Tại sao dân tộc Chăm cần phải tổ chức những buổi hội luận Print
Written by BBT Champaka.info   
Monday, 13 August 2012 12:51
logo 10

Lần đầu tiên trong lịch sử Champa sau ngày vương quốc bị xóa bỏ trên bản đồ vào năm 1832, dân tộc Chăm nghĩ đến tầm quan trọng của ngày hội luận nhằm tham khảo quan điểm, phân tích vấn đề và đưa ra những giải pháp hầu giải quyết những bế tắc của xã hội, chuyển tải ý thức hệ dân tộc đến mọi tầng lớp dân sự và gây ra phong trào đấu tranh cho thế hệ tiếp theo.

 

Hội luận đầu tiên mang chủ đề « Lịch sử Champa trong quá trình hình thành lịch sử Việt Nam » được tổ chức vào ngày 17-9-2011 tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Hội luận sắp tới mang chủ đề « Làm thế nào để dân tộc Chăm tồn tại trong thế kỷ 21 » sẽ tổ chức vào ngày 1-9-2012 cũng tại San Jose, Hoa Kỳ.

 

Sau ngày độc lập của miền nam Việt Nam vào năm 1954 đã xảy ra gần nữa thế kỷ, dân tộc Chăm chỉ tổ chức 2 lần hội luận để bàn về bối cảnh xã hội và viễn tưởng tương lai của họ. Sự ra đời của hai lần hội luận này không nhất thiết là yếu tố nhằm chứng minh rằng xã hội Chăm là xã hội hoàn hảo, xã hội an bình và thịnh vượng không có vấn đề gì để đưa ra bàn luận. Nhưng trên thực tế không phải là như thế. Cuộc tranh giành ghế dân biểu vào năm 1972 là khởi điểm của cuộc tranh chấp trong nội bộ của người Chăm, đưa đẩy dân tộc này vào con đường khủng hoảng không lối thoát, kéo theo làn sóng đấu tranh giữa phe nhóm càng đưa xã hội Chăm vào con đường tâm tối để rồi không ai có thể tiên đoán được thế nào là định mệnh sống còn trong thế kỷ thứ 21 này.

 

Trước thực trạng bi đát này,  dân tộc Chăm phải gánh chịu bao thống khổ tương tàn, để rồi không còn ai muốn quan tâm đến thân phận của họ trong những thập niên tới, không còn ai thiết tha đến ý thức hệ đoàn kết một khi danh dự và quyền lợi của dân tộc này bị đe dọa. Mặc dù các tầng lớp trí thức người Chăm lúc nào cũng kêu gọi nhau đoàn kết gần nữa thế kỷ qua, nhưng không ai muốn ngồi chung với nhau để bàn đến vấn đề đoàn kết đã đề ra. Kể từ đó dân tộc Chăm không giám tổ chức hội luận vì sợ có sự chống đối hay không có ai tham dự.  Chính đó là yếu tố giải thích tại sao người Chăm chỉ tổ chức  hai buổi  hội luận trong vòng nữa thế kỷ qua. Tiếc rằng hội luận không phải là trung tâm hòa giải hòa đồng dân tộc và kêu gọi nhau đoàn kết mà là diễn đàn dành cho những ai còn thiết tha đến sự sống còn của dân tộc, cho những thành phần chủ trương xóa bỏ mọi chủ thuyết cực đoan của gia đình và phe nhóm để cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm của cuộc sống và chia sẻ những quan điểm liên quan đến sự bế tắc của xã hội Chăm hôm nay. Chính đó là mục tiêu chính yếu của ngày hội luận. Kể từ đó, hội luận không phải là lễ hội dành cho quần chúng đại trà nữa, không phải là nơi để giải quyết vấn đề chia rẻ của dân tộc Chăm, mà là nơi hội tụ của những thành viên tự nhận diện mình là dân tộc Chăm muốn góp phần vào cuộc vận động để xây dựng một chút gì cho dân tộc này. Chính vì thế, kết quả của hội luận không còn đánh giá trên số lượng của thính giả đến nghe mà là đánh giá trên nội dung của đề tài đã phân tích mà thôi.  

