Việt Nam không thay đổi chủ trương xây lò điện hạt nhân Print
Written by Musa Porome   
Monday, 23 January 2012 01:30
porome 5
Musa Porome

Là đề tài mà cơ quan truyền thông BBC đã cho phát thanh ngày 18/03/2011. Lò điện hạt nhân còn là đề tài nóng bỏng mà các cơ quan truyền thông truyền hình trên thế giới đăng tải tràn ngập tin tức hàng ngày sau vụ động đất và hiện tượng Tsunami xảy ra tại Fukushima Nhật Bản, nhất là về thảm trạng của 3 lò điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị nổ. Đây là đề tài mà các nhà báo muốn đặt lại với các vị lãnh đạo quốc gia trong đó có Việt Nam đang có tham vọng tiếp tục cho tiến hành công trình phát triển công nghệ điện hạt nhân. 



Ngoài thiệt hại nhân mạng và những cơ sở vật chất to lớn, thảm trạng ly tán thất lạc mất mát cha mẹ vợ chồng con cái là hoàn cảnh bi đát, và nhân dân Nhật lại còn phải sống trong cảnh sợ sệt âu lo cho việc 3 nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị nổ tung làm rò rỉ toàn bộ chất phóng xạ ra ngoài và nay đang bay lơ lửng trên vòm trời rộng lớn không chỉ riêng ở Nhật Bản mà còn đe doạ trực tiếp hay gián tiếp đến sinh mạng của hàng triệu con người trên toàn thể các quốc gia Á Châu. Đây là một  đại hoạ và là thảm trạng vượt mức tưởng tượng của nhân loại trên thế giới mà Thủ Tướng Nhật đã lên tiếng bằng những giọt lệ đau thương nhìn nhận đây là một mất mát quá to lớn, to hơn cả những mất mát trong thời đệ nhị thế chiến. 


Những thiệt hại trên cơ sở vật chất có thể xây dựng lại được, những nỗi đau nát lòng vì những người thân trong gia đình đã bị sóng thần và cơn địa chấn cướp đi, theo thời gian rồi có thể nguôi ngoai, thế nhưng thảm trạng của chất phóng xạ là hiện tượng không đơn giản để người Nhật đơn phương giải quyết. Đây là vấn đề mà tôi muốn đưa ra để cùng nhau nhận định về cái tham vọng của chính quyền CSVN đang tiếp tục chủ trương cho xây lò điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận và quy hoạch dự đoán sẽ hoàn tất trong giai đoạn 2014-2020.

 

Đài phát thanh BBC cho biết, ông Trần Đình Đàn là phát ngôn viên của quốc hội nước Việt Nam nói: "Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận vẫn tiến hành như dự định, dù ai đó lo ngại về sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật. Ngoài Nga Sô, chính phủ Việt Nam đã chọn Nhật Bản làm đối tác xây dựng nhà máy". Theo nguyên văn của ông Đàn: "sự cố tại nhà máy hạt nhân Nhật Bản là bài học kinh nghiệm cho nhiều nước trong đó có Việt Nam." Ông Đàn đã quên rằng vấn đề ở đây không phải là bài học kinh nghiệm mà là sự hiểm hoạ của chất phóng xạ một khi lò điện bị rò rỉ, vì kỹ thuật bảo quản nghèo nàn, nhân viên kỹ thuật thiếu kinh nghiệm và thiên tai là sự kiện khó có thể dự đoán sẽ gây ra cho lò điện trở nên không an toàn, rồi rò rỉ nổ tung. Sự kiện tại Nhật Bản đã minh chứng cho việc này. 


Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC, Ông Vương Hửu Tấn viện trưởng viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng : "khả năng sử dụng công nghệ điện nguyên tử của Nhật Bản cho nhà máy Việt Nam trong tương lai "không có vấn đề" vì công nghệ hiện đại nay đã an toàn hơn rất nhiều." Ông còn phê bình tiếp : "Sự cố ở Fukushima thuộc thế hệ cũ và hệ thống an toàn là do con người điều khiển. Công nghệ mới với hệ thống an toàn thụ động, tự phản ứng khắc phục sự cố, an toàn hơn nhiều." Ông viện Trưởng này cũng đã quên rằng vấn đề không phải là sự hiện đại hay không hiện đại, vì sự hiện đại không phải là yếu tố an toàn tuyệt đối để phòng chống những chất phóng xạ một khi đã có sự cố và lò điện đã bị rò rỉ và bụi khói của nhà máy làm ô nhiễm môi trường, đây mới là yếu tố cần thiết mà chính quyền cần phải quan tâm. 


Dựa theo cuộc phỏng vấn hai ông Trần Đình Đàn và ông Vương Hửu Tấn, không ai có thể hiểu nội dung câu nói của hai vị muốn gì. Vì quyền lợi cá nhân, hai ông tiếp tục giử an toàn cho cái ghế của mình hiện nay, nên đã đồng thuận theo quy hoạch của nhà nước mà bất cần đến sự an toàn của nhân dân? 


Theo lời tuyên bố của ông phát ngôn viên của quốc hội, chúng ta không cần phải suy xét nhiều cũng có thể định giá biết được ông này chẳng biết gì về công nghệ hạt nhân và nhất là về mức độ nguy hiểm nghiêm trọng của chất phóng xạ từ lò điện, mà chỉ biết vẩy đuôi chạy theo ô bế kế hoạch của đảng chứ không phải vì đời sống nhân dân. Còn lối giải thích của ông viện trưởng Vương Hửu Tấn thì lại rõ ngây ngơ, do bởi vấn đề nhà máy mới hay cũ không phải là yếu tố để đưa ra định giá về sự an toàn, mà môi trường sinh sống của người dân mới là điểm trọng yếu. 


Cũng theo đài BBC cho biết, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã gửi công văn đề nghị chính quyền trung ương điều chỉnh nhà máy về phía nam thay vì ở phía bắc với lý do là vì nếu như hai đầu tỉnh đều có nhà máy hạt nhân thì sẽ khó phát triển du lịch ở phía bắc Ninh Thuận, và vì qũy đất phía bắc đã được dành để kêu gọi đầu tư du lịch (trích nguyên văn). Khi đọc đề bài "Ninh Thuận xin dời nhà máy điện hạt nhân" tôi đoán biết ngay đây cũng chỉ là thứ phim phím hoạ trong cốt chuyện huyền thoại thời trung cổ. Thực vậy, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ thuộc hạng bọ rệp vì đảng chứ không phải vì sự an toàn của người dân. Lãnh đạo tỉnh đã quên rằng dù di dời chung quanh bắc hay nam của tỉnh lị cũng chẳng làm thay đổi tình hình kinh tế của tỉnh, vì rằng khách lãng du cũng sẽ ngao ngại lo sợ hít thở không khí bốc ra từ ống khói khổng lồ hằng ngày, đào thải những chất dơ bẩn từ nhà máy. Nhưng, câu hỏi cần đặt lại là tại sao chính quyền tỉnh lại không đề nghị chính quyền di dời toàn bộ nhà máy đi nơi khác thay vì chỉ yêu cầu cho di dời nhà máy loanh quanh địa bàn Phan Rang? Phải chăng chính quyền đã mù tịt không biết gì đến yếu tố tai hại của chất phóng xạ, hay đúng hơn phía nam tỉnh Ninh Thuận là khu tập trung nhiều làng mạc người Chăm sinh sống? 


