Trả lời độc giả : nguồn gốc của Suk Yeng và vấn đề lịch Chăm Print
Written by Pgs. Ts. Po Dharma   
Monday, 31 March 2014 04:16
lich-po dharma
Pgs. Ts. Po Dharma

Theo thông tin từ Việt Nam cho biết, năm 2014 là năm Suk Yeng ở khu vực Ninh Thuận sẽ diễn ra từ ngày 14-3-2014 đến 25-4-2014. Lễ Suk Yeng đầu tiên của năm 2014 được tổ chức tại thánh đường thôn Thành Tín vào ngày 14-3-2014, sau đó lần lượt tại các thành đường : Văn Lâm, Phú Nhuận, Lương Tri, An Nhơn, Phước Nhơn và Tuấn Tú.  Nhân dịp này, Champaka.info có nhận một số email của độc giả yêu cầu cho biết về nguồn gốc của ngày lễ Suk Yeng và Sakawi Chăm. Để trả lời cho câu hỏi này, độc giả có thể đọc bài viết của Pgs. Ts. Po Dharma mang tựa đề :  

  

Nhận định về nguồn gốc của Suk Yeng và lịch Chăm

 

Pgs. Ts. Po Dharma

  

Suk Yeng là buổi hợp mặt giữa các vị tu sĩ Chăm Awal và Ahier tại thánh đường Bani, thường diễn ra 3 năm một lần tại khu vực Ninh Thuận nhằm định hướng lại chu kỳ của lịch Chăm phổ thông dựa vào 12 con giáp làm thế nào để lễ Kate của Chăm Bà La Môn không trùng vào mùa Ramawan (tháng 9 Hồi Lịch) của Chăm Bani. Kate năm 2013 trùng vào mùa Ramawan là một thí dụ điển hình. Theo chúng tôi, sự trùng hợp giữa mùa Kate và tháng Ramawan là điều không thể tránh khỏi, phát xuất từ nhiều nguyên nhân mà chúng tôi muốn phân tích trong bài khảo luận này.

 

Ai cũng biết, lịch Chăm hay bất cứ lịch của dân tộc nào trên thế giới chỉ là công thức toán học cố định nhầm qui định chu kỳ ngày tháng cho mỗi năm. Một khi công thức của bộ lịch đã ra đời, dù đó là lịch của Trung Quốc, Việt Nam, Khmer, Lào, Thái, v.v., người ta chỉ dựa vào công thức đó mà áp dụng, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Tiếc rằng, lịch phổ thông của dân tôc Chăm là trường hợp ngoại lệ, vì ngày tháng có thể thay đổi tùy theo biến cố của một số lễ tục, nhất là lễ Kate và Ramawan. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao các tu sĩ Chăm Awal và Ahier thường có phiên gặp mặt trong buổi Suk Yeng để chỉnh đốn lại chu kỳ ngày tháng trong 3 năm sắp tới.

 

Đứng trên phương diện khoa học mà phân tích, lịch là công thức toán học bất di bất dịch. Sự ra đời của lễ Suk Yeng diễn ra 3 năm một lần nhằm chỉnh đốn lại ngày tháng đã chứng minh rằng lịch phổ thông của dân tộc Chăm có một số vấn đề không đồng nhất mà ngưởi Chăm ít khi đi tìm nguyên nhân của nó.

 

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu chuyên về lịch học ở khu vực Đông Nam Á, vấn đề đã xảy ra cho lịch Chăm phổ thông dựa vào 12 con giáp không phát xuất từ công thức tính lịch sai lầm do cha ông để lại mà là do qui luật lễ nghi mang tính cách tôn giáo không cho phép ngày Kate của Chăm Ba La Môn trùng vào mùa Ramawan của Chăm Bani. Đây là qui ước mang tính cách thiêng liêng trong tín ngưỡng của người Chăm, nhưng qui ước này trở thành vấn đề phức tạp không lối thoát, một khi áp dụng vào toán học để tính lịch Chăm phổ thông có chu kỳ cố định của thời tiết «  tháng giêng phải có mưa và tháng hè phải có nắng », trong khi đó Ramawan (tháng 9) của Chăm Bani không cố định, đi lùi lại với chu kỳ lịch Chăm.

