Trí thức Chăm đối với di sản văn hóa của một dân tộc Print
Written by Musa Porome   
Sunday, 18 March 2012 04:30
porome 4
Musa Porome

Sau 8 thế kỷ đắm chìm trong bao chiến tranh tang tóc do cuộc Nam Tiến gây ra, lịch sử chỉ để lại cho dân tộc Champa hôm nay một chuổi đền đài hoang phế nằm ngỗn ngang ở miền Trung, một di sản văn hóa đang trên đà thái hóa mạnh mà không ai có thể tiên đoán sự sống còn của nó còn có thể kéo dài được bao lâu trong thế kỷ thứ 21 này.

Chính vì thế, vai trò và trách nhiệm hàng đầu của trí thức Chăm hôm nay là góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa, có nghĩa là bảo vệ và gìn giữ lại tất cả những giá trị truyền thống của nó, dù đó là văn hóa vật chất hay phi vật chất, để nó không bị mục nát và hủy hoại theo thời gian.

Văn hóa phi vật chất Champa bao gồm các phong tục tập quán, lễ nghi, văn chương, nhạc vũ, ngôn ngữ chữ viết... v.v. Sau năm 1975, vì thời thế biến đổi, văn hóa phi vật chất của dân tộc Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đang lâm vào tình trạng thái hóa. Sự thái hóa nguy hiểm nhất là di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm bị cải biến và hệ thống hóa một cách phi khoa học để rồi hôm nay dân tộc Chăm cùng chung một tiếng nói nhưng có hai chữ viết khác nhau. Ðiều đáng buồn, là sự sụp đổ của hệ thống ngôn ngữ chữ viết này không phát xuất từ nhân tố bên ngoài mà là do một số người Chăm đã không cần biết thế nào là nghĩa vụ của mình đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa của một dân tộc. Ðây là trọng tâm của đề tài mà tôi muốn đưa ra bàn bạc ở đây.Văn hóa vật chất của vương quốc Champa tập trung các công trình kiến trúc và điêu khắc những đền đài, cung điện, bia đá, mương đập... v.v. mà ngày nay hội đồng UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã công nhận một vài di tích như là di sản văn hóa của nhân loại nên cần phải được bảo tồn một cách nghiêm chỉnh.

 

Nguyên nhân của sự khủng hoảng

Ngôn ngữ chữ viết là phương tiện giao lưu giữa những thành viên cùng chung một nguồn gốc lịch sử và nền văn minh, là biểu tượng cho nét đặc trưng của một tộc người và được xem như là di sản văn hóa thiêng liêng của một dân tộc nên nó cần phải được bảo tồn một cách nghiêm túc.

Năm 1978 đánh dấu cho sự khủng hoảng ngôn ngữ chữ viết Chăm phát xuất từ ngày ra đời của Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm (BBSSCC) do nhà nước Việt Nam thành lập, tập trung một số giáo viên cấp trung học và tiểu học có trách nhiệm biên soạn sách giáo trình giảng dạy chữ Chăm để đưa vào trường lớp dành cho con em Chăm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, và năm 2008 là ngày kỷ niệm 30 năm của cơ quan này. Nhân tiện đây, tôi xin mượn diễn đàn này gởi đến toàn thể quí vị trong BBSSCC lời chúc tốt đẹp nhất và sau đó xin gửi lời thành kính đến nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ cho chương trình phát triển và làm sống lại ngôn ngữ chữ viết Chăm trong một quốc gia đa văn hóa và đa chủng tộc.

Sau 30 năm sinh hoạt, không ai chối từ công lao của toàn thể anh chị em trong BBSSCC đã làm sống lại ngôn ngữ chữ viết Chăm qua việc soạn thảo và xuất bản các giáo trình giảng dạy. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo này BBSSCC đã đưa ra các phương án chỉnh lí cũng như cải tiến hệ thống ngôn ngữ chữ viết Chăm. Trong khi vấn đề chính yếu của BBSSCC không phải là công tác chỉnh lý, cải tiến, hệ thống hóa chữ Chăm mà mục tiêu là bảo tồn giá trị truyền thống ngôn ngữ chữ viết này. Ðây là vấn đề vô cùng quan trọng mà mỗi người Chăm chúng ta, nhất là giới trí thức cần phải chọn một lập trường rõ rệt.

