Chế Linh nên đọc quan điểm của Lưu Quang Sáng về việc trùng tu đền Po Nagar Print
Written by Amuchandra Luu   
Saturday, 25 March 2017 23:34

luu 10
Lưu Quang Sáng

Dưới thời chúa Nguyễn, dân tộc Chăm phải đến tận Nha Trang để cúng tế Po Ina Nagar. Năm 1771, Tây sơn vùng dậy, chiếm Nha Trang để làm khu quân sự địa đầu chống lại quân Nguyễn Ánh ở phía nam. Kể từ đó, Chăm không thể đến Nha Trang để cúng tế và quyết định xây dựng một đền mới gần bờ sông ở làng Mông Đức để thờ Ngài. Tiếc rằng, đền Po Nagar ở Mông Đức bị nước ngặp hàng năm khi có mùa mưa. Chính vì nguyên nhân đó, đồng bào Chăm xin chính quyền Pháp dời về thôn Hữu Đức mà chúng tôi không biết vào năm nào.

 

 

 Sau mấy thập niên tồn tại, đền Po Nagar Hữu Đức bị xuống cấp. Hôm nay Tập Đoàn Hoa Sen đứng ra tài trợ 5 tỷ đồng để xây dựng lại đền này. Tập Đoàn Hoa Sen là công ty xây dựng, có dự án mua đất ở Ninh Thuận để xây dựng hảng luyện thép ở Cà Ná.

 

Theo tin từ Việt Nam cho biết, 5 tỷ của Tập Đoàn Hoa Sen hoàn toàn do chính quyền tỉnh Ninh Thuận nắm giữ và đứng ra quyết định mọi dự án thiết kế đền Po Nagar mà dân tộc Chăm không biết một chi tiết gì về dự án này, từ mô hình thiết kế, phong cách trang trí nằm trong không gian của ngôi đền, cho đến hồ sơ chi tiêu cho dự án này. Và người Chăm chẳng có quyền nêu ra câu hỏi, những chi tiết thiết kế đền Po Nagar do tỉnh Ninh Thuận đưa ra có phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc Chăm hay không? Hay nói một cách khác, dân tộc Chăm chỉ là công dân ngoại lệ, không có quyền gì bàn đến chương trình của tỉnh Ninh Thuận nhằm trùng tu lại đền này.

 

Ai cũng biết, đền Po Nagar Hữu Đức là di tích lịch sử nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Kể từ đó, chủ quyền của đền Po Nagar Hữu Đức phải thuộc về quốc gia Việt Nam. Nhưng đền này là trung tâm tín ngưỡng mà người Chăm đang thờ phụng hôm nay. Chính vì nguyên nhân đó, chủ nhân của đền Po Nagar Hữu Đức phải thuộc về dân tộc Chăm, tức không ai có quyền thay đổi một chi tiết gì trong không gian của ngôi đền này mà không có sự đồng ý của dân tộc Chăm.

 

luu nhan trang 20-2

 

Dân tộc Chăm là chủ nhân của Po Nagar Hữu Đức. Tiếc rằng chính quyền Ninh Thuận muốn trùng tu lại đền của Ngài, nhưng không cần hỏi ý kiến của dân tộc này. Đây là chính sách thống trị dân tộc Chăm thua trận thì đúng hơn, vì nhà nước Việt Nam không bao giờ hành động như thế đối với các đền đài Phật Giáo, Công Giáo hay Cao Đài ở quốc gia này.

 

Sau đây là nguyên văn bài viết của tác giả Amuchandra Luu đăng trên facebook liên quan đến chương trình trùng tu đền Po Nagar ở Hửu Đức mà ca sĩ Chế Linh nên đọc cho kỷ trước khi viết thư cám ơn chính quyền Ninh Thuận và Tập Đoàn Hoa Sen.

 

Trùng Tu Pô Inư Nưgar Hamu Tanran của người Chăm:

Niềm Vui và Tiếng Khóc

 

Tác giả: Amuchandra Luu

 

Đền Pô Inư Nưgar ở Hamu Tanran được tri huyện Dương Tấn Phát vận động tất cả các làng Chăm góp công xây dựng vào năm 1954. Đền đã xuống cấp từ hơn 20 năm qua. Chăm vác đơn kêu mãi kêu hoài mà chẳng ai nghe. Hay nghe mà cứ giả vờ điếc. Hôm nay bỗng nghe tin Đền được trùng tu, xiết bao là mừng vui. Tôi vui, bà con anh chị em Chăm vui. Vui vì Thang Pô được trùng tu, được mở rộng. Đến mùa lễ, mùa Katê, bà con Chăm có nơi chốn đàng hoàng để cúng tế, thờ phụng. Thế nhưng, vui có một, mà buồn thì gấp trăm. Buồn, tại sao?

