khổ sách 13 x 21cm) của Inrasara, Nxb Văn học, 2011, 365 trang. Ðây là cuốn tiểu thuyết hay bao gồm 12 cốt truyện trình bày rõ ràng. Nhất là bìa sách đẹp như một bức tranh. Cuốn sách là một chuỗi kí ức của nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu Inrasara, gốc Chăm được chính tác giả tái hiện lại rất sinh động và đặc sắc. Khác với tiểu thuyết Chân Dung Cát bị nhiều độc giả phê phán là “chế giễu Chăm”, trong thiểu thuyết này bằng tư duy của nhà văn, tác giả đã gieo vào từng trang viết những từ ngữ, vần thơ, ý văn độc đáo, đầy ấn tượng để khắc họa chân dung những nhân vật Chăm. Ðó là những nhân vật đầy cá tính mãnh liệt, lập dị trong một góc xã hội Chăm điêu tàn đang gợn dậy, gào thét trong cơn khát sống làm người nhưng phù du và hão huyền bởi định phận của đạo sĩ Bàlamôn và những tác nhân khác bên ngoài.Tác giả biết chắt lọc những câu từ trong dân gian Chăm để rồi giọt giũa, nâng lên thành những viên kim cương lấp lánh trên mỗi trang viết. Làm được điều này không phải dễ, tác giả phải ngụp lặn sâu vào nhiều cơ tầng văn hóa dân gian mới dệt nên những kho từ đẹp như thế.

 

TÂM HỒN TÁC GIẢ VẪN CÒN XỐN XANG

Ðọc xuyên suốt tiểu thuyết, ấn tượng nhất cho thấy tác giả thấm đẫm sâu đậm tư tưởng những nhà hiền triết Chăm, nhất là ông Glang Anak và những đạo sĩ Bàlamôn. Những nhà hiền triết ấy như tác giả vẽ ra là không sân hận oh mabai janâk di thei, không màng danh lợi, của cải vật chất, bằng cấp, phe cánh với ai. Họ sẵn sàng dứt gánh ra đi trầm mình, cô độc ở rừng sâu để suy nghĩ về kiếp đời, kiếp người nhỏ nhoi và cho thân phận của một dân tộc đã từng có một thời vinh quang. Theo tác giả, đó là những chất sống cần thiết cho chính tác giả và cho mọi người Chăm. Rõ ràng từng trang viết trong sách, tác giả đã cố gắng vào vai của những nhà hiền triết tương đối thành công. Tuy nhiên thấp thoáng đó đây, trong tâm hồn của tác giả vẫn còn nhiều uẩn khuất, chưa đạt đến độ chín rụng để thăng hoa. Tâm hồn tác giả vẫn còn xốn xang. Khi xúc cảm bị dồn nén, tác giả chưa bình tĩnh, đôi lúc còn manh động mà quên đi tác giả đang vào vai (đóng vai) của nhà hiền triết. Từ đó mà tác giả hay nói gần, nói xa, chế diễu người khác để vướng vào bụi trần. Bằng chứng, tác giả đã tự nói theo, xung phong biện hộ cho cái sai về chữ nghĩa Chăm và lớn tiếng chửi một nhân vật ít nhiều là bậc đàn anh có tên tuổi.

 

TÁC GIẢ ÐÃ VÀ ÐANG ÐỨNG VÀO MỘT PHE NHÓM

Tác giả viết, trong câu chuyện chữ nghĩa “thiên hạ đứng thành phe nhóm thật buồn cười”. Tác giả trả lời dứt khoát, tôi không đứng một phe ai. Nhưng tác giả quên rằng chính tác giả đã và đang đứng vào một phe nhóm để ủng hộ chữ viết cải biên của BBS [Ban Biên Soạn]. Chính tác giả và BKT [Búi Khánh Thế] đã hình thành phe nhóm đọc thư khống của CL [Chế Linh] từ hải ngoại đưa sang tại Hội thảo chữ viết với Thứ trưởng ở PR [Phan Rang]. Cùng trong tiểu thuyết này, tác giả cũng dùng câu văn của nhà hiền triết để bào chữa cho BBS viết chữ “LON- nuốt” là hợp lí (tr.136).

Tác giả còn viết : Harơk Kah có mặt ở bốn trú xứ trên .... còn nếu vị nào mang tham vọng [hão huyền] toàn thể Chăm đưa tay nhất trí cao nó là đâu, thì mới thành chuyện. Ngốc vậy chứ! (tr.156).

Hai trang viết trên đã tạo tì vết trong tiểu thuyết. Một tì vết trên một viên kim cương lấp lánh.

 

CỐT TRUYỆN TRONG SÁCH KHÔNG PHẢI LÀ HƯ CẤU

Mang danh là tiểu thuyết nhưng những nhân vật, cốt truyện trong sách không phải là hư cấu mà đa số là những nhân vật, cốt truyện thực phản ảnh chân thực những con người. Ðó là những người thân của tác giả như cha, mẹ, anh chị em, vợ chồng, bạn bè và những người thầy gru của tác giả. Thông qua những nhân vật này, tác giả đã khắc họa chân dung, gắn họ trong một bối cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội Chăm cụ thể. Vì thế nó là HÀNG THẬT chứ không phải HÀNG MÃ. Thế nhưng tại sao lại là tiểu thuyết? Qua cách xây dựng nhân vật, cốt truyện, giọng văn và ý tưởng cho thấy tác giả đã cố tình phá vỡ cấu trúc, mô típ của tiểu thuyết cổ điển để hướng độc giả về tiểu thuyết hậu hiện đại. Ðây quả là một cách viết mới lạ, hiên ngang, chắc chắn sẽ tạo ra sức vang, sức dội trong dòng văn tiểu thuyết Việt Nam đang chập chững hội nhập vào văn chương hiện đại của phương Tây.

hang-ma

Nếu tiểu thuyết này, không bị tì vết ở hai trang viết trên và một số trang khác, chắc sẽ đạt đến độ toàn bích về từ ngữ, câu văn, sức diễn đạt và tư tưởng.Tiểu thuyết là chiếc thuyền đêm trăng, đẹp, cô đơn, lặng lẽ ngược dòng về kí ức xa xăm. Chuyên chở không những từ ngữ, câu thơ của những triết gia mà còn chở đầy ấp tư tưởng, văn hóa và lịch sử Chăm từ quá khứ về hiện tại. Vì thế chắc sẽ có sức vang xa, lay động tâm hồn người đọc qua từng trang viết. Ðây là tiểu thuyết hay cần đọc và giới thiệu rộng rãi.

 

Trà Vinh harei 25/5/2011

 

Truong Van Mon (Sakaya), M.A
Anthropologist - Department of Anthropology
University of Social Sciences and Humanities
Vietnam National University, Ho Chi Minh City
No.10-12 Dinh Tien Hoang Street, District 1
Website: http://www.monskaya.com

http://vn.360plus.yahoo.com/sakaya67

 

(Nguồn tư liệu:  Tạp chí Phát Triển Kinh tế-Xã hội Ðà Nẵng, số 14 tháng 7-2011 và http://vn.360plus.yahoo.com/sakaya67)