Hồi chuông báo động về nghệ thuật ca múa nhạc Chăm Print
Written by BBT Champaka.info   
Saturday, 15 June 2013 07:02
10

Dân tộc Chăm là cộng đồng tộc người có nền văn tự và văn minh lâu đời. Sau ngày Champa bị xóa bỏ trên bản đồ vào năm 1832, người Chăm trở thành công dân Việt Nam nhưng hưởng qui chế tự trị do vua Thiệu Trị ban hành vào năm 1841 và được lưu hành cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa.

 

 

Nói đến dân tộc Chăm, người ta không thể bỏ qua vấn đề ngôn ngữ chữ viết và nghệ thuật « ca múa nhạc », tức là hai yếu tố biểu tượng cho bản sắc riêng biệt của dân tộc này. Đây là hai di sản phi vật thể gắn liền với thế giới tâm linh và ăn sâu vào đời sống hàng ngày của họ. Tiếc rằng sự thay đổi màu cờ chính trị vào năm 1975 đã đưa ngôn ngữ chữ viết và nghệ thuật ca múa nhạc Chăm vào con đường thoái hóa mà không ai có thể đoán được thế nào là định mệnh của nó trong thế kỷ thứ 21 này.

 

Thực trạng ca múa nhạc Chăm sau 1975

 

Nạn nhân đầu tiên của biến cố 1975 là chính sách cải biến chữ Chăm truyền thống của Ban Biên Soạn, cơ quan của nhà nước trực thuộc Bộ Giáo Dục Việt Nam, đã gây ra bao chiến trường vô bổ trong xã hội sau ngày hội thảo Kuala Lumpur vào năm 2006. Nạn nhân tiếp theo là nghệ thuật ca múa nhạc Chăm đã trở thành công cụ cho sân khấu kịch trường mà một số nghệ nhân Chăm hay các tay đạo diễn người Kinh thường hay khai thác, chế biến theo quan điểm riêng tư của từng tác giả hầu mua vui cho quần chúng.

 

shiva
Từ ngày sinh ra từ lòng mẹ, dân tộc Chăm chưa từng thấy điệu múa khiêu dâm lão thể này

 

Nhìn qua các màng văn nghệ ca múa nhạc Chăm sau năm 1975, người ta có cảm giác rằng đây là nghệ thuật ca múa lai căng mất gốc, nữa Việt nữa Tàu, từ tiết tấu của điệu múa, màu sắc trang phục cho đến âm hưởng của âm nhạc và phong cách sử dụng nhạc cụ. Bên cạnh đó, văn nghệ ca múa nhạc Chăm còn là sản phẩm văn hóa mang đậm màu cờ chính trị của xã hội chủ nghĩa do Sở Văn Hóa tại địa phương điều hành và xuất bản. Đoàn văn nghệ Chăm trong nước hầu hết tập trung những nghệ nhân, không học qua trường lớp nghệ thuật, không cần biết thế nào là bản sắc dân tộc và yếu tố cơ bản của nền văn hóa Chăm, chỉ thi hành theo chỉ thị của Sở Văn Hóa do người Kinh chỉ đạo. Kể từ đó, « ca múa nhạc » Chăm trở thành công cụ nhằm vui cho quần chúng đại trà chứ không phải nghệ thuật truyền thống trong nghĩa rộng của nó. Múa Shiva do Đặng Hùng chế biến là một thí dụ điển hình. Đây là màn vũ khiêu dâm, trần truồng lõa thễ như mấy cô « gái mại dâm » nhưng nhà nước Việt Nam biến thành màng vũ dân tộc Chăm để trình diễn trước thần linh Champa trên đền tháp và quản bá trên đài tuyền hình quốc gia, lôi kéo cả đội ngũ văn nghệ Chăm trong nước và hội đoàn Chăm tại hải ngoại như Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa bắt chước làm theo. Vũ múa Maduen (thầy đánh trống Baranâng) trong lễ tục Rija cũng không thoát ra khỏi nạn suy thoái cổ truyền. Đội ngũ văn nghệ Chăm không ngừng biến điệu múa Maduen thành màng vũ khôi hài, có phong cách nhảy múa giống như bày « khỉ vượn » không liên hệ gì với vũ Maduen truyền thống của dân tộc này. Các bài dân ca Chăm thường hay pha trộn với âm điệu văn hóa người Kinh, để rồi thính giả Chăm có cảm giác họ đang nghe tiết tấu âm vang nhạc Việt thì đúng hơn. Hay nói một cách khác, nghệ thuật ca múa nhạc của dân tộc Chăm hôm nay trở thành nạn nhân của một số nghệ nhân Chăm và đạo diễn người Kinh, nhân danh thời trang và sự tiến bộ của khoa học, tìm cách khai thác ca múa Chăm thành công cụ phục vụ cho sự mua vui hơn là trình bày những hương hoa nằm trong di sản văn hóa này.