Sau một thời gian theo dõi những bài viết đăng trên nhiều diễn đàn liên quan đến vấn đề BBSSCC đã chỉnh lý Akhar Thrah Chăm, tức là chữ viết phổ thông mà các bậc tu sĩ, bô lão và trí thức Chăm đang sử dụng hôm nay, tôi nhận thấy một số bài viết thường mang tính chất độc đoán và thiển cận chỉ nhằm bảo vệ cho phe nhóm hơn là tinh thần xây dựng chung cho mục đích bảo tồn di sản ngôn ngữ chữ viết của dân tộc.

Trước hiện tượng thái hóa này, là một công dân Champa vong quốc, thiết nghĩ tôi có bổn phận góp phần vào công tác nhận định để đi tìm nguồn gốc đâu là vấn đề nan giải của Akhar Thrah Chăm sau ngày ra đời của BBSSCC vào năm 1978 mà nhiều người Chăm đang tranh cải hôm nay. Bài nhận định của tôi sau đây không nhằm mục tiêu bàn về qui luật ngôn ngữ chữ viết Chăm vì tôi không phải là nhà ngôn ngữ học và cũng không phải là chuyên gia về chữ Chăm, nhưng chỉ muốn đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc thế nào là vai trò và trách nhiệm của trí thức Chăm trong công tác bảo tồn di sản văn hóa Champa nói chung và ngôn ngữ chữ viết Chăm nói riêng.

 

1). Dân tộc Chăm chỉ có một chữ viết mà thôi

Trước khi đi vào vấn đề, chúng ta cần định nghĩa lại một cách chính xác về vai trò và nghĩa vụ của BBSSCC. Nếu tôi không lầm, BBSSCC đã được nhà nước Việt Nam tin tưởng giao trách nhiệm để biên soạn sách giáo trình chữ viết Chăm. Theo tôi, nội dung của sách giáo trình phải là công tác truyền bá Akhar Thrah Chăm truyền thống trong các trường lớp, dù chữ viết này chứa đựng quá nhiều trường hợp bất qui tắc, khó học đến đâu đi nữa. Mục tiêu dạy chữ Chăm là nhằm giúp con em Chăm đọc được chữ Chăm truyền thống mà cha mẹ của họ đang sử dụng. Chính đó mới là trách nhiệm bảo tồn di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm. Tiếc rằng, BBSSCC lại tự tiện cải biến, chỉnh lý và hệ thống hóa "lung tung beng" Akhar Thrah Chăm truyền thống.

Ðể trả lời cho nguyên nhân thoái hóa di sản văn hóa của dân tộc, Harak Champaka số 28 ra mắt ngày 20-7-08 lên tiếng chỉ trích mãnh liệt vụ việc BBSSCC đã hiêng ngang tự ý chỉnh lý chữ viết truyền thống Chăm mà bất cần sự đồng thuận của nhân dân Chăm trong và ngoài nước. Theo Harak Champaka, cuộc chỉnh lý này đã đưa Akhar Thrah Chăm vào hố thẳm mà không ai tiên đoán được hậu quả của nó. Vì rằng, cộng đồng người Chăm hôm nay cùng chung một tiếng nói, nhưng lại có hai chữ viết khác nhau: Akhar Thrah Chăm truyền thống mà dân tộc Chăm ở Việt Nam và Campuchia đang sử dụng và Akhar Thrah Chăm cải biến hay gọi là chữ chỉnh lý của BBSSCC dùng để giảng dạy trong trường lớp.

