Giới thiệu tác phẩm mối bang giao Champa và triều Nguyễn Print
Written by Po Dharma   
Saturday, 17 March 2012 23:49
champaka 5
Champaka 5

Tác phẩm mang tựa đề The Nguyen and Champa during 17th and 18th Century. A Study of Nguyen Foreign Relation đăng trong tập san Champaka 5, 2007 là một công trình khoa học của Gs. Danny Wong Tze-Ken thuộc phân khoa sử học của Ðại Học Malaya, Mã Lai, một nhà nghiên cứu quen thuộc chuyên về lịch sử bang giao giữa nhà Nguyễn và vương quốc Champa và cũng là thành viên trong ban biên tập của tập san Champaka.

Nói đến lịch sử Champa, thì người ta phải nói đến nhà Nguyễn. Nhưng lịch sử liên hệ giữa hai quốc gia này chỉ được trình bày sơ qua trong các bài kỷ yếu của hội thảo hay những tác phẩm lịch sử chuyên về Việt Nam. Lần đầu tiên, Gs. Danny Wong Tze-Ken mang lại cho độc giả một công trình nghiên cứu có một giá trị khoa học vững chắc về lịch sử nhà Nguyễn kể từ khi Nguyễn Hoàng được đề cử cai trị xứ Thuận Hóa vào năm 1558 cho đến ngày sụp đổ của Nhà Nguyễn vào năm 1776 trước sự vùng dậy của Tây Sơn.

Tác phẩm này cũng chú tâm đến nguyên nhân sự ra đời vào năm 1600 của một quốc gia độc lập mà Nguyễn Hoàng đã xây dựng trên lãnh thổ Champa ở phương bắc bị chiếm đóng mà sử Việt gọi là Thuận Hóa cũng như nguyên nhân chiến tranh giữa chúa Nguyễn ở phương nam và chúa Trịnh ở phương bắc.

Một khi không còn đủ sức lực tiến quân chống chúa Trịnh ở phương bắc, nhà Nguyễn chỉ còn cách là xua quân đánh phá nước láng giềng ở phía nam, tức là Champa để tạo thêm uy tín của một triều đình nhà Nguyễn vừa mới thành lập và củng cố thêm tài nguyên chiến tranh bằng cách vơ vét của cải Champa để phục vụ tiềm năng quân sự nhằm tái lại oai quyền ở phương bắc. Kể từ đó, Champa trở thành nạn nhân của cuộc Nam Tiến Nhà Nguyễn. Năm 1611 nhà Nguyễn xâm chiếm Phú Yên. Năm 1653, nhà Nguyễn làm chủ khu vực Kauthara (Nha Trang) và năm 1658, nhà Nguyễn vượt biên giới Champa để xâm chiếm Sài Gòn, biến Champa thành một lãnh thổ nằm trong gọng kèm quân sự của nhà Nguyễn.

Bị bóp chẹt trong gọng kèm mà chủ nhân có quyền lực là nhà Nguyễn, vương quốc Champa trở thành một quốc gia chư hầu của triều ồđình Phú Xuân và định mệnh của vương quốc này hoàn toàn tùy thuộc vào lòng ưu ái của nhà Nguyễn mà thôi.

Tác phẩm của Gs. Danny Wong Tze-Ken kết thúc mối liên hệ giữa Champa và nhà Nguyễn vào năm 1776. Hy vọng rằng tác giả này sẽ bàn đến lịch sử Champa và mối quan hệ của nó với thời Tây Sơn sau 1776 trong một tác phẩm khác.

Nhà Nguyễn và Champa vào thế kỷ 17 và 18. Nghiên cứu mối bang giao của nhà Nguyễn là một tác phẩm khoa học nghiêm túc dựa trên tư liệu rất dồi dào và nguyên bản, nhất là biên niên sử nhà Nguyễn và tài liệu hoàng gia Champa bằng tiếng Hán. Nội dung của tác phẩm này có giá trị khoa học cao, vì tác giả luôn luôn đặt mình vào đúng vị trí của một nhà nghiên cứu để đưa ra những sự thật của biến cố với tầm nhìn rất khách quan, chính xác có cơ sở khoa học vững chắc.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka 21: 6-5-2007)