Trả lời độc giả : Sự khác biệt giữa Kalan, Bimong, Danaok Print
Written by BBT Champaka.info   
Monday, 08 July 2013 06:28
10

Nhân đọc câu trên cổng « Kalan Po Ina Nagar Mabek » làng Qui Chánh, gần đền Po Rome, một số độc giả Chăm trong nước nêu ra thắc mắc tại sao đền này không gọi là « Bimong Po Ina Nagar Mabek ». Thế thì có sự khác biệt hay không giữa Kalan, Bimong và Danaok. Thêm vào đó, độc giả cũng muốn biết ý nghĩa chính xác của « Ganuer Mantri » nằm trên đền tháp Champa. Đây là câu trả lời của BBT Champaka.info.

 

 

Kalan-Bimong

 

Kalan-Bimong là thuật ngữ mà người Chăm không ngừng xử dụng trong văn chương hay trong các cuộc đối thoại hàng ngày, nhưng dân tộc Chăm hôm nay không giải thích được thế nào là sự khác biệt giữa Kalan và Bimong.

 

1). Kalan-bimong, thuật ngữ văn chương

 

Trong văn chương Chăm, Kalan-Bimong hay Bimong ám chỉ chung cho tất cả đền tháp Champa dù lớn hay nhỏ và không phân biệt vật liệu xây cất của nó. Đây là thí dụ trong tác phẩm Ariya Nai Mai Mang Makah (nàng công chúa đến từ Makah) mà Inrasara gọi la Ariya Bani Cam viết vào cuối thế kỷ thứ XVII :

 

Limân tel Bal Hanguw,

Bal siam matuaw, mathrum ta-mbang car cek,, (câu 86)

Voi đến Bal Hanguw

Thủ đô thịnh vượng với núi rừng rậm rạp cây cối

 

Bimong kalan Po glaong hareh,

Ina girai mah, ina girut kasuan,, (câu 87)

Đền tháp của Ngài cao vời vợi

Chạm trổ những con rồng và chim thần trám màu đồng thau

 

2). Kalan-Bimong, thuật ngữ kiến trúc

 

Trong ngành kiến trúc của vương quốc Champa, Kalan và Bimong là hai cụm từ có hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

 

• Kalan ám chỉ cho tháp chính nằm trong một quần thể của đền tháp, thường xây bằng gạch, có nhiều từng, chỉ có một cửa ra vào duy nhất và không bao giờ có cửa sổ. Trong Kalan, người ta thường thờ Linga (Dương Vật) biểu tượng cho nam thần hay nữ thần Champa. Sau khi hoàn tất xây dựng Kalan, người ta thường chất củi bên trong để đốt như lò gạch hầu làm các khối gạch chưa nung bên trong chín lên thành một khối chắc nịt.

 

Độc giả nên lấy quần thể Po Klaong Garai làm thí dụ để phân biệt đâu là Kalan, Bimong và Danaok. Tại quần thể này gồm có :

–  Một « Kalan » nằm chính giữa, với phong cách kiến trúc đồ sộ bằng gạch và chỉ có một cửa ra vào duy nhất

– Hai « Bimong », tức là đền nhỏ hơn, nằm về phía đông và phía nam của Kalan

– Một « Danaok » nằm sau Kalan về phía tây

 

po klaong garai 1
Kalan và Bimong trên quần thể Po Klaong Garai
kalan

Đây là Kalan Po Klaong Garai. Đền có kiến trúc đồ sộ

chỉ có một cửa ra vào và không có cửa sổ, bên trong

thờ thần chính là vua Chế Mân, sau này là thần Po Klaong Garai.

Linga biểu tượng cho vua Chế Mân vẫn còn hiện hữu trong

tháp, nhưng người Chăm không thờ phượng nữa 

  

• Bimong  là thuật ngữ ám chỉ cho đền tháp xây bằng gạch hay bằng vật liệu nhẹ (như gổ, gạch, vôi), có nhiều cửa ra vào hay một cửa ra vào nhưng có cửa sổ. Bimong có thể là nơi thờ phương một số thần linh Champa và cũng là nơi dùng để an nghĩ, chứa đồ vật nghi lễ, v.v.

 

bi mong
Đây là Bimong trên quần thể Po Klaong Garai, vì có hai cửa ra vào
po klaong mah nai
Bimong Po Klaong Mah Nai, Phan Rí



Danaok

 

Danaok, phát xuất từ gốc từ « doak » (ngồi) có nghĩa là « nơi, chổ ở ». Trong thuật ngữ kiến trúc, Danaok ám chỉ cho cái miếu thường xây cất với vật liệu nhẹ, đơn sơ trong đó người ta thường thờ thân linh hay chứa đồ vật của thần linh.

 

danaok mabek
Đây là Danaok Po Ina Nagar Mabek, vì phong cách kiến trúc rất sơ sài

 

 Ganuer Mantri

 

Ganuer Mantri có hai nghĩa trong văn chương Chăm, phát xuất từ : Ganuer « chủ, người đứng đầu» và Mantri (Phạn ngữ) ám chỉ « Bộ Trưởng » 

 

• Trong văn chương Chăm, Ganuer Mantri thường ám chỉ cho Bộ Trưởng hay nhân vật quan trọng trong chính quyền.

• Trong thuật ngữ kiến trúc Champa, Ganuer Mantri không phải là tên gọi thần Shiva như người Chăm thường hiểu lầm, mà là tên gọi cái khung bằng đá hay bằng gạch giống như lá bồ đề nằm trên đỉnh của cửa ra vào hay trên khung cửa giả của đền tháp.

 

Trên khung Ganuer Mantri, người ta thường gắn một hình tượng của thần linh được thờ phượng trong Kalan của quần thể này, không nhất thiết là thần Shiva. Thí dụ cụ thể, Ganuer Mantri trên tháp Po Klaong Garai (Phan Rang) có hình tượng Shiva, nhưng Ganuer Mantri trên tháp Yang Mun (Cheo Reo) có hình tượng thần Visnu.

 

ganuer mantri
Ganuer Mantri tháp Po Klaong Garai: Gắn tượng nam thần Shiva

 

Kalan Po Ina Nagar Mabek

 

Po Ina Nagar Mabek không phải là đền để thờ mẹ của vua Po Rome như Ts. Quảng Đại Cẩn tự suy đoán, mà là cái đền tại làng Mabek (Qui Chánh) để thờ Po Ina Nagar tức là thánh mẫu Champa. Mabek ở đây không phải là tên gọi của nhân vật, mà là chữ viết tắt của Hamu Bek thường xuất hiện trong tài liệu hoàng gia Champa. Thay vì viết rỏ ràng hơn Palei Hamu Bek, người Chăm hôm nay viết thành Palei Mabek.

 

Nhìn quan cách kiến trúc, đền Po Ina Nagar Mabek chỉ xếp vào thể loại Danaok, chưa phải là Bimong và cũng không thể gọi là Kalan được. Vì rằng, đền này chỉ là một cái miếu đơn sơ, không vách tường và cửa ra vào.

 

mabek

Trên cổng ghi: Kalan Po Ina Nagar Mabek

Đây không phải là Kalan mà chỉ là Bimong hay Danaok thì đúng hơn

 

Cũng vì không nắm vững những thuật ngữ kiến trúc Champa thành ra ban tổ chức biến "Danaok"  hay "Bimong" Po Ina Nagar Mabek  thành Kalan Po Ina Nagar Mabek. Đây là sai lầm mà dân tộc Chăm cần điều chỉnh lại cho đúng ý nghĩa của Kalan trong ngôn ngữ chữ viết Chăm.