 

Lịch Chăm trong quá trình lịch sử

 

Champa là vương quốc chịu ảnh hưởng 3 nền văn minh rỏ rệt : Ấn Giáo, Hồi Giáo và Bản Địa. Chính đó là nguyên nhân giải thích cho sự ra đời của nhiều bộ lịch khác nhau ở quốc gia này.

 

1). Lịch Saka của Ấn Giáo

 

Dưới thời cổ đại, vương quốc Champa dùng lịch Saka hay Sakaraja (Chăm gọi là Sakarai) của Ấn Giáo để tính ngày tháng. Năm số không của lịch Saka trùng với năm 78 sau công nguyên. Thí dụ năm 1000 của lịch Saka, tính theo dương lịch là 1000 + 78 = năm 1078.

 

Trước thế kỷ thứ XV, tất cả bia đá Champa viết bằng tiếng Chăm cổ đều dùng lịch Saka. Đây là thí dụ của một đoạn văn ghi trên cột trụ tìm thấy ở khu vực Phan Rang  viết vào năm 1152 saka, tức là 1230  dương lịch :

 

Svasti // Po Pu lakei Pangkaja cei Abhimanyudeva urang Cathei Panduranggesvara Senapati Yang Po Ku Sri Jaya Paramesvaravarmandeva Pu Po Tana Raya (Tanâh Riya) nan vriy (brei) Po nan marai senapati Panrang di saka ni 1152

 

Svasti // Nhân vt Pangkaja là hoàng t Abhimanyudeva, gốc người Cathei, lãnh chúa của Panduraga và cũng là tướng lãnh (Senapati) của Sri Jaya Paramesvaravarman. Vị vua trị vì này ra lệnh cho hoàng tử (Abhimanyudeva) giử thêm chức tướng lãnh (Senapati) ở Panrang (Phan Rang) vào năm 1152 của lịch saka, tức là 1230 dương lịch. (Xem L. Finot, «Notes d’épigraphie V: Panduranga», in BEFEO, III, 1903, trang 648).

 

2). Lịch Chăm phổ thông dựa vào 12 con giáp

 

Sau ngày sụp đổ của nền văn minh Ấn Giáo tại bán đảo Đông Dương vào thế kỷ thứ XV, lịch saka của Ấn Độ hoàn toàn biến mất theo thời gian, không những ở vương quốc Champa mà thôi, mà cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng Ấn Giáo. Kể từ đó, vương quốc Champa cũng như các quốc gia láng giềng chịu ảnh hưởng Ấn Giáo như Campuchia, Lao, Thái, v.v. tìm cách hình thành một bộ lịch mới, tức là lịch âm dương hổn hợp (solaire et lunaire), có chu kỳ nhất định của thời tiết (mùa mưa và mùa nắng) dựa vào 12 con giáp (tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ, v.v.) rất gần gủi với con giáp của của Trung Quốc. Có sự khác biệt duy nhất trong danh sách 12 con giáp này, đó là Trung Quốc và Việt Nam gọi là năm con « mèo » (mẹo), trong khi đó người Chăm, Khmer gọi là năm con « thỏ ».

 

Theo công thức lịch của Campuchia, mùa mưa thường khởi đầu vào cuối tháng tư và đầu tháng 5 của dương lịch. Nhân dịp này, vương quốc Campuchia thường tổ chức buổi lễ linh đình gọi là « lễ xuống cày » có sự hiện diện của quốc vương, biểu tượng cho ngày đầu của mùa mưa.

 

lich-kmer
Lễ xuống cày ở Campuchia vào tháng 4 dương lịch

 

Theo công thức của lịch Chăm phổ thông, tháng giêng của lịch Chăm cũng trùng vào tháng 4 dương lịch. Đây là tháng khởi đầu cho mùa mưa. Nhân dịp này, người Chăm thường tổ chức lễ Rija Nagar vào ngày mồng 1 tháng giêng để thông báo cho mùa mưa sắp đến và công tác cày bừa bắt đầu diễn ra.

