Phê bình tác phẩm : « Sách học tiếng Chăm » của Sakaya Print
Written by BBT Champaka.info   
Wednesday, 22 January 2014 05:42
mon 10
Sakaya

« Sách học tiếng Chăm – Cham language Textbook » là tác phẩm nằm trong chương trình của Trung Tâm Unesco nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm do Ts. Sakaya thực hiện và do Nhà Xuất Bản Thanh Niên ấn hành năm 2013, 67 trang. Đây là tác phẩm biên soạn chương trình dạy học theo Akhar Thranh Chăm truyền thống, chứ không phải Akhar Thrah Chăm cải biến của Ban Biên Soạn.

.

Tác phẩm này dành cho những ai muốn học tiếng chữ Chăm truyền thống được lưu hành từ thời Po Rome mà các bậc tu sĩ, bô lão, nông dân và trí thức Chăm đang sử dụng trong thôn làng hôm nay. Sách này cũng dùng cho người nước ngoài để tìm hiểu về ngôn ngữ chăm. Đây cũng là sách tự học nếu ai không có điều kiện đến lớp, nhất là học sinh Chăm đã học tiếng Chăm cải biến của Ban Biên Soạn có dịp tiếp thu qui luật Akhar Thrah Chăm truyền thống do cha ông để lại.

 

Sách kết cấu gồm 3 phần : học 90 tiết = 18 buổi = 3 tuần. Học tiếng Chăm căn bản (1 tuần). Bài học đàm thoại (1 tuần). Đọc văn bản Chăm (1 tuần).

 

Sự ra đời của « Sách học tiếng Chăm » dựa theo Akhar Thrah Chăm truyền thống đã chứng minh rằng người Chăm tại Việt Nam hôm nay đang xây dựng phong trào học tiếng Chăm truyền thống do cha ông để lại chứ không phải chữ Chăm cải biến của Ban Biên Soạn đã gây ra bao sự chống đối từ một thập niên qua. Đứng về mặt khoa học mà phân tích, tác phẩm này có giá trị cao về môn giảng dạy và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những ai muốn học chữ Chăm truyền thống hầu tiếp thu những tinh hoa của nền văn tự Chăm. Tiếc rằng sách này vấp phải một số sai lầm về ngữ nghĩa và lỗi chính tả mà chúng tôi xin nêu ra đây để chỉnh đốn lại nếu có lần tái bản.

 

Ngữ nghĩa

 

1). Ruah duah, khik paga

 

Ngay trang bìa, người ta thấy câu đầu : Bathak Unesko ruah duah saong khik paga bhap ilimo cam  nếu dịch sang tiếng Việt : « Trung tâm Unesko chọn lựa tìm kím và giữ hàng rào văn hóa Chăm ».

 

Nếu muốn nói « Trung tâm Unesko nghiên cứu và bảo tồn văn hóa chăm » thì người Chăm phải viết : Bathak Unesko roh duah saong khik caga bhap ilimo cam. Vì rằng :

 

ruah trong tiếng Chăm có nghĩa là « chọn lựa » trong khi đó roh hay rueh « tìm tòi, nghiên cứu »

paga trong tiếng Chăm có nghĩa là « hàng rào » trong khi đó caga « giữ gìn, bảo tồn »

 

Đây là vần đề cần xem lại, vì Unesco là cơ quan bảo tồn văn hóa, không thể viết sai lầm chữ Chăm trên tên gọi của cơ quan.

 

2). Con số

 

Trang 9, tác giả viết : kot = 1.000.000, tik = 1.000.000.000. Đây chỉ là đơn vị số do tự điển G. Moussay đưa ra mà thôi. Vì rằng dân tộc Chăm cũng như dân tộc lân cận như Khmer, Mã, v.v. chỉ biết đơn vị số chắc chắn từ 1 đến 10 000. Kể từ 10 ngàn trở lên, mỗi quốc gia tự chọn lựa đơn vị riêng.

 

Trong tiếng Chăm, kot tik có cùng một nghĩa, phải viết dính liền kottik. Đây là từ phát xuất từ tiếng Phạn : Koti có nghĩa là hàng triệu mà người ta không biết chính xác là bao nhiêu. Trong tự điển Aymonier (tr, 78), chai = 1.000.000 ; kot hay kottik = 100 000 hay 1.000.000, không có giá trị chính xác.

