Giới thiệu tác phẩm: Lịch sử ngôn ngữ và chữ viết Chăm Print
Written by BBT Harak Champaka   
Sunday, 18 March 2012 03:48
bia cd
CD Hội Thảo KL

Tác phẩm Lịch sử ngôn ngữ và chữ viết Chăm là kỉ yếu hội thảo tổ chức vào ngày 21-22 tháng 9 năm 2006 tại Kuala Lumpur do Ecole francaise d'Extrême-Orient & Tokyo University of Foreign Studies xuất bản tại Kuala Lumpur, 2007 dưới dạng CD. Tác phẩm được chia làm 3 phần: Diễn văn khai mạc của Ts. Adi Taha (Tổng Giám Ðốc Cục Bảo Tàng Mã Lai); Lời mở đầu của Pgs. Ts. Po Dharma (Chủ nhiệm chương trình hội thảo) và Bài kỉ yếu, tức là nội dung chính bao gồm các bài tham luận của các tác giả như sau:

 

1. Po Dharma (Pgs. Ts. Trường Viễn Ðông Pháp): «Ngôn ngữ và chữ viết Chăm trong quá trình lịch sử»

 Bài chủ yếu nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ và chữ viết Chăm được lưu hành từ thế kỷ thứ 4 cho đến hôm nay. Dựa vào nhiều nguồn tư liệu khoa học, tác giả đi đến nhận định rằng: Akhar Thrah Chăm lần đầu tiên xuất hiện trên bia kí Po Romé(1627-1651) và đến hôm nay vẫn còn lưu hành trong các tầng lớp tu sĩ, bô lão, trí thức và đồng bào Chăm là một chữ viết phổ thông chứ không phải là chữ Chăm cổ điển như BBSSCC xuyên tạc để bào chữa cho những cải biên sai lầm trong sách giáo trình của cơ quan này.

 

2. Hoa Fatimah (EFEO-Kuala Lumpur): «Ðặc điểm chữ viết Chăm trong tư liệu hoàng gia Champa»

Tư liệu hoàng gia là văn kiện hành chánh chính thức của vương quốc Champa viết từ năm 1702 đến năm 1850 bao gồm nhiều thể loại như đơn từ, giấy tố tụng, đơn khiếu nại, ngân sách thu chi, v.v.Tác giả cho rằng, chữ Chăm trong tài liệu hoàng gia Champa không phải là chữ Chăm cổ như một số người hiểu lầm mà đây là chữ Chăm phổ thông (Akhar Thrah) vẫn còn lưu hành ở làng Chăm cho đến hôm nay. Vì là văn bản chính thức của một quốc gia, thành vậy Akhar Thrah Chăm dùng trong tài liệu hoàng gia Champa đã trở thành một ngôn ngữ và chữ viết chuẩn mực đáng tin cậy dùng làm kim chỉ nam cho ngôn ngữ và chữ viết Chăm hôm nay.

 

3. Lưu Quang Sang (Hội Bảo Tồn Văn hóa Truyền Thống Chăm Hoa Kỳ): «Sự phát triển ngôn ngữ Chăm thời Dương Tấn Phát»

Cụ Dương Tấn Phát (1880-1964), Tri Huyện An-Phước là người có đầy đủ quyền lực chi phối mọi sinh hoạt của đồng bào Chăm. Dưới thời cụ, chưa có trường lớp chính thức dạy ngôn ngữ chữ viết Chăm. Thường thì thanh niên Chăm theo học tại gia, tìm một vị trí thức nào đó, gọi là gru rồi theo thầy học. Theo tác giả Lưu Quang Sang, Akhar Thrah Chăm dưới thời cụ Dương Tấn Phát vẫn giữ nguyên nội dung hình thái truyền thống của nó, chưa có sự sửa đổi gì dù là nhỏ nhất. Akhar Thrah Chăm dưới thời cụ Dương Tấn Phát là một loại chữ viết Chăm truyền thống mà các bậc tu sĩ, bô lão và trí thức Chăm đang sử dụng hôm nay, không bao giờ có poah gak như BBSSCC đã đề ra.

