Lễ ra mắt Lịch Sử Champa : Diễn văn chao mừng quan khách Print
Written by Thành Phú Bá,   
Sunday, 05 February 2012 00:47
ba
Thành Phú Bá

Thay lời tựa: "Ðây là diễn văn chào mừng quan khách của ông Thành Phú Bá, đại diện cho ban tổ chức, nhân dịp buổi lễ ra mắt tác phẩm Lịch Sử Vương Quốc Champa do Hội Ðồng Phát Triển Champa tổ chức tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ vào ngày 17-9-2011"





Kính thưa bà Madison Nguyen, Phó Thị Trưởng Tp San Jose,



Kính thưa quí vị quan khách đại diện các tổ chức hội đoàn, cơ quan ngôn luận, truyền thanh, truyền hình.

Kính thưa quí đồng hương Champa,


Tôi xin mạn phép thay mặt Ban tổ chức, hân hoan chào mừng toàn thể quí vị có mặt trong buổi lễ ra mắt sách Lịch Sử Vương Quốc Champa hôm nay.



Chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp bà Phó Thị Trưởng đến chủ tọa buổi lễ, các vị khách quí đến từ phương xa và trong địa phương, cùng với cộng đồng Champa khắp mọi nơi hội tụ về đây.



Sự hiện diện đông đảo của bà con thân hữu đã đem lại niềm vinh dự lớn lao cho Ban Tổ chức chúng tôi, đồng thời làm cho không khí buổi ra mắt sách trở nên long trọng như ngày hội lớn của dân tộc Champa.



 

Kính thưa quí thân hữu,

Ngày 17-9-2011 đánh dấu cho sự ra đời tác phẩm của Gs. Ts. P-B Lafont (Ðại học Sorbonne Paris) mang tựa đề Vương Quốc Champa: Ðịa dư, Dân cư và Lịch Sử do Văn Phòng Champa Quốc Tế ấn hành, dưới sự bảo trợ của Hội Ðồng Phát triển Văn Hóa Xã Hội Champa, đặt dưới sự điều hành của ông Chủ Tịch Andrew Tu cũng có mặt trong hội trường này.

Buổi lễ ra mắt sách hôm nay đánh dấu một khúc quanh mới trong bối cảnh xã hội Champa. Vì lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Champa tiếp thu một tác phẩm viết về Vương Quốc của họ một cách tổng thể, khách quan và khoa học bao gồm nhiều chủ đề từ yếu tố địa dư, văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật, ngôn ngữ chữ viết, tổ chức xã hội cho đến thể chế chính trị của quốc gia liên bang Champa.

Lịch sử Champa là tổng hợp của những biến cố đã xảy ra trong quá khứ trên dải đất miền trung Việt Nam cấu thành một di sản tinh thần thiêng liêng của dân tộc Champa. Suốt 8 thế ky Ư(từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18) đương đầu với Ðại Việt trong tiến trình của lịch sử, Vương quốc Champa chỉ để lại cho hậu thế một nền văn hóa bị bỏ quên, một chuỗi di tích đền đài hoang phế và hai cộng đồng tộc người bao gồm dân tộc Tây Nguyên có địa bàn sinh sống ở vùng cao Trường Sơn và dân tộc Chăm ở vùng đồng bằng các tỉnh Ninh thuận, Bình thuận, An Giang và Tây ninh.

 

LỊCH SỬ CHAMPA KHÔNG THỂ NẰM BÊN LỀ TRANG SỬ CỦA DÂN TỘC VIỆT

Sau ngày Champa bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1832, tất cả thần dân Champa đã trở thành công dân chính thức của nước Việt nam, lãnh thổ cũ của Champa cũng đã trở thành một phần lãnh thổ Việt nam. Và hôm nay. Họ là tập thể người dân bản địa cấu thành một nhóm tộc người nằm trong đại gia đình quốc gia Việt Nam đa chủng. Kể từ đó, lịch sử của dân tộc Champa không thể nằm bên lề của trang sử dân tộc Việt mà là yếu tố không thể tách rời ra khỏi lịch sử Việt Nam. Và lịch sử Champa không thể định nghĩa như một thể loại văn chương thù địch mà là di sản phi vật thể của dân tộc Champa đã từng góp phần tô điểm cho nền văn hóa Việt Nam. Ðiển hình là các đền tháp Champa hôm nay đã được xếp hạng là di sản văn hóa của quốc gia Việt nam, trong đó thánh địa Mỹ Sơn, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

 

BUỔI LỄ CỦA NIỀM ƯỚC MƠ VÀ HY VỌNG

 

Kính thưa quí vị,

Lễ ra mắt sách hôm nay còn là ngày hội ngộ của toàn thể bà con Champa trong và ngoài nước hầu đón mừng sự ra đời của tác phẩm Vương Quốc Champa: Ðịa dư, Dân cư và Lịch Sử. Buổi lễ này cũng là buổi lễ của niềm ước mong và hy vọng; ước mong là làm sao lịch sử Champa được công nhận như một yếu tố nằm trong tiến trình hình thành lịch sử Việt nam, được phổ biến rộng rãi trong các trường lớp hầu tạo thêm niềm thông cảm giữa các thế hệ Champa và Việt Nam, mặc dù xuất thân từ hai nguồn văn hóa và lịch sử khác nhau nhưng lúc nào cũng chấp nhận chung sống bên nhau hầu xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, an bình và dân chủ.

hinh ky niem
Hình lưu niệm với bà Madison Nguyen, Phó Thị Trưởng Tp San Jose

Hy vọng rằng đây là bước khởi đầu của một tiến trình hóa giải lịch sử, hòa giải dân tộc để xóa tan những mặc cảm kẻ thắng người thua trong quá khứ hầu kiến tạo một môi trường lành mạnh, thông thoáng trong cuộc sống của hai dân tộc Chiêm-Việt.

Chúng ta hãy cùng nhau ương mầm những hạt nhân tốt từ hôm nay để mai sau các con cháu chúng ta thụ hưởng những hoa quả thơm ngọt trong vườn hoa đa sắc hương của Việt Nam.

Cuối cùng xin trân trọng cảm ơn tất cả quí vị đã đến tham dự buổi ra mắt sách hôm nay.

Kính chào.


Thành Phú Bá