Hội luận Champa II: Vấn đề định hướng tương lai cho cộng đồng Chăm Print
Written by Ja Praong Kacau   
Wednesday, 15 August 2012 13:33
cham bau truc 10
Chăm thôn Bầu Trúc

Nhằm chia sẻ với những quan tâm của Hội Luận Champa lần thứ II, với chủ đề: “Làm thế nào để dân tộc Chăm tồn tại trong thế kỷ 21” chúng tôi, những người con của xứ sở hoa Champa, xin tham gia diễn đàn này với những suy nghĩ riêng của mình và rất mong được nghe những ý kiến phản hồi từ Hội Luận Champa II vào ngày 1-9-2012 tại San Jose (Hoa Kỳ), để nâng cao hiểu biết và góp phần xây dựng cộng đồng Chăm ngày một phát triển.

 

 

Vấn đề thứ nhất

Tại sao người Chăm không còn quan tâm để định hướng tương lai

cho sự sống còn của dân tộc mình trong thế kỷ thứ 21 này?

 

Chúng tôi đánh giá rất cao câu hỏi này bởi vì nó đặt vấn đề cốt lõi nhất vì sao dân tộc Chăm hiện nay không còn quan tâm đến xu hướng phát triển chung của xã hội. Bởi vì bất kỳ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có những định hướng, chiến lược và kế hoạch phát triển riêng cho dân tộc mình trong hiện tại và tương lai. Thông thường công tác định hướng và vạch chiến lược phát triển cho một dân tộc thường do các cấp lãnh đạo có đủ quyền lực, đủ đức, đủ tài vạch ra trên cơ sở nghiên cứu những đặc thù của dân tộc mình và tham khảo ý kiến từ các cấp cơ sở và người dân. Nhìn lại thực tế hiện nay, các vị lãnh đạo đại diện Chăm có chức vụ cao như ông Mã Điền Cư (Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội), ông Huỳnh Tấn Đãi (Phó vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương), Lưu Văn Đức (Vụ Địa phương II - Uỷ ban dân tộc), ông Lâm Quang Hiền (Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bình Thuận), ông Mai Sên (Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận) và nhiều nhân vật quan trọng khác ở tỉnh Ninh Thuận đã thực sự quan tâm đến những bức xúc và trăn trở của cộng đồng Chăm hay đưa ra những kế hoạch và định hướng phát triển tương lai cho sự sống còn của dân tộc Chăm chưa?

 

Theo chúng tôi, người Chăm vẫn sống và tồn tại trên thế giới này và không bao giờ bị diệt chủng trong xã hội nhân quyền hiện nay. Nhưng sự “sống còn” của dân tộc Chăm ở đây phải chăng là sự “sống còn” trong biên giới văn hoá truyền thống của người Chăm đã từng một thời hưng thịnh trong quá khứ hay là người Chăm vẫn còn hiện hữu, nhưng không còn giữ cốt cách và linh hồn của người Chăm nữa? Như vậy cần phải hiểu sự “sống còn” của người Chăm ở đây là sự sống còn với đầy đủ quyền con người; được tôn trọng và bình đẳng như những dân tộc khác trên thế giới; được giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Còn nếu như dân tộc Chăm vẫn còn sống, nhưng sống trong sự phân biệt đối xử, nghèo đói và khó khăn; sống với di sản văn hoá, luật tục, ngôn ngữ chữ viết bị tàn phá và bị thoái hóa, thì dân tộc Chăm không còn tồn tại với những giá trị tinh túy mà nó vốn có. Như vậy cần phải giải thích rõ cho tất cả người Chăm hiểu được ý nghĩa sâu xa của vấn đề định hướng phát triển tương lai cho dân tộc mình là như thế nào. Đó là những định hướng phát triển kinh tế xã hội, văn hoá đậm đà bản sắc riêng của dân tộc Chăm đồng thời phù hợp theo xu hướng tiến bộ và văn minh nhân loại.

 

Như phân tích trên, việc định hướng phát triển tương lai cho sự “sống còn” của dân tộc Chăm là trách nhiệm trước hết thuộc về các vị lãnh đạo và trí thức của dân tộc Chăm hiện nay. Như chúng ta đã biết kể từ khi vương quốc Champa bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1832, sau những chuỗi ngày dài chiến tranh tương tàn, dân tộc Chăm hôm nay chỉ còn hiện hữu một cộng đồng nhỏ tập trung chủ yếu ở Bình Thuận và Ninh Thuận, bị bao vây bởi một cộng đồng khổng lồ hơn 80 triệu người Kinh và dưới sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất, cộng đồng Chăm đang đối diện với nhiều thách thức và khó khăn. Sau đây là một số nguyên nhân chính liên quan đến câu hỏi tại sao người Chăm không còn quan tâm đến việc định hướng phát triển tương lai cho cộng đồng của họ.

