Lễ ra mắt Lịch Sử Champa : Giới thiệu nội dung của tác phẩm Print
Written by Hassan Poklaun   
Sunday, 05 February 2012 03:46
hassan 2011
Hassan Poklaun

Thay lời mở đầu: "Hassan Poklaun là trí thức Chăm xuất thân từ Viện Quốc Gia Hành Chánh Việt Nam. Ông cũng là sáng lập viên của tổ chức IOC-Champa, đã từng tham gia trong các phong trào đấu tranh bảo vệ di sản văn hóa Champa tại hải ngoại.

Nhân dịp lễ ra mắt Vương Quốc Champa: Ðịa Dư, Dân Cư và Lịch Sử của Gs. Ts. P-B. Lafont, ban tổ chức mời ông ta lên diễn đàn để trình bày sơ lược về nội dung của tác phẩm mà chính ông là người chịu trách nhiệm chuyển ngữ sang tiếng Việt." Sau đây là nguyên văn của bài diễn văn:




Kính thưa quí vị




Tôi được tổ chức IOC-CAMPA giao cho công việc phiên dịch quyển sách “LE CAMPA: Géographie-Population-Histoire” của Giáo sư Pierre Bernard LAFONT, Giám Ðốc Nghiên Cứu của Trường Cao đẳng Thực nghiệm tại Thủ-đô Paris (Ba-lê) Pháp quốc sang Việt ngũ. Ðây là một niềm vinh dự lớn cho tôi vì may mắn được ủy nhiệm công tác chuyển ngữ tác phẩm của một đại học giả của Trường Viễn Ðông Bác Cổ Pháp rất nổi tiếng trên thế giới.



Quyển “LE CAMPA” khổ 6x81/4 inch, dày 150 trang tính cả bìa. Bìa màu vàng hung sáng có in ảnh bức tượng của một phụ nữ khắc rất đẹp. Quyển sách do nhà xuất bản “Les Indes Savantes” ấn hành.

Tác giả chia nội dung của quyển sách thành ba phần: 1/ Ðịa dư; 2/ Dân cư và 3/ Lịch sử.

Trong phần về Ðịa dư, tác giả cho biết lãnh thổ của Vương quốc Campa trước đây trải dài từ phía Bắc xuống phía Nam giữa hai vĩ tuyến 18 và 11. Ðất đai của Campa vào giai đoạn cực thịnh của nó bao gồm từ các tỉnh Quảng bình ở phía Bắc xuống tận tỉnh Biên hòa ở phía Nam và cả hải phận Trung việt về phía Ðông lên tận Cao nguyên về phía Tây tiếp giáp biên giới Lào và Căm bốt. Theo các bia ký thì lãnh thổ của Campa đã được chia thành năm công quốc (principalités) hay tiểu vương quốc từ phía Bắc xuống phía Nam gồm Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga.

Trong phần về Dân cư, tác giả đề cập nhiều khía cạnh gồm: Nguồn gốc dân tộc, Ngôn ngữ và Chữ viết, Dân số, Ảnh hưởng của Văn minh Ấn độ, Tổ chức xã hội, Các tín ngưỡng, Văn hóa, Tổ chức chính trị, Nền Kinh tế và cuối cùng là Nghệ thuật -nghệ thuật xây cất đền đài và nghệ thuật tạc tượng.

Trong phần về Lịch sử tác giả đã đề cập đến những niên đại quan trọng đánh dấu những biến cố lịch sử từ lúc hình thành Vương quốc Campa cho đến ngày diệt vong của nó; những thay đổi về danh xưng từ Lin Yi (Lâm ấp) vào thế kỷ thứ II Công nguyên, rồi Huan Wang (Hoàng vương) vào thế kỷ thứ IX và cuối cùng là Campa (Chiêm quốc) cho đến giai đoạn diệt vong vào năm 1832.

Ðặc biệt trong phần này tác giả đã dựa vào các tư liệu bằng Cam ngữ để chứng minh cho giả thuyết của ông rằng năm 1471 không phải là năm cáo chung của Vương quốc Campa trước sức tấn công của Ðại việt. Theo tác giả, năm 1471 là năm đánh dấu sự suy tàn của nền văn hóa Ấn giáo của giai cấp lãnh đạo Campa vào giai đoạn đó; ngược lại Campa vẫn còn tồn tại trong phần lãnh thổ thu hẹp ở phía Nam với các giá trị văn hóa dân gian khác hẳn các giá trị văn hóa Ấn độ trước đó.

Một điểm trình bày đáng chú ý khác của tác giả trong phần này là Campa không phải là một quốc gia thống nhất như những nhà nghiên cứu trước đây thường viết mà là một vương quốc gồm nhiều tiểu vương quốc (rajadhiraja) do các tiểu vương cai trị thường nổi dậy chống đối chính quyền trung ương của Vijaya.

lich su 2011
Hội trường lễ ra mắt sách Lịch Sử Champa

Nhìn tổng quát, quyển “LE CAMPA” là một công trình nghiên cứu dài hạn dựa vào các dữ kiện lịch sử xác thực ghi trên bia ký, các tư liệu Trung hoa, Việt nam, Chăm ngữ và các bài tường thuật của các nhà du lịch Tây phương, vừa khách quan vừa khoa học do đó nó có một giá trị lịch sử trung thực. Quyển “LE CAMPA” là một tác phẩm rất dễ đọc và dễ hiểu do lối viết bình dị của tác giả cũng như cách dùng từ rất chính xác.

Tôi mạo muội chuyển ngữ tác phẩm trên sang tiếng Việt với khả năng hiểu biết của mình nhưng không tránh khỏi các sơ sót, xin các độc giả niệm tình tha thứ và tôi luôn luôn đón nhận các ý kiến xây dựng hầu làm sáng tỏ hơn ý muốn của tác giả vốn đã dày công nghiên cứu các biến cố lịch sử nhằm góp phần xây dựng kho tàng văn hóa nhân loại và đưa các dân tộc hiểu biết và thông cảm nhau hơn.

Tôi xin mượn đoạn cuối trong lời dẫn đầu của tác giả để kết thúc lời giới thiệu tác phẩm 'LE CAMPA” như sau: “ Những sự hiểu biết của chúng tôi về Campa cho đến đầu thế kỷ thứ XXI này vẫn còn rời rạc. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây là điều hữu ích và cũng rất cần thiết là nên trình bày khái lược về Vương quốc này, dân cư và nhất là các thần dân còn sống sót của nó cũng như việc ghi lại một cách khách quan và đúng đắn về lịch sử của nó.

Với tư cách là một trong các thần dân còn sống sót của Vương quốc Campa, chúng tôi thành thật tri ân Trường Viễn Ðông Bác Cổ và đặc biệt là cố Giáo sư Học giả Pierre Bernard LAFONT mà phu nhân hiện có mặt trong buổi giới thiệu tác phẩm hiếm có này đã để lại cho chúng tôi một kho tàng văn hóa vô cùng quí giá về dân tộc, về đất đai và về các giá trị tinh thần của chúng tôi.

Xin quí vị cho một tràng pháo tay để vinh danh Madame LAFONT đại diện cho cố Giáo sư Học giả Pierre Bernard LAFONT.


Cảm ơn quí vị.

Thân ái chào quí vị.


Hassan Poklaun