 

lich-rija
Lễ Rija Nagar Chăm vào tháng 4 dương lịch

 

Lịch Chăm phổ thông dựa vào 12 con giáp đã trở thành lịch hành chánh phổ thông áp dụng kể từ thế kỷ thứ XV và được lưu truyền trong dân gian cho đến hôm nay. Tiếc rằng người Chăm hôm nay không biết lịch phổ thông này mang tên là gì ? Một số người Chăm gọi là Sakawi, nhưng đây chỉ là giả thuyết không dựa vào cơ sở khoa học nào mà chúng tôi sẽ giải thích ở phần sau.

 

Lịch Chăm phổ thông dựa vào 12 con giáp rất thông dụng dưới thời vàng son của vương Champa sau thế kỷ thứ XV. Hàng ngàn trang tư liệu hoàng gia Champa viết từ năm 1702 đến thời Tự Đức (1847-1883), được thị thực bởi hàng trăm ấn triện và chữ ký của đương sự, thường ghi lại ngày tháng của lịch Chăm dựa vào 12 con giáp. Cách ghi ngày tháng cũng có qui luật riêng của nó. Khởi đầu là năm con giáp như Tikuh, Kabaw, Rimaong, v.v., sau đó là tên của tháng, sau đó là ngày thượng tuần hay hạ tuần trăng trong tháng (bangun hay klam) và cuối cùng là ngày trong tuần.

 

Sau năm 1963, qua sự đề nghị của ông Thiên Sanh Cảnh, người Chăm thường ghi năm của 12 con giáp kèm theo tên gọi Á Rập như Tikuh Lieh, Kubaw hak, v.v. Nhưng đây chỉ là sự suy đoán của ông Thiên Sảnh Cảnh, vì tất cả văn bản Chăm viết trong tài liệu hoàng gia Champa cho đến thời Pháp chỉ ghi tên 12 con giáp chứ không bao có tên Á Rập như Lieh, Hak, Jim, Jây… kèm theo tên gọi của 12 con giáp này.

 

lich - thun pabaiy

Tài liệu hoàng gia Champa viết vào năm 1787 không bao giờ có tên Á Rập

như Lieh, Hak, Jim, Jây… bên cạnh con giáp.

 

Nhằm chứng minh cho lý thuyết này, chúng tôi đăng sau đây một văn bản tư liệu hoàng gia Champa viết vào năm Pabaiy (năm Mùi, 1787) vào tháng 2, ngày 13 hạ tuần trăng (klam), thứ ba. Văn bản này được thị thực bởi hai ấn triện của triều đại Thái Đức (Tây Sơn).

 

Bấm vào đây để xem : Văn bản tài liệu hoàng gia Champa viết vào năm 1787 có ấn triện của 順城欽差調遣行事 Thuận Thành Trấn Khâm Sai Điểu Khiển Hành Sự

 

3). Lịch Hijri của Hồi Giáo

 

Cũng sau thế kỷ XV, vương quốc Champa bất đầu tiếp nhận thêm một nền văn minh mới đó văn hóa Hồi Giáo, một tín ngưỡng phát xuất từ các quốc gia Trung Đông có hệ thống lịch riêng, gọi là Hijri, tức là lịch hoàn toàn dựa vào chu kỳ của mặt trăng, không có mối liên hệ với thời tiết : mùa mưa hay mùa nắng.

 

Theo lịch Hijri, một năm có 12 tháng và mỗi tháng có 29 hay 30 ngày : Muharram (30 ngày), Safar (29 ngày), Rabi al-Awal (30 ngày), Rabi al-Thani (29 ngày), Jamada al-Ula (30 ngày), Jamada al-Akhira (29 ngày), Rajab (30 ngày), Sjaban (29 ngày), Ramadan (30 ngày), Shawal (29 ngày), Dhu al-Qida (30 ngày), Dhu al-Hijja (29 hoặc 30 ngày).

