Nguồn gốc làng Hữu Đức Print
Written by Bá Văn Trinh (độc giả trong nước)   
Saturday, 28 May 2016 06:59
ba 10
Bá Văn Trinh

Làng Hữu Đức (Palei Hamu Tanran) là nơi sinh sống lâu đời của người Chăm trên vùng đất Prangdarang. Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, vua chúa thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc và sau 41 năm hòa bình thống nhất, àng Hữu Đức hiện nay có nhiều biến đổi làm nên nhiều diện mạo nông thôn mới.

 

 

Làng Hữu Đức được biến đến như một làng có nhiều đặc trưng, nổi tiếng về địa linh nhân kiệt. Việc tìm hiểu lịch sử hình thành làng để vun đắp tình đoàn kết lâu đời của các dân tộc sinh sống ở đây. Đồng thời, rút ra những kinh nghiệm sống tốt đẹp, duy trì nếp sống từ xa xưa của ông cha để lại.

 

Buổi đầu khai hoang tạo lập làng

 

Sau biến cố năm 1832, lịch sử cho thấy có sự xung đột giữa quân đội Lê Văn Khôi với triều đình Minh Mạng, cộng đồng người Chăm cũng nằm trong biến cố đó. Họ bắt đầu di cư lánh nạn tìm đến vùng cận sơn để sinh sống hình thành nên cư dân theo cụm cư trú gọi là làng.

 

 

Từ thời Po Klaong Haluw đặt chân đầu tiên đến Palei Hamu Tanran để khai hoang ruộng đất, lập làng ổn định đời sống. Hiện nay, còn để lại di tích vòng thành bằng đá ở phía Đông ngôi làng. Từ đó, các thế hệ nối tiếp nhau, bằng mồ hôi, nước mắt, nghị lực và lòng dũng cảm biến vùng đất cằn cội, gồ ghề, lồi lõm, cây cối hoang vu rậm rạp trở thành những cánh đồng lúa xanh tươi.

 

Nhờ khí thiêng sông núi, nhờ những bàn tay, khối óc của những con người siêng năng lao động, những dòng tộc giàu lòng yêu thương. Họ đã chọn mảnh đất này để lập nghiệp mưu sinh. Từ một dòng tộc Hamu Phun Makia (Cây thị) đầu tiên đặt chân đến đây để lập làng Hamu Tanran đến nay đã có hơn 22 dòng tộc đang sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và làm nương rẫy.

 

Dân số và địa bàn cư trú

 

Theo lời kể của ông Trượng Trãi (90 tuổi) cứ nghe lời cầu khấn vào dịp cúng ông bà, tổ tiên thì sẽ biết dòng tộc nào đã đến tạo lập Palei Hamu Tanran sớm nhất.

 

Mở đầu lời cầu khấn có đoạn “ Yang Po Yang Ama, Kei Du Kei Dai, Pajieng aia, pajieng tanah, jieng hala, jieng pinâng, jieng kuyau, jieng patuw, jieng njem jieng patem, jieng anak adam, po muk po kei, po hamu phun makia, po hamu tanran”. Tuy chưa có tư liệu khoa học và đủ căn cứ về di chỉ, văn bản cổ nào đề cập đến tổ tiên đầu tiên tạo lập Palei Hamu Tanran. Nhưng qua lời cầu khẩn, điều tra thực tế 22 dòng tộc đều thừa nhận rằng họ đến sau ngày dựng Kut Po Klaong Haluw và dòng tộc Hamu Phun Makia. Dòng tộc Hamu Phun Makia lúc đó đã khai hoang, trồng lúa được 20 giạ giống với diện tích khoảng 2 mẫu ruộng.

 

Thật vậy, Trung tâm Palei Hamu Tanran là các nốc nhà của các gia đình thuộc dòng tộc Hamu Phun Makia.

 

Đặc điểm nơi cư trú ở đây, là các dòng tộc sống xen lẫn nhau. Người ta còn nhận thấy dòng tộc Amil Apuei từ thôn Mông Nhuận di dân đến, dòng tộc Blang Athaih từ làng Phất Thế di dân đến, dòng tộc Biruw từ thôn Vĩnh Thuận, dòng tộc Hamu Bek từ Vụ Bổn, dòng tộc Palei Li-u từ Phước Lập di dân đến và nhiều dòng tộc khác chọn làm nơi sinh sống hình thành nên Palei Hamu Tanran. Đặc biệt, ở làng Hữu Đức còn có 2 dòng tộc người Chăm Awal là muk Chiên và muk Phước, 2 gia đình người Hoa là Tư Đơn và Hai Vách, 1 gia đình người Raglai là Ja Ndak và một số gia đình người Kinh từ Mông Nhuận, Bình Định, Phú Yên và Quãng Ngãi đến ngụ cư hình thành một xóm người Việt. Về đây, họ thấy điều kiện sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thuận lợi nên yên tâm an cư lập nghiệp.  

