Dư luận chung quanh Thư Ngỏ của cựu dân biểu Lưu Quang Sang Print
Written by BBT Champaka.info   
Monday, 03 October 2016 15:41
quang san 10
Lưu Quang Sang

Ngày 25-9-2016 cựu dân biểu Lưu Quang Sang có đăng một Thư Ngỏ kêu gọi các nhân sĩ và hội đoàn Chăm tại hải ngoại tham gia buổi họp sơ bộ vào 18-12-2016 tại San Jose để chuẩn bị cho “Ngày hội ngộ Champa hải ngoại 2017” hầu thành lập một “Ban Đại Diện Cộng Đồng Champa Hải Ngoại” có vai trò đại diện tinh thần cho cộng đồng Chăm ở nước ngoài. Trong thư ngỏ, ông có đưa ra nhận định rằng xã hội Chăm tại hải ngoại đang lâm vào tình trạng chia cách gần 2 thập niên qua, phát xuất từ sự hiễu lầm và đố kỵ lẫn nhau. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, sự khủng hoảng này không phát sinh từ bản chất hiềm thù của dân tộc Chăm, mà là phát sinh từ một số bậc đàn anh lãnh đạo có khái niệm thiếu trung thực về ý thức hệ dân tộc, thường đưa quyền lợi cá nhân, gia đình và phe nhóm của mình lên trên quyền lợi chung của dân tộc, đã làm cho không gian của xã hội Chăm bị rạn nức, không nhà lãnh đạo tinh thần và cũng không có định hướng tương lai.

 

 

Theo chúng tôi, trước bối cảnh của xã hội Chăm hôm nay, lời đề xuất của cựu dân biểu Lưu Quang nhằm đoàn tụ dân tộc dưới mái nhà Champa chung qua “Ngày hội ngộ Champa hải ngoại 2017” là dự án vô cùng hữu ích và rất cần thiết mà cộng đồng Chăm tại hải ngoại cần chung cai sát cánh với nhau để thực hiện với bất cứ giá nào. Nhưng thế nào là giải pháp để hình thành ngày hội ngộ Champa mà cựu dân biểu Lưu Quang Sang đã đề ra? Chính đó là trọng tâm của vấn đề mà các giới lãnh đạo Chăm cần đưa ra để nhận định và phán xét.

 

Chăm ngao ngán khi nói đến đoàn kết dân tộc

 

Qua các cuộc thăm dò ý kiến, hầu hết các vị bô lão, nhân sĩ, trí thức và thanh niên Chăm lúc nào cũng hoan hô những dự án hoà giải dân tộc, dù lời đề xuất này do cựu dân biểu Lưu Quang Sang hay bất cứ ai đưa ra đi nửa. Tiếc rằng những quá khứ buồn phiền đã diễn ra từ 2 thập niên qua trên sân khấu của xã hội Chăm trong đó cựu dân biểu Lưu Quang Sang là một trong những diễn viên chính, vẫn còn tồn động trong tiềm thức của người Chăm. Kể từ đó, nói đến vấn đề đoàn kết dân tộc trong bối cảnh xã hội hôm nay, thì ai ai cũng lắc đầu và ngao ngán, vì cứ lo sợ các bậc đàn anh lãnh đạo không thi hành nghiêm túc lời hứa của mình, không tôn trọng nguyện vọng chung của tập thể và quyền lợi chung của dân tộc. Những gì đã xảy ra trong dự án tổ chức đại hội Champa 2007 cũng nhằm hoà giải dân tộc là thí dụ điển hình. Bên cạnh đó, họ còn bày tỏ thái độ vô cùng tiêu cực đối với chiêu bài đoàn kết theo kiểu “phong kiến” bằng cách buộc người khác phải nằm dưới sự chỉ đạo của mình. Dân tộc Chăm tại hải ngoại hôm này không còn nằm trong không gian của thời phong kiến nữa. Kể từ đó, họ không muốn xã hội này đặt dưới sự chỉ đạo bởi một cá nhân nào, dù người đó là cựu dân biểu, cựu ty trưởng hay cựu tỉnh trưởng đi nữa. Chính đó là những khúc mắc và khó khăn có thể diễn ra trên chặn đường của “Ngày hội ngộ Champa hải ngoại 2017” do cựu dân biểu Lưu Quang Sang đề ra.