 

4. Thành Phú Bá (Cựu Quản Ðốc Trường Trung Học An Phước Chăm): «Sự chỉnh lý Akhar Thrah Chăm qua các giai đoạn»

Tháng 8 năm 1964, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng hòa chấp thuận cho dạy chữ Chăm trong các trường tiểu học, thành lập Ban Soạn Thảo Giáo Trình dạy chữ Chăm đặt dưới quyền chỉ đạo của ông Thiên Sanh Cảnh, Lâm Gia Tịnh và Thành Phú Bá. Trong sách giáo trình này, Ban Soạn Thảo Giáo Trình chỉ chuẩn hóa nét chữ của 5 phụ âm quá gần gũi với nhau, như khanya; laga; badha, v,v. Về dấu âm, Ban Soạn Thảo Giáo Trình chỉ chỉnh lý âm “m” bằng ký hiệu tut takai mâk lingiw mà thôi. Thí dụ dalim “trái lựu”. Còn việc cấu trúc âm vần chữ Chăm, qui luật chính tả, Ban Soạn Thảo Giáo Trình vẫn giữ nguyên như Akhar Thrah Chăm truyền thống, tức là không bao giờ có paoh gak và lược bỏ dar tha ra khỏi craoh aw như BBSSCC đã cải biến.

 

5. Quảng Văn Ðại (Chức sắc Chăm Ahiér): «Ngôn ngữ chữ viết dùng trong cộng đồng chức sắc Chăm Ahiér»

Dân tộc Chăm không có trường chuyên để dạy chữ Chăm. Thành vậy, các chức sắc Ahiér muốn biết chữ Chăm thì phải tự tìm thầy để học.Theo tác giả Quảng Văn Ðại, các bậc tu sĩ luôn luôn xem Akhar Thrah Chăm như là một di sản tinh thần và cũng là phương tiện thiêng liêng để nối liền giữa chức sắc và thần linh. Chính vì thế, họ không bao giờ chấp nhận sửa đổi Akhar Thrah Chăm truyền thống thành một loại chữ Chăm lai căng như BBSSCC đã chế biến từ năm 1978. Ðiều này đã làm đảo lộn tâm linh của cộng đồng chức sắc người Chăm. Họ than oán gần 30 năm qua về chữ Chăm lai căng của BBSSC, nhưng không giám nói ra vì sợ bị kết tội chống phá nhà nước.

 

6. TS. Thành Phần (Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, TP. Hồ Chí Minh): «Sự phát triển ngôn ngữ và chữ viết trong cộng đồng người Chăm Awal» (nghiên cứu trường hợp Akhar Thrah)

Công đồng người Chăm Awal tại Việt Nam hiện nay vẫn còn lưu giữ di sản văn hoá truyền thống mà tiêu biểu rõ nét nhất là những văn bản viết tay bằng Akhar Thrah còn gọi là chữ viết Chăm truyền thống. Từ xưa đến nay, chủ nhân bảo tồn và phát triển ngôn ngữ - chữ viết Chăm trong cộng đồng người Chăm Awal chủ yếu là thuộc giới chức sắc, tăng lữ như Acar, Maduen, Gru Urang và các giới bô lão. Ðó là những người có công truyền dạy Akhar Thrah Chăm cho nhiều thế hệ theo phương pháp truyền thống. Chính vì thế, chữ Chăm trong cộng đồng Chăm Awal không bao giờ có paoh gak, không lược bỏ dar tha ra khỏi craoh aw như chữ của BBSSCC hôm nay.

 

7. Nguyễn Văn Tỷ (Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm): «Sự hình thành của Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận»

Bài này chỉ là bản báo cáo  mà tác giả Nguyễn Văn Tỷ tóm lược lại lịch sử hình thành BBSSCC vào năm 1978 và liệt kê hàng loạt thành tích của cơ quan này đạt được.

 

8. Lộ Minh Trại (Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm): «Sự cải tiến về cách viết chữ Chăm cuả Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận»

Bài khảo luận của Lộ Minh Trại trình bày quy luật cải biên chữ Chăm của BBSSCC qua các thời kỳ khác nhau từ năm 1978 đến hôm nay. Ðiểm chính yếu của bài này, tác giả đi giải thích tại sao BBSSCC phải cải tiến cách viết chữ Chăm truyền thống (Akhar Thrah). Tiếc rằng,với tư liệu nghèo nàn, cách viết lụm thụm, sai chính tả nên bài viết không có sức thuyết phục mà chỉ bộc lộ yếu điểm của sự chuẩn hóa chữ Chăm của BBSSCC không dựa trên cơ sở khoa học nào, đã làm đảo lộn cả một hệ thống ngôn ngữ và chữ viết Chăm.

