Tài Đại An : Hội luận về dân tộc bản địa VN là cần thiết Print
Written by Andy Kieu   
Sunday, 08 September 2013 04:01
an 10
Tài Đại An

Từ ngày nhận được “thư mời” của Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa Champa, cho buổi “ra mắt sách Lịch Sử 33 năm cuối cùng của Vương Quốc Champa và Hội Luận Dân tộc bản địa Việt Nam” vào ngày 14/09/2013 sắp tới, đồng bào Chăm khắp nơi trên thế giới không ngừng bàn tán xôn xao. Trên các trang mạng truyền thông, cũng như mạng xã hội facebook, chúng ta sẽ tìm thấy những lời cảm tưởng đầy xúc động, ngậm ngùi,  với nổi đau thương kinh hoàng của lịch sử, đã khởi dậy trong lòng mỗi người con Champa chúng ta.

 

Cũng từ nổi cảm xúc này, ban phóng sự IOC-Champa, có cuộc mạn đàm với ông Tài Đại An, người điều hợp chương trình cho buổi hội luận, hầu làm rõ hơn ý nghĩa của ngày tổ chức.

 

Andy Kiều: Xin chào ông Tài Đại An, với vai trò là người điều Hợp cho buổi Hội Luận ngày 14 -9-2013 tại San Jose, Xin ông cho biết chủ đề  và những mục tiêu chính của buổi hội luận.

 

Tài Đại An:  Buổi Hội Luận sẽ thảo luận về đề tài các vấn đề liên quan đến Dân Tộc Bản Địa (DTBĐ) tại VN. Mục tiêu của buổi hội luận cũng đã được ban Tổ Chức đề ra khá rõ ràng:

 

1. Phân tích thuật ngữ DTBĐ là gì?

2. Dân tộc nào hội đủ điều kiện trở thành DTBĐ tại VN?

3. Bản thân DTBĐ phải làm gì để chứng minh với cộng đồng thế giới biết Cham, Dân Tộc Tây Nguyên, Khmer Krom là DTBD. Đồng thời đề nghị với LHQ có những biện pháp cụ thể hơn cho vấn đè này.

 

Andy Kiều: Ông là người it xuất hiện trong những điểm đông người, xin ông cho biết nguyên cơ nào khiến ông nhận lãnh vai trò này?

 

Tài Đại An:  Trước hết, tôi thấy đề tài khá lý thú đối với tôi và rất quan trọng đối với một số dân tộc đã chịu quá nhiều thiệt thòi trong quá trình lịch sử. Cho nên, khi hầu hết thành viên trong hai hội đoàn IOC và Hội đồng PT VH XH Champa tín nhiệm đề cử, tôi nhận lời ngay. Để giữ đúng tính khách quan, tôi chỉ nhận vai trò này với tư cách cá nhân. Mặt khác, có một số người đặt câu hỏi:” Các ông là người thiểu số sống tạm dung nơi hải ngoại có tư cách gì đòi quyền DTBĐ?”- Nếu là người đang sinh sống trong nước, chính các bạn là người hiểu điều này hơn ai hết! Các bạn có bao giờ nghĩ đến tình cảnh một đứa sơ sinh khát sữa mẹ mà không giám khóc! Tôi không nghĩ những người đang sinh sống trong nước không đủ kiến thức  hay còn đợi thời cơ…mà không dám nói, ngay cả quyền lợi chính đáng của mình. Chúng ta không hề có chủ trương đòi độc lập, càng không phải là tổ chức vũ trang bí mật nào nhằm chống phá nhà nước VN, Chúng ta đang có những hội đoàn công khai hoạt động trong phạm vi luật hiến pháp của VN  và tinh thần các văn bản của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là LHQ, chỉ muốn được xác nhận tư cách của dân tộc mình (identity) và đòi quyền sống chính đáng của mình.

 

Andy Kiều: Ông thấy tầm quan trọng của đề tài này như thế nào?