Ngày 18/03/2011, đài RFA có phỏng vấn một số cư dân Vỉnh Hy thuộc huyện Ninh Hải đã cho biết chính quyền thường học tập và báo cáo cho dân biết hiện tượng của lò điện không đến nổi nguy cập như những lời tuyên truyền của bọn phản động ở nước ngoài, và chính quyền yêu cầu người dân phải di dời làng mạc ra cách xa địa điểm của lò khoảng 3 cây số. Đây là một bài tính hoàn toàn sai mà chính quyền đưa ra để mị dân. Do bởi, di dời làng mạc đòi hỏi kinh phí sử dụng cho việc tái định cư, và nếu tính theo độ an toàn thì 50 dặm Anh vẫn chưa phải là nơi an toàn. Chính quyền Nhật Bản cũng đang kêu gọi nhân dân của họ phải tránh xa nơi xảy ra thảm hoạ của lò hạt nhân Fukushima Daiichi với khoảng cách 50 dặm Anh mặc dù chính quyền Nhật Bản vẫn biết khoảng cách này vẫn chưa phải là địa điểm an toàn trong khi đang tiếp tục những nỗ lực ngăn chặn một thảm hoạ hạt nhân tại nhà máy Fukushima, chính quyền Nhật đã duy trì một khu vực cấm ra vào ở vùng xung quanh nhà máy với bán kính 12 cây số.



Đặt lại vấn đề kinh tế. Khi chính quyền đưa ra bất kỳ một kế hoạch nào là để nhằm mục đích mang lợi ích cho nhân dân. Thế nhưng, nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ hưởng được những gì từ trong lò điện hạt nhân này trong khi truyền thống đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận là sống bằng hai nghề nông và ngư nghiệp. Một khi nguồn nước nóng hàng ngày thải ra từ nhà máy điện sẽ là nguyên nhân đánh đuổi hàng ngàn con cá trên biển mặn Ninh Thuận, và khói bụi mịt mù thải ra từ ống khói đầu máy là nguyên nhân sẽ tạo cho môi trường thêm khô cằn và dơ bẩn, Phan Rang sẽ trở nên vùng khơ đất hạn, thế thì còn đâu là truyền thống nghề nghiệp để nhân dân có thể mang lợi nhuận về nuôi sống gia đình? Chính quyền tỉnh cũng đã qui hoạch các đền tháp Champa làm nơi mua vui cho khách du lịch thập phương, nhưng vẫn chưa đủ hay sao? Phải chăng chủ trương xây lò điện hạt nhân chỉ là tham vọng làm giầu thêm cho bản thân các vị đang nắm quyền hạn? 


Về địa dư của Tỉnh Ninh Thuận thì ai cũng đã biết Phan Rang là miền đất khô cằn chặc hẹp, mưa không hòa, gió không thuận, nhưng nó là nơi dung thân cuối cùng của 100,000 thần dân Champa còn sống sót sau chính sách “nam tiến” của các triều đại Việt Nam, và chính sách diệt chủng của Minh Mạng khi xâm chiếm hoàn toàn lảnh thổ của Champa vào năm 1832. Có chăng chính quyền CSVN ngày nay muốn lập lại sách lược tội ác cũ để tiếp tục huỷ diệt toàn bộ ngưòi dân Chăm vô tội, khốn khổ này bằng phương pháp khoa học hơn, nên mới cho xây lò điện hạt nhân nơi vùng cư trú tập trung của họ? Đây là câu hỏi luôn biểu lộ trong tâm tưởng của toàn thể người Chăm hôm nay. 



Bàn về sự an toàn của lò điện hạt nhân, theo đài BBC cho biết kể từ thảm hoạ Chernobyl năm 1986 - con người vẫn còn cho rằng điện hạt nhân ngày càng trở nên quan trọng trên thế giới, nhưng sau thảm trạng xảy ra tại Nhật, thì thế giới lại lo ngại về độ an toàn của điện hạt nhân và buộc nhiều nước phải xem xét lại kế hoạch.


Từ nguy cơ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, Nhiều nước từ Âu sang Á phải giật mình nhìn lại việc xây dựng lò điện hạt nhân. Trong khi đó chính quyền Việt Nam lại thẳng thừng tuyên bố tiếp tục xây dựng nhà máy theo hệ thống hiện đại hơn. Điều này khơi lại nổi nhớ đến vụ việc chính quyền vẫn lên quy hoạch cho khai thác Bauxit trên Tây Nguyên mặc dù vẫn biết những nguy hại sau thảm hoạ bùn đỏ xảy ra ở nước Hungary nhưng chính quyền Việt Nam vẫn làm ngơ cho tiến hành chương trình và những ông cán bộ cấp cao vẫn lớn tiếng hô hào cho tiếp tục dự án bất chấp sự chống đối của toàn thể nhân dân và những trí thức trong nước kể cả các cựu Tướng lãnh.