 

1). Những người Chăm đang giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền Việt Nam hôm nay chưa thể hiện đầy đủ tinh thần và trách nhiệm của mình trong việc định hướng phát triển cộng đồng Chăm. Hoặc có thể một nguyên nhân khác là mặc dù chủ trương của nhà nước đã ban hành, nhưng khi triển khai thực hiện thì vướng phải những rào cản vô hình trong thực tiễn mà các cán bộ Chăm không vượt qua được. Theo Báo Đại Đoàn Kết (ngày 30.3.2012: Chính sách cho người dân tộc thiểu số còn nhiều vướng mắc), “mặc dù thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện nay có khoảng 41 chính sách lớn, hơn 60 chính sách nhỏ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trên thực tế quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc”.

 

2). Một lý do khác vừa tế nhị và nhạy cảm nhưng không thể không nhắc đến đó là kể từ khi cuộc nổi dậy của đồng bào Tây nguyên năm 2001, 2004, tình hình an ninh khu vực miền Trung Tây nguyên ở Việt Nam bị thắt chặt. Kế hoạch bảo vệ an ninh chính trị ngầm được triển khai, nhiều người lo ngại cho tương lai của các dân tộc thiểu số miền trung Tây nguyên về sự di cư ồ ạt của người Kinh vào các khu vực này càng ngày càng đông. Tất cả những điều đó làm cản trở những kế hoạch, định hướng bảo tồn và phát triển chung cho cộng đồng dân tộc thiểu số hiện nay.

 

Thiết nghĩ trách nhiệm định hướng phát triển tương lai cho một dân tộc là vấn đề cốt lõi cho sự sống còn của cộng đồng Chăm. Từ những phân tích trên đây, chúng tôi mạnh dạn đưa ra những ý kiến để cải thiện công tác này như sau:

 

1. Kiện toàn công tác tổ chức quản lý

 

1). Cần thành lập Ban hoạch định kế hoạch phát triển cho cộng đồng Chăm gồm những cá nhân có đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm để vạch ra những kế hoạch chiến lược dài hạn và ngắn hạn cho sự phát triển cộng đồng Chăm trong và ngoài nước. Ban này rất quan trọng vì sẽ cung cấp thông tin và những định hướng cơ bản có ý nghĩa cho sự phát triển chung của cộng đồng Chăm ở mọi nơi. Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng cho các cán bộ lãnh đạo và người dân Chăm trong nước tham khảo để cùng chăm lo cho sự phát triển chung của cộng đồng Chăm. Cũng cần nhấn mạnh rằng không ai khác ngoài các vị lãnh đạo Chăm mới có đủ quyền lực và trách nhiệm để có những định hướng và kế hoạch cụ thể giúp cho đồng bào Chăm trong nước.

 

2). Cơ cấu lại các tổ chức, hội đoàn Chăm trong và ngoài nước để tìm tiếng nói chung trong cộng đồng. Tất cả vì mục tiêu bảo tồn và phát triển cộng đồng Chăm không vì mục đích tư lợi cá nhân. Với tình hình phức tạp về công tác an ninh và chính trị như hiện nay, chúng ta cần phải xác định rõ tổ chức nào là đáng tin cậy; tổ chức nào là trá hình để ngấm ngầm chống phá, hủy hoại văn hoá Chăm. Champaka đã có rất nhiều bài viết đáng tin cậy khi phân tích vấn đề này và đưa ra một số ví dụ tiêu biểu như hiện tượng của Ts. Thành Đài và nội dung bài viết của Phan Hữu Dật (Mấy vấn đề lý luận ... đến mối quan hệ dân tộc hiện nay).

