Vấn đề tín ngưỡng Chăm ở thôn Chất Thường, Ninh Thuận Print
Written by Musa Porome   
Monday, 29 June 2015 05:39
musq 10
Musa Porome

Ngày 26/06/2015 chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã điều động nhiều xe công an cơ động dùng dùi cui gậy gỗ đến làng Chất Thường (Plei Boah Dana) để giải quyết vấn đề liên quan đến một tảng đá yang Linga mà bà con Chăm cho là đá thần linh lâu đời mà họ đang thờ tự. Dẫu sự vụ có xảy ra như thế nào, người Chăm cần bình tỉnh

để phân tích và nhận định vấn đề một cách rõ ràng và chính xác, bằng không vấn đề sẽ dẫn đến hậu qủa khó lường cho cộng đồng.

 

 

Thực ra tôi chẳng muốn góp phần vào sự kiện này, nhưng cảm thấy xót xa cho số phận hẩm hiu của dân tộc, càng xót xa khi thấy những ông công an cầm dùi cui gậy gộc vào làng Chăm để can thiệp vào một sự việc đáng tiếc phải xảy ra, vì vấn đề có thể giải quyết một cách êm đẹp giữa dân làng với nhau. Phải chăng nguyên nhân chính dẫn tới sự can thiệp của công an Việt Nam là do chính người Chăm gây nên nỗi xót xa này ? Do bởi, khi tôi về Việt Nam thăm gia đình ngày 18/4/2015 vừa qua có tiếp xúc với nhiều bạn bè, thanh niên sinh viên và các vị bô lão làng Chăm, một số người kể cho nghe về vấn đề liên quan đến sinh hoạt của nhóm người Chăm mới cải giáo theo Islam ở làng Hiếu Lễ và Thành Tín, và đặc biệt về vấn đề của cộng đồng Chăm ở thôn Chất Thuờng nhưng bằng những lời kể trái chiều mà tôi tạm chia thành ba nhóm sau đây để tiện phân tích:

 

1). Nhóm thứ nhứt nói rằng đã có một nhóm người trong làng bị một số người Chăm bên Mỹ mua chuộc để thực hiện nguyện ước của chúng bằng mọi cách di dời cho bằng được tảng đá yang Linga về đặt gần cư gia của chúng nên lấy cớ cho rằng nơi thờ tự thần yang Linga Chăm đang bị người Kinh phóng uế xả rác bừa bãi chung quanh nên thần yang này cần phải di dời đến nơi trông sạch hơn ?

 

2). Nhóm thứ hai nói rằng có đa số dân làng, trong đó có các vị chức sắc lãnh đạo tôn giáo Balamôn đã chống đối mãnh liệt việc di dời và cho rằng tảng đá này đã có mặt tại nơi ấy từ lâu đời, nếu chúng ta di dời sẽ bị thần Yang trừng phạt nên quyết tâm bảo vệ.

 

3). Nhóm thứ ba nói rằng mọi sự cố xảy ra trong cộng đồng Chăm hôm nay đều phát sinh từ những tên trí thức Chăm háo danh mang bản chất cái TA quá to, từ đó dẫn tới những xáo trộn trong cộng đồng một cách đáng tiếc và đau buồn.

 

Để giải thích cho ba vấn đề nêu trên, tôi chỉ góp ý nhận định theo quan điểm của riêng tôi:

 

a. Nếu dựa theo lời kể của nhóm thứ nhứt, dân làng không nên di dời bất cứ một vật cổ nào đi nơi khác, mặc dù chỉ di dời một thần yang Linga đi nữa, nhưng Yang này đã có mặt và đang được hầu hết người Chăm theo đạo Balamôn tin tưởng và thờ tự từ lâu đời. Mặc khác, nếu quả thật có sự nhúng tay từ một nhóm Chăm ở Mỹ xúi dục thì đây là một vấn đề mà toàn thể người Chăm cần lên tiếng phản đối. Vì rằng, nếu không sớm dập tắt thì ngọn lửa này, sẽ ngày càng bùng phát mạnh. Cộng đồng Chăm nên ý thức rằng bổn phận của người Chăm là bảo tồn những di tích lịch sử văn hoá Champa mà cha ông để lại. Thêm vào đó, trách nhiệm của từng người Chăm là bảo vệ tất cả những nơi thờ tự ấy theo tín ngưỡng ông bà. Có nghĩa rằng dân làng Chất Thường có quyền đánh đuổi những phần tử người Chăm hay Kinh nào đến phóng uế xả rác bừa bãi nơi thờ tự của mình. Nếu hành động ngăn chặng này không đạt kết quả thì dân làng cần gửi kiến nghị thư lên chính quyền tỉnh yêu cầu giải quyết theo công lý để tránh xáo trộn. Hỏi chứ người Chăm có thực hiện theo công lý không hay chỉ tự tiện rủ nhau đến di dời mà không có sự đồng thuận của toàn thể dân làng phù hợp với pháp luật Việt Nam ?

 

b. Dựa theo lời kể của nhóm thứ hai, cá nhân tôi hoàn toàn đồng thuận với các vị chức sắc và các vị lãnh đạo tôn giáo. Vì rằng họ là người đại diện cho cộng đồng Chăm theo Balamôn trên cả hai mặt tôn giáo và công quyền nên họ có quyền quyết định. Chúng ta chớ nên vội vã đưa ra quan điểm một cách sai lầm cho rằng các vị chức sắc này thuộc nhóm chức sắc quốc doanh. Vì rằng, họ không do nhà nước Việt Nam chỉ định, mà do chính cộng đồng Chăm Balamôn tuyển chọn.

