Ông Nguyễn Văn Tỷ tiếp tục nhầm lẫn về chữ viết Chăm truyền thống Print
Written by Abd. Karim, Chủ nhiệm Champaka.info   
Monday, 25 November 2013 14:03
karim 17
Abd. Karim

Người Chăm từ lâu đã có ngôn ngữ viết phổ thông của mình là “akhar thrah Chăm” truyền thống. Bởi vậy, người Chăm không cần có một “akhar thrah Chăm” nào khác kể cả “akhar Chăm” Ban Biên Soạn. Việc tạo thêm “akhar Chăm” Ban Biên Soạn là sai lầm vì nó là nhân tố tạo ra sự khủng hoảng tiến trình phát triển và bảo tồn di sản ngôn ngữ chữ viết “akhar thrah Chăm” truyền thống. 

Muốn chấm dứt sự khủng hoảng này chỉ còn một cách là quay trở lại từ đầu với “akhar thrah Chăm” truyền thống, nghĩa là, loại bỏ tất cả cách thức cải biên của Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm (BBSSCC), nhất là 3 ký tự mới được BBSSCC đưa vào hệ thống bản chữ cái Chăm, đó là ký tự “paoh gak matai”, ký tự “craoh ao không có dar sa”, ký tự “dar sa dar dua có hua labuw”. Việc cần thiết phải quay trở lại nguyên vẹn với “akhar thrah Chăm” truyền thống thì hiện nay trong cộng đồng người Chăm nhiều người đã biết. Tuy nhiên, cũng có người chưa hiểu như trường hợp ông Nguyễn Văn Tỷ.

 

Những điều nghịch lý

 

Nói về ông Nguyễn Văn Tỷ trong vấn đề ngôn ngữ chữ viết Chăm là nói về một hiện tượng nghịch lý trong cộng đồng người Chăm ở thời hiện đại. Bởi, ai cũng bảo ông Nguyễn Văn Tỷ là một tri thức, người đã từng đứng đầu ngành giáo dục Chăm ở tỉnh Ninh Thuận trước năm 1975. Như vậy theo lẽ phải, ông Nguyễn Văn Tỷ mới là người đi đầu trong việc chỉnh đốn cái sai lầm chữ viết của BBSSCC, nhưng ông ta đã không làm việc này, mà lại chống đối những ai muốn bảo vệ ngôn ngữ viết “akhar thrah Chăm” truyền thống. Việc này có nghĩa gì đây ?

 

Ông Nguyễn Văn Tỷ cũng tỏ ra mâu thuẫn khi hô hào mọi người nên bảo vệ và gìn giữ ngôn ngữ chữ viết Chăm, nhưng chính ông ta lại là người trực tiếp phá hủy hệ thống ngôn ngữ viết Chăm bằng cách cải biên “akhar thrah Chăm” truyền thống để thành “akhar Chăm” Ban Biên Soạn. Vậy có chăng cái mà ông Nguyễn Văn Tỷ kêu gọi mọi người bảo vệ là “akhar Chăm” Ban Biên Soạn mới được BBSSCC tạo ra, chứ không phải bảo vệ “akhar thrah Chăm” truyền thống do tổ tiên người Chăm để lại ?

 

Ông Nguyễn Văn Tỷ thường tự cho mình là người có văn hóa, nhưng chính ông ta lại là người núp sau nhóm côn đồ vô văn hóa sử dụng các tên “nặc danh” để khủng bố người khác, bằng cách xuyên tạc, chụp mũ, vu khống, nguyền rủa và dùng lời lẽ dơ bẩn nhất để nhục mạ những ai muốn lên tiếng bảo vệ “akhar thrah Chăm” truyền thống, hay không đồng quan điểm với ông ta nhằm để bịt miệng họ. Ông Nguyễn Văn Tỷ còn sử dụng nhóm này để ca ngợi và tăng bốc bản thân mình. Như vậy, có chăng theo ông Nguyễn Văn Tỷ muốn xây dựng một xã hội Chăm lành mạnh là cần xây dựng với một đám côn đồ chuyên đi tìm diệt những người có tâm huyết với dân tộc ? Cũng từ việc làm này, ngày nay cộng đồng người Chăm xem ông Nguyễn Văn Tỷ là một trong những thành phần của kẻ côn đồ.