 

quang sang 20
Cựu dân biểu Lưu Quang Sang

 

Đoàn kết dân tộc là chủ đề nhạy cảm

 

Kể từ năm 1996, xã hội Chăm đang lâm vào giai đoạn chia cách, hiểu lầm và nghi kỵ lẫn nhau. Chính vì nguyên nhân đó, mọi dự án đoàn kết dân tộc đã trở thành chủ đề vô cùng “nhạy cảm”, cần có hướng đi và giải pháp vô cùng “tế nhị” qua các cuộc gặp gỡ bàn bạc riêng vô cùng “kín đáo”, chứ không thể mời mọc nhau qua Thư Ngỏ một cách đơn giản. Bước đầu tiên của dự án đoàn kết dân tộc phải là tạo “niềm tin và tình hữu nghị” giữa những người Chăm đồng tộc. Không có “niềm tin và tình hữu nghị”, thì mọi đề xuất “đoàn tụ dân tộc” chỉ là giấc mơ, không bao giờ đạt đến mục tiêu. Thời gian đến ngày họp mặt 18-12-2016 còn xa. Hy vọng rằng trong khoảng thời gian này, cựu dân biểu Lưu Quang Sang còn đủ thì giờ để gây ra phong trào tạo “niềm tin và tình hữu nghị” giữa người Chăm đồng tộc để cùng nhau tiến hành “Ngày hội ngộ Champa hải ngoại 2017” do ông đề ra.

 

Chôn vùi tình hữu nghị đối với hội đoàn anh em

 

Buổi cơm ngày 4-9-2016 do Hội Đồng Phát Triển tổ chức với sự bảo trợ của IOC-Champa và Cộng Đồng Chăm Muslim, là cơ hội duy nhất và tốt nhất để xây dựng lại “niềm tin và tình hữu nghị” giữa những bậc đàn anh lãnh đạo sau 2 thập niên xa cách. Tiếc rằng cựu dân biểu Lưu Quang Sang từ chối tham gia buổi hợp mặt này, mặc dù Hội Đồng Phát Triển có cử một phái đoàn đến tận nhà mời đón như một nghi lễ Nao thuk ông Sang (lễ xin lỗi ông Sang), có sự hiện diện của Từ Công Ánh (Chủ Tịch Hội Đồng) và Thành Phú Bá (Cố Vấn của Hội Đồng). Từ chối lời mời của Từ Công Ánh và Thành Phú Bá để tham gia buổi cơm thân mật, là hành động biểu lộ quá đáng “tính tự cao” của một vị dân biểu Chăm, có thể bị hiểu lầm là quá xem thường những người Chăm đồng tộc, tức là xem thường cả ông Thành Phú Bá, dù sao cũng là người bạn đồng nghiệp với Lưu Quang Sang, một nhân sĩ Chăm rất có uy tín trong quần chúng, và xem thường Từ Công Ánh, dù sao cũng là trí thức Chăm. Thái độ tiêu cực của Lưu Quang Sang đối với phái đoàn của Hội Đồng Phát Triển Champa đến tận nhà mời mọc là phong cách cư sử không phù hợp cho lắm với truyền thống và bản sắc hiếu khách của dân tộc Chăm.

 

quang sang 20-3
Thành Phú Bá

 

Bỏ qua cơ hội vàng ngọc để đoàn tụ dân tộc

 

Theo chúng tôi nhận định, buổi cơm ngày 4-9-2016 là cơ hội vàng ngọc và quí báu để cựu dân biểu Lưu Quang Sang về hội nhập với anh em đồng tộc sau hai thập niên xa cách hầu xoá bỏ đi những buồn phiền trong quá khứ. Nếu ông tham gia buổi cơm ngày 4-9-2016, thì các nhân sĩ, trí thức và thanh niên Chăm trong buổi tiệc sẽ tôn vinh ông là một “thần tượng”, xứng đáng giữ vai trò bậc đàn anh lãnh đạo và sẽ dành cho ông một “vị trí đáng giá” với tư cách là cựu dân biểu Chăm biết hoà đồng với đồng bào Chăm và biết bày tỏ tình hữu nghị với các tổ chức hội đoàn anh em tại hải ngoại. Tiếc rằng cơ hội vàng ngọc đã đến, nhưng Lưu Quang Sang lại quay lưng với cơ hội hiếm có này. Chính đó là biến cố đã gây ra những xức mẽ thêm trong cộng đồng, và càng tăng cường thêm những khó khăn cho dự án “Ngày hội ngộ Champa hải ngoại 2017” do cựu dân biểu Lưu Quang Sang đề ra.