 

Muốn giải quyết những bế tắc của xã hội, dân tộc Chăm không còn cách nào khác là tập trung mọi nghị lực để đưa những vấn đề của dân tộc Chăm ra bàn luận trong những cuộc hội luận nhằm phân tích một cách xây dựng những mục nát của xã hội đã xảy ra và đề ra những giải pháp thiết thực hầu hàn gắn lại vết thương lở lói trong quá khứ và chuyển tải đến thế hệ tương lai những luồng tư tưởng mới trong cuộc vận động đấu tranh để bảo tồn bản sắc dân tộc và di sản văn hóa, ngôn ngữ chữ viết của dân tộc này trong thế kỷ thứ 21.

 

Sự sống còn của dân tộc Chăm trong thế kỷ thứ 21 là vấn đề đại sự. Dân tộc Chăm không có phương cách nào giải quyết những vấn đề trọng đại này nếu không có sự yểm trợ và đồng tình của nhà nước Việt Nam. Nhưng nếu muốn nhà nước Việt Nam thực hiện những chính sách này thì dân tộc Chăm phải nêu ra những vấn đề thích đáng và trình bày những giải pháp thiết thực liên quan đến thực trạng xã hội của họ và và sự tồn vong di sản văn hóa của dân tộc này.

 

Dân tộc Chăm không có quyền kêu gọi nhau để chống phá nhà nước Việt Nam, nhưng dân tộc Chăm có nghĩa vụ trình bày trước chính phủ Việt Nam những nguyên nhân chính đáng đã làm trì hoãn sự phát triển của xã hội Chăm từ vấn đề kinh tế, văn hóa xã hội cho đến chương trình giáo dục và đào tạo và những gải pháp thiết thực hầu đưa dân tộc Chăm cùng tiến lên để theo kịp đà tiến hóa của xã hội trong quốc gia Việt Nam đa chủng tộc. Chính vì thế, Hội luận về dân tộc Chăm trở thành diễn đàn thiết thực nhằm chuyển tải đến thế hệ Chăm những kho tàng tư tưởng làm thế nào để dân tộc Chăm còn hiện hữu trong biên giới cổ truyền của họ, đệ trình lên chính phủ Việt Nam những giải pháp chính đáng liên quan đến vấn đế bế tắc nằm trong lịch trình phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục của dân tộc Chăm .

 

Không có nhà nước nào hay cơ quan quốc tế nào tìm cách quan tâm đến định mệnh của người Chăm, nếu dân tộc này không nêu ra những nguyện vọng chính đáng của họ. Xã hội Chăm là xã hội không nhà lãnh đạo, không tổ chức. Không gian liên đới của xã hội Chăm từ ba thập niên qua chỉ là không gian liên đới giữa  phe nhóm đối lập mà mục tiêu đấu tranh chỉ tập trung vào những ngày lễ hội Kate, Rija Nagar nhằm nối kết  tình nghĩa giữa người đồng hương hơn là phong trào đấu tranh văn hóa trong nghĩa rộng của nó. Kể từ đó, hội luận Champa trở thành trung tâm sáng tạo những ý thức hệ mới nhằm bảo vệ cho sự sống còn của dân tộc Chăm, là diễn đàn tư tưởng nhằm đề ra những giải pháp thiết thực hầu xóa bỏ đi những bế tắc của xã hội. Hội luận Champa cũng  là mái nhà chung để những người Chăm còn thiết tha cho dân tộc của họ có cơ hội gặp gỡ với nhau hầu chia sẻ cho nhau những kinh nghiêm của cuộc sống. Chính vì thế, hội luận trở  thành yếu tố rất quan trọng trong lịch trình xây dựng phong trào chuyền tải tư tưởng đấu tranh từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

 

Dân tộc Chăm không thể tự giải quyết những vấn đề bế tắc của xã hội, tự tìm ra giải để định hướng tương lai của mình nếu các bậc đàn anh trí thức không đứng ra để tìm giải pháp cho họ. Kể từ đó, Hội Luận Champa II vào ngày 1-9-2012 tại Hoa Kỳ trở thành động cơ đắc lực trong cuộc vận động làm sao dân tộc Chăm còn tồn tại trong thế kỷ thứ 21.