Trà Vigia nói gì về thực trạng của xã hội Chăm hôm nay? Print
Written by Trà Vigia (độc giả trong nước)   
Saturday, 06 May 2017 06:24
tra 10
Trà Vigia

Trà Vigia là tay bút người Chăm đã từng đăng tải nhiều bài quan điểm có giá trị về thực trạng của xã hội Chăm hôm nay. Trên mạng facebook tuần này, Trà Vigia có đưa ra vài nhận định rất sâu sắc về bản chất tiêu cực và tích cực của dân tộc Chăm đối với di sản văn hoá và lịch sử Champa. Đây là bài viết có nội dung súc tích và phương  pháp phân tích rất khách quan về bề trái của xã hội Chăm. Tác giả cho rằng:

 

 

“Có quá nhiều sự hiểu lầm và định kiến do vô tình hay cố ý, có những nhận định thô thiển đôi khi mang tính xuyên tạc khiến cho thân phận người Chăm vốn đã thảm thương lại càng bi đát hơn (…) Họ đã bị thế giới xóa tên, bị các tộc người khác lãng quên và họ đang trong ác mộng khước từ ngay chính bản thân mình! (…) Khi phải đối kháng với một thế lực nhập thế mang tính bầy đàn thì Chăm trở nên lạc lõng cô lập không thể tự bảo vệ mình trong những tình hình bất khả kháng (…) Nguyên nhân lớn nhất vẫn là Chàm không biết thương nhau, không biết cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau những khi nguy nan khốn khó. Có lẽ Chàm bại trận quá nhiều lần nên không muốn ai hơn mình nhưng chỉ với người đồng tộc, chẳng lẽ lại hơn thua với Tàu Tây Mỹ…

 

Trong bài viết này, có 2 nhầm lẫn cần chỉnh sửa lại:

 

•  Tác giả cho rằng chữ viết Chăm ra đời vào đầu thế kỷ thứ IV. Nên đính chính lại rằng chữ Chăm ra đời kể từ thế kỷ thứ II. Thế kỷ thứ IV chỉ đánh dấu cho ngày ra đời tiếng nói của dân tộc Chăm trên bia Đồng Yên Châu, chứ không phải là chữ Chăm.

 

• Tác giả cho rằng Hồi Giáo du nhập vàp Champa kể từ thế kỷ thứ X. Nên đính chính lại rằng Hồi Giáo có mối liên hệ với Champa kể từ thế kỷ thứ X nhưng Hồi Giáo du nhập vào Champa chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ XVI.

 

Sau đây là nguyên văn bài viết của Trà Vigia:

 


NHỮNG VỊ ÂN NHÂN CHĂM

 

 

Chăm là một trong 54 dân tộc anh em đang sống trong cộng đồng đất nước Việt nam trên dải đất mang hình chữ S, một hình tượng mang dáng con rồng hay con rắn đang cựa mình để tìm một sự sống trường tồn vĩnh cửu. Nếu những dân tộc thiểu số khác thường cư trú trên những đồi núi cao nguyên thì người Chăm vẫn chung thủy định cư trên những đồng bằng nhỏ hẹp cằn cỗi. Do đó thay vì khái niệm dân tộc miền núi đối với những dân tộc ít người khác thì với Chăm lại là dân tộc miền xuôi, một cụm từ tưởng như đơn điệu nhưng hàm chứa nhiều phạm trù súc tích.

 

Có lẽ không nhiều người biết rõ về nhân thân người Chăm như thế nào và lịch sử của họ ra sao ngoại trừ một số người có học vấn cao cũng như có chuyên môn nghiên cứu sâu, có một sự giao cảm sâu sắc đối với dân tộc ngoại lệ này! Có quá nhiều sự hiểu lầm và định kiến do vô tình hay cố ý, có những nhận định thô thiển đôi khi mang tính xuyên tạc khiến cho thân phận người Chăm vốn đã thảm thương lại càng bi đát hơn…

 

tra 20-2

 