Trong ngày kỷ niệm 30 năm của BBSSCC tổ chức vào ngày 25-7-2008, thay vì đề nghị với chính quyền Việt Nam một số giải pháp nhằm thống nhất Akhar Thrah Chăm, các vị lãnh đạo trong BBSSCC lại hô hào rằng dân tộc Chăm hôm nay có hai chữ viết: Chữ Chăm xưa và chữ Chăm nay. BBSSCC đã cho rằng "chữ Chăm xưa" tức là Akhar Thrah Chăm truyền thống lưu truyền từ thời Po Romé quá cổ điển khó học nên phải loại bỏ đi. Ngược lại, "chữ Chăm nay" là chữ Chăm cải biến của BBSSCC dễ học cần phải duy trì và phổ biến trong trường lớp. Ðây là quan điểm vô trách nhiệm đối với di sản văn hóa truyền thống Champa.

Ai cũng biết, trước năm 1975, dân tộc Chăm chỉ có một chữ viết đó là Akhar Thrah Chăm truyền thống. Tại sao sau năm 1975, BBSSCC lại tự tiện loại bỏ Akhar Thrah truyền thống này để chế tạo thêm một chữ viết nữa gọi là "chữ Chăm nay" Ðây là trọng tâm của vấn đề mà tôi muốn nêu ra. Vì rằng đã có hai hội thảo khoa học tổ chức tại Osaka, và Kuala Lumpur lên tiếng phản đối sự “chỉnh lý” này, và sau cùng là Ðại Hội Champa 2007 tại Hoa Kỳ cũng có lên tiếng trong kiến nghị yêu cầu nhà nước Việt Nam phải tìm mọi giải pháp để thống nhất Akhar Thrah Chăm.

Nếu tôi không lầm, Harak Champaka số 28 không đả phá công lao của BBSSCC mà chỉ nêu ra hai vấn đề:

• Akhar Thrah Chăm, cũng như tiếng Việt, Anh, Pháp, Mã Lai, v.v. có nhiều trường hợp bất quy tắc, viết như nhau nhưng lại đọc khác nhau. Thành vậy, người học phải chấp nhận học thuộc lòng những trường hợp bất qui tắc này, vì đây là di sản chữ viết của một dân tộc, không ai có quyền sửa đổi cải biến theo quan điểm thiển cận và riêng tư của mình.

•  Akhar Thrah Chăm, cũng như tiếng Việt, Mã Lai.... v.v. nói sao cũng được, nhưng viết thì phải viết đúng chính tả đã qui định.

Ðể giải quyết những trường hợp bất qui tắc "viết như nhau nhưng lại đọc khác nhau", Harak Champaka 28 cho rằng BBSSCC tự tiện chế tạo ra 4 ký hiệu sai lầm để biến chữ Chăm không còn bất qui tắt nữa, nên sự ra đời của 4 ký hiệu này đã làm đảo lộn cả một hệ thống chữ viết Chăm. Bốn sai lầm đó là:

- BBSSCC chế tạo chữ Chăm có paoh gak, tức là phụ âm ga ở cuối từ. Các nhà khoa học cho rằng đây là sự bịa đặt phi lý, vì chữ Chăm không bao giờ có paoh gak (gak matai).

- BBSSCC bỏ dar tha trong ký hiệu craoh aw. Các nhà khoa học cho rằng đây là cuộc chỉnh lý mang tính vô trách nhịêm, vì chữ Chăm, craoh aw luôn luôn phải có dar tha.

- BBSSCC thêm baluw trên ký hiệu dar tha dar dua. Các nhà khoa học cho là hoàn toàn không đúng và không thể có. Vì trong qui luật chữ Chăm, ký hiệu dar tha dar dua không bao giờ có baluw.

- BBSSCC chủ trương "nói sao viết vậy". Các nhà khoa học đánh giá BBSSCC không biết gì về qui luật ngôn ngữ giữa "tiếng nói" và "chữ viết" do bởi nói sao cũng được, nhưng khi viết thì phải viết đúng theo qui luật chính tả.

