Người Chăm và Maori (New Zealand) có 2 qui chế bản địa khác nhau Print
Written by Ja Karo   
Saturday, 21 April 2012 23:47
10 my.opera.com
Dân tộc Maori

New Zealand là một quốc gia nằm trên quần đảo của Tây Nam Thái Bình Dương, gần Úc Đại Lợi. Đây là địa bàn dân cư của người Maori, tổ tiên của tộc người Polynesia có mặt trên quần đảo này kể từ thế kỷ thứ VIII. Người Maori và Chăm là hai dân tộc cách xa nhau hàng ngàn cây số nhưng cùng chung một nguồn gốc ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo.

Ông Abel Janszoon Tasman là nhà thám hiểm Hà Lan đầu tiên đặt chân lên quần đảo New Zealand vào năm 1642, nhưng phải quay đầu về nước vì sự kháng cự của dân tộc Maori chống lại sự hiện diện của người nước ngoài trên lãnh thổ của họ. Phải chờ đến năm 1790, người Châu Âu mới xâm chiếm và kiểm soát toàn diện quần đảo New Zealand. Sự hiện diện quá đông đảo của dân Âu châu nhập cư đã gây ra bao xáo trộn đến xã hội Maori kéo theo những cuộc tranh chấp triền miên giữa dân tộc bản địa Maori và dân da trắng, buộc chính phủ Anh phải ký hiệp ước Waitangi với các bộ lạc Maori vào ngày 6-2-1840 trong đó cộng đồng Maori sẳn sàng làm thần dân của vương triều Anh quốc với điều kiện là quốc gia này phải trao trả lại một số đất đai của dân tộc Maori bị chiếm đóng và chấp nhận hình thành khu vực tự trị dành cho dân tộc này, tức là qui chế pháp lý công nhận dân tộc Maori là chủ nhân trên đất đai, phong tục tập quán truyền thống của họ.

Bước vào thềm thế kỷ thứ 20, New Zealand trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1947. Kể từ đó, New Zealand đưa ra nhiều chính sách nhằm khẳng định bản sắc riêng của quốc gia này trên bản đồ thế giới bằng cách công nhận văn hóa người dân bản địa Maori là một phần đặc trưng không thể thiếu được trong yếu tố văn hóa của New Zealand.

 

Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á hình thành vào cuối thế kỷ thứ X ở phía bắc sau đó sáp nhập Champa và Thủy Chân Lạp ở phía nam vào lảnh thổ của mình. Tuyên bố độc lập vào năm 1945, Việt Nam thống nhất hai miền Nam-Bắc vào năm 1975.

Nói đến văn hóa của người dân bản địa ở Việt Nam, thì người ta phải nói đến văn hóa Champa, một vương quốc nằm ở miền trung Việt Nam, hình thành từ thế kỷ thứ II và bị xóa tên trên bản đồ vào năm 1832 do phong trào Nam tiến của dân tộc Việt. Champa có một nền văn minh rực rỡ đã từng để lại nhiều di tích đền tháp trải dài khắp miền trung Việt Nam hiện nay với kiến trúc độc đáo và nhiều bí ẩn. Sau năm 1975, Việt Nam bắt đầu kiến thiết đất nước và không ngừng khẳng định bản sắc riêng của mình thông qua chính sách bảo tồn di sản văn hóa. Điều 5, Hiến pháp nước Việt Nam năm 1992 nêu rõ:

 

“Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.


Dựa vào điều 5 của hiến pháp này, văn hóa Champa phài là một bộ phận không thể thiếu được trong không gian của văn hóa Việt Nam. Với bề dày của lịch sử cùng với sự sáng tạo độc đáo của người Champa qua nhiều thế hệ, những di sản văn hóa Champa còn lưu lại cho hậu thế hôm nay xứng đáng là niềm kiêu hãnh và tự hào của dân tộc Champa nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung, nếu được quan tâm bảo tồn, gìn giữ, nghiên cứu và sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên trong thực tiễn hiện nay, vấn đề bảo tồn văn hóa Champa đang tồn tại những vấn đề nổi cộm. Một số sự kiện được phân tích dưới đây là những minh chứng báo động cho việc hủy hoại văn hóa đến mức nguy cấp, sẽ làm mai một đi những giá trị văn hóa Champa trong một ngày không xa nếu như không thức tỉnh và có chương trình hành động đúng đắn.