 

Một năm có tổng số 354 hay 355 ngày, tức là ít hơn vào khoảng 11 ngày so với Dương Lich. Ngày đâu tiên của lịch Hijri (Hồi Giáo) trùng vào ngày 15 hay 16 tháng 7 năm 622 dương lịch.

 

So với dương lịch, hệ thống Hijri của Hồi Giáo đi lùi lại từ 10 đến 11 ngày. Thí dụ : Ramawan 2014 sẽ kéo dài từ ngày 28-6-2014 đến 27-7-2014 và Ramawan 2015 sẽ kéo dài từ ngày 18-6-2014 đến 16-7-2015.

 

Lịch Hijri là hệ thống tính ngày tháng được lưu truyền trong mọi công động Hồi Giáo trên thế giới gần 14 thế kỷ qua. Dân tộc Chăm Bani, dù không còn mối liên hệ với các quốc gia Hồi Giáo nữa, nhưng vẫn áp dụng lịch Hijri để tính ngày tháng của một số lễ nghi Bani, nhưng không bao giờ sai lệch với lịch Hồi Giáo trên thế giới. Thí dụ, tháng Ramawan (tháng 9 Hồi Lịch) của Chăm Bani lúc nào cũng trùng vào tháng Ramawan của cộng đồng Hồi Giáo trên thế giới.

 

4). Lịch Sakawi : từ lổ hổng của công thức toán học dẩn đến lễ Suk Yeng

 

Sự ra đời của lịch Hồi Giáo Hijri tại vương quốc Champa sau thế kỷ thứ XV cộng thêm qui luật không cho phép mùa Ramawan (tháng 9 Hồi Lịch) trùng vào ngày Kate, buộc các nhà bác học Champa phải hình thành một lịch mới hầu giải quyết vấn đề, gọi là lịch Sakawi, tức là thuật ngữ phát xuất từ Saka (lịch phổ thông) + wi (chữ viết tắt của Jawi : Hồi Giáo). Hay nói một cách khác, Sakawi là lịch hổn hợp giữa lịch Chăm phổ thông dựa vào 12 con giáp và lịch Hồi Giáo. Lịch Sakawi có hai mục tiêu chính yếu:

 

• Tôn trọng chu kỳ của thời tiết : tháng giêng phải có mưa và tháng hè phải có nắng.

 

• Không cho phép ngày Kate trùng vào mùa Ramawan

 

Sau một thời gian nghiên cứu, các nhà bác học Champa hình thành bộ lịch Sakawi mà lý thuyết vẫn còn truyền lại qua Ariya Sakawi cho đến hôm nay. Sakawi là bộ lịch dựa vào chu kỳ 12 con giáp của lịch phổ thông nhưng cộng thêm chu kỳ 8 cung mang tên gọi Á Rập : Lieh, Hak, Jim, Jây, Dal, Bak, Waw, Jim. Tiết rằng công thức toán học áp dụng cho lịch Sakawi không mang lại kết quả. Vì sau một thời gian thử nghiệm, mùa Ramawan vẫn trở về vị trí trùng vào ngày Kate. Để gải quyết vấn đề nan giải vừa nêu ra, vua chúa Champa chỉ còn giải pháp là hình thành lễ Suk Yeng (thứ sáu quay vòng) cứ 3 năm một lần để các vi tu sĩ Chăm Ahier và Awal có dịp thương thuyết với nhau hầu qui định lại ngày tháng cho 3 năm sắp tới, làm thế nào tháng Ramawan không trùng vào ngày Kate. Kể từ đó, lịch Chăm phổ thông dựa vào 12 con giáp không còn là công thức toán học cố định nữa mà công thức co giãn, dựa vào sự quyết định của các bậc tu sĩ Ahier và Awal trong ngày Suk Yeng.

