Thương hiệu “Ao Cham” xuất hiện trên thị trường áo quần Mã Lai Print
Written by Katip Patra (độc giả Mã Lai)   
Thursday, 07 November 2013 11:10
10

Majid (tên đầy đủ là Abdul Majid Junos) quê ở làng Cồn Tiên (Palei Kaoh Kabuak), xã Đa Phước, Thị Xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Lớn lên từ một làng quê nghèo và ý thức được trách nhiệm của một người con dân tộc, ông đã tham gia giảng dạy chữ Chăm, chữ Jawi gần 3 năm ở quê hương ông.

 

Vào thập niên 80, trước cuộc sống đầy khó khăn ở Việt nam, sự đối xử bất công của chính quyền đối với dân tộc Chăm, Majid đã cảm thấy không còn an toàn để có thể phát triển cuộc sống của mình ở Việt Nam nên ông đã cùng vợ và hai đứa con vượt biên sang Kampuchia vào năm 1992. Ông cùng gia đình trải qua những năm tháng vất vả với nhiều hoàn cảnh khó khăn trong các trại tị nạn ở Kampuchia, rồi đến trại tị nạn Cherating (thuộc tiểu bang Pahang - Malaysia). Đây là trại tị nạn chỉ dành riêng cho người Chăm. Gia đình ông ở gần một năm tại trại tị nạn này. Trong thời gian ở trại tị nạn Malaysia, Majid đã không ngừng tự học, tự nghiên cứu thêm về ngôn ngữ Mã Lai, văn hóa Mã Lai từ đó đối chiếu, so sánh với văn hóa, ngôn ngữ Chăm và ông đã khám phá ra nhiều điều thú vị về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nền văn hóa này.

 

Trong thời gian 15 năm, (từ 1995 đến 2010), Majid đã tham gia vào một số công trình nghiên cứu của Viện Viễn Đông Pháp tại Kuala Lumpur. Một số công trình của ông đã được xuất bản như:

 

1. Tái bản sách cổ Chăm: Chuyện kể, sử thi và văn thơ Chăm. Tác phẩm thực hiện chung với Po Dharma, Abd. Karim và Nicolas Weber, xuất bản bởi EFEO và Viện Bảo Tàng Quốc Gia Mã Lai, Kuala Lumpur, 2003 (CD Rom).

2. KAMUS Cam - Melayu; Kamus Jawi – Rumi. Giới thiệu tự điển Chăm-Mã Lai của Abd. Majis Yunos. Ấn hành năm 2010 tại nhà máy in Al-Ameen Serve Holding SDN.BHD, Kuala Lumpur, Malaysia.

3. Từ vựng Mã Lai-Chăm có cùng nguồn gốc , đăng trên trang mạng Champaka. info.

4. Chàng sọ dừa - chuyện cổ dân gian Chăm. Champaka No.1 (Chương trình Thế Giới Mã Lai-Đông Dương).

 

majis
Abd. Majid

 

Bên cạnh công việc nghiên cứu văn hóa, chữ viết Chăm và Malay, gia đình Majid còn kinh doanh, mặc hàng vải, quần áo mà sản phẩm được chào bán tại Malaysia do gia đình Majid tự thiết kế với nhãn hiệu “AO CHAM" và "AO CHAMPA" nhằm tạo công ăn việc làm cho nhiều người tại làng quê Palei Kaoh Kabuak với công ty dệt may áo Chăm. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, công việc này còn giúp cho việc quảng bá hình ảnh chiếc áo dài Chăm như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Chăm đến với Malay và trên thế giới.

 

Với những tương đồng về văn hóa giữa Champa và Mã lai, những chiếc áo dài với thương hiệu “AO CHAM” do bàn tay người Chăm nơi quê nhà khéo léo may vá, thêu thùa đã được khách hàng Mã Lai đón nhận và yêu chuộng. Majid mong muốn có nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng công việc kinh doanh của mình và giới thiệu văn hóa Chăm đến với nhiều cộng đồng trên toàn thế giới. Ông cũng mong muốn nhiều thế hệ trẻ Chăm tiếp tục phát triển các ngành nghề truyền thống và kinh doanh, như để tìm lại một thời vàng son của việc giao thương, buôn bán giữa Champa và các nước trong khu vực.

 

Ý chí và nghị lực của Majid cùng với niềm đam mê nghiên cứu văn hóa Champa và cả tầm nhìn cho sự phát triển của người Chăm trong thời kỳ toàn cầu hóa thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.

 

20a
Thương hiệu "AO CHAM"
20-2
Sắc màu hoa Champa trên chiếc áo dài mang nhãn hiệu "AO CHAM"