 

Việt Nam và New Zealand là hai quốc gia đều có dân tộc bản địa. Người Chăm là thành phần dân tộc bản địa của Việt Nam trong khi đó Maori là dân tộc bản địa của New Zealand. Mặc dù cùng mang chung một tên gọi là dân bản địa, nhưng quyền làm người và qui chế chính trị của dân tộc Maori hoàn toàn khác hẳn với dân tộc Chăm.

 

Ai cũng biết người Maori và người Chăm là hai dân tộc có chung một nguồn gốc ngôn ngữ nằm trong gia đình Malayo-Polysenian, có tiếng nói riêng, phong tục tập quán và những thành tựu văn hóa riêng. Trong quá trình lịch sử, cả hai dân tộc đều trải qua những cuộc chinh chiến để sinh tồn và khẳng định chủ quyền lãnh thổ cũng như việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho dân tộc mình. Nhưng hai dân tộc này đang sống trong hai bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác nhau. New Zealand là quốc gia do người Châu Âu sáng lập có nền dân chủ rất cao. Chính vì thế, New Zealand không ngần ngại công nhận người Maori là dân tộc bản địa của quốc đảo này. Ngược lại Việt Nam là lãnh thổ được mở rộng từ cuộc Nam tiến của dân tộc Việt trên lãnh thỗ của vương quốc Champa nhưng không bao giờ công nhận dân tộc Champa trong đó có người Chăm và Tây Nguyên là dân tộc bản địa tại quốc gia này, mặc dù họ đủ điều kiện để đón nhận tên gọi này và đáng được hưởng các quyền lợi của người bản địa theo công ước quốc tế đã đề ra qua bản Tuyên Ngôn Về Quyền Dân Tộc Bản Địa mà Liên Hiệp Quốc đã thông qua vào năm 2007 trong đó Việt Nam đã ký vào hiệp ước này.

 

Nói đến người Chăm tại Việt Nam và người Maori ở New Zealand , thì người ta phải nghĩ đến sự khác biệt về chính sách bảo tồn di sản văn hóa của hai dân tộc này

 

1). Vấn đề tranh chấp đất đai


Mặc dù hiệp ước Waitangi được ký vào năm 1840 nhằm đảm bảo cho người Maori có khu vực tự trị và những quyền khác liên quan đến hệ thống tổ chức gia đình và xã hội của dân tộc này, New Zealand vẫn gặp phải bao biến cố bất đồng và tranh chấp đất đai giữa người Maori và người nhập cư, kéo theo bao phiên toà đã diễn ra nhằm cáo buộc người da trắng đã vi phạm hiệp ước Waitangi và yêu cầu quốc gia New Zealand phải trả lại đất đai và quyền bình đẳng cho người Maori. Sự quyết định của tòa án Waitangi vào năm 1998 bắt buộc nhà nước New Zealand phải trả lại đất đai đã thu hồi ở Turangi Township cho chủ nhân của những người Maori là một thí dụ điển hình.

 

haka .pifpafpouf.fr
Haka, múa truyền thống biểu tượng cho tinh thần bất khuất của dân tộc Maori (Ph.pifpafpouf.fr)

 

Tình hình đất đai ở Việt Nam thì hoàn toàn khác biệt. Khi lãnh thổ Champa bị sáp nhập vào Việt Nam vào năm 1832, dân tộc Chăm là tập thể mang nhiều thiệt thòi nhất vì đất đai của họ bị xâm chiếm qua nhiều hình thức, quyền lợi và danh dự cũng bị chà đạp do sự nhập cư ồ ạt của người Việt trong phong trào Nam tiến. Năm 1941, vua Thiệu Trị ra chiếu chỉ giao cho dân tộc Chăm quản lý lãnh thổ riêng ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận và được triều đình Huế thi hành cho đến triều vua Bảo Đại. Dưới thời Việt Nam cộng Hòa, vẫn còn có những chính sách đặc biệt về quản lý đất đai và phát triển kinh tế xã hội dành riêng cho người Chăm, cụ thể là khu vực tự trị của người Chăm nằm trong hai quận An Phước và Phan Lý Chàm. Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam quốc hữu hóa toàn bộ đất đai của người Chăm ở khu vực này dẫn đến tình trạng người Chăm lâm vào cảnh nghèo túng do thiếu đất canh tác.