Quá khứ đã đi qua không cần phải nhắc nhớ lại vì chúng ta đang đối mặt với hiện tại để hướng đến tương lai, lịch sử cần được tôn trọng và mỗi con người cũng cần được tôn trọng tương ứng! Vương quốc Champa đã từng hiện diện trên mảnh đất này sớm hơn cả, họ thành lập nước vào cuối thế kỷ thứ II, có chữ viết vào đầu thế kỷ thứ IV và cáo chung từ nửa đầu thế kỷ thứ XIX như một định mệnh nghiệt ngã. Họ đã bị thế giới xóa tên, bị các tộc người khác lãng quên và họ đang trong ác mộng khước từ ngay chính bản thân mình! Quá trình dựng nước và giữ nước là những cuộc thiên di không bao giờ trở lại nơi chốn cũ, lùi dần về phương nam đến tận cùng bờ vực thẳm để rồi tan biến khi vị phiên vương cuối cùng vượt thoát qua nước ngoài. Di sản của họ để lại là những ngọn tháp Chàm loang lổ chơ vơ như chính cuộc đời của chủ nhân một thời lừng lẫy, một thời dựng xây để một đời ngã gục không một lời trối trăng di chúc! Không ai muốn hiểu họ ngay cả hậu duệ của họ hiện thời, không cả một lời xin lỗi cảm ơn…

 

Nhiều người muốn tìm hiểu nguyên nhân vì sao Champa vong quốc nhưng khó có lời giải thỏa đáng bởi nhiều lý do khác nhau, hỏi chỉ để tự an ủi quá khứ bi thương cũng như để giải tỏa hiện tại cùng khốn! Chăm có rừng vàng với nhiều loại gỗ quý trầm hương kỳ nam, sừng tê ngà voi và nhất là mỏ vàng Bồng Miêu lộ thiên như một kho tàng vô tận để chế tác những pho tượng cùng đồ trang sức quý giá. Có biển bạc đầy tôm cá, nhiều hòn đảo lắm yến sào và quan trọng hơn biển Champa chính là nơi giao thương quốc tế của nhiều thuyền buôn từ Á sang Âu và ngược lại. Đó là yếu tố vật chất chỉ để gợi lòng tham cho các nước láng giềng nhưng chưa phải mang tính quyết định, yếu tố tinh thần mới là cốt lõi vấn đề cần làm sáng tỏ.

 

Chăm ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nên coi cuộc sống tinh thần là tối thượng, cuộc sống vật chất chỉ là phương tiện để mỗi người tìm sự giải thoát để đạt đến một thế giới vĩnh cửu ngoài trần tục nên luôn có thiên hướng xuất thế. Khi phải đối kháng với một thế lực nhập thế mang tính bầy đàn thì Chăm trở nên lạc lõng cô lập không thể tự bảo vệ mình trong những tình hình bất khả kháng. Hệ thống xã hội chỉ chú trọng đến tự do hạnh phúc cùng sáng tạo nghệ thuật mà lơ là đi hiểm họa xâm lược từ bên ngoài có thể đe dọa thường trực đến độc lập tự chủ.

 

Sự liên kết giữa các giai tầng xã hội không được chặt chẽ bởi đã có sự phân công rạch ròi nhất quán, một đẳng cấp chiến sĩ không đủ khả năng để bảo vệ đất nước khi sự biến bất chợt xảy ra mà không được phòng bị chu toàn từ trước.

Chiến tranh không chỉ đến từ sự tranh chấp quyền lợi của các nước lân bang mà còn bắt nguồn từ sự tranh giành ảnh hưởng tôn giáo cùng những hệ lụy tất yếu của nó!

 

Phật giáo vào Chăm từ thế kỷ thứ IX một thời gian ngắn rồi suy tàn, Hồi giáo vào Chăm từ thế kỷ thứ X rồi cũng suy thoái nhưng ảnh hưởng của nó dai dẳng cho đến thế kỷ thứ XVII lại bùng phát mãnh liệt cho đến khi Champa suy vong! Ngày nay một bộ phận lớn người Chăm vẫn thản nhiên theo Balamon như máu thịt không thể tách rời cho dù phải trả giá như thế nào, cho dẫu phải trải qua bao tang thương dâu bể… Một bộ phận khác cải đạo theo Islam ngày nào cũng về quê mẹ để thành Bani như một lời sám hối muộn màng, bởi đó là một con đường gian nan của lịch sử mà lỗi không thuộc về ai! Mọi người đều là Chăm và cùng chung số phận, cùng là nạn nhân của buổi giao thời mỗi khi thiên tai địch họa như những cơn bão từ xa gầm gào thốc đến. Giờ đây chẳng còn gì để mất, chẳng còn gì để nắm lấy trong tay ngoại trừ vòng tay bè bạn!

