Đài Á Châu Tự Do và BBC bàn về dân Tây Nguyên vượt biên Print
Written by BBT Champaka   
Monday, 14 September 2015 01:36
tay nguyen 13.9-10

Ngày 13-9-2015, đài Á Châu Tự Do và BBC có đăng hai tin về dân tộc bản địa Tây Nguyên chạy sang Thái Lan và Campuchia tị nạn. Sự ra đi của người Tây Nguyên phát xuất từ chính sách bất công của chế độ Hà Nội, luôn luôn xem người Chăm và Tây Nguyên là dân tộc phản động chống phá nhà nước Việt Nam, nhưng trên thực tế hai dân tộc này chỉ đấu tranh để đòi “quyền được sống”  của người dân bản địa, hoàn toàn phù hợp với hiến chương của Liên Hiệp Quốc

 

Bị công an đánh đập, người Nguyên chạy sang Thái Lan

 

Ngày 13-9-2015, Gia Minh, phóng viên của Đài Á Châu Tự Do loan tin rằng cựu tù nhân chính trị người dân bản địa gốc Jarai, ông Oi Lư, 60 tuổi,  cùng vợ vừa vượt thoát khỏi quê nhà là thôn Pley Rbai, xã Lapiar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai sang Thái Lan để tìm qui chế tỵ nạn từ ngày 10 tháng 9 vừa qua.

 

Vào sáng ngày 13 tháng 9, ông Oi Lư cho biết việc đến được Xứ Chùa Vàng (Thái Lan) như sau:

 

“ Hai vợ chồng tôi lên Bangkok bởi vì mình ở nhà thì công an muốn bắt mình, hai vợ chồng trốn vào rừng và ở trong đó chừng 15-16 ngày gì đó.”

 

Trong thời gian hai vợ chồng ông Oi Lư phải trốn vào rừng để tránh sự bắt bớ của công an Việt Nam, một người dân cũng xác nhận về điểu đó:

 

“ Bây giờ hai vợ chồng ông ta đang kiếm đường ra ngoài nhưng khó khăn quá. Không biết giúp đỡ cho ông ta ra sao, chính quyền đang canh chừng, chúng tôi không thể ra ngoài được.”

 

Ông Oi Lư và vợ vào tháng 3 vừa qua xuống Hải Phòng và Hà Nội để gặp một số người quen từng sống trong tù là cựu tù nhân Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, cựu tù nhân Phạm Văn Trội và Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội.

 

Khi về lại địa phương, ông này bị chính quyền mời đi làm việc và tịch thu hết những quà cáp mà những bạn cựu tù cho. Công an địa phương  còn qui kết ông Oi Lư làm việc cho những người đó và tra hỏi, sách nhiễu, đánh đập ông này.

 

Xin được nhắc lại ông Oi Lư bị bắt vào tháng 2 năm 2005 và bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “phá hoại sự đoàn kết dân tộc”. Ông Oi Lư bị giam tại Trại Nam Hà, nơi mà ông gặp các bạn tù Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội và được họ chia sẽ những quà thăm nuôi.

 

Hiện ông Oi Lư này còn một người con trai cũng đang phải thụ án tù tại trại giam Thái Nguyên.

 

tay nguyen 13.9-20.2
Gia đình ông Oi Lu chạy sang Thái Lan (Photo: Đài ACTD)

 

Campuchia từ chối cấp giấy tị nạn cho người Tây Nguyên

 

Cũng vào ngày 13-9-2015, Đài BBC loan tin rằng Bộ Nội vụ Campuchia nói chỉ thụ lý đơn xin tỵ nạn của 13 trong số hàng trăm người Tây Nguyên từ Việt Nam sang nước này.

 

Những người khác sẽ phải hồi hương trong vòng ba tháng nếu không sẽ bị trục xuất trở lại Việt Nam.

 

Trong vòng một năm nay, con số người Tây Nguyên được chấp nhận đơn xin tỵ nạn chỉ vỏn vẹn 13 trong khi hơn 200 người đang chờ Vụ Tỵ nạn của Bộ Nội vụ xem xét đơn.

 

Truyền thông Campuchia dẫn lời người phát ngôn Bộ Nội vụ nước này, ông Khieu Sopheak, nói hồ sơ của những người được chấp nhận đang được chuyển cho văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc để tái định cư họ ở một nước thứ ba.

 

Đa số người còn lại bị cho là nhập cư bất hợp pháp.

 

Từ tháng 10 năm ngoái, bắt đầu có một làn sóng người Thượng ở Tây Nguyên, Việt Nam, vượt biên sang tỉnh Ratanakkiri của Campuchia.

Những người này nói họ bị đàn áp về chính trị và tôn giáo. Trong 10 tháng qua, gần 50 người đã bị hồi hương.

 

Các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích chính sách của Campuchia, cho rằng những người này khi về Việt Nam sẽ bị trừng phạt, trù dập.

 

Ông Phil Robertson, phó Giám đốc khu vực Á châu của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, gọi quyết định của chính phủ Campuchia là "đáng công phẫn".

 

Ông cáo buộc Phnom Penh không thực thi bổn phận theo luật quốc tế.

 

“Rõ ràng là Campuchia không nghiêm túc thực hiện Công ước quốc tế về Tỵ nạn và cần phải đưa ra công luận vi phạm này của họ cũng như gây áp lực để họ thay đổi chính sách."