 

Tóm lại, người Chăm không ngừng đấu tranh đòi lại đất đai đã mất trong quá khứ. nhưng hiện nay họ chưa được giải quyết thỏa đáng như người Maori ở New Zealand.

 

2). Vấn đề bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết

 

ban do
Bản đồ New Zealand 

Bên cạnh những mâu thuẫn về chủ quyền đất đai, một cáo buộc khác mà người Maori lên tiếng phản đối là chính quyền New Zealand đã không bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc Maori. Từ cáo buộc này, năm 1987 chính phủ New Zealand đã công nhận ngôn ngữ Maori là một ngôn ngữ chính thức của quốc gia và được đưa vào trường học bên cạnh ngôn ngữ Tiếng Anh.

 

Người Chăm là thành phần dân tộc có văn tự từ lâu đời, đã được xác định trên bia đá từ thế kỷ 4 . Những tư liệu hoàng gia Champa viết bằng tiếng Chăm qua nhiều thế hệ được Viện Viễn đông Pháp sưu tầm và lưu giữ hiện nay là một minh chứng về thành tựu phát triển rực rỡ của ngôn ngữ và chữ viết Chăm trong quá khứ. Sau năm 1975, Đảng và Nhà nước có chính sách bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã xảy ra nhiều vấn đề gây tranh cãi đối với việc bảo tồn chữ viết Chăm. Cụ thể là Ban Biên Soạn (BBSSCC) đã có sự cải biên chữ viết Akhar Thrah Chăm không hợp lý. Hậu quả của việc cải biên này đã đưa chữ viết Chăm trong giáo trình của Ban Biên Soạn hoàn toàn khác xa với chữ viết Chăm truyền thống. Kể từ đó, dân tộc Chăm có một tiếng nói nhưng có hai chữ viết khác nhau

Akhar Thrah là chữ Chăm truyền thống lưu truyền từ thời Po Rome (thế kỷ thứ XVII) và do tu sĩ, bô lão, trí thức Chăm đang sử dụng hàng ngày hoàn toàn khác biệt với cách cấu trúc chữ Chăm cải biên mà Ban Biên Soạn đang triển khai để dạy cho học sinh ở trường tiểu học. Do đó, dù Ban Biên Soạn đã tồn tại hơn 30 năm, nhưng cho đến nay cơ quan này gặp tình trạng khó khăn trong việc tìm giáo viên giảng dạy chữ Chăm cũng như cán bộ đủ trình độ tiếng Chăm để kế tục. Có phải chăng do không đáp ứng được nhu cầu dạy và học tiếng Chăm cho đồng bào Chăm nên Ban Biên Soạn đã chính thức giải thể sáp nhập vào Phòng Giáo dục Dân tộc thiểu số của Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Ninh Thuận vào tháng 8/2010.

 

Tóm lại, nếu ngôn ngữ Maori ở New Zealand được đưa vào trường học như một ngôn ngữ chính thức của quốc gia này song song với Tiếng Anh thì ở Việt Nam ngôn ngữ và chữ viết Chăm hiện nay đang đi vào con đường thoái hóa, vì Ban Biên Soạn Chữ Chăm là cơ quan của nhà nước Việt Nam tự tiện chỉnh lý chữ viết Chăm theo quan điểm của mình để rồi hôm nay các con em người Chăm học tiếng Chăm của Ban Biên Soạn không đọc được chữ Chăm của cha mẹ họ. Đây là vấn đề trọng đại trong chính sách bảo tồn ngôn ngữ chữ viết Chăm mà nhà nước Việt Nam cần có quyết định rõ ràng để bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Chăm.

 

3). Vấn đề biên giới mồ mả và tục mai táng

 

Bảo tồn mồ mả và tục mai táng của người Maori được Chính phủ New Zealand rất quan tâm. Mặc dù đã có nhiều xung đột xảy ra khi bàn đến vấn đề này do xuất phát từ nhiều quan niệm khác nhau. Một số người nhập cư có quan điểm rằng đất đai chỉ sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế cộng đồng và quốc gia theo kiểu Tây phương, không thể dùng vào mục tiêu tín ngưỡng. Ngược lại, người Maori muốn giữ gìn mồ mả tổ tiên theo phong tục của họ. Năm 1964, luật pháp của New Zealand đã quy định về qui chế biên giới của các khu nghĩa trang của người Maori nhằm bảo tồn mồ mả và tục mai táng theo tục lệ người Maori. Năm 1993, nghĩa trang của người Maori có lãnh thổ riêng biệt và gìn giữ theo quy định luật pháp.