 

Có quá nhiều người hại Chăm mà chẳng có ai thương Chàm cả, nếu Chàm không biết thương mình thì chỉ còn biết kêu trời ơi đất hỡi mà thôi! Nguyên nhân lớn nhất vẫn là Chàm không biết thương nhau, không biết cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau những khi nguy nan khốn khó. Có lẽ Chàm bại trận quá nhiều lần nên không muốn ai hơn mình nhưng chỉ với người đồng tộc, chẳng lẽ lại hơn thua với Tàu Tây Mỹ… Với lại những đối tượng ấy đâu có liên quan gì đến ta, đâu có nợ nần gì để ta kê khai hay tính sổ?! Mới nhìn thì như thế nhưng không phải thế, có liên can đấy mà thậm chí người Chăm còn phải nói bao lời ampun karun sao cho vừa!

 

Chỉ muốn nhắc nhớ một vài người đã quan tâm và thương yêu dân tộc cho dù đó là cố ý hay vô tình, trong tình cờ ngẫu nhiên hay dành cả một đời tâm huyết. Nếu không có những nghiên cứu ngôn ngữ chuyên sâu về Chăm để hình thành Từ điển Chăm-Pháp đầu tiên của hai tác giả người Pháp là Étienne Aymonier và Antoine Cabaton thì chắc chắn rằng Chăm hôm nay mờ mịt về ngôn ngữ chữ viết căn cơ của dân tộc mình. Nếu không có Henri Parmentier nghiên cứu về đền tháp Chăm thì hậu duệ hôm nay cũng không có cơ sở để nhận diện những công trình di sản về kiến trúc điêu khắc của cha ông để lại một cách tường tận như có thể. Nếu không có George Maspéro cho ra đời quyển lịch sử Champa thì Chăm hôm nay cũng không biết đâu tìm về nguồn cội vô cùng. Đó là những người đặt viên đá đâu tiên để những người đi sau tiếp bước, họ đã hy sinh biết bao nhiêu công sức để Chăm có cơ may nhận diện được mình mà chẳng kể công một lời nào! Họ đã cống hiến đời mình để giải minh phần nào công lao những người đi trước đã từng khai phá và tô điểm tươi xanh miền đất này, cho dù nay đã trở nên hoang tàn phế tích. Người đời sau cần phải ghi ơn trân trọng, đóng góp một chút gì để nhớ để thương!

 

Thế hệ tôi chỉ được mục kích những gì nhìn được trong tầm mắt và nắm bắt trong tầm tay để ghi nhận những người thầy mình chưa trả nghĩa. Những người học trò khóa đầu của trường An Phước tiền thân của trường Po Klong chắc không ai quên hình ảnh thầy Jay Scarbourough đã thiện nguyện dạy Anh văn cho học sinh Chăm, đã chạy vạy xin vật tư để xây thêm lớp và ký túc xá, đã hiên ngang che chắn bảo bọc học sinh trong cơn bão lửa pháo kích năm nào! Chắc cũng không ai quên Cha Gérard Moussay đã hết lòng tạo điều kiện cho con em Chăm có chỗ tạm trú để yên tâm đi học trong một môi trường lành mạnh đầy nhân ái. Đặc biệt hơn ông đã tập hợp các trí thức Chăm để soạn cuốn Từ điển Chàm-Việt-Pháp coi như một cột mốc cho ngôn ngữ Chăm hiện đại, là chuẩn mực cho những công trình khác ra đời. Mới đây ông lại tiếp tục hoàn tất cuốn Ngữ pháp tiếng Chăm như là một tặng phẩm cuối cùng trước khi ông xuôi tay nhắm mắt!

 

Không biết phải nói thế nào về những đóng góp to lớn đó, người Chăm chỉ biết ghi lòng tạc dạ những vị ân nhân đầy duyên và nợ kể trên. Nhiều nền văn minh đã đi qua không để lại một âm vang tiếng vọng, người Maya ở Mexico hay người Inca ở Peru chỉ còn lại cái bóng mờ khi hoàng hôn từ biệt. Chàm ơi hãy giữ lại những gì mình có và hãy quên đi những gì cần đáng quên, bởi ngày mai trời sẽ hừng đông khi vẫn tin mặt trời vẫn mọc trong tim người!

 

Trà Vigia

 

tra 20-1