Hội Luận Champa II: Bức tâm thư gửi cho em Đồng Chuông Tử Print
Written by Ja Praong Kacau   
Tuesday, 04 September 2012 17:17

logo 10-180x100Đồng Chuông Tử thân mến! Nhân đọc được bức tâm thư của em gửi đến Hội luận Champa lần II được tổ chức vào 1-9-2012 ở San Jose (Hoa Kỳ) trên champaka.info, và như tìm được trong từng câu chữ của em sự đồng điệu trong trái tim người Chăm hướng về cuội nguồn với những trăn trở, bức xúc của thời cuộc, anh viết bức tâm thư này cho em (xem Champaka.info: Hội luận Champa II: Tâm thư từ quê nhà)

 

Thật sự anh đã biết em từ rất lâu, đã đọc những bài thơ mà chính tay em chuyền cho anh hôm ở Sài Gòn; rất xúc động về một thanh niên rời bỏ làng quê Chăm đến Sài Gòn làm rất nhiều nghề để kiếm kế sinh nhai, nhưng tâm hồn trong sáng và trái tim nhiệt huyết của em vẫn thêu dệt nên những bài thơ mang một phong cách riêng, thật độc đáo. Làng quê Chăm mình nay bé nhỏ quá, sao giữ chân được một chàng trai đầy khát vọng và hoài bão như em! Mong em tiếp tục với những tài năng mà Po Yang đã ưu ái dành cho em để có nhiều tác phẩm xuất sắc góp phần tô điểm thêm cho Nghệ thuật văn chương Chăm và điều đó chắc chắn sẽ mang lại cho em nhiều niềm vui đích thực từ những giá trị nghệ thuật sáng tạo của mình.

 

Trở lại bức tâm thư của em, anh cũng bất ngờ về sự gan dạ và thẳng thắn. Em đã mạnh dạn lấy tên thật của mình, công khai danh tính một cách rõ ràng để gửi đến Hội luận ở nước ngoài. Điều mà những người Chăm trong nước rất ngại vì dễ bị “làm phiền” bởi an ninh Việt Nam. Không biết có ai đã bảo lãnh cho em trước khi chắp bút viết tâm thư này?

 

Về nội dung bức tâm thư, anh trao đổi với em mấy vấn đề như sau:

 

- Em đặt ra câu hỏi “Trong Hội trường này có ai là khách mời đến từ trong nước không?” Anh cùng có suy nghĩ với em về vấn đề này, ai chẳng muốn tham dự Hội luận ở nước ngoài và nhất là các vấn đề liên quan đến cộng đồng mình. Nhưng anh nghĩ thật khó cả về kinh tế lẫn an ninh ở trong nước khi Hội luận về vấn đề Champa.

 

- Anh rất khâm phục về sự tinh tế của em khi so sánh 6 vấn đề lớn mà hội luận đưa ra như 3 cặp trống Ginang, một loại nhạc cụ cổ truyền độc đáo của người Chăm. Và anh cũng mong rằng những chiếc Ginang trong Hội luận lần này sẽ gióng lên hồi trống linh thiêng làm thức tỉnh lương tri và trách nhiệm của tất cả những người con Champa trên mọi miền trái đất, dù đến hay không đến tham gia Hội luận cũng đồng tâm hợp sức cho sự phát triển cộng đồng Chăm trong hiện tại và tương lai. Nhưng anh cũng thẳng thắn nói rằng không đồng tình với cách dùng tiếng trống Ginang của em ám chỉ về chủ đề Hội luận một cách không tích cực mà thậm chí theo anh là xúc phạm đến văn hóa truyền thống Chăm. Tiếng trống Ginang là linh hồn của quê hương, là tiếng gọi hồn thiêng sông núi trong các lễ hội đặc biệt của người Chăm. Nghe Ginang người Chăm xa xứ cảm thấy mình như đang ở quê nhà trong không gian gần gũi, tràn đầy tình yêu thương. Âm thanh đó thật rộn ràng nhưng trầm ấm; dù vang xa đến tận trời xanh nhưng vẫn lắng đọng tiếng quê hương vọng về trong tâm khảm của những người con đất Champa. Chỉ tiếc rằng em lại dùng nó để phê phán, chỉ trích Hội luận như “…Mỗi cái trống đánh một điệu thức khác nhau. Chắc chắn nhiều “nghệ nhân” tài hoa nghe được cũng "bở hơi tai"; “…. Mong rằng, trống đã gióng lên rồi, trước bất kì tình huống, bất trắc nào cũng duy trì tiến tới, đừng chùng bước thối lui. Phải cố gắng theo đuổi cho đến hồi trống gây cấn cuối cùng”. Đọc đoạn này xong độc giả cảm thấy tiếng trống Ginang của Champa xưa không những mất đi tính linh thiêng mà còn gây thêm nhứt nhối, đau lòng. Tiếng trống em đang mô tả giống như tiếng trống Ginang của các đoàn nghệ thuật biểu diễn đang làm xáo trộn văn hóa và lừa dối thần linh trên các tháp Champa ngày nay để phục vụ cho việc thu tiền du khách chứ không phải là tiếng trống Ginang Champa nữa. Còn việc em khuyên hội luận đừng “đánh trống bỏ dùi” phải chăng là một lời thách thức với các chú, các bác?