 

tao mo
Lễ tảo mộ hàng năm của người Chăm Bani ở Tỉnh Bình Thuận

 

Ở Việt Nam mồ mả tổ tiên người Chăm được người Chăm trông nom, gìn giữ và tảo mộ hàng năm theo lịch Chăm. Gần đây một số hiện tượng xâm chiếm đất đai mồ mả người Chăm vì mục đích nới rộng địa bàn dân cư hoặc phát triển kinh tế đã gây nên những xung đột giữa người Chăm và chính quyền. Cụ thể là sự kiện người dân thị trấn Liên Hương chiếm đất và xây nhà trên mồ mả tổ tiên của người Chăm thuộc thôn Vĩnh Hanh, xã Phú lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù bà con Chăm đã viết đơn lên cấp chính quyền yêu cầu phải ngưng những vụ việc chiếm đất đai của họ, nhưng cho đến bây giờ sự việc trên vẫn chưa giải quyết. Sự kiện đáng chú ý hơn được nêu trên wepsite Champaka là “Chính quyền Bình Thuận đào mồ mả người Chăm?" Hoặc “ Chiến tranh đào mồ mả người Chăm vẫn còn tiếp diễn” đã nói lên hiện trạng nóng bỏng này.

 

nha vn
Ngôi nhà người Kinh xây trên đất mồ mả người Chăm thuộc huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận


Tóm lại, New Zealand và Việt Nam là hai quốc gia có hai quan điểm khác nhau trong việc bảo tồn các khu mồ mả người bản địa và sử dụng đất đai cho sự phát triển kinh tế. Nhưng ở New Zealand đã có luật bảo tồn mồ mả người Maori còn ở Việt Nam hiện vẫn còn xảy ra xung đột về những vấn đề này.

 

4). Chính sách trùng tu di sản văn hóa

 

Một sự kiện lớn có thể kể đến là việc khôi phục lại ngôi nhà truyền thống Mataatua, tức là hội trường dành cho ngày gặp mặt của người dân Maori ở Ngatiawa. Năm 1879, chính phủ New Zealand cho phép tháo gỡ ngôi nhà này để trưng bày trong ngày triển lãm tại Sydney, Úc Đại Lợi. Từ Úc, ngôi nhà Mataatua được chuyển sang Luân Đôn và lưu giữ ở bảo tàng Victoria Albert trong 40 năm.

 

nha ph. s. williams
Ngôi nhà Mataatua (Ph. S. Williams)

 

Qua các cuộc đấu tranh của dân tộc Maori, nhà nước New Zealand quyết định đưa ngôi nhà Mataatua về nước vào năm 1924 sau đó lưu giữ tại viện bảo tàng Otago, Dunedin. Năm 1983 người dân Maori ở Ngatiawa tiếp tục đấu tranh và đệ đơn yêu cầu nhà nước phải trả lại ngôi nhà Mataatua về vị trí cũ, tuy nhiên mãi đến năm 1996 bảo tàng Otago mới đưa ngôi nhà “Mataatua” về vị trí ban đầu của nó ở Ngatiawa. Chính phủ New Zealand đồng ý trả cho bảo tàng Otago 2.75 triệu NZ$ và 2 triệu NZ$ cho người dân Ngatiawa khôi phục, trùng tu và bảo quản ngôi nhà này. Việc thực hiện khôi phục kiến trúc cổ của người Maori được quy định rất nghiêm ngặt và cẩn trọng từ việc lựa chọn nghệ nhân, chất liệu và đặc biệt là phải thông qua bảo tàng nơi xác định nguồn gốc ban đầu của nó.