 

Ông Nguyễn Văn Tỷ bạo dạng làm đơn kiện cáo (tố cáo) các trí thức và những ai dám đứng ra bảo vệ ngôn ngữ chữ viết “akhar thrah Chăm” truyền thống, nhưng ông ta lại quên rằng, đúng trên nguyên tắc, dân tộc và trí thức Chăm mới chính là người có quyền kiện ông Nguyễn Văn Tỷ và BBSSCC về tội phá hoại ngôn ngữ chữ viết do tổ tiên người Chăm để lại. Thành ra, cho dù ông Nguyễn Văn Tỷ có kiện họ 100 hay 1000 lần đi nữa, thì cuối cùng người thắng cuộc vẫn là dân tộc Chăm và ông Nguyễn Văn Tỷ chắc chắn chỉ là kẻ thua cuộc.

 

20
Nguyễn Văn Tỷ

 

Hành động thiếu suy nghĩ

 

Ông Nguyễn Văn Tỷ cũng đã hành động một cách nông cạn khi tuyên bố với cả dân tộc Chăm và các cơ quan của nhà nước Việt Nam là, bài : «Trao đổi với Ts. Po Dharma và Champaka, chung quanh vấn đề chữ viết Chăm Akhar Thrah» của Quảng Văn Chung (một tên nặc danh) là “bức thư (bài viết) tích cực nhất và khoa học nhất mà các đọc giả Chăm chúng tôi gặp được” (Xem Champaka.info ngày 2-9-2013), trong khi đó bài viết của Quảng Văn Chung chỉ là một bài viết bị hỏng đầu, hỏng đuôi với lối suy diễn cạn cợt của một tác giả không có kiến thức sâu rộng (một người không dám đứng tên chịu trách nhiệm khoa học về bài viết của mình). Một bài viết mà một người am tường về ngôn ngữ chữ viết Chăm chỉ cần đọc lướt qua cũng đủ để ném nó vào sọt rác, bởi do các quan điểm ngây ngô, như “cải biên chữ viết akhar thrah Chăm truyền thống là để cho học sinh dễ học, người lớn dễ đọc…; ngôn ngữ chữ viết trên thế giới đã không ngừng biến đổi qua từng thời kỳ…” nhưng Quảng Văn Chung không biết là sự biến đổi ấy cụ thể là gì ? Và nó xảy ra như thế nào ? Cũng như động thái và suy nghĩ rất trẻ con là cứ lấy tên tuổi của các ông như : Lưu Quí Tân, Thiên Sanh Cảnh, Châu Văn Kên v.v… ra làm bình phong (trong khi các vị này không phải là các nhà khoa học mà chỉ là người biết đọc biết viết chữ Chăm) để hù dọa thì mọi người sẽ chùn bước không dám truy cứu đến các sai lầm của BBSSCC !?

 

Ông Nguyễn Văn Tỷ cũng tỏ ra không “nghiêm túc” khi phán quyết : “Những bức thư (email) của Quảng văn Chung, Đạo văn Chi, Lâm Gia Tân, Quảng Đại Cẩn, Hán Dương Phú, Hán Vũ làm cho Ban Biên Tập Champaka tê liệt hoàn toàn”, nhưng không biết chắc là những bài viết đó có thật sự làm cho Champaka tê liệt hay không ? Nó có đáng để cho Ban Biên tập Champaka trả lời hay không ? Còn các cơ quan ngôn luận trên thế giới (trong đó có Champaka) có buộc phải trả lời cho các câu hỏi vớ vẫn, thiếu nghiêm túc của những ai đó, như nhóm nặc danh của ông Nguyễn Văn Tỷ ?

 

Ông Nguyễn Văn Tỷ người thích hô hào đoàn kết, nhưng tâm tư lại “chia rẻ và hận thù dân tộc”, khi tuyên bố với đại ý cho rằng những người Chăm “lưu vong” không còn sống trong làng mạc người Chăm, thì không còn mối quan hệ và trách nhiệm gì đối với dân tộc và quê hương mình nữa ! Họ không có quyền lên tiếng bênh vực cho quyền lợi hay bản thân dân tộc mình khi bị ai đó xâm hại. Và do đó, Po Dharma, Ban Biên Tập Champaka và những người Chăm nào đang sống ở hải ngoại (lưu vong) thì không có quyền bàn về “ngôn ngữ chữ viết Chăm” ? Đúng là ý tưởng què quặt. Ý tưởng này chỉ có thể xuất phát ra từ một cái đầu bệnh hoạn và sai lệch. Và chắc chắn không một trí thức chân chính nào trên thế giới, kể cả người Chăm hay người Việt lại đi phát ngôn một cách “vô ý thức” đến thế!