 

luu sang 20-1

 

 

1). Các tôn giáo khác được phép trùng tu và xây dựng các nhà thờ, chùa chiền thật lớn, thật hoành tráng đến không cần thiết, sao Chăm lại không? Cứ nhìn mấy chùa Phật mọc lên khắp nơi từ Bắc vào Nam cũng đủ biết. Chẳng phải Chăm ghen tị đâu, mà là so sánh để bà con thấy.

 

2). Chăm xin được trùng tu Đền mình với kinh phí tự đóng góp nhưng không được Nhà nước cấp giấy phép, tại sao? Thật không hiểu nổi.

 

3). Chăm không cần một Ngôi Đền Tình Thương, như vô số “nhà tình thương” khắp đất nước ấy, nơi đó tiền rót xuống nhiều mà nhà như là thứ dở hơi. Các hộ nghèo thì có thể im lặng, sao cũng được, tiền trên trời rớt xuống mà. Nhưng một dân tộc có bề dày truyền thống như Chăm có thể bịt mắt để nhận cái Đền-Nhà-Tình-Thương kia không, nếu điều đó diễn ra ngày mai?

 

4). 5 tỷ đồng là số tiền khá lớn. Vậy Đền Pô Nưgar sẽ được xây như thế nào? Có đúng ý Chăm không? Đâu là chủ dự án? Sao không công khai bản vẽ cho Chăm thảo luận? Chăm có cả khối kĩ sư giỏi, có cả chục chuyên gia văn hóa có thể đóng góp nhiều ý kiến hay. Nếu các ông xây mà trật với tinh thần văn hóa Chăm, thì sao?

 

5). 5 tỷ đồng tài trợ thì hứa hẹn bà con Chăm sẽ sở hữu một ngôi đền hoành tráng nhất Panduranga. Đến đây, xin hỏi tí: Số tiền có dùng hết không, hay sẽ trôi đi mấy nơi đẩu nơi đâu khác? Ai sẽ đứng ra giám sát công trình bạc tỉ kia? Hội đồng nào sẽ nghiệm thu chất lượng công trình? Đây là khâu quan trọng nhất, chúng tôi muốn chính bà con Chăm làm thay Nhà nước ở mục này.

 

6). Lời của người phát tâm, ông Vũ Hoa Sen, rằng: "Tôi muốn đền của ngài phải được xây bằng những viên gạch tốt nhất, những trụ gỗ tốt nhất để ngài có thể ngự hơn trăm năm sau mà phù hộ cho dân làng". Hay lắm và xin hoan nghênh một tấm lòng. Nhưng để Đền đạt đến điểm hẹn đó, xin ông cho chúng tôi biết lộ trình cụ thể của nó để sự Hảo Tâm của ông không đặt sai vị trí. Xin lược lại ý chính: Bản vẽ tổng thể và chi tiết, gạch và gỗ, ban giám sát, ban nghiệm thu, và mấy thứ linh tinh khác nữa.

 

7). Vậy, rút kinh nghiệm từ những ngôi nhà tình thương, ngay từ hôm nay, Chăm phải biết kêu lên thật to, khóc thật hùng. Và cùng nhau kêu và khóc ngay bây giờ để sau này khỏi phải nhận một Đền-Pô-Nưgar-"Ngôi Nhà Tình Thương" xuất hiện một ngày không xa tại đất Hamu Tanran quê hương mình!

 

8). Tôi khóc và hy vọng tất cả Chăm cùng khóc để thức tỉnh chính mình và đánh thức lương tâm của những người có trách nhiệm. Khóc và share để tiếng nói của một dân tộc được lắng nghe. Karun! (Cám ơn!)

 

luu huu duc 20-3

 

 ĐỀN PO INƯ NƯGAR - MƠ VỀ CỔ TÍCH CHĂM HIỆN ĐẠI:
Rút tên Đền Pô Inư Nưgar ra khỏi danh sách di tích- Dừng dự án - Làm lại từ đầu

 

1). Pô Nưgar là đấng tạo dựng xứ sở của Chăm. Ngài có vị trí đặc biệt trong tâm linh dân tộc Chăm, đến nỗi ở đâu có Chăm, ở đó có Pô Nưgar. Pô Nưgar Ya Trang, Pô Nưgar Hamu Ram, Pô Nưgar Mưbơk, vân vân và Pô Nưgar Hamu Tanran, là Pô có Đền mà chúng ta đang bàn.