 

Người Chăm, nhứt là các bạn thuộc thế hệ mới ngày nay nên sống thoáng, sống tiến bộ và văn minh. Chấp nhận định mệnh mất nước mà hoà mình theo sự tiến hoá mới. Thế giới khoa học hiện đại ngày nay không còn ngăn cách ranh giới giữa quốc gia và nhân thế. Sống trong một quốc gia nào thì chấp hành theo luật pháp của quốc gia đó. Vận dụng kiến thức của mình để nhận định và đấu tranh một cách chính xác là thoả mãn cả hai yếu tố cống lý và tín ngưỡng.

 

c. Tôi rất đồng ý theo quan điểm của nhóm thứ ba, vì rằng kinh nghiệm đã cho thấy mọi sự cố xảy ra trong cộng đồng Chăm đều phát sinh từ chính nhóm trí thức Chăm. Đây là những thì dụ điển hình:

 

• Trường hợp cộng đồng Chăm chia thành bè phái và đố kỵ nhau trước năm 1975 cũng vì tranh chức và tranh quyền với nhau. Và hiện tượng này vẫn còn tiếp nối cho đến hôm nay.

 

• Trường hợp của một nhóm người Chăm tự tiện cải biến Akhar Thrah Chăm truyền thống do cha ông để lại đã làm đảo lộn đi ngôn ngữ chữ viết Chăm hôm nay.

 

• Trường hợp một số hội đoàn người Chăm ở hải ngoại tự tiện biến lễ tục Kate của Chăm Balamôn thành lễ quốc khánh Champa, không liên hệ gì đến di sản văn hoá của dân tộc.

 

• Trường hợp người Chăm tự bán đất bán ruộng rẫy cho người Kinh và...v..v... sau biến cố năm 1975.

 

Những sự cố vừa nêu ra đều phát xuất từ người Chăm, chứ không phải vì sự nhúng tay của chính quyền Việt Nam. Một khi nhìn nhận mình là trí thức, người Chăm không nên tiếp tục lấy quan điểm cá nhân của mình làm chuẩn để thống trị xã hội này.    

 

Vấn đề tự do tín ngưỡng của người Chăm và lý do người Kinh xây dựng nhiều nhà thờ và đình chùa khắp nơi là một trong những câu hỏi mà tôi đưa ra khi gặp công an Tỉnh và Thành Phố trong thời gian tôi về thăm cố hương. Tôi rất đồng ý với những lời giải đáp của công an về những thắc mắc của tôi. Họ giải thích rằng mọi sự việc mà người Kinh thực hiện đều chiếu theo luật pháp, nghĩa là họ đệ đơn lên chính quyền để xin phép thực hiện mọi nhu cầu của họ, trong khi người Chăm một khi thực hiện bất cứ việc gì là làm theo sự tuỳ tiện và tự quyết. Họ (công an) có nhắc đến hai trường hợp của cộng đồng Chăm trong đó có trường hợp của thôn Chất Thường liên quan đến sự di dời tảng đá Linga, và sự kiện ở làng Thành Tín và thôn Hiếu Lễ liên quan đến việc những người cải giáo theo Islam muốn xây dựng ngôi chùa Islam tại đó mà không nạp đơn xin phép. Họ (công an) khuyến khích tôi nên đến thăm những sinh hoạt của ba làng này để tìm hiểu sự việc cho chính xác, rất tiếc tôi không có thì giờ.

 

Trở lại vấn đề quyền tự do tín ngưỡng. Đây là quyền tự do lựa chọn của từng cá nhân và là một quyền mà cộng đồng Chăm thường rêu rao oán trách chính quyền đã ngăn cấm họ thực hiện như vụ việc di dời thần yang linga kể trên. Hỏi chứ người Chăm mình đã thực tâm thừa nhận và nghiêm túc thực hiện quyền tự do này chưa ? Tại sao có lắm người Chăm thường hay quấy nhiễu chống đối đả phá nhau dữ dội một khi có bất kỳ người Chăm nào cải giáo gia nhập tôn giáo khác mà họ lựa chọn ? Trường hợp ở thôn Hiếu Lễ và Thành Tín giữa Bani và Balamôn với Islam là một thí dụ điển hình mà sự việc đã dấy lên bao làng sóng xung đột đáng lo ngại cho tương lai con em của cộng đồng. Có phải đây là vấn đề phát xuất từ chính quyền hay từ chính cộng đồng Chăm ?

 

Tóm lại, chúng ta vẫn biết mọi sự cố không tốt xảy ra là cơ hội ngàn vàng cho kẻ thù đang rình rập chụp lấy cớ chống lại cộng đồng Chăm. Thế nên, chớ tiếp tục than thân trách phận, chớ oán trách chính quyền hay bất cứ ai khác, nên trách bản thân mình trước. Vì rằng mọi sự cố xảy ra đều có nguyên do của nó. Kinh nghiệm đã cho thấy mọi sự xung đột xảy ra từ xưa đến nay đều phát xuất từ người Chăm gây nên chứ không phải từ những ai khác. Nếu muốn có đời sống an bình, lành mạnh, phát triển, và tiến bộ, người Chăm cần thay đổi tư duy. Đây chỉ là quan điểm nhận xét khách quan nhằm góp phần xây dựng, nếu có điều chi trái sự thật mong quí độc giả gởi lời phê bình xây dựng.