Một sự cảm thông với đồng bào Champa Print
Written by Nguyễn Công Bằng   
Thursday, 26 January 2012 02:17
cong-bang 10
Nguyễn Công Bằng

Kể từ xa xưa, bản đồ thế giới đã được vẽ lại nhiều lần bởi nhu cầu thăng tiến của các dân tộc có ưu thế sức mạnh ở mỗi thời. Theo dòng lịch sử nhân loại, các hoàn cảnh lịch sử éo le đã đưa đẩy nhiều đất nước trở thành một phần lãnh thổ của nước khác. Một số dân tộc trên thế giới cũng đã lâm vào cảnh phải hoà nhập với các cộng đồng dân tộc có ưu thế hơn. Sự thay đổi bằng máu và nước mắt đó cũng đã xảy ra trong lịch sử Việt Nam, mà trường hợp Champa là một.

 

Champa là tên một vương quốc đã có mặt chính thức trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay từ thế kỷ thứ 2 (sau Công nguyên). Từ nhiều thế kỷ qua, văn hoá, tiếng nói, món ăn, trang phục Champa, v.v. đã hoà nhập một cách sâu xa vào nền văn hoá đa dạng của Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chính trị khác nhau, nhiều sử liệu cho thấy là tập thể đồng bào Chăm đã phải gánh chịu vô số đau thương, mất mát trong suốt chiều dài lịch sử. Giai đoạn được đối xử đàng hoàng nhất được đồng bào Chăm công nhận chỉ là thời kỳ sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, qua các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho người sắc tộc.

 

Dân tộc Champa đã chịu quá nhiều mất mát

Dân tộc Champa đã chịu quá nhiều mất mát, đau thương ở giai đoạn trước và sau khi vương quốc này trở thành một phần lãnh thổ của nước Việt vào năm 1832. Chính sử Việt chưa ghi lại đầy đủ song số phận vương quốc và dân tộc Champa đã đi vào lịch sử bằng máu và nước mắt. Hiện nay, với nhân số còn lại vỏn vẹn chỉ có hơn 100 ngàn người đang sống trong cảnh rất khó khăn ở Ninh Thuận và Bình Thuận, và hơn chục ngàn người đang sống lưu vong rải rác ở các nước trên thế giới, cộng đồng người Chăm đã nhiều lần chính thức thỉnh nguyện nhà nước Việt Nam hãy ra lệnh cho chính quyền tỉnh Ninh Thuận chấm dứt các hành động cưỡng thu đất đai của người Chăm và tôn trọng văn hoá, cuộc sống của cộng đồng người bản địa này. Những người lãnh đạo cộng đồng Chăm ở nước ngoài đã cố gắng giữ một thái độ hết sức ôn hoà và phi chính trị trong các kiến nghị của họ. Ðiều đáng nói là người Chăm đã nhiều lần minh định là tập thể này hoàn toàn không có ý định đòi lại lãnh thổ đã bị mất đi bởi các hoàn cảnh lịch sử, và cũng không có ý định đòi quyền tự trị như một vài dư luận đã có. Có thể nói, tấm bản đồ Champa ghi các phần đất từ tỉnh Quảng Bình xuống đến Biên hoà chỉ có giá trị như là một dữ kiện lịch sử. Trong thực tế, nguyện vọng của các thế hệ Chăm ngày nay là được chính quyền Việt Nam, dù là ở chế độ nào, đều sẽ tôn trọng tập thể này như những người sắc tộc bản địa; được hỗ trợ việc bảo tồn nền văn hoá sâu dày của tổ tiên để lại; và được sống bình thường như tất cả người Việt thuộc mọi sắc tộc khác. Ðiều đáng tiếc là, cũng tương tự như thái độ đối với các cá nhân, đoàn thể đối lập ôn hoà người Kinh, Nhà nước Việt Nam hiện nay đã không có một thái độ đáp ứng biểu lộ được tình cảm và thiện chí đối với cộng đồng người Chăm nhỏ bé còn lại ở Ninh Thuận. Ngược lại, có nhiều sự khiếu nại cho thấy cộng đồng người Chăm ở Việt Nam đang bị cô lập, đồng hoá và dồn đẩy vào cảnh thiếu ăn, dốt chữ. Tình trạng này cộng với những định kiến trong quá khứ đã vô tình gây ra sự thiếu cảm thông giữa tập thể đồng bào Chăm và cộng đồng người Kinh. Vấn đề này gây ra một sự ngộ nhận rất nguy hiểm và cần được hoá giải một cách rốt ráo.