 

3). Cần thành lập ban quản trị để xử lý và tổng hợp các thông tin và kịp thời thông báo các sự kiện quan trọng đến cộng đồng Chăm một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đặc biệt là các vấn đề thời sự nóng trong xã hội Chăm hiện nay như bảo vệ nhân quyền, bảo tồn di tích văn hóa lịch sử Chăm, vấn đề chiếm đoạt đất đai, công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội trong các làng Chăm. Bên cạnh đó Ban quản trị cũng cần tập hợp các thông tin về cơ hội phát triển cho người Chăm, ví dụ như tuyển dụng việc làm cho người Chăm, kênh thông tin học bổng dành cho sinh viên Chăm, các chương trình xã hội từ thiện, tình nguyện dành cho cộng đồng Chăm…Ví dụ hiện nay trang web Champaka.info là một kênh thông tin quan trọng nhằm truyền tải những tin tức nghiêm túc và quan điểm trung thực đến cộng đồng Chăm.

 

2. Xác định những định hướng cho sự phát triển cộng đồng Chăm

 

Những định hướng cơ bản để phát triển cộng đồng Chăm trong tương lai là tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế cho cộng đồng Chăm; bảo đảm an sinh xã hội trong các làng Chăm; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường hợp tác và giao lưu văn hóa với các cộng đồng trong và ngoài nước; giữ vững an ninh và trật tự, an toàn xã hội tại các làng Chăm.

 

Bên cạnh những định hướng chung, cần phải xác định các nội dung và chỉ tiêu phấn đấu cụ thể trên cơ sở đánh giá bối cảnh và thực trạng cộng đồng Chăm hiện nay cũng như xác định mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực trong từng giai đoạn để thuận lợi cho công tác tổng kết, kiểm tra đánh giá và định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Cần đưa ra những nội dung cụ thể khả thi trong từng lĩnh vực nhằm năng cao đời sống kinh tế và bảo tồn bản sắc dân tộc Chăm. Ví dụ như:

 

• Cần thống nhất chữ viết Chăm Akhar thrah truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục, bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ Chăm. Khuyến khích sinh viên Chăm ở bậc đại học, phải có chứng chỉ Akhar thrah Chăm truyền thống và giao tiếp tiếng Chăm thông thạo. Cần tổ chức những khóa đào tạo riêng dành cho những đối tượng không có điều kiện học chữ Chăm ở trường lớp,…

 

• Cần thống nhất Lịch Chăm tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng trong cộng đồng xã hội Chăm.

 

• Những khu di tích văn hóa Chăm nên giao cho người Chăm quản lý để đảm bảo công tác gìn giữ và thực hiện đúng các nghi thức tôn giáo và tín ngưỡng trên các khu đền tháp Champa.

 

• Các khu du lịch có các di tích Chăm nên có chính sách ưu tiên tuyển dụng người Chăm tham gia công tác trong lĩnh vực này.

 

• Tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống Chăm phát triển bền vững như: dệt thổ cẩm Chăm truyền thống, các làng Gốm chăm, các đồ mỹ nghệ Chăm bằng tre nứa,…

 

• Tổ chức đào tạo các lớp học về các loại hình nghệ thuật cho thế hệ trẻ Chăm như: Múa Chăm; sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống Chăm; Điêu khắc Chăm,…

 

• Kêu gọi người Chăm mặc trang phục truyền thống Chăm trong các trường lớp và trong các ngày lễ hội.

 

• Thành lập các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ Chăm, hội thanh niên Chăm, hội đồng hương Chăm,…, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

 

bieu ngu

 

Dự thảo về định hướng phát triển cộng đồng Chăm trong tương lai cần phải được đưa ra thảo luận lấy ý kiến đóng góp của các nhân sĩ, trí thức Chăm, cán bộ lão thành, chức sắc Chăm,… để đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Và cần thông báo công khai kế hoạch và chiến lược phát triển cho cộng đồng Chăm trong từng giai đoạn để mọi người cùng biết và thực hiện, cùng có tiếng nói chung.

 

Đảm bảo cho đồng bào Chăm có đời sống kinh tế phát triển bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người Chăm trong cộng đồng đa sắc tộc Việt Nam hiện nay cùng với giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá vật thể và phi vật thể Champa sẽ là những nội dung quan trọng cho định hướng chiến lược này.

 

Chúng ta là những người Chăm của thế kỷ 21 có quyền tin vào tương lai để vượt qua những khó khăn khách quan và chủ quan, cùng nhau chăm lo và phát triển cộng đồng Chăm trong và ngoài nước. Điều này sẽ thực hiện được nếu như có một kế hoạch định hướng phát triển cho cộng đồng Chăm trong tương lai một cách khoa học, hợp lý và khả thi.