 

Hụt hẫng bởi hạn chế

 

Nhiều người cho rằng, sở dĩ có sự kiện này xảy ra là bởi ông Nguyễn Văn Tỷ không phải là người thông thạo và quán triệt về các đặc tính về ngôn ngữ chữ viết Chăm. Trình độ nhận biết tiếng Chăm của ông ta chỉ ở mức : “tôi viết tôi đọc” và theo cách “nói sao viết vậy”, còn người khác viết hay một văn bản bằng “akhar thrah Chăm” truyền thống đưa ra thì Nguyễn Văn Tỷ không thể đọc ngay được, mà phải mất một thời gian mần mò, truy cứu mới có thể nhẩm ra được một vài từ. Tôi (Abd. Karim) cũng xác định là đúng như vậy. Bởi tôi là người trong cuộc, tiếp nhận những gì ông Nguyễn Văn Tỷ làm khi ông ta sang Malaysia vào năm 2001 với danh nghĩa là làm từ điển Chăm-Pháp.

 

Năm 2001, ông Nguyễn Văn Tỷ có sang Malaysia với danh nghĩa là để làm tự điển Chăm-Pháp, nhưng chuyện này chỉ là chuyện “nói vậy nhưng không phải vậy”, bởi sự thật là ông Nguyễn Văn Tỷ và ông Thành Phú Bá được Po Dharma mời sang để tham quan Malaysia, một đất nước có nhiều mối quan hệ và điểm tương đồng với tộc người Chăm để “mở mắt với mọi người” và để hỗ trợ kinh tế cho bản thân ông Nguyễn Văn Tỷ, đồng thời cũng nhắc nhở ông Nguyễn Văn Tỷ về các sai lầm của BBSSCC (bởi lúc ấy ông Nguyễn Văn Tỷ đang là Trưởng Ban BBSSCC). Còn việc lấy danh nghĩa “làm tự điển” chỉ là việc hợp pháp hóa giấy tờ để nhà nước Việt Nam cấp hộ chiếu sang Malaysia, vì ông Nguyễn Văn Tỷ không biết gì nhiều về ngôn ngữ viết Chăm.

 

Còn việc Po Dharma nêu ra những sai lầm trong giáo trình chữ Chăm cải biến của BBSSCC, Nguyễn Văn Tỷ thừa nhận, nhưng lại bảo :“Tôi sắp hết làm Trưởng Ban rồi, hơn nữa, việc này rất khó cho tôi. Nếu tôi xác nhận chính thức những sai lầm này, thì chính quyền Việt Nam sẽ cho tôi là người không biết chữ Chăm. Thôi thì các anh cứ tìm cách mời Lộ Minh Trại đến, vì nhiệm kỳ tới Lộ Minh Trại mới là Trưởng Ban”. Và do có sự kiện này, nên ông Lộ Minh Trại và ông Đàng Năng Quạ được Po Dharma mời sang tham quan Malaysia vào năm 2002 để bàn về các sai lầm của chữ Chăm cải biên.

 

Kết Luận

 

Sự giằng co của ông Nguyễn Văn Tỷ trong vấn đề ngôn ngữ chữ viết Chăm không bất nguồn từ lợi ích chung của dân tộc Chăm, nhưng vì tiếng tăm, tên tuổi và vì sự lệch lạc của riêng mình.

 

Ông Nguyễn Văn Tỷ cũng không thấy rằng việc ông ta đang làm chỉ là hoài công. Bởi dân tộc Chăm không ai chấp nhận phá hủy di sản ngôn ngữ chữ viết quí giá của dân tộc mình, dù dân tộc này có chịu bao áp lực như đã từng xảy ra vào đầu thế kỷ XIX dưới thời Minh Mạng. Bởi, thay đổi ngôn ngữ chữ viết akhar thrah Chăm truyền thống là đồng nghĩa với sự xóa bỏ toàn bộ tín ngưỡng văn hóa Chăm; là xóa bỏ hoàn toàn hệ thống Ahier và Awal; là xóa bỏ chính bản thân người Chăm ở Phan Rang và Phan Rí ngày nay./-

 

Những bài liên quan:

Đội ngũ bút chiến của Nguyễn Văn Tỷ : email nặc danh số 64 và 65

Nguyễn Văn Tỷ lường gạt Đảng và Nhà Nước về chữ viết Chăm