 

Tài Đại An:  Lâu nay có một số người hiểu lầm, mọi hoạt động từ hải ngoại đều dựa vào thế lực phản động. Tôi chưa hiểu hết từ ngữ “phản động”. Nhưng, tôi nghĩ Liên Hiệp Quốc chắc chắn không phải là tổ chức phản động! Vả lại, không có một điểm nào trong các điều khoản của bản tuyên ngôn LHQ về DTBĐ có hậu ý xâm phạm chủ quyền VN, cũng không đi ngược với tinh thần hiến pháp 1992 của VN. Điểm quan trọng ở đây là chúng ta hãy phân tích rõ ràng về hai văn bản, một bên là luật pháp cao cấp nhất của một quốc gia và hiến pháp và một bên là Bản Tuyên Ngôn LHQ về DTBĐ để xóa bỏ quan điểm sai lầm nêu trên và chấp nhận một thực tế về tư cách DTBĐ của một số dân tộc. Chính phủ VN cũng nên tích cực sử dụng thành phần trí thức cũng như các chức sắc tôn giáo dân tộc như là bộ phận tư vấn hữu hiệu của mình trong các chính sách nâng cao mức sống đồng bào thuộc DTBĐ để từng bước đi lên ngang hàng với các dân tộc anh em, hầu tạo sự nhịp nhàng trong các kế hoạch phát triển  QG. Từ đó, các bạn phải mạnh dạn và cương quyết khẳng định, chúng ta có đủ điều kiện ắt có và đủ về chứng tích lịch sử, văn hóa truyền thống…để nhận tư cách DTBĐ vì các dân tộc này và tổ tiên của họ đã sinh sống lâu đời trên giải đất này trước khi một dân tộc khác đến xâm chiếm.

 

Andy Kiều: Ông có kỳ vọng buổi hội luận sẽ mang lại kết quả như ban Tổ chức mong muốn?

 

Tài Đại An:  Vì tầm quan trọng của vấn đề, cộng thêm thành phần tham dự trên bàn hội luận khá hùng hậu, tôi hi vọng các vị này sẽ phân tích rõ ràng và đầy đủ trên cơ sở pháp lý quốc tế và tinh thần nhân bản về ý nghĩa của thuật ngữ DTBĐ. Đồng thời, sẽ xem xét những quyền lợi đề cập trong Bản Tuyên Ngôn LHQ về DTBĐ có phù hợp với nhu cầu thực tế của các DTBĐ tại VN không. Kỳ vọng lớn nhất của tôi là, kết quả buổi Hội Luận sẽ cảm hóa được những quan điểm sai lầm và đả phá được những luận điệu không có lợi cho sự đoàn kết dân tộc tại VN.

 

Andy Kiều: Ông có nhận xét gi về cuốn sách lịch sử Cham 33 năm sau cùng của tác giả Po Dharma? Nên phổ biến rộng rãi nó như thế nào?

 

Tài Đại An: Sử liệu là tài liệu lịch sử trình bày những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ nên đòi hỏi một công trình nghiên cứu rất công phu. Để giữ đúng tính cách khoa học và khách quan, tài liệu này phải được dựa trên những dữ kiện chính xác và đáng tin cậy, về điểm này, bản thân tôi rất tin ở tác giả Po Dharma, vì ông ta là  chuyên viên nghiên cứu chuyên đê về lịch sử ĐNA và ký tự chữ viết truyền thống Cham. Dĩ nhiên tác giả chỉ trình bày về sự kiện, dù sự thực có phủ phàng! Nhận xét và quan điểm phải được dành cho độc giả và các nhà phê bình lịch sử.  Mặc dù sử liệu chưa kiểm chứng qua cơ quan hữu trách mang tính quốc tế, nhưng, với tài liệu có giá trị như thế này, chúng ta nên có kế hoạch phổ biến rộng rãi và bảo quản chu đáo.

Rất cám ơn cho những câu hỏi của phóng viên Web Chamtoday và Ban Tổ Chức.

 

Andy Kiều: Chân thành cảm ơn ông đã dành cho buổi mạn đàm này.

 

Bài này cũng được đăng tải trên web : http://www.chamtoday.com/ mang tựa đề : Phỏng vấn ông Tài Đại An về Hội Luận Dân Tộc Bản Địa Việt Nam