 

Không tương thân tương trợ với hội đoàn anh em

 

Theo tin từ Hoa Kỳ cho biết, Lưu Quang Sang trả lời không tham gia là vì buổi cơm ngày 4-9-2016 của Hội Đồng Phát Triển Champa có mô hình tổ chức quá “non kém” (taba lô). Và ông còn dùng nhiều cụm từ thiếu xây dựng để ám chỉ cho Hội Đồng Phát Triển Champa và IOC-Champa mà chúng tôi không muốn nêu ra ở đây. Đây là lời tuyên bố thiếu “tế nhị” đã gây ra những phản ứng tiêu cực đối với Lưu Quang Sang. Vì rằng, Hội Đồng Phát Triển Champa, IOC-Champa, dù sao đi nữa, cũng là hai tổ chức duy nhất tại hải ngoại không ngừng đấu tranh bảo vệ quyền lợi dân tộc trước diễn đàn quốc tế và chuyển tải di sản văn hoá Champa đến mọi người, so với những gì mà Lưu Quang Sang đã mang lại cho dân tộc gần 2 thập niên qua.

 

Phá bỏ niềm tin đối với nhân sĩ, trí thức và thanh niên Chăm

 

Và sự vắng mặt của Lưu Quang Sang trong buổi cơm thân mật vào ngày 4-9-2016 đã làm mất đi “niềm tin” của các vị nhân sĩ, trí thức và thanh niên nằm trong Hội Đồng Phát Triển Champa và IOC-Champa đối với vai trò của cựu dân biểu Chăm, tức là nhà lãnh đạo tinh thần của người Chăm, nhưng lại từ chối ăn cơm chung với đồng bào Chăm. Và sự vắng mặt này càng chứng minh thêm dư luận Chăm cho rằng Lưu Quang Sang không muốn bày tỏ nguyện vọng đoàn kết dân tộc Chăm mà là tìm cách đứng ra chỉ đạo do dân tộc Chăm đoàn kết theo phong cách của quan lại dưới thời “phong kiến”.

 

Mâu thuẩn trong phong cách sinh hoạt xã hội

 

Đã từ chối tham gia buổi cơm ngày 4-9-2016 do Hội Đồng Phát Triển Champa và IOC-Champa tổ chức, nhưng cựu dân biểu Lưu Quang Sang lại mời hai tổ chức này đến tham gia buổi họp sơ bộ vào 18-12-2016 do ông đề xuất. Đây là hiện tượng chưa từng xãy ra trong tiến trình hình thành lịch sử xã hội Chăm. Chính đó là những mâu thuẩn trong phương pháp tổ chức xã hội của cựu dân biểu Lưu Quang Sang , có thể gây ra nhiều trở ngại cho dự án “Ngày hội ngộ Champa hải ngoại 2017” do ông đề ra. Vì rằng kêu gọi người khác đoàn kết thì mình phải biết đoàn kết trước tiên với người khác. Đây là qui luật chung của xã hội mà cựu dân biểu Lưu Quang Sang không thể bỏ qua.

 

quang sang 20-2
Từ Công Ánh

 

Kết luận

 

Hội Đồng Phát Triển Champa và IOC-Champa là hai tổ chức sẽ đóng vai trò quan trọng trong buổi họp sơ bộ vào 18-12-2016 do ông Lưu Quang Sang đề xuất. Sự vắng mặt của hai tổ chức này trong phiên họp sẽ là dấu hiệu cho biết “Ngày hội ngộ Champa hải ngoại 2017” sẽ không bao giờ ra mắt tại Hoa Kỳ.

 

Có thể Hội Đồng Phát Triển Champa và IOC-Champa sẽ có mặt trong phiên hợp, nhưng không phải vì thư ngỏ của Lưu Quang Sang, mà là vì tiếng gọi của dân tộc yêu cầu họ phải chấp nhận bỏ qua những buồn phiền để cùng nhau hàn gắn lại vết thương của xã hội đã kéo dài quá nhiều năm, không mang ích lợi gì cho thế hệ tương lai.

 

Hy vọng rằng, vì nghĩa vụ đối với tương lai của dân tộc, cựu dân biểu Lưu Quang Sang sẽ khắc phục những khó khăn trước mắt mà chúng tôi vừa nêu ra để mang lại một sự thành công tốt đẹp cho buổi họp mặt ngày 18-9-2016 tại Hoa Kỳ hầu cùng nhau phát triển dự án “Ngày hội ngộ Champa hải ngoại 2017”. Vì lời đề xuất của cựu dân biểu Lưu Quang Sang là dự án vô cùng hữu ích và đáng thực hiện để hàn gắn lại vết thương của dân tộc đã diễn ra gần 2 thập niên qua.