Chẳng những với Chăm, ảnh hưởng của Ngài đến văn hóa tín ngưỡng Việt cũng rất lớn, với nhiều tên gọi khác nhau. Từ Bà Chúa Xứ Thiên-Y-A-Na đến Bà Chúa Liễu, vân vân.


Do đó, Đền Pô Nưgar Hamu Tanran được nhiều dân tộc trong vùng thờ phụng, cúng tế. Dù đền chỉ là cái đền nhỏ, đã xuống cấp nặng, nhưng với sức cuốn hút của hình tượng Ngài, Đền Pô Nưgar đã thu hút rất nhiều du khách thập phương đến với mình trong các dịp lễ lớn.

 

2). Ngược dòng lịch sử, sau 200 năm ly tang, Chăm chưa có một công trình nào đáng kể. Do đó bà con luôn mơ một mái đền đủ lớn để ổn định đời sống tâm linh cho cả một cộng đồng. Và Đền Pô Inư Nưgar Hamu Tanran là đền duy nhất “Thuần Tâm Linh” chưa chịu tác động của du lịch. Chăm rất cần một nơi như thế.

 

Đền Pô Nưgar như đang có là không đủ, bởi nhiều nguyên do khác nhau. Nay Đền đã xuống cấp, và ý tưởng dựng lại Đền là mơ ước chung của Chăm và cả cộng đồng dân tộc trong khu vực.

 

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào cho xứng đáng với mong đợi của cộng đồng?


- 5 tỉ đồng từ Tập đoàn Hoa Sen đã đủ chưa?
- Bảng thiết kế kia đã đúng chất Chăm chưa?
- Có thể mở rộng tầm vóc của Đền Pô Nưgar MỚI đến đâu?

 

luu che linh 20-4

 

3). Hãy chung tay để dựng lên một Cổ Tích Chăm thời hiện đại!

Vậy làm thế nào?

 

• Hãy để Nhà Nước và Nhân Dân cùng làm. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến dân tộc Chăm. Công trình sẽ là tiếng thơm cho tỉnh và Quốc gia Việt Nam nói chung. Nếu công trình có tầm vóc, Việt Nam còn cho thế giới và Liên Hiệp Quốc biết rằng Việt Nam luôn quan tâm đến dân tộc bản địa theo hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Một công trình ổn định được lòng Chăm và tuân thủ Hiến Chương Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên. Có đáng không?

     

• Tỉnh hãy cho rút tên Đền Pô Nưgar khỏi di tích Tỉnh. Lí do, Đền xây vào năm 1954 hãy còn quá sơ sài. Tượng Ngài do anh Sưởng phục chế bằng thạch cao, không thể tồn tại với thời gian và cũng không đúng tầm của đền mới. Nhất là khuôn viên Đền quá hẹp, so với số dân Hamu Tanran, và cả khách thập phương về cúng tế Ngài. Hơn thế nữa, nền đá đã lở lói, nên đập luôn và xây lại móng mới. Mở rộng khuôn viên Đền, phục vụ đầy đủ mọi hạng mục cho một Di tích tầm vóc.

 

• Vẽ lại Bảng thiết kế, mời chuyên gia văn hóa Chăm góp ý.

 

• Trước kia, mặc dù tỉnh nghèo những hiểu được tầm vóc của Po Inư Nưgar, tỉnh Ninh Thuận đã rất quan tâm và huy động ngân sách được khoảng 2 tỷ đồng để trùng tu Đền, nhưng chưa khởi công.

 

• Nay ta có thêm 5 tỷ. Nếu tỉnh cho phép Chăm đóng góp thêm, số tiền có thể rất lớn. Hoặc trung ương có thể rót thêm ngân sách bao trọn gói cho Chăm như một chính sách. Từ đó ta xây dựng một Đền Pô Nưgar hoành tráng, sau đó ta trở lại công nhận Đền là di tích mới xứng tầm và cũng không gì là muộn.

 

• Về tượng Bà, ta lấy mẫu tượng Pô Nưgar Nha Trang, đặt cho nhà điêu khắc dùng chính loại đá sa thạch tạc tượng Bà. Pô Dhya chrok suan - làm lễ nhập thần cho Bà.

Vẫn còn kịp bà con ạ! Không thể “một lần đi, mười lần rửa”. Cơ hội chỉ có một lần và ta phải tận dụng nó đúng mức và đúng lúc với tầm nhìn trăm năm.

 

Xin Thỉnh Nguyện

 

Amuchandra Luu

(Xin share rộng rãi)