 

Ở Việt Nam, di tích quần thể đền tháp chăm là biểu tượng của đỉnh cao về công trình kiến trúc độc đáo cũng như nền văn minh rực rỡ của vương quốc Champa còn lưu lại đến bây giờ. Qua các cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt nam trong lịch sử, các đền tháp này đã bị tàn phá và hư hỏng nhiều. Hôm nay chỉ còn vào khoảng 21 đền tháp Champa còn đứng vững với thời gian và không gian. Do đó công cuộc trùng tu, phục chế các đền tháp rất quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, công tác này lại chưa được quan tâm đúng mức nên đã xảy ra một số trường hợp rất đáng tiếc. Điển hình là việc trùng tu Tháp Bà ở Nha Trang đã làm biến dạng đỉnh tháp linh thiêng, bằng việc thay vào đó một biểu tượng “quả bầu” thuộc văn hóa Trung Quốc trên đỉnh tháp Champa. Điều này đã gây nên sự bức xúc trong cộng đồng khoa học của người Chăm và các nhà nghiên cứu nền văn minh xây dựng đền tháp trên thế giới. Trường hợp tương tự ở di tích tháp Champa tại Khương Mỹ (Quảng Nam). Đây là một di tích quốc gia, nhưng việc trùng tu đã biến khuôn viên của di tích Khương Mỹ thành công viên dành cho quần chúng, đã tàn phá đi ý nghĩa không gian của ngôi tháp này.

 

po nagar

Tháp bà Nha Trang đã bị trùng tu làm biến dạng đỉnh tháp linh thiêng,

thay vào đó một biểu tượng “quả bầu – hồ lô” trên đỉnh tháp.

 

Kết luận


New Zealand hiện nay là một trong những nước phát triển trên thế giới, một quốc đảo xinh đẹp, thanh bình hấp dẫn du khách không chỉ ở cảnh quan mà còn ở một nền văn hóa đặc sắc trong đó có sự đóng góp đáng kể của những thành tựu văn hóa độc đáo do người bản địa Maori sáng lập. Những nỗ lực bảo tồn văn hóa bản địa Maori ở New Zealand đã góp phần xây dựng một quốc gia văn minh, bình đẳng và giàu mạnh. Từ những tìm hiểu về công tác bảo tồn văn hóa Maori ở New Zealand cho phép chúng ta có niềm hy vọng về một hình ảnh của quốc gia Việt Nam giàu mạnh trong tương lai, ở đó văn hóa Champa được trả về đúng với vị trí và giá trị của nó nhằm góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt nam đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu Champa trong và ngoài nước, cùng với những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa của người Chăm qua sự quan tâm của các tổ chức bảo tồn văn hóa trong và ngoài nước. Nhưng mọi nổ lực bảo tồn văn hóa Champa vẫn cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, từ chính quyền địa phương cho đến trung ương. Từ thực tiễn ở New Zealand về bảo tồn văn hóa bản địa Maori, người Chăm hôm nay có niềm tin cho sự phát triển của cộng đồng mình trong một xã hội bình đẳng và được tôn trọng.

 

You tube liên quan đến dân tộc Maori:

 

• Phiên tòa đền bù đất đai cho người Maori:

http://www.youtube.com/watch?v=4I3PjDMOOug

 

• Giới thiệu về văn hóa Maori:

http://www.youtube.com/watch?v=4Vh4iqaLoIQ

 

• Haka, điệu múa truyền thống thể hiện sức mạnh của người Maori: 

http://www.youtube.com/watch?v=eTB31-uFaUg

 

Tài liệu tham khảo:


Fox, Carved Maori Burial Chests: “A Commentary and Catalogue”. In Bulletin of the Auckland Institute and Museum 13 (1983).

 

P . G. McHugh, The Lawyer's, “Concept of Sovereignty, the Treaty ofWaitangi, and a Legal History for New Zealand”. In Sovereignty and Indigenous Rights: The Treaty of Waitangi in International Contexts (W. Renwick ed., Wellington 1991)

 

Robert k. Paterson “Protecting Taonga: The Cultural, Heritage of the New Zealand Maori”, In International Journal of Cultural Property, Vol 8, No. 1, 1999, pp. 108— 132.

 

New Zealand profile, Retrieved 10 April 2012, from http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-pacific-15370160

 

The history of New Zealand: a brief overview of the pre-historic, colonial and modern periods, Retrieved 10 April 2012, from  http://history-nz.org/