 

ba 20-1

 

Mặc dù Palei Hamu Tanran đã tách ra thành đơn vị hành chính là Hữu Đức, Tân Đức và Thành Đức. Nhưng, Hữu Đức vẫn là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội sôi nổi theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn liền với thị trường. Palei Hamu Tanran có 660 hộ gia đình (năm 2014). Diện tích sản xuất lúa trên 753 ha. Trong đó, có 20 ha trồng hoa màu, 30% dân số chăn nuôi trâu bò, dê cừu và heo. Làng Hamu Tanran xung quanh bao bọc bởi cánh đồng xanh tươi, tiếp giáp với đường giao thông liên xã và dòng kênh Nam (mương Nhật) là dòng nước tưới mát quanh năm, chống chịu với hạn hán khắc nghiệt,

 

Hoạt động kinh tế

 

 Với ưu thế đồng bằng, làng Hữu Đức phát triển nông nghiệp trồng lúa nước sử dụng hệ thống thủy lợi đập nước Katew do vua Po Ramé tổ chức dân làng khai mương, đắp đập dẫn thủy nhập điền. Đến năm 1965, sử dụng hệ thống nước mương Nhật để canh tác lúa.  Nhìn chung, kinh tế làng Hữu Đức thuần nông, trồng lúa nước 2-3 vụ lúa / năm, đạt năng suất trên 60 tạ/ha, bình quân 845/kg/người/ năm. Ngoài ra, ngành tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển khá sớm. Nhưng sản phẩm làm ra chỉ phục vụ tiêu thụ trong vùng, các mặt hàng chủ yếu là quần áo phụ nữ, một số hộ nông dân khá giả đã bung ra làm dịch vụ nông nghiệp, buôn bán các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng này của người dân.

 

Văn hóa và giáo dục

 

Nhờ duy trì truyền thống văn hóa gia đình, gìn giữ chế độ mẫu hệ đã ăn sâu trong tâm thức của người dân tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo. Trình độ dân trí phát triển đồng đều, theo thống kê năm 1990, cứ 4 người dân có 1 một người đi học, đã phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã hoàn thành trước năm 2000.

 

ba 20-2

 

 

Phong trào văn hóa văn nghệ được duy trì và phát triển mạnh mẽ, đời sống tâm linh, các dòng tộc liên kết với nhau bền vững, Nhà văn hóa Chăm, Trung tâm Thể dục Thể thao cũng được đầu tư xây dựng.

 

Di tích lịch sử Po Klaong Haluw, đền thờ Po Ina Nagar, lễ hội truyền thống Katé, lễ hội Rija Praong và nhiều lễ tục khác vẫn được người lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 

 

Trong cộng đồng Chăm Ahiér, tín ngưỡng bản địa người Chăm còn lưu trữ khá đậm nét, hình thành từ nguyên thủy có yếu tố dung hợp với cộng đồng Chăm Awal thể hiện qua việc thờ cúng tổ tiên, trong lời khấn của gia đình và dòng tộc.

 

Tín ngưỡng của người dân thể hiện qua lễ cúng Katé, Cambur tại đền thờ Po Ina Nagar mang sắc thái tâm linh sâu sắc và chiếm được niềm tin của tất cả dân làng trở thành một tập tục tốt đẹp. Lễ cúng Katé tại đền thờ Po Ina Nagar và cúng Kut Po Klaong Haluw diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch. Những việc liên quan đến thờ cúng tổ tiên của người dân vô cùng phong phú gắn liền với nghệ thuật múa, hát dân gian. Lễ nhập Kut được tổ chức theo chu kỳ của dòng tộc. Kut mỗi ngày mang vẻ uy nghi, trầm mặc mang dấu ấn linh thiêng, che chở cuộc sống trên thế gian này.

 

Làng Hữu Đức có các chức sắc Po Adhia, Po Bac, Po Basaih, ông Kadhar, bà Pajuw, ông Maduen, bà Rija, Muk Buh và các Gru Urang Chăm lo sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và giữ sự bình an cho dân làng.

 

Tóm lại, làng Hữu Đức hay Palei Hamu Tanran gắn liền với di tích Po Klaong Haluw, dòng tộc Hamu Phun Makia về đây tạo lập và phát triển làng. Làng đã sản sinh ra và thu hút nhiều nhân sĩ trí thức tìm đến làm vang danh tiếng cho văn hóa Chăm như Thiên Sanh Cảnh, Lưu Quý Tân, Trượng Tốn, Đàng Năng Quạ, Đàng Cải, Nại Thành Viết, Nại Thành Bô, Đàng Năng Phương và Chế linh tô điểm cho bức tranh làng thêm trù phú./.

 

ba 20-3
ba-20-4