Ðó là nội dung chính yếu của Harak Champaka số 28. Ngay trong ngày hội thảo về Ngôn Ngữ Chữ Viết Chăm tại Kuala Lumpur 2006, các nhà lãnh đạo BBSSCC cũng đã công nhận 4 sai lầm này nên đã hứa sẽ điều chỉnh lại và ký vào biên bản của hội thảo. Như thế, mục tiêu của Harak Champaka số 28 đã không đã phá BBSSCC mà là yêu cầu BBSSCC phải nên chỉnh lý lại 4 sai lầm này để thống nhất Akhar Thrah Chăm Vấn đề chỉ có thế thôi.

 

2). Phe nhóm chống phá di sản văn hóa Chăm

Theo tôi, bảo tồn Akhar Thrah Chăm truyền thống mà dân tộc Chăm ở Việt Nam và Campuchia đang sử dụng hôm nay cũng là nghĩa vụ của BBSSCC trong công tác tổng thể của sự bảo tồn di sản văn hóa. Tiếc rằng cơ quan này không chấp nhận sửa đổi 4 sai lầm mà còn lôi kéo thêm một bè nhóm nhằm bảo vệ một cách mù quáng chữ viết “chỉnh lý” của BBSSCC. Bằng chứng cụ thể gần đây nhất sau ngày ra mắt Harak Champaka số 28 (20-7-2008), ông Quảng Ðại Cẩn viết bài phản đối quan điểm của tờ báo này do nhóm Damdrachampa ở hải ngoại chuyển đến bà con Chăm qua hệ thống email. Tiếp theo là ông Thành Ðài đã vội vã dùng diễn đàn email để ngợi khen bài viết của Quảng Ðại Cẩn mà bất cần suy nghĩ đến việc làm của BBSSCC có hợp tình hợp lý hay không trong công tác bảo tồn di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm mà tôi vừa định nghĩa ở phần trên.

Trong bài viết của ông Quảng Ðại Cẩn trả lời cho Harak Champaka 28, mang tựa đề "Khái quát về sự chỉnh lý chữ Chăm Akhar Thrah của BBSSCC", tôi cứ tưởng rằng ông ta sẽ đưa ra bằng chứng cụ thể nhằm chứng minh rằng sự chỉnh lý chữ Chăm của BBSSCC là hợp lý vì cơ quan này dựa vào văn bản Akhar Thrah Chăm lưu truyền từ thời Po Romé cho đến hôm nay như tư liệu hoàng gia Champa hay là các tác phẩm văn học viết bằng chữ Chăm truyền thống mà Harak Chanpaka đã nêu ra. Tiếc rằng, trong bài viết này, Quảng Ðại Cẩn chỉ đưa ra nhiều chứng cớ quanh co, dài dòng nhằm biện minh cho lập luận của mình, để rồi không ai hiểu nổi ông ta muốn gì. Nếu tôi không lầm, bài viết của Quảng Ðại Cẩn chỉ chứa đựng nội dung chính yếu:

Quảng Ðại Cẩn cho rằng, chữ viết Chăm có nhiều trường hợp bất qui tắc, viết như nhau nhưng lại đọc khác nhau, như trường hợp palei caok, gem caok, gem caok (người thôn Hiếu Lễ vừa khóc vừa bóc) mà Harak Champaka đã đưa ra, làm cho con em Chăm khó nhớ đâm ra chán nãn, vô tình Quảng Ðại Cẩn đồng tình với BBSSCC trong việc cải biến chữ Chăm, xóa bỏ những giá trị qui luật bất qui tắc này. Vì lẽ đó tôi đánh giá Quảng Ðại Cẩn không biết về qui luật cấu trúc chữ viết trên thế giới. Vì rằng, tiếng Việt là bằng chứng cụ thể, cũng có hàng ngàn trường hợp bất qui tắc, nào là dấu hỏi và dấu ngã phải học thuộc lòng, như "đả phá và đã qua", nào là phụ âm C và K là hai ký hiệu khác nhau nhưng phát âm như nhau (thí dụ: cả và kẻ), nào là một chữ viết như nhau (như đồng bào, đồng lòng, đồng ruộng) nhưng nghĩa thì khác nhau, ... v.v. Quảng Ðại Cẩn chắc cũng đã dư biết tiếng Anh cũng có hàng ngàn trường hợp bất qui tắc, nào là cách chia động từ, nào là viết như nhau nhưng lại đọc khác nhau. Tiếng Chăm cũng có trường hợp tương tự như tiếng Anh. Ông còn cho rằng tiếng Anh, Pháp, Việt, v.v. cũng trải qua bao lần chỉnh lý, thế thì tại sao người Chăm không có quyền chỉnh lý Akhar Thrah Chăm Ðây là cách biện luận quá sơ sài vì rằng dù có chỉnh lý đến đâu đi nữa, chữ Anh và Việt, v.v. vẫn còn hàng ngàn trường hợp bất qui tắc. Tôi không phải là chuyên gia về ngôn ngữ học, nhưng tôi biết đọc tiếng Việt và tiếng Anh nên cũng có chút hiểu biết vấn đề này.