 

Về con số, người Khmer cũng dựa vào tiếng Phạn để định giá đơn vị như sau :

muen (tiếng Chăm: tamen) = 10 000

saen (tiếng Chăm: chai) = 100 000

lean = 1 000 000

kaot (tiếng Chăm: kot, kottik) = hàng triệu, hàng hà xa số.

 

Muốn thống nhất giá trị con số, dân tộc Chăm phải có hội đồng để nghiên cứu lại, nhất xem hệ thống con số của ngôn ngữ Khmer cũng phát xuất từ Phạn Ngữ.

 

3). Bimong

 

Trang 49, tác giả viết Bimong Po Sah Ina « đền Po Sah Ina ». Trên thực tế, Champa không có Bimong Po Sah Ina mà chỉ có Bimong Po Sah Anaih (tức là con của Po Ina Ganar) gần mủi Né.

 

4). Po Klaong Garai

 

Trang 49, tác giả viết « Chăm xây tháp Po Klaong Garai vào thế kỷ thứ 13 ». Phải nên chỉnh xửa lại vào thế kỷ thứ XIV thì đúng hơn.

 

5). Trạng từ

 

Trang 33, tác giả cho rằng Pagé, bier harei, krâh pa-ndiak « buổi sáng, buổi chiều, buổi trưa » (tr. 33) là trạng từ chỉ thời gian. Phải nên chỉnh sửa lại « buổi sáng, buổi chiều, buổi trưa »  là danh từ chứ không phải là trạng từ.

 

6). Akaok karep

 

Tác giả viết : Akaok karep « tuần lễ ». Đây là từ vựng phát xuất từ tự điển của Bùi Khánh Thế-Phú Trạm, không liên hệ gì với tuần lễ. Trong ngôn ngữ Chăm có hai trạng từ ám chỉ cho sự khởi đầu :

 

• Akaok mati = khởi đầu cho một biến cố hay cốt truyện. Thí dụ : Akaok mati dalukal Tabaong Alah « khởi đầu cho chuyện cổ tích chàng lười biếng»

• Akaoak karep = khời đầu cho thời gian. Thí dụ : Akaok karep thun ni « khởi đầu năm nay »

 

Muốn ám chỉ cho tuần lễ, người Chăm dùng từ adit, phát xuất từ Phạn ngữ  (aditya) có 3 nghĩa : Mặt trời, ngày chủ nhật, tuần lễ. Người Khmer cũng dùng từ adit để ám chỉ cho tuần lễ.

 

7) Cấu trúc hành văn

 

« 9 giời Jaka lên máy bay ở Tân Sơn Nhất » tác giả dịch thành: Salapan tuk Jaka ndik ahaok pak Tan Sen Nyâk. Câu này phải viết Tuk salapan Jaka ndik ahaok pak Tan Sen Nyâk

 

8) Bác sĩ

 

Trang 28, tác giả cho rằng : Ra pajru « bác sĩ ». Người Chăm không hiểu ra pajru là gì, vì pajru trong tiếng Chăm có nghĩa là « tha thuốc, tẩm thuốc ». Nếu viết pakar jru thì gần gủi hơn, có nghĩa « chuyên gia về thuốc men ».

 

Từ vựng Chăm-Mã

 

Trong tác phẩm, tác giả đưa ra bản từ vựng Chăm-Mã có cùng nguồn gốc để giải thích cho hệ thống phiên âm Latin của EFEO, thí dụ: ikan (Chăm) « con cá » = ikan (Mã); kacak (Chăm) « thằn lằn » = cicak (Mã)... Tiếc rằng, tác giả nêu ra một số từ như Akhan (Chăm) « thông báo » = mencerita (Mã) ; jhaok (Chăm) «  múc, bới » = merentak (Mã)… không có mối liên hệ gì về nguồn gốc chung của tiếng Đa Đảo.

 

Điều đáng chú ý, trong bản từ vựng nay có một số sai lầm cần phải chỉnh đốn lại :

 

- kanan « nhớ » (tr. 63) = kenan (Mã). Tiếng Mã không có từ kenan trong tự điển

- ndih « ngủ » (tr. 63) = naik (Mã). Tiếng Mã, naik có nghĩa là lên, đứng dậy

- pa-ndiak « nóng » (tr. 63) = pedih (Mã). Tiếng Mã, pedih có nghĩa : đau, buồn tủi,

- apar (đúng chính tả : par) (tr. 63) « bay » = lalat (Mã). Tiếng Mã, lalat là con trùng có cánh như ciim hajan của người Chăm

- rabha « chia » (tr. 63) = bangi (Mã). Tiếng Mã, bangi có nghĩa là thơm, mùi thơm.