 

9. Thuận Ngọc Liêm (Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm): «Vấn đề cải biên một số chữ viết Chăm»

Nội dung của bài này, tác giả cứ lặp đi lặp lại một lý do duy nhất, đó là: Hầu giúp các em học sinh dễ nghe, dễ đọc và dễ viết chữ Chăm cho nên BBSSCC phải cải biên chữ Chăm truyền thống Akhar Thrah bằng cách tự chế tạo thêm paoh gak, lược bỏ dar tha ra khỏi craoh aw, v.v. Tuy nhiên, bài viết không đưa ra một chứng cứ tư liệu khoa học nào cụ thể mà chỉ viết theo ý chí chủ quan, riêng tư của tác giả .

 

10. Ts. Shine Toshihiko (Ðại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản): «Kinh nghiệm người nước ngoài học chữ Akhar Thrah Chăm»

Bài viết trình bày lại kinh nghiệm học chữ Chăm truyền thống (Akhar Thrah) của tác giả. Là người Nhật Bản, Ts. Shine Toshihiko học chữ Chăm để đọc văn bản Chăm về văn hóa và lịch sử Champa. Nhờ học chữ Chăm truyền thống do Ts. Thành Phần hướng dẫn, tác giả đã đọc được hầu hết những văn bản viết bằng tiếng Chăm, cả tư liệu hoàng gia Champa. Theo tác giả, đây cũng là vấn đề đáng đưa ra để suy nghĩ: Tại sao học sinh học chữ Chăm của BBSSCC không đọc được Akhar Thrah Chăm truyền thống. Sự khác biệt này có chăng phát xuất từ phương pháp giảng dạy tiếng Chăm của BBSSCC không đạt được chất lượng cao?

 

11. Sử Thị Thu Trang (Ðại Học Malaya, Mã Lai): «Học chữ Chăm Akhar Thrah qua chương trình của Ban Biên Soạn và Trường Viễn Ðông Pháp»

Bài này, tác giả trình bày ưu điểm và khuyết điểm trong việc học và dạy tiếng Chăm của BBSSCC và Trường Viễn Ðông Pháp. Tác giả tự kể rằng, đã từng là học sinh giỏi trong khóa đào tạo chữ Chăm của BBSSCC nhưng khi sang Mã Lai du học, tác giả không đọc được văn bản viết bằng chữ Chăm truyền thống dùng làm tư liệu trong việc nghiên cứu. Chính vì thế, tác giả phải đăng ký học lại chữ  Chăm tại Trường Viễn Ðông Pháp tại Kuala Lumpur. Nhân dịp hội thảo này, tác giả trình bày lại những ưu và khuyết điểm giữa hai giáo trình trên và kính mong BBSSCC tiếp thu những khuyết điểm để chỉnh sửa lại giáo trình dạy tiếng Chăm đạt chất lượng hơn.

 

12. Dominique Nguyen (Chương trình Thế Giới Mã Lai-Ðông Dương): «Chung Quanh Vấn Ðề Sự Chỉnh Lý Tiếng Chăm Sau 1978»

Dominique Nguyen phân tích những sai lầm trong tư liệu của BBSSCC mang tựa đề: «Sự Cải Tiến Về Cách Viết Chữ Chăm Của Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm» xuất bản vào tháng 8 năm 1995. Trong hàng loạt công thức cải biên này, có 3 trường hợp chuẩn hóa sai lầm của BBSSCC đã làm đảo lộn hoàn toàn hệ thống chữ viết Chăm. Trong bài này, Dominique Nguyen phát hiện rằng Lộ Minh Trại, trưởng ban BBSSCC không thông thạo chữ viết Chăm. Chính vì thế, bài viết của ông ta đã vấp phải một số lỗi chính tả. Vì vậy, Dominique Nguyen đặt vấn đề: Một trưởng ban BBSSCC không có trình độ chữ viết Chăm vững chắc, thế thì làm sao có thể quản lý và điều hành cả công trình biên soạn sách và công tác giảng dạy chữ Chăm, một công việc đòi hỏi phải có kiến thức rộng rãi và vững chắc về ngôn ngữ và chữ viết Chăm.