Theo tôi biết, Harak Champaka là cơ quan thông tin và nghị luận về lịch sử và nền văn minh Champa, đấu tranh để đem sự thật đến mọi người. Mục tiêu hàng đầu của Harak Champaka là bảo tồn bằng mọi cách những giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Champa; thẳng thắng chỉ trích, phê bình và phản đối bất cứ ai dù họ là người Chăm hay bất cứ tổ chức nào, quốc gia nào không tôn trọng quyền lợi và nguyện vọng chung của dân tộc này. Chính vì thế, Harak Champaka phải có nghĩa vụ phản đối những lỗi lầm của BBSSCC trong vấn đề chỉnh lý chữ viết Chăm để thống nhất lại Akhar Thrah Chăm.

Cũng vì BBSSCC đã làm đảo lộn cả một di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm, thành ra những nhà nghiên cứu phải tốn kém nhiều thời gian, công lao để tổ chức hai đại hội mang tầm vóc quốc tế nhằm đưa ra ánh sáng những sai lầm trong việc chỉnh lý chữ viết Chăm của BBSSCC hầu thống nhứt lại Akhar Thrah và bảo tồn giá trị nguồn gốc ngôn ngữ chữ viết Chăm truyền thống. Ðại hội đầu tiên đã diễn ra tại Osaka, Nhật Bản vào tháng 2 năm 2006. Ðại hội lần thứ hai tại Kuala Lumpur, Mã Lai vào tháng 9 năm 2006, tập trung 15 đại biểu, tương đối đầy đủ các thành phần tiêu biểu trí thức Chăm trong đó có 3 nhà lãnh đạo BBSSCC là Lộ Minh Trại, Nguyễn Văn Tỷ, Thuận Ngọc Liêm. Mục tiêu của hội thảo Kuala Lumpur là cùng nhau góp phần phân tích những gì đã xảy ra trong công trình chỉnh lý chữ viết Chăm của BBSSCC. Kết quả của hội thảo là toàn thể đại biểu, trong đó có ông Nguyễn Văn Tỷ và Lộ Minh Trại đều thừa nhận BBSSCC đã vấp phải 4 lỗi lầm quan trọng trong việc chỉnh lý chữ viết Chăm, nên đã đồng ký tên vào biên bản của hội thảo và hứa hẹn sau khi trở về Việt Nam sẽ chỉnh đốn những sai lầm ấy.

Nhưng khi về đến Việt Nam, BBSSCC lại trở ngược nước cờ, tiếp tục con đường xưa lối cũ, không chấp nhận chỉnh lý những sai lầm trong sách giáo trình của cơ quan này. Thế thì còn đâu là tư cách của giới trí thức Chăm Từ đó, tôi phải đánh giá lại bài viết của Harak Champaka 28 trở nên có ý nghĩa nhằm phản đối một cách mãnh liệt cái bất tín của BBSSCC, đó cũng là đòn chí tử đấm mạnh lên nhóm bạc nhược cầu an tiêu cực không tôn trọng quyền lợi chung của dân tộc Chăm và phản bội công ơn vua chúa Champa đã có công xây dựng di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm.

