Thanh niên Chăm bị chết trong trại giam Print
Written by Qasim Tu   
Sunday, 18 March 2012 04:23
ba
Bá Văn Bản

Ông Bá Văn Bản, 25 tuổi, một thanh niên người Chăm hiền lành ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Cũng vì đất đai của mình gần khu vực thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, bị bà Thị Bưởi tự tiện trưng dụng để trồng cây đào, ông Bá Văn Bản quyết tâm đòi lại quyền sở hữu này. Sau nhiều lần hứa hẹn sẽ trả lại đất đai cho ông, nhưng bà Thị Bưởi không thực hiện lời hứa. Trước tình trạng này, ông Bản đến khu đất đai của mình chặt vài cây đào trong rẫy để bày tỏ sự bức xúc của mình. Chính vì thế, gia đình bà Bưởi làm đơn khiếu nại trình lên công an huyện Ninh Phước yêu cầu ông Bản phải bồi thường sự thiệt hại vài cây đào mà ông ta đã chặt bỏ.

Ngày 2 tháng 6 năm 2008, công an đến bắt ông Bản, đưa vô trại giam của Huyện Ninh Phước. Hơn hai tháng trong tù, ông Bản bị tra tấn một cách dã man và vô nhân đạo cho đến trọng thương hấp hối và chờ chết. Trước tình thế này, công an mới chịu giao ông Bá Văn Bản cho gia đình đưa ông ta đến bệnh viện tỉnh Ninh Thuận để cấp cứu. Một ngày sau, ông Bá Văn Bản từ trần vào lúc 10 giờ đêm ngày 27 tháng 8 năm 2008 vì mang thương tích quá nặng.

Trước hành vi quá hung ác tàn bạo này, dân làng người Chăm thôn Văn Lâm kéo nhau xuống đường biểu tình yêu cầu chính quyền nhà nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và giải thích tại sao một thanh niên người Chăm bị tra tấn và hành hung trong trại giam cho đến chết. Vì chính quyền không thỏa mãn những nguyện vọng của họ, bà con người Chăm thôn Văn Lâm hiện nay vẫn còn tiếp tục biểu tình trước trụ sở công an huyện Ninh Phước.

Ðây không phải là lần đầu tiên mà cán bộ công an Việt Nam đã giết hại người Chăm vô tội. Trước vụ án ông Bá Văn Bản, bà con Chăm vẫn còn nhớ những hình ảnh bi thương mà chính quyền Việt Nam đã dành cho dân tộc này.

● Ngày 13 tháng 1 năm 1991, mộ cán bộ an ninh của chính quyền Việt Nam đã bắn chết ông Bá Văn Minh, gốc người Chăm, phó chủ nhiệm Hợp Tác Xã thôn Văn Lâm, tỉnh Ninh Thuận trong lúc ông ta đang ngồi xem phim.

● Ngày 14 tháng 11 năm 1992, một ông đại tá của chính quyền Việt Nam bắn chết ông Nguyễn Văn Danh, gốc người Chăm thôn Văn Lâm, phó giám đốc ngân hàng huyện Ninh Phước, trong một đêm đi săn bắn ở khu vực núi Cà Ti, tỉnh Ninh Thuận.

Hai vụ án vừa nêu ra đều đưa ra tòa xét xử. Nhưng khi xử lý, chính quyền Việt Nam đều cho rằng những cán bộ nhà nước đã gây ra án mạng không có tội phạm gì, vì họ chỉ bắn lầm người Chăm mà thôi. Vụ án ông Bá Văn Bản vào ngày 27-8-2008 cũng chỉ là bản cũ lập lại, nghĩa là, công an nhà nước đã gây ra án mạng không có tội phạm gì, vì họ chỉ tra tấn người Chăm đến chết mà thôi !

Người Chăm là thần dân của vương quốc Champa xưa kia. Sau 8 thế kỷ đương đầu với cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, hôm nay họ trở thành một tập thể vong quốc, chỉ còn lại chưa đầy 100.000 người sống chui nhủi trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Mất hết đất đai, quê hương và tổ quốc, dân tộc Chăm không còn làm chủ trên định mệnh của họ nữa. Cho đến hôm nay, dân tộc Chăm vẫn là nạn nhân của một thể chế chính trị, sống trong lo âu và sợ sệt, lúc nào cũng bị chính quyền Việt Nam chụp mũ, ghép họ vào tội phản động, tiếp tay cho tập đoàn Fulro, làm tay sai cho ngoại bang chống phá chính quyền Việt Nam.

Cũng vì quá oan ức và bất công trong một quốc gia luôn luôn hô hào khẩu hiệu “Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ”, đồng bào Chăm hôm nay có cảm giác rằng họ chỉ là công dân Việt Nam ngoại lệ, sống bên lề xã hội trong một đất nước đa chủng tộc này. Vụ án ông Bá Văn Bản vừa nêu trên là một bằng chứng cụ thể nhằm chứng minh rằng sinh mạng của dân tộc Chăm hôm nay lúc nào cũng bị đe dọa và không có luật pháp nào che chở cho họ.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 31, ngày12-8-2008)