Việt Nam là một quốc gia mà ngành khoa học kỹ thuật chưa đạt mức tiến bộ, và Việt Nam cũng chưa cần đến dù chỉ là một lò điện hạt nhân, vì nhiều yếu tố cần thiết khác. Kinh tế quốc gia còn lỏng lẻo, nợ nần thế giới quá to tát và Việt Nam còn tuỳ thuộc qúa nhiều vào các viện trợ từ các quốc gia bên ngoài, nhân dân còn lầm thang đói rách, tại sao chính quyền phải vội vã để thực hiện cho bằng được chương trình hiểm nghèo này trong khi đã có nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc là bậc thầy của Việt Nam cũng đang có kế hoạch xây thêm 50 cơ sở lò điện hạt nhân, nhưng nay phải cho tạm ngừng dự án. Hoa Kỳ, Nga Sô, Pháp và Anh quốc cũng đã tạm thời cho ngưng kế hoạch xây dựng lò điện hạt nhân để định giá lại sự an toàn nhằm có thể ngăn ngừa tai nạn kịp thời một khi các lò bị gặp nạn. 



***

Trên đây chỉ là một vài yếu tố nhỏ nhưng đủ minh chứng cho sự khắc nghiệt mà đời sống của người dân Ninh Thuận nói riêng và người dân của các tỉnh kề cận nói chung sẽ phải đương đầu trong tương lai không xa sau khi kế hoạch xây dựng nhà máy hoàn tất. Đây là vấn đề cấp bách đòi hỏi toàn thể cộng đồng người Việt nói chung và người Chăm nói riêng phải ý thức đưa vấn đề ra tranh luận, và vì đây là vấn đề trọng đại mà chúng ta không chỉ phân tích hời hợt hay bàn luận suông, nhưng phải thực lòng cùng nhau lên tiếng gởi kiến nghị yêu cầu nhà nước Cộng sản Việt Nam chấm dứt ngay chủ trương vô cùng nguy hại này. Thảm họa Fukushima ở Nhật Bản đã chứng minh cho chúng ta thấy công nghệ điện hạt nhân không giống như công nghệ thuỷ điện, vì mức độ nguy hiểm của nó vượt sức tưởng tượng của con người. Thế nên, chúng ta không thể tin tưởng và phó thác công việc bảo quản lò điện cho chính quyền, chúng ta cũng không nên tin tưởng vào việc bảo trì từ các nhân viên kỹ thuật Việt Nam, và chúng ta cũng không nên cho đây là dự án sẽ mang phúc lợi cho nhân dân.

Sau đây là vài hình ảnh cho thấy sự hiểm nghèo nghiêm trọng về ảnh hưởng chất phóng xạ hạt nhân đối với con người:

 hat-nhan

tchernobyl001

(Nguồn tư liệu : Anakhan Champa, ngày 15-4-2011)


Bài liên quan :

Vấn đề người Chăm đòi lại đất đai
Ðâu là quyền sở hữu đất đai của dân tộc bản địa?
Thỉnh nguyện thư về đất đai người Chăm
Phan Cao Sơn kết tội dân tộc Chăm muốn đòi đất đai Champa

Từ lò điện nguyên tử hạt nhân đến quặng mỏ Bauxit
Có nên tái lập lại qui chế dân tộc bản địa Champa tại Việt Nam?
Số phận hẩm hiu của dân tộc Chăm hôm nay
Thư kháng nghị về nhà máy hạt nhân tại vùng Chăm
Thư cho Thủ Tướng VN về đất đai và lò hạt nhân ở vùng Chăm