Hỏi các nhà lãnh đạo BBSSCC có biết rằng hàng trăm ngàn người Chăm sống bên xứ Campuchia hôm nay vẫn còn lưu trữ một số tài liệu sử sách viết bằng Akhar Thrah Chăm và họ vẫn còn tiếp tục giáo dục con cháu của họ đọc được chữ viết Chăm truyền thống này một cách rành mạch.

Cũng cần hỏi thêm BBSSCC có biết rằng dân tộc Chăm đã sử dụng Akhar Thrah từ thời vua Po Romé đến ngày hôm nay vẫn còn hàng ngàn tu sĩ, bô lão và trí thức Chăm sử dụng chữ viết này trong các văn bản và kinh kệ của họ Tại sao BBSSCC không nối gót phương pháp của họ để đưa vào trường lớp nhằm bảo tồn di sản ngôn ngữ chữ viết này, mà lại tự tiện chế biến thêm một loại chữ Chăm mới để làm gì.

Và cũng cần nhắc thêm. Trước năm 1975, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, nhà nước Việt Nam cũng cho phép đưa chương trình giảng dạy Akhar Thrah Chăm truyền thống trong các trường lớp đặt dưới quyền chỉ đạo của ông Thiên Sanh Cảnh, Lưu Quí Tân, Thành Phú Bá. Tại sao con em người Chăm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa học được chữ Chăm truyền thống của họ, nhưng dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa lại phải chỉnh lý Trước biến cố này, BBSSCC có nhậỳn thức được việc chỉnh lý chữ viết Chăm một cách tùy tiện, phản khoa học mà quí vị đề ra đã gây một ảnh hưởng vô cùng tai hại cho con em người Chăm đến mức độ nào và hậu quả việc làm của quí vị sẽ ra sao đối với di sản văn hóa của dân tộc

Trong bài viết Quảng Ðại Cẩn luôn luôn cho rằng công trình chỉnh lý chữ Chăm của BBSSCC có sự đồng thuận của "đồng bào Chăm". Tôi không nghĩ vậy. Có chăng đây chỉ là những người cùng trong phe nhóm của BBSSCC. Nếu tôi không lầm, chỉ có Quảng Ðại Cẩn là người đứng ra biện hộ cho công trình chỉnh lý sai lầm chữ Chăm của BBSSCC nên lúc nào ông cũng cây cú mỗi khi có sự phản ứng từ giới khoa học chuyên ngành chống lại những sai lầm này. Phải chăng Cẩn là một thành viên trong hội đồng chỉnh lý. Ðiều này làm tôi nhớ lại bài viết của ông về lễ hội Katê trong những năm vừa qua. Thay vì đưa ra minh chứng khoa học để giải thích thế nào là ý nghĩa của lễ hội thì Quảng Ðại Cẩn nói quanh co liệt kê hàng loạt các Bà Xứ trong đó có Bà Xứ của dân tộc Campuchia ở Núi Bà Ðen (Châu Ðốc) chẳng liên quan gì đến gốc tích thần thánh Champa. Là người đồng hương và là người bạn, tôi yêu cầu ông Cẩn đừng nên biện hộ cho sự sai lầm mà vô tình bạn trở thành kẻ đốt phá di sản văn hóa dân tộc Chăm.

Trước sự đổi thay của bao biến cố xã hội và chính trị từ năm 1975 mà dân tộc Chăm là nạn nhân của thời cuộc, chúng ta phải chấp nhận vai trò và trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc hơn là hô hào cho sự cải tạo. Nên biết rằng ngày hôm nay chúng ta chỉ là một tập thể tộc người vong quốc, nên vai trò và trách nhiệm hàng đầu của chúng ta là phải kiên trì bảo tồn giá trị ngôn ngữ chữ viết Akhar Thrah nói riêng và tất cả những gì nằm trong hệ thống di sản văn hóa Champa nói chung. Bảo tồn thì phải bảo vệ, lưu trữ và gìn giữ cái đẹp cái nguyên thủy của nó. Ðó mới là việc làm chân chính, bày tỏ lòng biết ơn đến vua chúa và những bậc tiền nhân đã có công xây dựng di sản văn hóa này.