Dân tộc nào cũng có những giai đoạn thăng trầm. Nhưng với chiều hướng liên lập để sinh tồn của thế giới ngày nay, chúng ta cần nhìn những sai lầm, đau thương trong quá khứ như là bài học hơn là các yếu tố để nuôi dưỡng hận thù, mâu thuẫn. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải tích cực tạo dựng sự hoà đồng và đoàn kết giữa các sắc tộc trong cộng đồng dân tộc Việt.

Lịch sử cho thấy, sự hội nhập của các sắc tộc thiểu số vào cộng đồng dân tộc Việt, dù là tự nhiên hay do hoàn cảnh lịch sử, cũng đã mặc nhiên tạo cho Việt Nam tính chất đa chủng tộc và đa văn hoá. Tập thể người Chăm nay đã trở thành một thành phần của dân tộc Việt Nam. Vương quốc Champa ngày nào cũng đã trở thành một phần của đất nước Việt Nam. Hơn nữa, Champa và nhiều sắc tộc khác còn là những dân tộc bản địa đã hiện diện ở các phần lãnh thổ Việt Nam ngày nay từ trước khi tổ tiên người Việt di cư xuống phương Nam.

 

Việt Nam đã trở thành một tiểu hiệp chủng quốc

Trong bối cảnh thế giới hiện giờ, các quốc gia không còn bị cách biệt bởi ranh giới hay ngôn ngữ. Cùng lúc đó, tinh thần đa chủng tộc và đa văn hoá mỗi ngày được biểu dương nhiều hơn. Sự liên lập đang mỗi ngày được thành hình rộng lớn và sâu đậm hơn trong các lãnh vực nhân văn. Từ nhận thức đó, rõ ràng Việt Nam đã trở thành một tiểu hiệp chủng quốc, dung hợp nhiều nền văn hoá khác nhau – một đặc tính mà mọi người Việt cần nỗ lực khai dụng và hãnh diện. Do đó, mọi sắc tộc cần nhìn và đối xử với nhau trong tinh thần anh em chung một đại gia đình dân tộc. Những thái độ phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc hay bài bác bản sắc văn hóa các sắc tộc thiểu số là hành động đi ngược lại tinh thần nhân bản và nhân quyền; dễ gây ra nguyên nhân cho những sự ảnh hưởng phức tạp của ngoại bang. Nó đồng thời cũng là thái độ thiếu văn minh trong chiều hướng tiến bộ của thế giới ngày nay.

Chúng ta không thể đảo ngược lại được lịch sử nhưng chúng ta có thể giải quyết những mâu thuẫn còn lại ở hiện tại để có thể sống hoà đồng và đoàn kết ở tương lai. Tinh thần cảm thông và thương yêu chân thật sẽ là chất keo gắn bó những người Việt từ các sắc tộc khác nhau trong cộng đồng dân tộc Việt. Và đó sẽ là yếu tố xây dựng sự hài hoà, ấm no, tiến bộ của người Việt trong những tháng năm sắp tới.

Với quan điểm “Các cộng đồng sắc tộc sống trên đất nước Việt Nam đều là thành phần chính thức của dân tộc Việt Nam”, Ðảng Vì Dân tôn trọng văn hoá, lịch sử và nguyện vọng của các tập thể đồng bào sắc tộc; và quan tâm đến cuộc sống, tâm tình và nguyện vọng của đồng bào các sắc tộc trên đất nước Việt như là người Việt. Riêng đối với tập thể đồng bào Chăm, Ðảng Vì Dân nhận thấy có trách nhiệm nhiều hơn với tập thể này mỗi khi được hiểu biết thêm về văn hóa và lịch sử Champa.

Xin hãy xem nhau như anh em đồng bào, và xin hãy cùng nhau góp một bàn tay xây dựng niềm tự hào chung cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

 

(Thay lời tựa: Nhân dịp buổi lễ ra mắt tác phẩm Lịch Sử Vương Quốc Champa vào ngày 17-9-2011 tại San Jose, Hoa Kỳ, chúng tôi xin đăng lại quan điểm của ông Nguyễn Công Bằng (Đảng Vì Dân) về chính sách đối với dân tộc Champa đã phổ biến trên mạng web www.vidan.org ngày 31/12/2009).