 

- Điều em boăn khoăn về thời gian ít ỏi cho Hội luận là đúng nhưng sự không lạc quan của em về Hội luận cho thấy tầm nhìn của em rất thiển cận. Em viết rằng: “với thời lượng hạn hẹp, ít ỏi của ngày Hội Luận, thật tình tôi không thấy gì làm tươi sáng lắm. Cũng không hi vọng gì nhiều”. ..“Nhưng hình như đó chỉ là ao ước viển vông, vĩnh viễn không thực hiện được, mặc dù hiện trạng xã hội là có thật đi chăng nữa”. Theo em điều này có nghĩa tất cả niềm tin về một tương lai tươi sáng cho dân tộc Chăm là không còn nữa?! Hơn nữa Hội luận chưa diễn ra sao em lại vội vàng nói những điềm gỡ như vậy. Lẽ nào em lại mong Hội luận sẽ có kết cục không tốt đẹp!? Thêm vào đó, em chỉ trích ca sĩ Chế Linh không đến dự Hội luận được mà còn viết thư nặng nề, vô trách nhiệm gửi đến Ban tổ chức. Nay chính em lại phê phán Hội luận bằng cách đưa ra nhiều chủ đề quá lớn bằng những cụm từ phản cảm, nặng nề. Sao em không góp ý với Ban tổ chức một cách cụ thể hơn, nhẹ nhàng hơn, có tinh thần xây dựng hơn.

 

- Nói về cộng đồng Chăm ở nước ngoài, anh thấy em dùng từ ngữ nặng nề, trách cứ nhiều. Vẫn biết rằng “Nơi đất khách quê người ngỡ là thiên đường ấy, vẫn còn mọc lên nhiều ngậm ngùi, đau xót không kém gì ở cố hương.” Nhưng ở đâu cũng vậy, con người phải sống bằng chính sức lao động, bằng bàn tay, khối óc của chính mình. Nhưng có lẽ ở đó công bằng và dân chủ hơn như em nói là đúng. Nhưng anh thấy những đoạn em viết dễ làm mếch lòng bà con Chăm hải ngoại. Ví dụ: em lại quy tội cho họ là nguyên nhân của sự hạch họe của chính quyền đối với người Chăm trong nước: “Quý vị ở đây, có người đã lựa chọn con đường ra đi, ……những tiếng vọng bên ngoài vào, trực tiếp hay gián tiếp, đã vô hình trung, gây gia tăng áp lực soi mói, hạnh họe hơn từ phía chính quyền đối với người Chăm chúng ta. …. Nhưng đa phần gây dư luận buồn.”

 

- Riêng đoạn em viết dưới đây: “Quý vị đã giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực gì cho cộng đồng còn ở lại quê cha đất tổ. Cho những tài năng dân sự thế hệ trẻ. Họa hoằng lắm, cũng chỉ đến người thân ruột thịt của quý vị ở chốn quê hẻo lánh, lam lũ. Xa hơn, chỉ dừng lại ở những chương trình lễ hội Katê - Ramưwan,....”. Độc giả cho rằng em đã làm được gì cho cộng đồng Chăm mà lại dám lên tiếng chỉ trích bà con Chăm hải ngoại? Vì biến động của thời cuộc, một số bà con Chăm phải náu thân nơi xứ xa nhưng vẫn hướng về quê hương qua việc tổ chức các lễ hội Katê – Ramadan. Đây là việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa mà bà con Chăm đã góp phần bảo tồn văn hóa Champa rồi, thế em còn đòi hỏi gì hơn nữa? Sao em không góp ý tích cực bằng những việc làm cụ thể để hội luận xem xét có chính đáng không?