- kalam « bị vùi » (tr. 84) = kalam (Mã). Tiếng Mã kalam có nghĩa : ngòi bút ; lời nói, diễn văn

- mânuis « con người » (tr. 65) = manuasia. Tiếng Mã : manusia

- ésan « hướng đông bắc » (tr. 65) = timur laut. Tiếng Mã, timur laut có nghĩa : biển ở phía đông.

- akaik « đá mã não » (tr. 66) = akek. Tiếng Mã không có từ akek

 

Lỗi chính tả Akhar Thrah Chăm

 

Sau đây là một số lỗi lầm về chính tả :

 

Sapluh (tr. 9) > phải viết : sa pluh

Saratuh (tr. 9) > phải viết : sa ratuh

Akhar papaoh, akhar paoh (p. 12) viết khác nhau trong một trang > phải viết : akhar paoh

Pat « nhồi » (tr. 12) > Chữ này không có trong tiếng Chăm

Tal « đủ » (tr. 12) > phải viết : tel

Apar « bay » (tr. 12) > phải viết : per hay par

Diaing « rắn rết » (tr. 17) > phải viết : adiéng

Nyâc « rong » (tr. 17) > phải viết : njâc

Pakan « khác » (tr. 32) > > phải viết : bukan

Po Ro Mé « vua » (tr. 34) > phải viết : Po Rome. Ro không có hua balau.

Tal « đến » (tr. 35) > phải viết : tel

Payaop « tây bắc » (tr. 36)  > phải viết : baiyaop, bayep

Akaok « con cò » (tr. 37)  > phải viết : kaok

Ma-nyim, ka-nyik (tr. 41)   > phải viết : manyim, kanyik

Akhan « váy » (tr. 43) > phải viết : khan

Marah « đỏ » (tr. 44) > phải viết : mariah

lam lingâ « cửa biển » (tr. 50) > phải viết : lamngâ, lamangâ

bhuk tik « thờ phượng » (tr. 52) > phải viết : bhuktik (Phạn : bhakti)

dunya « thề giới » (tr. 52) > phải viết : dun-ya

Sibinây « Bình Định » (tr. 53) > phải viết : Sri Banay

Hamu thit « Phan Thiết » (tr. 53) > phải viết : Hamu Lithit

Pasaar « cây dù » (tr. 65) > phải viết : pathan, pasan

 

Sau cùng, đây là tác phẩm song ngữ Chăm-Việt. Nhưng kể từ trang 37, tác giả lại thêm vài câu tiếng Anh vào một số thí dụ như: câu hỏi/question, why/tại sao? hagait /what… để rồi độc giả không hiểu nguyên nhân tại sao.

 

Về phần phụ lục Akhar Akhar Thranh Chăm ở chương cuối, tác giả nên phiên âm những trang chữ Chăm này sang Latinh để học viên có thể theo dõi dễ dàng hơn một khi không nhận diện được chữ Chăm viết bằng tay.

 

*

Sách học tiếng Chăm » của Sakaya là công trình nghiên cứu bổ ích cho ngành giáo dục và đào tạo về ngôn ngữ. Tiếc rằng sách này vấp phải nhiều sai lầm về ngữ nghĩa, qui luật chính tả, có thể làm giảm đi giảm đi giá trị của tác phầm. Sự sai lầm này phát xuất từ nguyên nhân chính yếu, đó là khi viết xong công trình, dường như tác giả không nhờ những nhà nghiên cứu khác chuyên về tiếng Chăm và Mã xem lại bản thảo, chỉnh đốn lại những thiếu xót hay sai lầm trước khi xuất bản. Đây là thông lệ chung của những tác phẩm xuất bản ở Việt Nam : Đã là một nhà nghiên cứu, họ không bao giờ chấp nhận những chuyên gia khác đọc lại bản thảo của mình.

 

Tại các quốc gia tân tiến, những tác phẩm khoa học không thể tránh khỏi những sai lầm, nhưng vấn đề sai lầm này có số lượng ít hơn, vì khi viết xong công trình nghiên cứu, tác giả phải đi tìm những chuyên gia khác đọc lại bản thảo, phê bình và chỉ trích những sai lầm trong công trình nghiên cứu mình trước khi quyết định gởi đến nhà in để xuất bản.

 

mon 20