 

3). Nên cứu xét lại mục tiêu của BBSSCC

Nếu BBSSCC nhận tiền lương của nhà nước Việt Nam để dạy con em Chăm học chữ Chăm, thì BBSSCC phải làm thế nào để con em Chăm này trở thành một thế hệ không quên cội nguồn, có cơ hội đọc được những kho tàng văn học mà cha ông chúng ta để lại và những văn bản mà cha mẹ họ đang sử dụng. Chính vì thế, BBSSCC cần nên xét lại công trình chỉnh lý chữ viết Chăm của mình có đúng theo chủ trương bảo tồn di sản văn hóa dân tộc bản địa mà Ðảng và Nhà Nước đã đưa ra hay không.

Dân tộc Chăm sẽ mang ơn BBSSCC, nếu cơ quan này từ bỏ đi chủ thuyết đề cao bản thân và tựỳ mãn cho việc làm sai lầm của mình để chỉnh lý lại 4 lỗi lầm mà các nhà khoa học đã đưa ra để thống nhất lại Akhar Thrah Chăm. Bằng không, BBSSCC vô tình tự đào thải bản thân ra khỏi không gian liên đới của xã hội Chăm, tự chà đạp lên công trình của các vua chúa Champa đã có công xây dựng hệ thống ngôn ngữ chữ viết của chúng ta.

Theo quan điểm của tôi, nếu muốn tiếp tục nhận nguồn tài trợ của nhà nước Việt Nam và sự ủng hộ của đồng bào Chăm cho công trình bảo tồn di sản ngôn ngữ chữ viết của dân tộc. BBSSCC nên nghĩ đến một số yếu tố sau đây:

1. Liêm chính, vô tư, thật thà, đạo đức, tự trọng và tôn trọng lẽ phải.

2. Không được lạm dụng trách nhiệm biên soạn giáo trình chữ Chăm mà nhà nước Việt Nam đã giao phó để tự do chỉnh lý, cải biến Akhar Thrah Chăm, làm đảo lộn cả một hệ thống di sản văn hóa của dân tộc này.

3. Phải tuyệt đối bảo tồn Akhar Thrah Chăm truyền thống mà các bậc tu sĩ, bô lão và trí thức Chăm đang sử dụng hôm nay và phải chấm dứt truyền bá chữ Chăm cải biến của BBSSCC trong các trường lớp.

4. Phải chấp nhận dân tộc Chăm chỉ có một chữ viết đó là Akhar Thrah Chăm truyền thống đã có từ lâu đời.

Nhân dịp này, tôi cũng không quên đề cập đến hai ông Lưu Quang Sang và Thành Phú Bá là hai đại biểu Chăm từ Hoa Kỳ đến dự đại hội Ngôn Ngữ Chữ Viết Chăm tại Kuala Lumpur vào năm 2006. Với tư cách là đại biểu đã đồng ý ký tên trong biên bản, hai ông nên tỏ thái độ rõ rệt nhằm lên tiếng yêu cầu BBSSCC giữ lời hứa và sửa lại những sai lầm, chứ không nên im hơi lặng tiếng trước thực trạng văn hóa dân tộc đang trên đà thoái hóa này. Vì người trí thức Chăm phải làm gương “khuyến thiện trừng ác”, không nên tiếp tục mưu cầu công ích cho riêng bản thân trên sự đau khổ của dân tộc và bao che cho nhóm phản di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm.

Hy vọng Akhar Thrah Chăm sẽ được thống nhất lại trong một ngày gần đây, và trí thức Chăm hôm nay ý thức được vai trò và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 31, ngày12-8-2008)