 

lich- banh xe
Công thức Sakawi Chăm

 

Phải công nhận rằng sự hình thành bộ lịch Sakawi do nhà bác học Champa thực hiện là một công trình đáng kể, đã để lại một dấu ấn quí giá cho đến hôm nay, mặc dù công thức toán học của Sakawi không đạt đến kết quả của nó. Đây không phải là sự thất bại riêng của các nhà bác học Champa thời đó. Bằng chứng cụ thể, các nhà toán học chuyên về lịch học ở khu vực Đông Nam Á đã từng có những buổi gặp gở ở Paris vào những năm 1978-1980 hầu đưa ra công thức tích lịch Sakawi của dân tộc Chăm, cũng không tìm ra giải pháp và chỉ đưa ra lời kết luận rằng :

 

« Không có một công thức toán học nào có thể giải quyết 2 vấn đề cùng một lúc trong bộ lịch Sakawi của người Chăm : vừa tôn trọng chu kỳ thời tiết « mùa mưa-mùa nắng » và vừa tôn trọng qui luật Ramawan (tháng 9 Hồi Giáo) có chu kỳ di chuyển hàng năm, nhưng không trùng vào ngày Kate (tháng 7 lịch Chăm) có chu kỳ cố định, bất di bất dịch ».

 

5). Lịch Chăm, một chủ đề tranh cải gần 4 thập niên qua

 

Phương pháp tính lịch Chăm đã trở thành một chủ đề tranh cải không lối thoát trong giới trí thức Chăm gần 4 thập niên qua. Và người ta cũng không biết sự tranh cải này nhắm vào mục tiêu đi tìm công thức toán học cho « lịch Chăm phổ thông dựa vào 12 con giáp » hay cho lịch Sakawi, tức là lịch hổn hợp giữa lịch phổ thông và Hồi Giáo ?

 

• Nếu nói đến lịch Sakawi, thì đây không còn là chủ đề để đưa ra bàn luận nữa, vì cả nhà toán học Champa thời xưa hay chuyên gia toán học trên thế giới hôm nay cũng không tìm ra công thức cho chu kỳ của lịch này.

 

• Nếu nói đến lịch Chăm phổ thông dựa vào 12 con giáp, thì đây là chủ đề cần đưa ra thảo luận để đi tìm công thức toán học của nó. Đã nói đến công thức toán học, thì công thức này phải dựa vào những yếu tố thuyết phục hầu chứng minh cho lý thuyết của mình. Kể từ năm 1963, dân tộc Chăm đang chứng kiến hàng loạt bài viết hay luận án khoa học có mục tiêu đưa ra lý thuyết để tính chu kỳ của lịch Chăm. Mỗi tác giả đều cho rằng công thức tính lịch Chăm của mình lá đúng nhưng không

 

Muốn công thức tính lịch Chăm có giá trị, các chuyên gia tính lịch Chăm phải đi tìm ngày tháng trong quá khứ để làm điểm tựa. Thí dụ, một tài liệu hoàng gia Champa ghi rỏ văn bản này viết vào năm Pabaiy (năm Mùi, 1787), tháng 2, ngày 13 thượng tuần trăng (bangun), thứ ba. Đây là điểm tựa có giá trị, vì vua chúa Champa không thể viết sai ngày tháng trong văn bản của vương quốc này. Kể từ đó các nhà tính lịch Chăm phải đi tìm công thức hầu lập ra bản lịch trở về quá khứ chứ cho đến thế kỷ thứ XVII hay XVIII. Khi xong, họ phải đối chiếu lại với ngày tháng ghi rỏ trong tư liệu hoàng gia Champa. Một khi ngày tháng do người tính lịch đưa ra không phù hợp với ngày tháng ghi trong tài liệu hoàng gia Champa, thì họ sẽ biết ngay, công thức tính lịch của họ đưa ra là sai lầm. Đây là phương pháp khoa học hầu né tránh những cuộc tranh cải không lối thoát về lịch Chăm mà dân tộc này đang chứng kiến gần 4 thập niên qua.