Đài Á Châu Tư Do nói gì về Đại Hội Champa 2015 Print
Written by BBT Champaka.info   
Sunday, 31 May 2015 21:12
rfa 10-1

Đài Á Châu Tự Do (RFA) là cơ quan truyền thông rất quan tâm đến Đại Hội Champa 2015 đã diễn ra vào ngày 24-5-2015 tại hội trường của đại học Davis, California, Hoa Kỳ. Nhân dịp này, Kính Hòa, phóng viên RFA, tường thuật lại một số yếu tố quan trọng ngày đại hội mà chúng tôi xin đăng lại nguyên văn sau đây:

 

 

 

 

Hội Thảo: Hồi sinh Champa, từ quá khứ đến tương lai

Kính Hòa, phóng viên RFA

2015-05-25

 

Ngày 24/5/2015 tại Đại học UC Davis diễn ra một cuộc hội thảo của cộng đồng người Chăm tại hải ngọai. Sau đây là tường trình của Kính Hòa từ thành phố Davis, California.

 

Trong không gian yên tĩnh của khuôn viên Đại học California tại thành phố Davis, một nhóm khỏang hơn 200 người làm xao động nhè nhẹ buổi sáng mùa xuân chủ nhật 24/5/2015. Đó là buổi hội thảo của một cộng đồng mà nước Mỹ còn khá lạ lẫm, cộng đồng người Chăm. Buổi hội thảo mang tên Hồi sinh Champa, từ quá khứ đi đến tương lai. Bà Julie Thi UnderHill một người trong ban tổ chức khai mạc buổi hội thảo.

 

“Buổi Hội thảo này mời những học giả, nhà họat động, nghệ sĩ người Chăm, bàn luận để chúng ta hồi sinh nền văn minh Champa, nhắc lại di sản của vương quốc Champa, cũng như nhìn về tương lai của một bản sắc mới của người Chăm, về một sự thay đổi và những quan hệ để mình là một người Chăm.”

 

rfa 20-5
Phải sang trái: Julie va Azizah, hai nhà tổ chức đại hội 2015

 

Giai đọan người Chăm ở Việt Nam và Campuchia

 

Học giả đầu tiên là Tiến sĩ Po Dharma từ Pháp trình bài khái quát lịch sử Champa từ lúc lập quốc vào thế kỷ thứ hai cho đến lúc diệt vong một cách chính thức dưới triều Vua Minh Mạng vào thế kỷ 19.

 

Ông cũng nhấn mạnh đến những giai đọan sau của thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời Việt nam cộng hòa, những giai đọan mà người Chăm ở Việt nam có nhiều quyền tự trị một cách thực sự hơn giai đọan người cộng sản cầm quyền từ năm 1975 cho đến nay.

 

Tiếp theo là bà Farina So từ Đại học Massachusetts trình bài tình trạng của cộng đồng người Chăm dưới chế độ diệt chủng Polpot ở Cam Pu Chia. Dưới chế độ đó, người Chăm mà đại đa số theo Hồi giáo ở Cam Pu Chia bị đồng hóa một cách cưỡng bức về phong tục tập quán, tôn giáo và ngôn ngữ. Bà nói rằng có khỏang từ 100 ngàn đến 400 ngàn người Chăm ở Cam Pu Chia đã thiệt mạng.

 

Học giả thứ ba là bà Marimas Hosan Mostiller cung cấp những thông tin về cộng đồng người Chăm tại Hoa Kỳ. Bà đưa ra con số là có hơn 900 người Chăm sống tại các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ, nhiều nhất là ở California, và cộng đồng Chăm vẫn còn xa lạ trong đời sống xã hội Mỹ, khi mà những cuộc điều tra dân số vừa qua của Hiệp Chủng Quốc chưa liệt kê đến người nói tiếng Chăm như một sắc tộc.

 

Đấu tranh cho quyền của người Chăm

 

Phần thứ hai của buổi hội thảo là phần trình bày của các nhà họat động người Chăm là bà Khaleelah Porome, bà Julie Thi Underhill, bà Rohany Karya, bà Yasmeen Cham Thanh. Những nhà họat động này nói về những họat động của mình ở Liên Hiệp quốc, Quốc hội Hoa kỳ để đấu tranh cho quyền của người Chăm tại Việt nam và Cam Pu Chia, trong đó bà Khaleelah Porome có nói đến cách ứng xử của chính quyền Việt nam là hay nói giảm nhẹ những bất bình đẳng mà cộng đồng người Chăm phải chịu đựng. Ngòai ra bà Julie Thi có nhấn mạnh đến nguy cơ của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt nam tại Ninh Thuận, khu vực có nhiều người Chăm sinh sống hiện nay.

 

Bà nói rằng khi tai nạn hạt nhân xảy ra thì cộng đồng người Chăm cũng như những di sản văn hóa Champa sẽ là những mục tiêu bị ảnh hưởng trước tiên.

 

Một trong những người đại diện cho Đại học California tại Davis bảo trợ cho buổi hội thảo là Giáo sư Caroline Kieu-Linh Valverde chuyên ngành Nghiên cứu châu Á cho chúng tôi biết nhận định của bà về tình trạng của cộng đồng người Chăm hiện nay tại Việt nam:

 

“Nhóm người này thực sự bị chính quyền Việt nam bỏ rơi trên nhiều phương diện như giáo dục, chuyện thực phẩm, điều kiện đi lại, họ trở thành giống như những công dân hạng hai của xã hội.”

 

rfa 20-1
Pgs. Po Dharma và Gs. Giáo sư Caroline Kieu-Linh Valverde

 

Phần thứ ba của cuộc hội thảo là phần chia sẻ kinh nghiệm xã hội của các thành viên trẻ tuổi thành đạt của cộng đồng Chăm tại Hoa Kỳ. Đây là những người đang làm việc trong các cơ quan giáo dục và xã hội của các tiểu bang California, Washington, cũng như trong những lĩnh vực chuyên môn như y khoa, công nghệ thông tin và điện ảnh. Họ nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục cho thế hệ tương lai của người Chăm, và trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyện tương lai với những người trẻ tuổi tham dự hội thảo, với số lượng khỏang 50 người.

 

Kính Hòa tường trình từ Davis, California.

 

rfa 20-2
rfa 20-4
rfa 20-3

 

Xin bấm vào đây để nghe: Bài tường thuật của Kính Hoà, phóng viên RFA

 

Tin, bài liên quan

Campuchia thành lập ban kiểm duyệt đài phát thanh Chăm