 

- Một vấn đề nhạy cảm khác là tuổi trẻ thường có khát vọng và lý tưởng lớn, nhưng vấn đề phục quốc Champa mà em đề cập không mang tính chất xây dựng tình đoàn kết trong một cộng đồng Việt Nam đa sắc tộc mà còn ẩn chứa sự kích động gây nên mối hiềm thù giữa hai dân tộc. “ …Trong cái tấm lưới xã hội chung ấy, khả năng lãnh đạo, tổ chức của tộc người riêng lẻ, thật tình khó có cơ sở bộc lộ, phát huy. Mà nếu có cơ hội bộc lộ, phát huy, không biết rồi đây, đó là phúc hay họa cho vận mệnh dân tộc nữa.”


Theo như anh biết, cộng đồng Chăm ở nước ngoài thực tế không có một tổ chức nào chống phá nhà nước Việt Nam. (Ngoài chính phủ lưu vong của riêng hai vợ chồng Thành Đài tự sáng lập và nay đã khai tử. Cộng đồng Chăm trong và ngoài nước đã nghi vấn rằng tổ chức này thành lập với mục đích để “giăng bẫy” và “tìm mồi”. Chắc em cũng đoán ra được ai đã bảo trợ cho tổ chức này?). Trong thời đại toàn cầu hóa, cộng đồng Chăm bé nhỏ của mình là một dân tộc trong cộng đồng đa sắc tộc Việt Nam là phù hợp với sự phát triển chung. Điều quan trọng là dân tộc Chăm có được đối xử công bằng trong cộng đồng chung đó không?

 

- Em có đoạn nhắn nhủ với đồng bào Chăm hải ngoại rằng “…..Xin đừng vướng víu mãi với kí ức Chăm thời 54 -75, tự gây bẽ bàng và bốc khói niềm tin lẫn nhau”. Em là một nhà thơ trẻ thời 8X nhưng cây bút của em đã bị nhuốm màu chính trị quá sớm! Những câu nói này ở Việt Nam thường nghe nhiều từ cán bộ ban tuyên giáo lên lớp nhằm tẩy não cho những đối tượng cải tạo chính trị.

 

- Một việc nhạy cảm nữa là em cho rằng người Chăm hải ngoại nói “Xã hội Chăm là xã hội không có nhà lãnh đạo, không tổ chức”. Và em khẳng định lại rằng: “Đúng quá, nơi quê nhà nhiều mất mát, đau thương này, dân tộc Chăm còn là dân tộc bị bảo hộ một cách chẳng đặng đừng, bởi một đất nước thiếu thốn tiền bạc, dư thừa mánh mun. Tức là người ta cai quản mình, trị vì mình, mình trở thành thần dân thấp bé nhẹ cân, hẩm hiu và hay bị đe nẹt. Bị đe nẹt đủ kiểu, từ nhỏ đến lớn, nhưng khi phản ứng lại, chính ta lại phải nuốt tai họa làm ngọt, ngậm ấm ức đằng đẵng làm vui. Ngược ngạo và cam chịu nghịch lí như vậy!”


Có lẽ em đang cung cấp thông tin cho cộng đồng Chăm hải ngoại biết rằng Chính quyền Việt Nam hiện nay đang đối xử “đe nẹt” cộng đồng Chăm trong nước nhưng lại thiếu bằng chứng cụ thể. Điều này gây bất lợi cho em và chắc chắn an ninh sẽ đến “hỏi thăm”.

 

Vài dòng tâm thư gửi đến em và cầu mong mọi việc bình yên đến với em và gia đình. Mong em có thể tiếp tục dùng ngòi bút sắc sảo của mình, cùng với sự thông minh của khối óc và sự rộn nhịp của trái tim tuổi trẻ để hướng về cộng đồng Chăm với những việc làm có ý nghĩa tích cực hơn, không như bức tâm thư vừa rồi có tiềm ẩn chính trị khá vụng về mà em đã gửi đến Hội luận.

 

Việt Nam, ngày 31/8/2012

Ja Praong Kacau