 

nhac co truyen

Đây là ban nhạc truyền thống của dân tộc Chăm

yuen che bien

Đây là điệu múa Maduen chế biến nữa Việt nữa Tàu

không liên hệ gỉ với nghệ thuật Chăm

 

Đối với dân tộc Chăm, « nghệ thuật ca múa nhạc » không phải là văn nghệ mua vui, mà là di sản tinh thần gắn liền với đời sống tâm linh của họ. Kể từ đó, nghệ thuật ca múa nhạc Chăm phải gắn liền với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc này, từ lời ca, điệu múa cho đến cách sử dụng nhạc cụ và vị trí của nó. Đây không phải là bản sắc riêng của dân tộc Chăm mà là bản sắc chung của tất cả dân tộc chịu ảnh hưởng của Ấn Giáo trong khu vực Đông Nam Á. Tại một số quốc gia có nguồn gốc văn hóa chung với người Chăm, như Indonesia, Mã Lai, v.v., không ai giám đưa trống Baranâng lên sân khấu vừa đánh vừa múa như « khỉ vượn » hay mặc trang phục khiêu dâm lão thể trong tác phẩm múa Shiva mà người ta thường thấy trên sân khấu kịch trường tại Việt Nam hôm nay.

 

Tại các quốc gia có chủ quyền trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, v.v. « ca múa nhạc » là một nghệ thuật. Khi nói đến nghệ thật thì người ta không thể bỏ qua yếu tố « năng cao nghệ thuật ». Nhưng « năng cao nghệ thuật » không có nghĩa là chế biến động tác để mua vui cho quần chúng, mà là công tác nghiên cứu, tìm tòi, khám phá những tinh hoa nằm trong yếu tố của nghệ thuật do cha ông để lại, từ tiết tấu âm nhạc, phong cách cử động cho đến màu sắc áo quần, để hình thành một tác phẩm nghệ thuật mới, có nền thẩm mỹ cao hơn, đẹp và dịu dàng hơn, nhưng nội dung không đi ngược lại với bản sắc nghệ thuật của dân tộc này. Chính đó là trọng tâm của vấn đề nghệ thuật mà một số người Chăm và đạo diển người Kinh phải tuyệt đối tôn trọng.

 

 

Hồi chuông báo động về nghệ thuật ca múa nhạc Chăm

vào tháng 6-2013

 

Trước thực trạng nghệ thuật ca múa nhạc Chăm đang lâm vào con đường thoái hóa, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm (viết tắt là Unesco-Chăm) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca múa nhạc Chăm trong quá trình hội nhập hiện nay" vào ngày 08 tháng 06 năm 2013, tại Nhà khách Chính phủ, tập trung tất cả 80 đại biểu tham dự đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các sở, ban ngành, các hội văn hóa-nghệ thuật, báo đài và một số chức sắc, nhân sĩ Chăm ở Việt Nam và nước ngoài.

 

gulpataom
Hội thảo « ca múa nhạc » do Unesco-Chăm tổ chức (Ph. Gulpataom).

 

Từ những góc độ tiếp cận khác nhau, Hội Thảo do Unesco-Chăm tổ chức đã nêu ra một số vấn đề nổi cộm như sau:

 

• Dân ca Chăm đang đi vào bối cảnh suy tàn

 

Nhiều đại biểu cho rằng, sáng tác dân ca Chăm hiện nay đang trống vắng trong khi đó sáng tác nhạc Việt dựa trên hơi thở dân ca Chăm càng ngày càng tăng trưởng và nhữg bài hát này không để lại ấn tượng sâu trong lòng khán giả Chăm như bài Bhum Adei của cố nhạc sĩ Đàng Năng Quạ, bài Hajan Balan Ua của cố nhạc sĩ Tantu, v.v.

 

Các bài thuần hát bằn tiếng Chăm đang thưa vắng. Có một số bài sáng tác lời Chăm nhưng ca từ có vấn đề, viết và phát âm tiếng Chăm không chuẩn, dựa trên qui luật "nói sao viết vậy" nên ca từ không rõ ràng, hát không rõ lời, rõ ý, hát lơ lớ (phát âm không tròn vành rõ tiếng) nên mất đi hồn của bài hát.

                       

• Hiểu sai lầm về quan điểm « nâng cao nghệ thuật »

 

Nhiều ý kiến cho rằng, nâng cao, cải biên nghệ thuật truyền thống là cần thiết nhưng các nghệ sĩ nên lưu ý yếu tố văn hóa, tâm linh của dân tộc Chăm. Bởi vì nghệ thuật Chăm luôn gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, vì vậy nó rất linh thiêng, mang tính nhạy cảm.