 

13. Ts. Phú Văn Hẳn (Viện KHXH Vùng Nam Bộ tại T/p Hồ Chí Minh): «Akhar Thrah với việc cải tiến của Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm»

Tham luận của Ts. Phú Văn Hẳn trình bày các ý kiến liên quan đến việc cải tiến Akhar Thrah của BBSSCC. Theo Ts. Phú Văn Hẳn, việc cải tiến cách viết chữ Chăm của BBSSCC đã làm chệch mục tiêu bảo tồn và phát huy vốn văn hoá dân tộc, làm cho con em học giáo trình của BBSSCC không thể đọc và hiểu văn bản viết bằng Akhar Thrah do cộng đồng người Chăm đang sử dụng trong thôm xóm hôm nay. Sự sai lầm này phát xuất từ hai nguyên nhân: 1. Nhận định sai lệch về qui luật tiếng Chăm, vì BBSSCC cho rằng “một ký hiệu chỉ có một cách phát âm”. Vì rằng, tiếng Chăm không có quy luật này. 2. BBSSCC không tôn trọng qui luật ngôn ngữ và chữ viết Chăm cho nên áp dụng “Quy luật nói sao viết vậy” vào giáo trình để giảng dạy cho học sinh. Ðiều này là sai lầm, vì tiếng nói có thể thay đổi tùy theo thời gian và tùy theo địa phương, nhưng chữ viết không bao giờ thay đổi.

 

14. Sakaya (Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm): «Giáo trình dạy chữ Chăm và hậu quả của việc cải biên ngôn ngữ và chữ viết của BBSSCC»

Tham luận này chủ yếu trình bày những ưu và khuyết điểm của giáo trình dạy học của BBSSCC từ lớp 1- 5. Theo tác giả, ngoài ưu điểm, giáo trình BBSSCC còn có nhiều bất cập và khác xa với Akhar Thrah truyền thống. Sự khác biệt này có mấy vấn đề đáng chú ý như sau: 1. Không tuân thủ nghiêm ngặt chữ viết Chăm truyền thống Akhar Thrah. 2. Giáo trình càng viết càng sai và sai theo cấp độ lớn dần. 3. Vấp phải nhiều lỗi chính tả và ngữ nghĩa của từ. 4. Viết và dịch danh từ riêng một cách tùy tiện. 5. Giải thích và định nghĩa sai một số sự vật và hiện tượng. 6. Qui luật «nói sao viết vậy» của BBSSCC không thể áp dụng vào Akhar Thrah Chăm. 7. Cấu trúc ngữ pháp với cách sử dụng dấu câu kì quặc và phong cách hành văn xa lạ với tác phẩm văn học Chăm truyền thống. 8. Minh họa một số hình ảnh ngoại lai làm cho học sinh Chăm dễ phai mờ hình ảnh quê hương và cội nguồn dân tộc.

 

15. Abd. Karim (Lộ Trung Cân) Viện Bảo Tàng Thế Giới Mã Lai: «Vấn đề chữ viết Chăm ngày nay»

Bài chủ yếu trình bày hậu quả của sự cải biên ngôn ngữ và chữ viết Chăm của BBSSCC từ 1978 đến nay đã đưa Akhar Thrah Chăm vào con đường thoái hóa, kéo theo sự khủng hoảng trầm trọng trong xã hội Chăm giữa thế hệ học tiếng Chăm truyền thống và thế hệ học chữ Chăm cải biên của BBSSCC. Theo Abd. Karim, một dân tộc không thể có hai chữ viết khác nhau được. Chính vì thế người Chăm cần phải dứt khoát chọn lựa:

1. Chấp nhận giáo trình cải biếân của BBSSCC tức là chấp nhận con em Chăm học chữ Chăm do BBSSCC chế biến để rồi họ không còn đọc được chữ Chăm truyền thống mà cha mẹ của họ đang sử dụng hôm nay.

2. Chấp nhận Akhar Thrah truyền thống mà dân tộc Chăm đang sử dụng hôm nay tức là yêu cầu BBSSCC phải chỉnh lý lại sách giáo trình dạy tiếng Chăm cho phù hợp với chữ Chăm truyền thống.

 

Cuối cùng tác giả yêu cầu BBSSCC chỉnh sửa lại những sai lầm trong sách giáo trình là giải pháp tốt và rất phù hợp với nguyện vọng của đồng bào Chăm đồng thời đúng với chủ trương bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của Ðảng và Nhà Nước Việt Nam đề ra.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 28, ngày 20-7-2008)