Phải trả lại không gian tín ngưỡng cho tháp Yang Praong-Dak Lak Print
Written by Ja Karo   
Wednesday, 02 January 2013 16:40
yang prong 10

Tháp Yang Praong là một công trình kiến trúc nghệ thuật tháp Champa tọa lạc ở thôn 05, xã Ea Rok, huyện Ea Sup, tỉnh Dak Lak, được công nhận di tích kiến trúc cấp quốc gia theo quyết định số 1371-QĐ ngày 03 tháng 8 năm 1991. Đây là ngôi tháp còn hiện hữu duy nhất ở Tây Nguyên

 đáng lý ra cần được quan tâm bảo tồn thì lại bị bỏ quên và có nguy cơ xâm thực văn hóa nghiêm trọng.

 

 

Trong thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ biến dạng không chỉ về hình thức tháp qua trùng tu mà còn là sự thay đổi văn hóa thờ cúng trước sự “hỗn tạp” về nhiều thành phần tín ngưỡng xảy ra tại ngôi tháp và hiện nay đã có một số bài viết đã đề cập đến hiện tượng này.

 

Báo Dak Lak có bài viết “Tháp Yang Prông có nguy cơ biến thành... miếu thờ” của tác giả Trang Vũ, cho rằng:

 

“từ năm 1995-1999 tỉnh Dak Lak đã tiến hành 3 lần trùng tu lại khu di tích, nhưng không mang lại nhiều hiệu quả, trái lại còn làm cho di tích không đúng với nguyên bản vốn có. Bên cạnh đó, việc quản lý và khai thác tháp về sinh hoạt văn hóa tâm linh hiện không được định hướng và tổ chức chặt chẽ dẫn đến tình trạng người dân ngang nhiên lập bàn thờ, cúng bái, giải hạn…”,

 

Để xem chi tiết vào đường dẫn dưới đây: http://baodaklak.vn/channel/3522/201210/Thap-yang-Prong-co-nguy-co-bien-thanh-mieu-tho-2196661/

 

 

1 yang praqong-2
Tháp Yang Praong

 

Tạp chí Nghiên cứu văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội có bài: “Tháp Chăm Yang Prong và hiện tượng xâm thực văn hóa” của PGS.TS. Trần Đức Ngôn, trong phần tóm tắt của Tạp chí Pgs. có viết: Tháp Yang Prong được người Chăm xây dựng ở Đăk Lăk.  Sau đó người Chăm vắng bóng trên mảnh đất này. Hiện tượng được gọi là “xâm thực văn hóa” bắt đầu. Cư dân địa phương (người Mnông, ÊĐê, phần đông là Gia Rai, gần đây là người Kinh) đặt niềm tin và hành lễ tại tháp theo kiểu riêng của mình. Bản chất tín ngưỡng Chăm hầu như không còn nữa. Sự xâm thực văn hóa có cả mặt tích cực và tiêu cực. Cần phát huy mặt tích cực để duy trì “sự sống” của tháp”. Để xem chi tiết vào đường dẫn dưới đây (1).

 

Trong bài “Tháp cổ giữa đại ngàn” của tác giả Trần Ngọc Quyền trên trang web Baomoi.com, Tháp Yang Praong bị “bao vây” hàng chục bát nhang, đặt kín các bệ đá hai bên cửa tháp, bát nào cũng đầy chân nhang. Thậm chí, các kẽ gạch xung quanh tháp cũng tua tủa cọng nhang….Trong lòng tháp, thấy cảnh bàn thờ tỏa khói nhang nghi ngút, dưới bàn thờ là hòm “công đức” (thu tiền cúng), như lạc vào một ngôi miếu cổ ở vùng xuôi Để xem chi tiết vào đường dẫn dưới đây (2).

 

Đúng như các bài báo phản ánh, chúng tôi đã chứng kiến một sự “hỗn tạp” về thờ cúng, tâm linh tín ngưỡng tại đây. Các lư hương, bàn thờ đặt ngỗn ngang không theo một trật tự hay tôn giáo nào. Dưới các gốc cây to xung quanh tháp hay các chân đế tháp đều có lư hương thờ cúng. Bên trong tháp ngổn ngang các bàn thờ cúng đủ loại, đủ kiểu không biết thuộc loại văn hóa tín ngưỡng nào. Một số người cho rằng đây là sự xâm thực văn hóa tự nhiên, nhưng trong thực tế đây là kết quả từ sự đồn thổi về sự linh thiêng của ngôi tháp và đã thu hút những người dân xa gần đến đây lập bàn thờ để cúng kính tùy theo quan niệm tâm linh riêng của họ.

 

Một số hình ảnh dưới đây cho thấy sự “hỗn tạp” về thờ cúng và tâm linh tín ngưỡng, các bàn thờ, lư hương đặt ngỗn ngang không theo một trật tự hay một tôn giáo nào.

 

xem
Thấp hương

 

Mặc dù hiện nay, tháp đã được giao cho Ủy ban Nhân dân xã Ea Rok quản lý mà cụ thể là Hội cựu chiến binh xã, trường Trung học Cơ sở Lê Đình Chinh thuộc thôn 7, xã Ea Rok, huyện Ea Sup, tỉnh Dak Lak tham gia chăm sóc và quản lý tháp. Tuy nhiên trong thời gian qua, chính quyền rất lúng túng trong việc quản lý và bảo tồn ngôi tháp này. Theo Trang Vũ, Ông Lê Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Ea Rok cho biết:

 

“Thời gian qua chính quyền địa phương rất lúng túng trong việc quản lý cũng như đưa ra những biện pháp cụ thể trước tình trạng trên, do không có bất cứ một căn cứ pháp lý quy định nào về việc sinh hoạt văn hóa tâm linh tại khu vực tháp”

 

Ông Thiều Lê, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea Sup nói:

 

“Hiện chúng tôi chưa biết phải xử lý việc người dân lập bàn thờ, cúng bái xung quanh khu vực tháp như thế nào cho đúng và hiệu quả. Bởi vì chưa có bất cứ một văn bản quy định pháp lý cụ thể nào về vấn đề quản lý văn hóa tín ngưỡng của người dân…”

 

Hiện nay tháp Yang Praong đang quá trình trùng tu, tất cả các bàn thờ trong tháp đã được đưa ra ngoài; các lư hương rải rác quanh tháp cũng đã nhặt dồn về một chỗ để dành không gian cho việc trùng tu tháp.

 

Thiết nghĩ đây là thời điểm tốt nhất để các nhà chức năng và chính quyền địa phương đưa ra giải pháp và có kế hoạch thực thi nghiêm túc nhằm lập lại trật tự và trả lại không gian tín ngưỡng đúng như ý nghĩa của tháp Yang Praong (vị thần “tối cao”). Đồng thời cần có những quy định cũng như những chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn sự tùy tiện thờ cúng của người dân thập phương trở lại ngôi tháp linh thiêng này.

 

(1): http://huc.edu.vn/vi/spct/id200/thap Cham Yang Praong và hien tuong xam thuc van hoa/

(2): http://www.baomoi.com/Thap-co-giua-dai-ngan/137/4570068.epi

 

mieu ben ngoai
7 ly huong-1


Một số hình ảnh về bàn thờ, lư hương đã tạm đưa ra ngoài trong quá trình đang trùng tu tháp