 

Hai tác phẩm múa liên quan đến tín ngưỡng Chăm được đưa ra thảo luận tại hội thảo này, đó là múa Shiva và Múa thầy Maduen với chiếc trống Baranâng Chăm. Nhất là tác phẩm múa Shiva trên sân khấu cần phải chú ý hơn trong cách múa, trang phục, v.v. Múa thầy Maduen cũng vậy, không bắt thầy Maduen leo trèo, đu quay nhau quá mức trên sân khấu. Trống Baranâng cũng là nhạc cụ linh thiêng, nên khi sử dụng làm đạo cụ múa các nghệ sĩ, biên đạo múa nên lưu ý.

 

• Phát triển nghệ thuật cần trải qua các khóa đào tạo

 

Đa số đại biểu Chăm đang suy nghĩ lo âu về nghệ thuật ca múa truyền thống Chăm đang bị cải biên và sẽ bị phai nhạt dần và cuối cùng sẽ biến mất trong quá trình hội nhập nếu chúng ta không có giải pháp tốt.

 

Đề nghị Đảng - Nhà nước, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, các Nhạc viện, Trường đại học nên đưa nghệ thuật biểu diễn Chăm vào chương trình đào tạo; chú ý tuyển chọn, đào tạo những con em Chăm có năng khiếu để họ có đủ tri thức để bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật biểu diễn phù hợp với dân tộc Chăm trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

 

• Nhằm lẫn giữa nghệ thuật sáng tạo và nghệ thuật cổ truyền Chăm

 

Đây là vấn đề mà hội thảo tranh luận sôi nổi giữa vấn đề lý luận và thực tiễn; vấn đề bảo tồn và phát triển; vấn đề truyền thống và hiện đại; vấn đề văn hóa và văn nghệ.

 

Khi phân tích, mổ xẻ vấn đề trên ra, các đại biểu cho thấy: Nếu cứ khư khư bảo tồn thì nghệ thuật truyền thống Chăm không phát triển. Và nếu cứ cải biên nâng cao một cách thái quá thì sẽ làm yếu tố nghệ thuật truyền thống Chăm bị phai nhạt, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Chăm.

 

Ở đây cũng nên lưu ý một điều, phát triển không nhất thiết phải sáng tạo ra cái mới, nâng cao, cải biên mà phát triển nâng cao còn có cách khác, đầu tư nhiều thời gian, kinh phí để các nghệ nhân, diễn viên luyện tập, tập đi tập lại những tác phẩm truyền thống sao cho đạt đến độ điêu luyện và chuẩn xác, đây cũng là cách phát triển hay.

 

Cuối cùng những đại biểu cũng đi đến thống nhất chung: Bảo tồn và phát triển phải đi đôi. Tác phẩm nào bảo tồn phải diễn đúng như tác phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm vốn có, bỏ nhiều thời gian, kinh phí để nghệ nhân, diễn viên luyện tập một cách điêu luyện và chuẩn xác.

 

Tác phẩm nào cải biên phải nói rõ là cải biên, trong cải biên nên lưu ý đến yếu tố tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Chăm. Đừng để qua sân khấu hóa, vì cơ chế thị trường mà làm thui dột nghệ thuật biểu diễn Chăm, làm cho khán giá, đồng bào hiểu sai về nghệ thuật truyền thống Chăm thay vì phải giới thiệu những cái đúng, cái hay, cái đẹp.

 

*

Hội thảo với chủ đề: "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca múa nhạc Chăm trong quá trình hội nhập hiện nay" do Unesco-Chăm là tiếng chuông báo động về « ca múa nhạc Chăm » đang đi vào con đường thoái hóa. Đây cũng là thông điệp gởi đến toàn thể dân tộc Chăm cần phải ý thức và phân biệt rỏ ràng giữa « văn nghệ sáng tác » nhằm mua vui cho quần chúng và «  ca múa nhạc » mang tính cách truyền thống để hướng dẫn quần chúng khai phá những tinh hoa trong nghệ thuật ca hát của dân tộc Chăm hôm nay.

           

• Xin bấm vào đây để xem

Thông báo kết quả hội thảo của Unesco-Chăm :

http://www.chamunesco.com/index.php?option=com_content&view=article&id=234:thong-bao-ket-qua-hoi-thao&catid=44:tin-cong-dong&Itemid=18

 

• Bài có liên quan

Hội thảo nghệ thuật ca múa nhạc Chăm-Từ một góc nhìn

http://gulpataom.com/2013/06/10/hoi-thao-nghe-thuat-ca-mua-nhac-cham-tu-mot-goc-nhin/